Hoàn thiện các văn bản pháp quy về thẻ

Một phần của tài liệu luận văn thanh toán thẻ ngân hàng TMCP ngoại thương huế (Trang 67 - 69)

Trong điều kiện hiện nay, thẻ đang dần trở thành một phương tiện thanh toán thông dụng, Với các tiện ích rất phong phú, đa dạng, linh hoạt, loại hình sản phẩm thanh toán điện tử này có thể sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động thanh toán phi tiền mặt trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sự xuất hiện loại hình, sản phẩm thanh toán điện tử này cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cần giải quyết từ góc độ cơ quan quản lý, đến việc bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ và chính sách thuế áp dụng đối với hoạt động phát hành thẻ này. Bởi nếu vi phạm những nguyên tắc có thể ảnh hưởng đến niềm tin của hệ thống thanh toán trong cả nền kinh tế nói chung. Do vậy, dưới góc độ này, rõ ràng Ngân hàng Nhà nước cần phải quan tâm, có sự quản lý để bảo đảm sự an toàn, ổn định trong hệ thống thanh toán. Và một môi trường pháp lý cho thẻ cần phải nhanh chóng được hoàn thiện.

Hiện tại thẻ của VCB chịu sự quy định chặt chẽ của Hiệp hội thẻ quốc tế nhưng vẫn cần phải có một văn bản pháp quy cụ thể về việc kinh doanh thẻ. Chính sách quản lý ngoại hối hiện nay có quy định về đồng tiền thanh toán nhưng lại chưa quy định rõ về hạn mức thanh toán và tín dụng của thẻ do các ngân hàng trong nước phát hành. Ngoài ra, chính sách quản lý ngoại hối hiện nay vẫn còn thiếu một quy định riêng cho thẻ thanh toán, nhất là thẻ tín dụng quốc tế nhằm tăng cường quản lý việc sử dụng thẻ của khách hàng, tránh việc lợi dụng thẻ để chuyển ngoại tệ.

Thật vậy, hiện nay yêu cầu quản lý này càng trở nên quan trọng, cần thiết khi việc sử dụng thẻ trở nên phổ biến, số lượng người dùng gia tăng, việc sử dụng thẻ không chỉ là thanh toán hàng hóa, dịch vụ, mà còn có thể rút tiền mặt tại máy ATM, điểm chấp nhận thẻ, cho phép nạp lại tiền vào thẻ, sử dụng thẻ thanh toán hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài…. Do đó, yêu cầu về hoàn thiện các văn bản pháp quy về thẻ, quản lý ngoại hối lại càng trở nên cấp thiết hơn nữa.

Bên cạnh đó, vấn đề tín dụng thẻ, một hình thức tín dụng mới cần phải có quy định riêng nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng nâng cao quyền hạn của mình trong việc thẩm định, đảm bảo tín dụng cho khách hàng. Cần chú trọng hơn nữa đến sự khác biệt giữa các điều kiện đảm bảo tín dụng thông thường với đảm bảo tín dụng thẻ. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cần chú ý các vấn đề liên quan đến dự phòng và quản lý rủi ro cho chủ thẻ và chính ngân hàng nhằm đạt được hiệu quả quả trong việc phát triển hoạt động thẻ.

3.3.2.2. Cần có các chính sách khuyến khích mở rộng kinh doanh thẻ

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, nền kinh tế nước ta đã đổi mới căn bản cả thế và lực, đang đứng trước những cơ hội to lớn và triển vọng sáng sủa hơn bao giờ hết. Đó là sự thay đổi chất lượng quan trọng của quá trình phát triển, đưa nền kinh tế nước ta sang một giai đoạn mới, giai đoạn đổi mới và phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và sâu sắc hơn.

Hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn. Nhưng mặt khác, thách thức cũng lớn hơn và khó khăn cũng tăng lên. Nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh hơn gấp bội, trong một môi trường quốc tế có nhiều biến động, khó dự đoán và có độ rủi ro cao. Trong nền kinh tế đó, thẻ có một ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Bởi nền kinh tế sử dụng thẻ là nền kinh tế phi tiền mặt, giúp cho hoạt động thương mại diễn ra một cách nhanh chóng, nâng cao hiệu quả sử dụng của vốn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Chính vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước có những chính sách khuyến khích mở rộng kinh doanh thẻ phủ hợp là điểm mấu chốt phải tính đến khi xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh thẻ trong kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Trước hết, Ngân hàng Nhà nước cần phải có các chính sách hỗ trợ các ngân hàng phát triển các nghiệp vụ thẻ nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài trên khắp thế giới. Đồng thời phải thường xuyên cập nhật thông tin và tổ chức các khóa học để nâng cao trình độ chuyên môn, để trao đổi truyền bá kinh nghiệm giữa các ngân hàng với nhau. Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải có một số chính sách ưu đãi nhất định để tăng khả năng cạnh tranh của các ngân hàng nội địa với các ngân hàng nước ngoài như tỷ lệ dự trữ phòng ngừa rủi ro, các ưu đãi về thuế... Ngoài ra, cũng cần cho phép các ngân hàng được áp dụng những chương trình ưu đãi, khuyến mãi cho khách hàng nhằm thu hút khách hàng, đảm bảo tính cạnh tranh cho các ngân hàng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải đưa ra các hoạch định chiến lược trong thời gian dài để tránh tình trạng các ngân hàng nội địa cạnh tranh một cách vô ích. Việc thành lập Hiệp hội thẻ đã chứng tỏ là một chính sách đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước. Hiệp hội thẻ này đã thu hút được hầu hết các ngân hàng có thực hiện dịch vụ thẻ ở Việt Nam tham gia, thống nhất mức phí, các quy định phát hành, áp dụng những chính sách chung nhằm đảm bảo lợi nhuận cho các ngân hàng. Thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với các ngân hàng, Hội đã nắm bắt được các khó khăn, tổ chức các buổi thảo luận đưa ra các phương hướng giải quyết chung.

Một phần của tài liệu luận văn thanh toán thẻ ngân hàng TMCP ngoại thương huế (Trang 67 - 69)