2.3.3.1. Nguyên nhân khách quan
- Nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn: Sau khủng hoảng tái chính thế giới 2008, bất chấp nỗ lực từ chính phủ các nước, các nền kinh tế vẫn chưa thể phục hồi, thêm vào đó lại là những vấn đề căng thẳng mới như thâm hụt ngân sách của Mỹ, khủng hoảng nợ công Châu Âu, và bất ổn chính trị ở nhiều nước. Sự ảm đạm chung của kinh tế thế giới khiến cho dân cư giảm tiêu dùng rõ rệt và vì thế giảm nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại.
- Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều bất ổn: Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2009-2012 đã trải qua rất nhiều biến động do ảnh hưởng của khủng hoảng thế giới, cũng như những vẫn đề nội tại chưa giải quyết được. Tình hình sản xuất đình trệ, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán tụt dốc, thị trường tài chính tiền tệ gặp những cú sốc ảnh hưởng xấu đến tâm lý của nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước lớn hoạt động thua lỗ, tỷ lệ nợ xấu của nền kinh tế tăng cao là mối lo lớn đối với hệ thống ngân hàng.
- Thiếu sự phối hợp giữ các NHTM trong hoạt động thanh toán thẻ: Điển hình là việc kết nối các NHTM giữa hai liên minh thẻ Smartlink, VNBC
và BanknetVNcòn xảy ra nhiều bất cập. Khách hàng rút tiền tại cây ATM không cùng liên minh thẻ, hoặc chuyển tiền giữa các ngân hàng khác hệ thống liên minh sẽ phải chịu các mức phí cao. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đã tìm được lời giải, khi vào tháng 11/2012, Smartlink đã ký biên bản ghi nhớ sáp nhập vào BanknetVN, và liên minh còn lại là VNBC cũng sẽ sáp nhập vào BanknetVN vào đầu 2013 để hình thành nên một liên minh thẻ duy nhất BanknetVN với 25% vốn sở hữu nhà nước.
- Áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại ngày càng lớn: Cạnh tranh đối với Vietcombank đến từ hai đối tượng chính đó là NHTM Nhà nước, với mục tiêu thu hút khách hàng là các doanh nghiệp lớn, và thứ hai là NHTM cổ phần, đặc biệt là các ngân hàng đang có ý định thành lập tập đoàn lớn có mạng lưới nguồn nhân lưc và tài chính mạnh. Các đối tượng này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn trên các mảng kinh doanh như thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ, phát hành thẻ,… Ngoài ra các ngân hàng nước ngoài với tiềm lực và kinh nghiệm hoạt động quốc tế sẽ là đối thủ lớn trên lĩnh vực tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế.
2.3.3.2. Nguyên nhân chủ quan
- Còn nhiều rào cản về cơ chế hoạt động: Vietcombank phải tuân thủ các quy định của pháp luật đối với loại hình doanh nghiệp nhà nước như chính sách lương, thưởng, phúc lợi, định mức lao động, kế hoạch lợi nhuận, công tác tiếp thị, phát triển khách hàng,… Điều này làm cho hoạt động kinh doanh phần nào kém linh hoạt và không phát huy hết yếu tố nguồn lực con người trong quá trình hoạt động, bộ máy nhân sự điều hành còn trì trệ, bảo thủ và chậm chuyển đổi.
- Chính sách khách hàng còn nhiều bất cập: Chính sách khách hàng của Vietcombank chưa có sự đồng bộ trong toàn hệ thống, chưa tổng quát mà phần lớn chỉ dừng lại ở mức xử lý vụ việc, cục bộ. Vietcombank vẫn phụ thuộc vào một số khách hàng lớn về vốn, tín dụng và thanh toán, chưa thực sự hướng tới các khách hàng cá nhân đặc biệt là đối tượng thanh niên trẻ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cơ sở vật chất phục vụ công tác khách hàng còn hạn chế, chưa có cơ chế tài chính và sự linh hoạt cần thiết để hỗ trợ cho công tác khách hàng.
- Phí dịch vụ chưa linh hoạt, kém cạnh tranh: Vietcombank nên giao cho các chi nhánh chủ động ký kết với các đối tác cung cấp dịch vụ billing trên từng địa bàn và tự thu phí đối tác nhằm tạo nguồn thu cho chi nhánh trước khi thu phí dịch vụ từ khách hàng.
- Công tác quảng bá sản phẩm, các hình thức khuyến mãi còn chưa hiệu quả: Vietcombank chưa đầu tư thích đáng cho công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Hoạt động marketing ngân hàng còn hạn chế, hình ảnh ngân hàng chưa được quảng bá rộng rãi. Thêm vào đó, các hình thức khuyến mãi, đặc biệt trong huy động vốn và sử dụng sản phẩm mới còn quá ít ỏi, không hấp dẫn khách hàng. Do vậy, tỷ lệ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng còn ít so với tiềm năng. Mặt
khác, do chính bản thân các thành phần kinh tế này, với vai trò là tác nhân tham gia thị trường, không đáp ứng được các điều kiện cơ bản để tiếp cận dịch vụ trong khi ngân hàng lại quá cứng nhắc trong việc thực thi các quy định, từ đó tạo nên rào cản khó xâm nhập để phát triển các đối tượng khách hàng này.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
So với các NHTM khác ở Việt Nam, Vietcombank có điểm mạnh đó là thương hiệu uy tín lâu năm, ban lãnh đạo có uy tín và nhạy bén với thị trường, có mạng lưới khách hàng truyền thống lớn, mạng lưới giao dịch quốc tế lớn nhất Việt Nam, lượng vốn điều lệ tương đối lớn, và nhận được nhiều ưu đãi và hỗ trợ từ NHNN; Đi kèm với đó là những điểm yếu như đã nêu trên bao gồm bộ máy hoạt động khá cồng kềnh, chưa đạt hiệu quả tối đa tạo ra cản trong cơ chế hoạt động, hoạt động phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm chưa phát huy hiệu quả lớn, hiểu biết về thị trường thế giới chưa nhiều, năng lực tài chính còn hạn chế và phụ thuộc nhiều vào biến động lãi suất. Cơ hội
mở ra cho Vietcombank trong phát triển hoạt động NHHĐ có thể kể đến chính sách khuyến khách ứng dụng công nghệ hiện đại của Chính phủ, chính sách hạn chế dùng tiền mặt trong thanh toán của NHNN, định hướng mở rộng, đa dạng hoá dịch vụ và hoạt động liên kết học hỏi kinh nghiệm với đối tác nước ngoài trong hoạt động ngân hàng, ngoài ra còn có sự khuyến khích và nỗ lực chuẩn hoá các tiêu chuẩn quản trị rủi to của NHNH. Để nắm bắt được những cơ hội này, Vietcombank cần vượt qua những thách thức sau: Yêu cầu về quản trị theo thông lệ quốc tế, tình hình kinh tế khó khăn nhiều biến động, cạnh tranh giữa các ngân hàng về vốn, về khách hàng và cả về nhân sự. Những điểm này là sự tóm gọn về đặc trưng hoạt động của
Vietcombank cần thiết phải nắm rõ và giải quyết để phát triển hoạt động NH hiện đại nói riêng và toàn bộ Vietcombank nói chung.
Như vậy, chương II của Luận văn đã giới thiệu sơ quả những nét chính về Vietcombank, phân tích rõ về những thành tựu, những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong việc phát triển hoạt động NHHĐ của Vietcombank, từ đó chỉ ra được những điểm mạnh, điểm yếu cũng như các cơ hội và thách thức đối với Vietcombank trong quá trình phát triển. Những phân tích, kết luận đưa ra trong chương II sẽ là cơ sở để tác giả đề xuất các giải pháp trong chương III sau đây.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG
HIỆN ĐẠI TẠI VIETCOMBANK