• Nguyên tắc chung tiến hành thực hiện dồn điền đổi thửa
Thực hiện việc DĐĐT trước hết phải đảm bảo các nguyên tắc sau theo đề án DĐĐT của UBND tỉnh/thành phố quy định:
- Việc DĐĐT muốn thực hiện được tốt phải được sự đồng ý của người dân, đảm bảo công khai, dân chủ thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, chấp hành làm nghiêm túc các quy hoạch đã được phê duyệt, tổ chức cuộc vận động nhân dân tự nguyện dồn chuyển diện tích, vị trí đất nông nghiệp hiện có của các hộ gia đình, cá nhân từ nhiều thửa nhỏ ở các xứ đồng khác nhau thành các thửa lớn, gắn thực hiện DĐĐT với việc tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và quy hoạch sử dụng đất; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sử dụng đất thực hiện các quyền: Chuyển đổi, chuyển nhượng, tích tụ ruộng đất theo quy định của Luật Đất đai nhưng không được làm thay đổi mục đích sử dụng đất trong vùng quy hoạch.
- Phương án DĐĐT phải tuân theo luật đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, chỉ chuyển đổi trên cơ sở diện tích các hộ đang sử dụng đã được lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận không phải là chia lại ruộng đất.
- Tổ chức DĐĐT phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội và tham gia ý kiến của nhân dân. Tạo sự đồng thuận của nông dân, ổn định tình hình an ninh nông thôn, bám sát mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015.
- Giữ nguyên cơ sở phân định ranh giới và diện tích canh tác của từng hợp tác xã; của từng thôn, đội.
- Diện tích đất dành cho quy hoạch mở rộng đường giao thông, thủy lợi nội đồng do các hộ sử dụng đất bàn bạc thống nhất đóng góp theo quy hoạch đã được phê duyệt.
- Trong quá trình DĐĐT tùy điều kiện chất lượng đất đai, điều kiện thuận lợi cho thâm canh của từng xứ đồng cụ thể của từng địa phương, được các hộ dân bàn bạc, thống nhất .
- Trong quá trình thực hiện DĐĐT phải đồng thời đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, đảm bảo chính xác so với thực tế để làm cơ sở cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT.
2.2.2.1 Kinh nghiệm dồn điền đổi thửa ở Sóc Sơn (Hà Nội)
Thôn Bắc Thượng, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) được chọn là thôn điểm thực hiện kế hoạch DĐĐT. Thôn Bắc Thượng nằm sát sân bay quốc tế Nội Bài, có tổng diện tích tự nhiên 98ha, trong đó đất ở 16ha, đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64 là 54ha. Dân số 310 hộ (1.281 khẩu), bình quân mỗi hộ được chia 6-8 thửa ruộng. Theo báo cáo thực hiện công tác DĐĐT thì vấn đề khó khăn gặp phải đó là cánh đồng của thôn có đường 131 chạy qua với tổng diện tích 20ha, số đất này được chia đều cho 100% số hộ để trồng dưa lê, bình quân thu nhập đạt 150 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 6 lần trồng lúa. Nếu thực hiện công tác DĐĐT sẽ phá vỡ thế độc canh, manh mún của 100% số hộ. Bắc Thượng đã quán triệt sâu sắc quan điểm làm tới đâu chắc tới đó và thực hiện tốt phương châm chỉ đạo “3 không, 2 có” của Đảng ủy, UBND xã Quang Tiến. Đó là không nóng vội chủ quan, không chạy theo thành tích, không trông chờ ỷ lại cấp trên, có đội ngũ cán bộ vững tin và
có phương pháp tổ chức chặt chẽ, khoa học, sáng tạo. Thực hiện quy hoạch GTTLNĐ, quy hoạch lại đồng ruộng và thành lập các ban chỉ đạo, tiểu ban chỉ đạo để tiến hành thực hiện DĐĐT.
Kết quả quy hoạch đã đo bao được 82,6 ha, trong đó quỹ đất dành cho SXNN là 54ha, tăng 4ha so với trước quỹ GTTLNĐ 12,2ha, tăng 5,2ha, trong đó đã làm được 30 tuyến đường đạt tiêu chuẩn (mặt đường rộng 6-10m) và 60 tuyến mương (rộng 1m, sâu 1m đối với mương tiêu và rộng 0,9m, sâu 0,5m đối với mương tưới), quỹ đất dành cho khu trung tâm văn hoá rộng 2,4 ha, tăng 1,3ha, trong đó đảm bảo đủ các thiết kế nhà văn hoá, sân thể thao. Đến ngày 09/01/2013, công tác DĐĐT ở Bắc Thượng đã hoàn tất 100% số hộ đã nhận ruộng chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân 2013 trong khung thời vụ tốt nhất, trung bình mỗi hộ có từ 1-2 thửa ruộng, thửa lớn nhất sau dồn đổi là 3.600m2.
Qua đó thấy được việc DĐĐT đã khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, tạo thành những ô thửa lớn, xây dựng được cánh đồng mẫu lớn cấy đồng trà, đồng giống đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từ đó giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động góp phần không nhỏ trong thành công XDNTM (Thành Vinh, 2013).
2.2.2.2 Kinh nghiệm dồn điền đổi thửa ở tỉnh Thái Bình
Thái Bình là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong phong trào DĐĐT. Đến nay Thái Bình cơ bản đã thực hiện xong DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Địa phương đã giảm được 499.930 thửa, chỉ còn 462.187 thửa, bình quân chung toàn tỉnh là 1,79 thửa/hộ. Cùng với kết quả DĐĐT, người dân đã tự nguyện góp trên 2.000 ha đất để làm công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Khối lượng đào đắp giao thông, thuỷ lợi nội đồng bình quân mỗi xã khoảng 50.000m3. Hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng được các xã thực hiện theo đúng quy hoạch. Cụ thể, thiết kế bờ vùng cách bờ vùng là 500-800m, bờ thửa cách bờ thửa 100m, mặt bờ vùng rộng 4,5 m. Cứ cách 500m có một điểm tránh xa, bờ thửa ruộng 2,5m, đủ tiêu chuẩn để cho máy
gặt đập liên hợp hoạt động. Dọc theo bờ vùng, bờ thửa có mương tưới tiêu nước và thuận lợi cho việc sử dụng cơ giới vào sản xuất.
Do công tác DĐĐT, chỉnh trang nội đồng theo đúng quy hoạch, nên các xã đã quy hoạch được vùng SXHH tập trung, mỗi xã có từ 3-4 vùng. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng và thực hiện cánh đồng mẫu lớn, là điều kiện tốt để các tập thể, cá nhân mạnh dạn đầu tư vốn để mua máy móc phục vụ SXNN, góp phần làm giảm chi phí, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Qua thực tế ở các xã DĐĐT, chỉnh trang nội đồng, máy móc, cơ giới được đầu tư, nên khâu làm đất đạt 100%, vận chuyển đạt 100%, gặt khoảng 80%, bơm nước 100%. Cũng nhờ được cơ giới hoá, nên đã giảm được chi phí trong SXNN như khâu làm đất giảm được từ 40.000-50.000 đồng/sào, khâu gặt giảm 90.000 đồng/sào.
Như vậy, hiệu quả sau DĐĐT đã khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, cơ bản tạo được ô thửa lớn. Việc DĐĐT đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện hình thành các vùng SXHH tập trung dễ dàng áp dụng cơ giới hoá trong SXNN đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng SXHH (Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, 2013).
2.2.2.3 Kinh nghiệm dồn điền đổi thửa ở xã Minh Tân (Nam Định)
Xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định có 494 ha đất nông nghiệp, trong đó có nhiều diện tích đất canh tác nằm xen kẽ với đất thổ cư, ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún. Trước đây số hộ có từ 3-4 thửa chiếm tới 77,3%, cá biệt có hộ có 5 thửa, rải rác ở nhiều xứ đồng khác nhau, ảnh hưởng lớn tới việc quản lý, tổ chức SXNN. Năm 2011 được huyện Vụ Bản chọn làm điểm công tác DĐĐT, Đảng ủy, UBND xã Minh Tân đã xác định tốt công tác DĐĐT, thành lập Ban chỉ đạo DĐĐT thống nhất trong nhân dân về diện tích đất góp làm giao thông thủy lợi nội đồng là 18m2/sào, đất gieo mạ được quy hoạch gọn vào một vùng. Như vậy sau 2 tháng triển khai xã đã hoàn thành việc DĐĐT và giao ruộng ngoài thực địa để nhân dân tổ chức sản xuất vụ
Xuân năm 2012. Sau DĐĐT, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1,61 thửa, số hộ có 1 thửa chiếm 40% tổng số hộ. Toàn bộ đất nông nghiệp của xã được quy hoạch thành 3 vùng sản xuất chính gồm vùng sản xuất lúa đảm bảo an ninh lương thực với diện tích gần 95,4ha, vùng nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế trang trại với diện tích 11,6 ha và quỹ đất công phục vụ cho xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông, nghĩa trang nhân dân với diện tích gần 6,6 ha. Đồng ruộng được quy hoạch gọn gàng, liền bờ, liền thửa, hệ thống tưới tiêu được củng cố, tạo thuận lợi cho việc thực hiện cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Thành công trong công tác DĐĐT của xã Minh Tân là do xã đã gắn việc DĐĐT với chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần làm tăng thu nhập cho nông dân. Kinh nghiệm thực hiện DĐĐT ở xã Minh Tân là cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phải công khai quy hoạch, phương án và trình tự DĐĐT để nhân dân tham gia giám sát, đồng thời hướng dẫn nhân dân tự tính diện tích và hệ số chuyển đổi nhằm tạo sự thống nhất cao trong quá trình triển khai thực hiện DĐĐT (Nguyễn Hương, 2012).