8. Cấu trúc của luận văn
3.1.2. Không gian thành thị
Bên cạnh những dòng thơ viết về làng quê thì Tố Hữu còn dành khá nhiều những câu thơ nói về thành thị. Cả danh từ riêng và danh từ chung nói về thành thị chúng tôi thống kê được tổng số 5 từ, chiếm 3,2% tổng số các từ chỉ không gian, xuất hiện 47 lần, chiếm 5,6% tổng số lần xuất hiện của các từ chỉ không gian và tỉ lệ trung bình là 9,4lần/từ. Nếu như trong thơ Mới là sự phân định rõ ràng không gian nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn thì với Tố Hữu hai không gian đó có mối quan hệ thân thiết gắn kết với nhau bằng tình cảm và nỗi nhớ của người ở lại và người ra đi. Thành thị hiện lên trong tâm trí của người ở lại:
Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng? (Việt Bắc)
Cuộc chia tay đầy lưu luyến, ngậm ngùi thắm đượm tình đồng đội, tình quân dân giữa người dân chiến khuViệt Bắc và người về nơi thị thành. Với người ở lại thì thành thị xa xôi lắm, nhiều nhà cao tầng, phố đông, đèn sáng thì liệu người về còn nhớ đến núi đồi, nhớ đến bản làng, mảnh trăng giữa rừng hay không? Câu hỏi như xoáy vào lòng người ra đi và làm nao lòng người đọc. Nhưng những thắc mắc, những hoang mang đó sớm được giải đáp, lòng người ở lại sớm được người ra đi trấn an bằng việc thu hẹp khoảng cách lại:
Đường về, đây đó gần thôi
Hôm nay rời bản về nơi thị thành
Nhà cao, chẳng khuất non xanh
Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường (Việt Bắc)
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Chia tay người ở lại, những người con của Thủ đô hướng về quê hương trong lòng đầy lưu luyến nhưng trên đường trở về họ không khỏi bồi hồi, rạo rực trong niềm vui chung của đất nước:
Trên đường về lại Thủ đô
Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ
(Ta đi tới)
Mỗi bước đi lại nhận ra sự thân quen đang dần đổi khác trong niềm vui chiến thắng, chiến thắng đó đã thổi vào Thủ đô, thổi vào lòng người một luồng sinh khí mới:
Đường quen phố cũ đây rồi
Thủ đô tươi dậy mặt người như hoa
(Lại về)
Và không gian Hà Nội với hình ảnh chuyến tàu lên đường đi xa mang
theo cả niềm vui, nỗi buồn, sự luyến tiếc:
Hà Nội rì rầm...Còi thổi ngoài ga
Một chuyến tàu chuyển bánh đi xa
(Bài ca mùa xuân 1961)
Nhưng dù có đi đâu, dù có gắn bó và dành tình yêu cho những nơi ông từng đến bao nhiêu thì người đọc vẫn luôn cảm nhận được một tình yêu mãnh liệt đến tôn thờ khi ông dành cho quê hương của mình. Hình ảnh thành phố quê hương luôn hiện hữu và được ông nhắc đến rất nhiều lần với nỗi nhớ thương đến da diết:
Huế ơi, quê mẹ của ta ơi!
Nhớ tự ngày xưa, tuổi chín mười (Quê mẹ)
Tình yêu và nỗi nhớ đi liền với niềm tự hào về quê hương nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Cảnh Huế thì đẹp thơ mộng, lòng người thì nhiệt thành hiếu khách lúc nào cũng như mời gọi:
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Bữa mô mời bạn vô chơi Huế
Cồn Hến buồm giong ngược bến Tuần (Hoa tím)
Nhìn chung không gian thành thị trong thơ Tố Hữu pha trộn nét buồn trong không gian thành thị của Nguyễn Bính, nhuốm màu tâm trạng, cảm xúc trong thơ Đồng Đức Bốn nhưng vẫn có nét riêng, nét độc đáo mang phong cách của nhà thơ cách mạng.