Thư gởi trường học - Quyển I – Ngày 15-09-1979
Người ta có khuynh hướng không nhớ hay là không lưu tâm đến trách nhiệm của người giáo dục là tạo ra một thế hệ mới của những con người mà theo tâm lý, ở phía bên trong được tự do khỏi những đau khổ, những lo lắng và lao dịch. Nó là một trách nhiệm thiêng liêng, không phải để bị thoái thác một cách dễ dãi chỉ vì những tham vọng, địa vị hay là quyền hành riêng của người ta. Nếu người giáo dục cảm thấy một trách nhiệm như thế đó – sự vĩ đại của nó và chiều sâu lẫn vẻ đẹp của trách nhiệm đó – anh ta sẽ tìm được khả năng để giảng dạy và để trợ sức năng lượng riêng của anh ta. Việc này đòi hỏi sự chuyên cần lớn lao, không phải là một gắng sức ngẫu nhiên, có thời hạn, và chính cái trách nhiệm sâu xa đó sẽ nhóm lên ngọn lửa mà sẽ duy trì anh ta như một con người tổng thể và một giáo viên vĩ đại. Vì thế giới đang suy thoái rất mau lẹ, trong tất cả những ngôi trường này phải có một nhóm những giáo viên và những học sinh hiến dâng cho công việc tạo ra một sự thay đổi căn bản cho những con người nhờ vào phương pháp giáo dục đúng đắn. Từ ngữ đúng đắn không phải là một vấn đề của ý kiến, đánh giá hay là một khái niệm nào đó được sáng chế bởi trí năng. Từ ngữ đúng đắn có nghĩa là hành động tổng thể mà trong đó tất cả động cơ thúc đẩy của tư lợi chấm dứt. Chính cái trách nhiệm tổng thể này, sự quan tâm không chỉ của người giáo dục mà còn của em học sinh, xoá đi những vấn đề tự tạo liên tục. Cái trí dù thiếu trưởng thành như thế nào chăng nữa, ngay khi bạn chấp nhận trách nhiệm này chấp nhận đó tạo ra sự nở hoa của cái trí. Nở hoa này ở trong liên hệ giữa em học sinh và người giáo dục. Nó không phải là công việc của một phía. Khi bạn đọc những hàng này, làm ơn hãy vận dụng chú ý tổng thể của bạn và cảm thấy sự khẩn thiết và mãnh liệt của trách nhiệm này. Làm ơn đừng biến nó thành một điều trừu tượng, một ý tưởng, nhưng trái lại hãy quan sát cái sự kiện thật sự, điều đang xảy ra thật sự trong khi đọc những hàng này. Hầu hết những con người trong cuộc sống của họ, họ đều ham muốn quyền hành và giàu có. Khi được giàu có, có một ý thức của tự do, và vui thú được theo
đuổi. Ham muốn có quyền hành dường như là một bản năng được tự diễn tả trong nhiều cách. Nó ở trong vị giáo sĩ, vị gu-ru, người chồng hay người vợ, hay là trong một cậu con trai đối với một cậu trai khác. Ham muốn thống trị hay phục tùng này là một trong những qui định của con người, có thể được thừa hưởng nơi thú vật. Sự hung hăng và nhường nhịn này làm hư hỏng tất cả những liên hệ trong suốt cuộc sống. Đây đã là cái khuôn mẫu từ khi có sự bắt đầu của thời gian. Con người đã chấp nhận việc này như là một phương cách tự nhiên của cuộc sống, với tất cả những xung đột và những đau khổ mà nó mang lại. Theo căn bản đo lường có liên quan trong nó – nhiều hơn và ít hơn, to hơn và nhỏ hơn – mà thực chất là so sánh. Người ta luôn luôn đang so sánh chính mình với người khác, đang so sánh một bức tranh với một bức tranh khác; có sự so sánh giữa quyền hành lớn hơn và kém hơn, giữa người nhút nhát và người hung hăng. Nó bắt đầu hầu như ngay từ khi mới sinh và tiếp tục suốt cuộc sống – đo lường liên tục này của quyền hành, địa vị, giàu có. Điều này được khuyến khích trong những trường tiểu học, những trường trung học, những trường cao đẳng và những trường đại học. Toàn bộ hệ thống phân hạng của chúng là cái giá trị so sánh của hiểu biết này. Khi A được so sánh với B, mà thông minh, sáng láng, tự khẳng định, chính cái so sánh đó đã hủy hoại A. Sự hủy hoại này mang hình thức của ganh đua, của bắt chước và tuân phục đến những khuôn mẫu được xác định bởi B. Việc này nuôi dưỡng, có ý thức hay không ý thức, thù nghịch, ganh tị, lo âu và thậm chí sợ hãi; và việc này trở thành một điều kiện mà trong đó A sống phần còn lại của cuộc đời em, luôn luôn đang đo lường, luôn luôn đang so sánh một cách tâm lý và vật chất.
Sự so sánh này là một trong nhiều khía cạnh của bạo lực. Từ ngữ “nhiều hơn” luôn luôn so sánh, và từ ngữ “tốt hơn” cũng vậy. Câu hỏi là, liệu người giáo dục có thể xoá bỏ đi tất cả so sánh, tất cả đo lường trong việc dạy học của anh ta hay không? Liệu anh ta có thể chấp nhận em học sinh như em là, không phải như em nên là gì, không thực hiện những xét đoán được dựa vào những giá trị so sánh hay không? Chỉ khi nào có sự so sánh giữa cái người được gọi là khôn ngoan và cái người được gọi là đần độn thì mới có một cái chất lượng được gọi là sự đần
độn. Người ngu dốt – anh ta là một người ngu dốt bởi vì so sánh hay là bởi vì anh ta không có khả năng trong những hoạt động nào đó? Chúng ta đã đặt ra những tiêu chuẩn nào đó được dựa vào đo lường và những người không đạt được những tiêu chuẩn đó được coi như là kém cỏi. Khi người giáo dục xoá sạch so sánh và đo lường, lúc đó anh ta quan tâm đến em học sinh như em là và sự liên hệ của anh ta với em học sinh là trực tiếp ngay thẳng và hoàn toàn khác hẳn. Hiểu rõ được điều này rất quan trọng. Tình yêu không có so sánh. Nó không có đo lường. So sánh và đo lường là những phương cách của trí năng. Đây là sự phân chia. Khi sự việc này căn bản đã được hiểu rồi, không phải nghĩa lý bằng từ ngữ nhưng sự thật của nó – liên hệ của giáo viên và em học sinh trải qua một thay đổi triệt để. Những kiểm tra cuối cùng của đo lường là những kỳ thi với sự sợ hãi và lo âu của chúng mà ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống tương lai của em học sinh. Toàn thể không khí của một ngôi trường trải qua một thay đổi khi không còn ý thức của ganh đua, so sánh.