Trong phân tích kinh doanh nói chung hay phân tích HQKD nói riêng, việc xác định nội dung phân tích là một vấn đề quan trọng hàng đầu mà nhà phân tích cần phải làm trước khi tiến hành phân tích. Trên cơ sở xác định nội dung phân tích, nhà phân tích mới tiến hành xác định công việc tiếp theo như: Xác định hệ thống chỉ tiêu phân tích, xác định phương pháp và trình tự phân tích, tiến hành phân tích, đánh giá tình hình…Do có nhiều cách tiếp cận khác nhau về HQKD và mối quan tâm về HQKD của các đối tượng khác nhau nên nội dung phân tích HQKD sẽ
không giống nhau, có nhiều quan điểm khác nhau. Có thể khái quát nội dung phân tích hiệu quả kinh doanh theo các trường phái như: Trường phái quan điểm của các nhà kinh tế giai đoạn nền kinh tế kế hoạch hoá, bao cấp; trường phái quan điểm của các nhà kinh tế giai đoạn kinh tế thị trường. Trong từng trường phái có những điểm thống nhất nhưng cũng có những khác biệt nhất định.
1.2.2.1 Quan điểm phân tích của các nhà kinh tế trong thời kỳ kế hoạch hoá, bao cấp
Trong giai đoạn này, các DN sản xuất kinh doanh theo kế hoạch của nhà nước, nhà nước kiểm soát toàn bộ các yếu tố sản xuất và giữ quyền quyết định việc sử dụng các yếu tố sản xuất cũng như phân phối về thu nhập. Trong một nền kinh tế như vậy, các nhà làm kế hoạch quyết định loại và khối lượng hàng hóa nào sẽ được sản xuất, các xí nghiệp thực thi kế hoạch sản xuất đã lập sẵn. Theo quan điểm của nhà kinh tế trong giai đoạn này, tiêu chuẩn hiệu quả kinh tế của sản xuất xã hội, của từng ngành, từng xí nghiệp công nghiệp được đo bằng khả năng thực hiện kế hoạch của nhà nước và năng suất lao động xã hội. Thống nhất quan điểm này có các nhà nghiên cứu như Ngô Đình Giao [21, tr41-56] và Nguyễn Sĩ Thịnh, Lê Sĩ Thiệp và Nguyễn Kế Tuấn [36, tr89-121]. Từ đó, nội dung phân tích hiệu quả kinh tế cuả các xí nghiệp sản xuất công nghiệp bao gồm:
- Phân tích các chỉ tiêu phản ánh tổng hợp trình độ hiệu quả sản xuất kinh doanh của xí nghiệp: Các chỉ tiêu này phản ánh mức độ sử dụng hiệu quả các yếu tố cho hoạt động sản xuất nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất của đơn vị có hiệu quả. Tuỳ theo mức độ phân tích, có thể áp dụng các chỉ tiêu sau: Nhịp điệu phát triển sản xuất, giá trị sản lượng được tạo ra trên một đồng chi phí, doanh lợi của sản xuất kinh doanh.
- Phân tích chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng từng nguồn lực như: hiệu quả sử dụng lao động sống, hiệu quả sử dụng vốn cố định, hiệu quả sử dụng vốn lưu động.
- Phân tích chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh tế của từng mặt hoạt động sản xuất kinh doanh và các biện pháp tổ chức, kỹ thuật và kinh tế: các chỉ tiêu này phản
ánh mức độ tiết kiệm các nguồn chi phí sản xuất do thực hiện tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh và các biện pháp tổ chức, kỹ thuật và kinh tế.
Nội dung đánh giá hiệu quả trên phù hợp trong giai đoạn nền kinh tế bao cấp, kế hoạch hoá, khi mà các xí nghiệp chỉ chịu trách nhiệm sản xuất theo kế hoạch nhà nước giao mà không phải lo cân đối, tính toán lãi, lỗ nên việc phân tích hiệu quả chủ yếu tập trung đánh giá quá trình sản xuất, năng suất sử dụng các nguồn lực và việc thực hiện kế hoạch. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, các DN hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ HĐKD của mình thì việc áp dụng các nội dung phân tích trên để đánh giá HQKD không còn phù hợp.
1.2.2.2 Quan điểm phân tích của các nhà kinh tế trong nền kinh tế thị trường Trong nền kinh tế theo cơ chế thị trường, các DN phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mọi HĐKD và mục đích tối thượng của mọi HĐKD là hướng đến tối đa hoá LN. Vì vậy, khi phân tích HQKD của DN trong nền kinh tế thị trường các nhà nghiên cứu cần phải đánh giá được khả năng hoạt động, khả năng sử dụng các nguồn lực và đặc biệt là khả năng tạo ra LN hay khả năng sinh lợi. Song, do các quan điểm khác nhau khi đánh giá HQKD nên nội dung phân tích HQKD của các nhà kinh tế trong giai đoạn này cũng hết sức nhau. Tuy nhiên, các quan điểm đều có một điểm chung thống nhất là nội dung phân tích HQKD cuối cùng phải hướng đến phân tích và đánh giá khả năng sinh lợi của DN. Bên cạnh đó, để đánh giá được toàn diện HQKD của DN có quan điểm phân tích thêm khả năng sản xuất hay sức sản xuất, mức hao phí hay suất hao phí hoặc phân tích hiệu suất, hiệu năng của DN. Có thể đưa ra một số quan điểm về nội dung phân tích HQKD của các nhà kinh tế trong giai đoạn này như sau:
- Phân tích HQKD chỉ tập trung phân tích khả năng sinh lợi: Theo quan điểm này có nhà khoa học kinh tế người Pháp giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Paris I Pantheon Sorbone là Josette Peyrard [24, tr215-222], theo quan điểm của bà việc đánh giá HQKD của DN được xác định thông qua khả năng sinh lợi của DN. Cùng quan điểm này là tác giả Ngô Thế Chi, thuộc Học viện Tài chính [4, tr 407-414] hay
Nguyễn Tấn Bình [1, tr218-225] khi trình bày nội dung phân tích HQKD của DN chỉ phân tích khả năng sinh lợi. Khả năng sinh lợi của DN theo quan điểm này, được phân tích theo khả năng sinh lợi hoạt động, khả năng sinh lợi kinh tế và khả năng sinh lợi tài chính. Trong đó, khả năng sinh lợi hoạt động thực chất phản ánh khả năng sinh lợi của DTT, được xác định bằng cách so sánh LN sau thuế với DTT. Khả năng sinh lợi kinh tế phản ánh khả năng sinh lợi của tổng tài sản mà DN đang quản lý và sử dụng. Chỉ tiêu này có thể tính toán bằng cách so sánh LN gộp hoặc LN sau thuế cộng lãi vay hay LN sau thuế với tổng tài sản BQ với tổng tài sản. Khả năng sinh lợi tài chính được xem xét trên 2 chỉ tiêu: khả năng sinh lợi VCSH và khả năng sinh lợi của vốn thường xuyên.
Quan điểm phân tích trên đã phản ánh khá rõ khả năng sinh lợi của DN thông qua việc đánh giá khả năng tạo ra LN của các yếu tố như DT, tổng tài sản, nguồn VCSH, nguồn vốn thường xuyên của DN. Phân tích khả năng sinh lợi là nội dung quan trọng khi phân tích HQKD của DN, nhưng nếu chỉ tập trung đánh giá khả năng sinh lợi thôi thì chưa đầy đủ, chưa đánh giá chính xác HQKD của DN. Vì thực chất, để có được HQKD cao phải hội tụ rất nhiều các yếu tố như năng lực sản xuất, năng lực hoạt động, năng lực quản lý của DN phải cao. Do đó, để phân tích HQKD của DN cần phải phân tích đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn.
- Phân tích HQKD qua sức sản xuất, sức sinh lợi và suất hao phí: Theo quan điểm này có các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương mại, Học viện Bưu chính viễn thông...Trong cuốn “Chuyên khảo về Báo cáo tài chính và lập, đọc, kiểm tra, phân tích báo cáo tài chính” [5, tr499-500], của tác giả Nguyễn Văn Công đã trình bày rõ nội dung phân tích HQKD bao gồm: phân tích sức sản xuất, sức sinh lợi và suất hao phí. Vấn đề này cũng được đề cập trong nội dung phân tích HQKD trong giáo trình “Phân tích HĐKD” [19, tr220-229] của tác giả Phạm Thị Gái chủ biên. Trong đó, nội dung phân tích hiệu quả HĐKD bao gồm việc phân tích các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng TSCĐ, hiệu quả sử dụng tài sản lưu động (TSLĐ), khả năng sinh lợi của vốn thông qua chỉ tiêu phản ánh khả sinh lợi
VCSH. Hay trong giáo trình “Phân tích HĐKD” [28, tr93-95] do Bùi Xuân Phong chủ biên cũng thống nhất theo quan điểm này.
Theo đó, nội dung phân tích sức sản xuất cho biết khả năng tạo ra kết quả sản xuất (có thể tính theo tổng giá trị sản xuất, DTT về bán hàng và cung cấp dịch vụ, tổng luân chuyển thuần…) từ các yếu tố đầu vào như lao đông, tư liệu lao động, VCSH, vốn vay…Sức sản xuất của DN cao phản ánh hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cao từ đó dẫn đến kết quả kinh doanh cao. Ngược lại với nội dung phân tích sức sản xuất, phân tích suất hao phí sẽ cho biết mức độ hao phí của các yếu tố đầu vào để tạo ra kết quả sản xuất kinh doanh đầu ra. Suất hao phí của DN càng thấp thể hiện DN sử dụng có hiệu quả các yếu tố đầu vào và đem lại HQKD cao. Phân tích sức sinh lợi theo quan điểm này cũng thống nhất với quan điểm trên là đánh giá khả năng tạo ra LN từ các yếu tố đầu vào như tổng tài sản, VCSH, vốn vay…
Theo quan điểm này, các nội dung phân tích HQKD được xem xét toàn diện hơn quan điểm thứ nhất, đánh giá HQKD trên cả góc độ khả năng sử dụng các nguồn lực và khả năng sinh lợi của nguồn lực. Tuy nhiên, việc phân tích suất hao chính là xem xét nghịch đảo các chỉ tiêu phản ánh sức sản xuất nên ít có ý nghĩa. Mặt khác, nội dung phân tích trên chưa đánh giá được cường độ hoạt động của các nguồn lực. Trong thực tế các nguồn lực luôn có hạn, nên các nguồn lực nếu được sử dụng với cường độ càng lớn, quay vòng càng nhanh thì khả năng đem lại lợi ích cho DN càng cao.
- Phân tích HQKD theo hiệu suất sử dụng, hiệu năng sử dụng và hiệu quả sử dụng. Quan điểm này được PGS.TS Nguyễn Văn Công trình bày trong giáo trình
“Phân tích báo cáo tài chính” [6, tr206-207]. Theo ông, nội dung phân tích HQKD bao gồm việc phân tích hiệu suất sử dụng, hiệu năng sử dụng và hiệu quả sử dụng qua 3 cấp độ từ thấp đến cao. Biểu hiện đầu tiên của HQKD là hiệu suất, tiếp đến là hiệu năng và sau cùng là hiệu quả sử dụng chi phí, sử dụng các yếu tố đầu vào của HĐKD. Trong đó, hiệu suất (hay năng suất) sử dụng chi phí đầu vào hay sử dụng các yếu tố đầu vào phản ánh cường độ hoạt động của DN, cho biết tương quan giữa
kết quả đầu ra với lượng chi phí hay yếu tố đầu vào được sử dụng để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiệu suất sử dụng có thể phản ánh thông qua chỉ tiêu phản ánh sức sản xuất hoặc thông qua chỉ tiêu phản ánh mức hao phí của yếu tố đầu vào hay của chi phí đầu vào. Hiệu năng sử dụng chi phí, sử dụng các yếu tố đầu vào hay hiệu năng hoạt động phản ánh khả năng sử dụng chi phí, sử dụng các yếu tố đầu vào. Hiệu năng sử dụng hay hiệu năng hoạt động được thể hiện thông qua các chỉ tiêu phản ánh tốc độ quay vòng của các từng đối tượng hay thời gian một vòng quay của từng đối tượng. Hiệu suất và hiệu năng phản ánh điều kiện cần để có HQKD cao, còn hiệu quả sử dụng mới thực chất phản ánh HQKD. Hiệu quả sử dụng chi phí, sử dụng các yếu tố đầu vào thể hiện khả năng sinh lợi của DN. Khả năng sinh lợi thể hiện mối quan hệ giữa lượng LN thu được trên một đơn vị chi phí đầu vào hay một đơn vị yếu tố đầu vào hoặc trên một đơn vị đầu ra phản ánh kết quả sản xuất. Khả năng sinh lợi của DN càng cao thể hiện khả năng đem lại LN của các yếu tố càng cao và điều đó thể hiện HQKD của DN càng cao.
Quan điểm này cho thấy cách đánh giá HQKD khá toàn diện. Khi xem xét HQKD của DN cần phải đánh giá từ mức độ thấp đến cao, trước hết là đánh giá hiệu quả hoạt động của các nguồn lực như các yếu tố đầu vào hay chi phí đầu vào. Hiệu quả hoạt động được đánh giá thông qua mức độ tiêu hao và cường độ họat động của các nguồn lực khi tham gia vào quá trình kinh doanh. Hiệu quả cuối cùng mà các DN cần phải đạt được là khả năng tạo ra LN hay khả năng sinh lợi, nhưng khả năng sinh lợi chỉ có thể đạt được cao nhất khi các nguồn lực được sử dụng có hiệu quả. Tuy nhiên, giữa nội dung phân tích hiệu suất sử dụng và hiệu năng sử dụng có những nội dung phân tích trùng lặp. Cụ thể, khi phân tích hiệu suất sử dụng thông qua các chỉ tiêu phản ánh sức sản xuất bằng cách lấy giá trị các yếu tố đầu ra là DTT hay DTT HĐKD hay tổng luân chuyển thuần chia cho giá trị BQ của các yếu tố đầu vào như tổng tài sản, tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, HTK, các khoản phải thu...Đây cũng chính là chỉ tiêu phản ánh vòng quay của các đối tượng khi phân tích hiệu năng sử dụng. Như vậy, hiệu suất sử dụng hay hiệu năng sử dụng
cũng chỉ là nội dung thể hiện năng lực hoạt động của các nguồn lực, phản ánh mức độ hoạt động cũng như cường độ hoạt động của các nguồn lực.
- Phân tích HQKD theo hiệu quả sử dụng chi phí, kết quả tài chính và khả năng sinh lợi. Quan điểm này có tác giả Nguyễn Trọng Cơ, đã trình bày trong luận án tiến sĩ “Hoàn thiện chỉ tiêu phân tích tài chính trong DN cổ phần phi tài chính” [3, tr112-124] hay tác giả Nguyễn Ngọc Quang trong luận án tiến sĩ “Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính trong các DN xây dựng của Việt Nam” [34, tr141-147], theo các tác giả này nội dung phân tích HQKD bao gồm phân tích:
- Phân tích hiệu quả sử dụng chi phí thông qua việc phân tích các chỉ tiêu: hiệu suất sử dụng TSCĐ, hiệu suất sử dụng tài sản ngắn hạn, tốc độ luân chuyển vốn ngắn hạn, hiệu quả sử dụng lao động, hiệu quả sử dụng tiền công, hiệu quả sử dụng tiền vay.
- Phân tích kết quả tài chính thông qua việc phân tích các chỉ tiêu như tổng LN, hiệu suất sử dụng tài sản, hiệu suất vốn cổ phần phổ thông, thu nhập mỗi cổ phần phổ thông.
- Phân tích khả năng sinh lợi thông qua việc phân tích khả năng sinh lợi hoạt động, khả năng sinh lợi kinh tế, khả năng sinh lợi của VCSH.
Quan điểm này, cũng có điểm tương đồng quan điểm thứ 3 khi phân tích HQKD mặc dù cách gọi tên các nội dung có thể khác nhau. Trong nội dung phân tích hiệu quả chi phí thực chất là phân tích các chỉ tiêu phản ánh hiệu suất và hiệu năng sử dụng các yếu tố đầu vào. Trong nội dung phân tích kết quả tài chính các tác giả phân tích chỉ tiêu tổng LN, nhưng theo quan niệm của chúng tôi tổng LN không thể phản ánh được HQKD, mà chỉ thể hiện kết quả kinh doanh. Còn các chỉ tiêu khác về hiệu suất sử dụng tài sản, hiệu suất vốn cổ phần thường, thu nhập mỗi cổ phần đây chính là các chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lợi. Trong nội dung phản ánh khả năng sinh lợi, các tác giả cũng đưa ra các chỉ tiêu tương đồng với quan điểm trước và đều tập trung vào phân tích các chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lợi của tài sản, DT, VCSH. Như vậy, theo chúng tôi việc đưa ra các nội dung phân tích như
vậy chưa thật sự khoa học, nội dung thứ 2 và thứ 3 thực chất là chỉ là nội dung phản ánh khả năng sinh lợi.
Qua phân tích các quan điểm khác nhau về nội dung phân tích HQKD của các nhà nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng mục đích quan trọng nhất của DN là tạo ra LN, do vậy biểu hiện cao nhất và tập trung nhất của HQKD chính là khả năng sinh lợi (hay sức sinh lợi), nên việc phân tích HQKD phải tập trung phân tích khả năng sinh lợi của các nguồn lực sử dụng cho HĐKD. Tuy nhiên, khả năng sinh lợi chỉ có