Thư gởi trường học - Quyển I – Ngày 15-08-1979
Nghệ thuật vĩ đại nhất là nghệ thuật sống, vĩ đại hơn tất cả những sự việc mà con người đã tạo ra, bằng cái trí hay bằng bàn tay, vĩ đại hơn tất cả những quyển sách kinh và những thần thánh của chúng. Chỉ qua nghệ thuật sống này mà một nền văn hoá mới có thể hiện hữu. Đó là trách nhiệm của mọi giáo viên, đặc biệt trong những ngôi trường này, để tạo ra nghệ thuật này. Nghệ thuật sống này chỉ có thể đến từ tự do tổng thể.
Tự do này không phải là một lý tưởng, một sự việc sẽ xảy ra cuối cùng. Bước đầu tiên trong tự do là bước cuối cùng trong nó. Chính là bước đầu tiên mới có giá trị, không phải là bước cuối cùng. Điều gì bạn làm bây giờ còn cần thiết nhiều hơn là điều gì bạn làm vào một ngày tháng tương lai nào đó. Cuộc sống là điều gì đang xảy ra ngay lúc này, không phải là một lúc này được tưởng tượng, không phải là cái gì tư tưởng đã suy tưởng. Vậy chính là bước đầu tiên bạn làm bây giờ mới là quan trọng. Nếu bước đó ở trong phương hướng đúng đắn, vậy thì tổng thể cuộc sống mở toang cho bạn. Phương hướng đúng đắn đó không phải là hướng về một lý tưởng, một kết thúc đã ấn định sẵn. Nó không tách rời khỏi cái đó mà đang xảy ra ngay lúc này. Đây không là một triết lý, một mớ lý thuyết. Nó là chính xác cái gì từ ngữ triết lý có nghĩa – tình yêu sự thật, tình yêu cuộc sống. Nó không phải là một cái gì đó mà bạn đi đến trường đại học để học hỏi. Chúng ta đang học hỏi nghệ thuật sống trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Chúng ta sống bằng những từ ngữ và những từ ngữ trở thành ngục tù của chúng ta. Những từ ngữ cần thiết để truyền đạt nhưng từ ngữ không bao giờ là sự vật. Sự thật, thực tại không là từ ngữ nhưng từ ngữ trở nên quan trọng nhất khi nó thay thế cái gì là. Bạn có lẽ quan sát hiện tượng này khi sự diễn tả đã trở thành sự thật, thực tại thay vì chính cái sự kiện được diễn tả – cái biểu tượng chúng ta tôn thờ, cái bóng chúng ta theo sau, cái ảo tưởng chúng ta bám vào. Và thế là
những từ ngữ, ngôn ngữ, định hướng những phản ứng của chúng ta. Ngôn ngữ trở thành một sức mạnh cưỡng bách và những cái trí của chúng ta bị định hướng, bị kiểm soát bởi từ ngữ. Từ ngữ quốc gia, chính thể, Chúa, gia đình và vân vân bao vây toàn bộ chúng ta với tất cả những liên tưởng của chúng và vậy là cái trí của chúng ta trở thành vật nô lệ cho áp lực của những từ ngữ.
Người hỏi: Làm thế nào cái việc này có thể tránh đi được?
Krishnamurti: Từ ngữ không bao giờ là cái sự việc. Từ ngữ người vợ không bao giờ là cái con người đó, từ ngữ cửa ra vào không bao giờ là cái cửa ra vào thật. Từ ngữ đã ngăn cản trực nhận thật sự về sự vật hay là về con người bởi vì từ ngữ có nhiều liên tưởng. Những liên tưởng này, mà thật sự ra là những gợi nhớ lại, làm biến dạng không chỉ sự quan sát bằng mắt mà con bằng tâm lý nữa. Những từ ngữ lúc đó trở thành một vật cản trở đến cái dòng chảy tự do của quan sát. Hãy coi thử những từ ngữ thủ tướng và thư ký. Chúng diễn tả những chức năng nhiệm vụ, nhưng từ ngữ thủ tướng có ý nghĩa khủng khiếp về quyền hành, giai cấp và sự quan trọng, trái lại từ ngữ thư ký có những liên tưởng đến sự không quan trọng, giai cấp thấp kém, và không quyền hành. Vì thế từ ngữ ngăn cản bạn không nhìn vào cả hai như là những con người. Có thói kênh kiệu hợm hĩnh đã ăn sâu bám rễ trong hầu hết chúng ta, và nhìn thấy những từ ngữ này đã làm gì cho sự suy nghĩ của chúng ta và ý thức không chọn lựa về nó, là học hỏi nghệ thuật quan sát – quan sát mà không còn liên tưởng.
Người hỏi: Tôi hiểu rõ điều gì ông nói nhưng lại nữa tốc độ của liên tưởng liền ngay tức khắc đến độ phản ứng xảy ra trước khi người ta nhận ra nó. Liệu có thể ngăn cản được việc này hay không?
Krishnamurti: Đây không phải là một câu hỏi sai lầm hay sao? Ai là người ngăn cản nó? Nó có phải là một biểu tượng khác, một từ ngữ khác, một ý tưởng khác hay không? Nếu nó là như vậy, vậy thì người ta đã không hiểu rõ toàn bộ ý nghĩa sự biến thành nô lệ của cái trí do bởi những từ ngữ, ngôn ngữ. Bạn thấy không, chúng ta sử dụng những từ ngữ đầy cảm xúc; nó là một hình thức của suy nghĩ thuộc cảm xúc, tách riêng khỏi việc sử dụng những từ ngữ công nghệ
như là những thước tấc, những con số, mà chính xác. Trong sự liên hệ và hoạt động của con người, những cảm xúc đóng một vai trò lớn lao. Ham muốn rất mạnh mẽ, được nuôi dưỡng bởi tư tưởng đang tạo ra cái hình ảnh. Cái hình ảnh là từ ngữ, là bức tranh, và việc này tuân theo sự vui thú của chúng ta, sự ham muốn của chúng ta. Vì vậy toàn bộ cách sống của cuộc sống chúng ta được định hướng bởi từ ngữ và những liên tưởng của nó. Nhìn thấy được toàn quy trình này như một tổng thể là nhìn thấy được sự thật về việc tư tưởng ngăn cản trực nhận như thế nào.
Người hỏi: Ông đang nói rằng không có suy nghĩ nếu không có từ ngữ phải không?
Krishamurti: Vâng, trong chừng mực nào đó. Và luôn luôn nhớ rằng chúng ta đang nói về nghệ thuật sống, học hỏi của nó, không phải đang thuộc lòng những từ ngữ. Chúng ta đang học hỏi; không phải chúng tôi đang dạy dỗ và bạn đang trở thành một người đệ tử ngờ nghệch. Bạn đang hỏi liệu rằng có suy nghĩ mà không có những từ ngữ hay không. Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Toàn bộ suy nghĩ của chúng ta đều đặt nền tảng vào ký ức, và ký ức đặt nền tảng vào những từ ngữ, những hình ảnh, những biểu tượng, những bức tranh. Tất cả những việc này là những từ ngữ.
Người hỏi: Nhưng điều gì người ta nhớ không phải là một từ ngữ; nó là một trải nghiệm, một biến cố cảm xúc, một bức tranh của một con người hay là một địa điểm. Từ ngữ là sự liên tưởng thứ hai.
Krishnamurti: Chúng ta đang sử dụng từ ngữ để diễn tả tất cả việc này. Rốt cuộc ra, từ ngữ là một biểu tượng để chỉ rõ cái đó mà đã xảy ra hay là đang xảy ra, để truyền đạt hay gợi nhớ một điều gì đó. Liệu có một sự suy nghĩ mà không có toàn bộ quy trình này hay không? Vâng, có chứ, nhưng nó không nên được gọi là suy nghĩ. Suy nghĩ ám chỉ một sự tiếp tục của ký ức nhưng trực nhận không phải là hoạt động của tư tưởng. Trực nhận thật sự là thấu triệt toàn bộ bản chất và chuyển động của từ ngữ, biểu tượng, hình ảnh và những liên quan thuộc cảm
xúc của chúng. Nhìn thấy việc này như một tổng thể là đưa từ ngữ vào vị trí đúng của nó.
Người hỏi: Nhìn thấy tổng thể có nghĩa là gì? Ông thường xuyên nói đến việc này. Ông có ý gì qua từ ngữ đó?
Krishnamurti: Tư tưởng có tánh phân chia bởi vì trong chính nó, nó bị giới hạn. Quan sát tổng thể ám chỉ không có sự ngăn cản của tư tưởng – quan sát mà không có quá khứ như hiểu biết đang cản trở sự quan sát. Lúc đó người quan sát không còn, vì người quan sát là quá khứ, chính cái bản chất của tư tưởng.
Người hỏi: Ông đang yêu cầu chúng tôi ngừng lại cái tư tưởng?
Krishnamurti: Lại nữa, nếu chúng ta được phép vạch rõ, đó là một câu hỏi sai lầm. Nếu tư tưởng bảo chính nó ngừng suy nghĩ, nó tạo ra có hai và xung đột. Đây là một quy trình rất phân chia của tư tưởng. Nếu bạn thực sự nắm bắt được sự thật của việc này, vậy thì tự nhiên tư tưởng ngừng lại. Tư tưởng sau đó có vị trí giới hạn riêng của nó. Tư tưởng sau đó sẽ không đảm trách toàn bộ vùng đất của cuộc sống, như nó đang làm bây giờ.
Người hỏi: Thưa ông, tôi hiểu được chú ý phi thường cần thiết đến chừng nào. Tôi có thể thật sự có chú ý đó hay không, liệu tôi có đủ nghiêm túc để trao toàn năng lượng của tôi cho việc này hay không?
Krishnamurti: Năng lượng có thể bị phân chia hay sao? Cái năng lượng đã tiêu xài trong việc kiếm sống, trong việc có một gia đình và trong việc hoàn toàn nghiêm túc để nắm bắt điều gì đang được nói là toàn năng lượng. Nhưng tư tưởng phân chia nó và vì vậy chúng ta tiêu phí nhiều năng lượng vào công việc kiếm sống và rất ít về phía khác. Đây là nghệ thuật mà trong đó không còn phân chia. Đây là sự sống trọn vẹn, tổng thể của cuộc sống.