CHƯƠNG 4 BÀN LUẬN
4.2.4. Đánh giá phân loại của Schatzker
Mâm chày khi bị tác động của một lực chấn thương mạnh có thể gãy với nhiều dạng thức khác nhau, gãy một mâm chày đơn thuần hoặc gãy cả hai mâm chày. Tuy nhiên đối với gãy mâm chày ngoài đơn thuần, các tác giả cho rằng đây là loại gãy do lực tác động lên mâm chày không quá mạnh so với gãy của mâm chày trong và đặc biệt ở những loại gãy cả hai mâm chày thì lực tác động thườngl à mạnh [71], [108], [110], [112]. Trên thực tế, có thể thấy tổn thương mâm chày có hình thái cũng rất đa dạng. Chính vì thế, để đánh giá tổn thương mâm chày, nhiều tác giả đã đưa ra các cách phân loại khác nhau [64], [83], [102].
Đối với từng loại gãy xương, các cách phân loại sẽ đóng vai trò như là một công cụ và được sử dụng thường xuyên trong lâm sàng và nhất là trong nghiên cứu. Phân loại tốt giúp cho việc định hướng phương pháp, đường hướng điều trị và tiên lượng bệnh. Trên thực tế thì ở bất cứ loại gãy nào cũng không dễ gì tìm ra được một cách phân loại tối ưu. Đối với gãy mâm chày, cho đến nay đã có nhiều cách phân loại được nghiên cứu và ứng dụng trong lâm sàng như phân loại của Schatzker, Hohl, AO - AIF, Hokonen. Phân loại của Schatzker theo chúng tôi là ưu việt hơn cả và trên thực tế thì cách phân loại này cũng đã được sử dụng phổ biến nhất. Các phân loại đều được xây dựng dựa trên phim XQ. Nhưng gãy mâm chày là tổn thương phức tạp nên đôi khi những phân loại kinh điển như trên vẫn chưa thỏa đáng hết được đòi hỏi để có thể lựa chọn phương án điều trị tốt nhất.
Trong nghiên cứu này, khi so sánh chẩn đoán gãy MC theo phân loại của Schatzker giữa phim XQ và CLVT thì có 17 trường hợp (13,49%) bị thay đổi phân loại (bảng 3.17). Trong đó 8/16 trường hợp được phân loại lại từ gãy loại I sang loại II. Như vậy, trong gãy mâm chày ngoài, rất dễ nhầm lẫn giữa loại I và loại II tức là gãy tách mảnh hình chêm không lún và có lún. Trên phim XQ không phát hiện được lún xương nhưng trên phim CLVT thì phát hiện được. Trên phim XQ chỉ có 8/18 trường hợp được chẩn đoán gãy loại IV chuyển sang loại V là do không phát hiện được đường gãy ở MCN. Trên phim CLVT, chúng tôi thấy mảnh gãy ở MCN chưa tách rời và lại ở thành sau do vậy khó phát hiện trên XQ. Nghiên cứu cũng cho thấy chẩn đoán gãy loại V và VI trên phim XQ là ít sai nhất. Tuy nhiên, đánh giá chính xác mức độ tổn thương trên phim XQ thì khó khăn hơn do có nhiều mảnh và nhiều đường gãy. Có thể thấy, nếu không có phim CLVT sẽ đánh giá không đầy đủ và khả năng bỏ sót tổn thương là rất cao.
Năm 2002, Yacoubian S.V [119] cũng tiến hành nghiên cứu phân loại gãy mâm chày. Tác giả so sánh kết quả chẩn đoán giữa phim XQ, CLVT và
MRI thấy việc sử dụng phim XQ thì hệ số Kappa là 0,68, sử dụng phim CLVT hệ số Kappa là 0,73 và phim MRI thì hệ số Kappa là 0,85. Tác giả đưa ra nhận xét MRI cho kết quả chẩn đoán chính xác nhất, tiếp theo là CLVT và thấp nhất là XQ. Và tác giả cũng thông báo có tới 6% số phân loại gãy mâm chày bị thay đổi khi phối hợp các kỹ thuật nói trên với nhau.
Subramanyam [107] nghiên cứu độ tin cậy của 3 hệ thống phân loại Schatzker, AO và Hohl - Moore đã đưa ra kết luận hệ thống phân loại của Schatzker tốt hơn hệ thống phân loại của AO và Hohl - Moore. Nghiên cứu của Walton (trích từ [107]) lại cho thấy hệ thống phân loại của AO tốt hơn Schatzker. Theo phân loại của Schatzker, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có sự phù hợp cao về chẩn đoán giữa phim XQ và phim CLVT với k = 0,83.
Dias [41] phân tích phim XQ và phim CLVT của 16 trường hợp gãy mâm chày đã có nhận xét rằng “XQ không đạt được độ chính xác cao, đánh giá không đúng về độ di lệch, dấu hiệu lún và vị trí lún cũng như mức độ các mảnh gãy, 11/16 trường hợp không phát hiện mảnh gãy ở vỏ xương trên phim XQ”. Qua nghiên cứu, 6/16 trường hợp đã được tác giả phân loại lại.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ phù hợp chẩn đoán của XQ so với chụp CLVT đạt 86,51%. Kết quả của chúng tôi cũng không khác với kết quả nghiên cứu của Subramanyam [107].
Tóm lại: phân loại gãy mâm chày của Schatzker trên phim XQ có độ chính xác cao. Sự phù hợp chẩn đoán giữa XQ so với CLVT đạt 86,51%.