Sự cần thiết phải hoàn thiện phân tích hiệu quả kinh doanh

Một phần của tài liệu hoàn thiện phân tích hiệu quả kinh doanh trong các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 114 - 116)

TTCK đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế, thông qua TTCK, các DN, chính phủ đã huy động vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, TTCK đã góp phần thúc đẩy, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; tạo ra môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư, DN cũng như các thành viên thị trường. Với nguyên tắc công khai, minh bạch, TTCK là động lực để các DN niêm yết và công ty đại chúng thực hiện kiểm toán, công bố thông tin, quản trị DN theo thông lệ quốc tế, góp phần cơ cấu lại hệ thống DN, đổi mới cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước và chuyển đổi thành CTCP.

Một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên TTCK đó là hàng hoá của thị trường và chính các công ty niêm yết là nơi cung cấp hàng hoá cho thị trường. Thị trường chỉ có thể phát triển tốt nếu có các hàng hoá tốt, chất lượng cao. Chính vì vậy, sự phát triển của công ty niêm yết là tiền đề để tạo nên một TTCK phát triển và ổn định. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động số lượng và quy mô của các công ty niêm yết ngày càng gia tăng từ chỗ chỉ có vài công ty niêm yết với tỷ lệ vốn hóa chỉ đạt 0,28% GDP năm 2000, đến hết tháng 12/2010 đã đạt đến 38,57% GDP - vượt xa tính toán ban đầu của Bộ Tài chính khi mục tiêu hướng tới của TTCK Việt Nam là đến năm 2010 giá trị vốn hóa đạt 15% GDP. Theo hội thảo về “Định hướng chiến

lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2010-2020” của Uỷ ban Chứng khoán tổ chức tại Hà Nội ngày 18/11/2010 dự kiến đến năm 2015, quy mô vốn hóa thị trường đạt 65-70% GDP và đến năm 2020 quy mô vốn hóa thị trường đạt 90-100% GDP. Sự phát triển số lượng các công ty niêm yết sẽ tạo ra nguồn hàng phong phú cho thị trường cũng như cơ hội cho nhà đầu tư có thể lựa chọn được những cổ phiếu tốt. Tuy nhiên, điều đó cũng chính là sức ép với các công ty niêm yết buộc phải nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tăng HQKD và minh bạch hoá các thông tin tài chính của DN.

TTCK trong hơn 10 năm qua đã trải qua những bước phát triển thăng trầm, có rất nhiều nguyên nhân tác động đến sự phát triển của thị trường, một trong những nguyên nhân đó là sự minh bạch hoá các thông tin của công ty niêm yết. Sự thiếu thông tin và thông tin không chính xác dẫn đến thị trường hoạt động không lành mạnh, tạo môi trường cho các giao dịch nội gián và sự lũng loạn, thao túng thị trường của một số đối tượng, gây mất niềm tin cho nhà đầu tư. Để TTCK phát triển ổn định và lành mạnh thì một trong những biện pháp quan trọng là phải minh bạch và công khai hoá các thông tin của công ty niêm yết. Trong đó, thông tin về HQKD của các công ty phải được công bố hết sức đầy đủ và chi tiết. Ngoài những chỉ tiêu cơ bản phản ánh trên các báo cáo tài chính, các chỉ tiêu phản ánh HQKD cần phải được cung cấp đầy đủ và cụ thể hơn, đặc biệt việc phân tích các chỉ tiêu này nhằm cung cấp những thông tin cần thiết cho nhà đầu tư là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, việc hoàn thiện phân tích HQKD trong các CTCP niêm yết là yêu cầu tất yếu khách quan.

Hoàn thiện phân tích HQKD ngoài việc đem lại lợi ích thiết thực trước hết cho chính bản thân DN, để hiểu và nắm rõ hiệu quả từ việc sử dụng các nguồn lực kinh tế của DN. Qua đó, có thể thấy được những thế mạnh cũng như hạn chế trong việc sử dụng tài sản, tiền vốn của DN mình. Từ đó, nâng cao trình độ quản trị DN, tìm biện pháp quản lý, điều hành DN tốt nhất để nâng cao HQKD của DN mình. Mặt khác, việc hoàn thiện phân tích HQKD còn giúp DN đưa ra được một bức tranh sống động về hoạt động của DN mình, đưa hình ảnh của DN đến gần với nhà đầu tư, để quảng bá và nâng cao giá trị DN.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện phân tích HQKD còn đem lại lợi ích thiết thực cho các đối tượng khác như: Cơ quan quản lý của nhà nước trong quá trình giám sát DN, đánh giá hoạt động của DN, đưa ra các chính sách quản lý vĩ mô của nhà nước, cho các ngân hàng, tổ chức tài chính, tín dụng trong việc thẩm định và đánh giá DN để đưa ra các chính sách tín dụng, cho DN vay vốn và đặc biệt là đem lại lợi ích đông đảo cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn DN để gửi gắm tiền vốn của mình sao cho hiệu quả và an toàn nhất.

Một phần của tài liệu hoàn thiện phân tích hiệu quả kinh doanh trong các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 114 - 116)