CHƯƠNG 4 BÀN LUẬN
4.1. ĐẶC ĐIỂM NHÓM NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu cho thấy chấn thương vùng gối trong đó gãy mâm chày xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, lứa tuổi hay gặp nhất là tuổi trung niên. Theo thống kê một số nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy tuổi trung bình của những người bị gãy mâm chày khoảng 40 - 42 tuổi [4], [5], [6], [18]. Lứa tuổi trung bình bị gãy mâm chày trong nghiên cứu là 38,3 ± 13,08 tuổi, kết quả nghiên cứu này không có sự khác biệt với các tác giả trong nước. Đây là đối tượng đang lao động tích cực, tham gia giao thông nhiều nhất.
Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa các nhóm tổn thương về tuổi trung bình với p = 0,035. Trong nghiên cứu này, nhóm Schatzker VI có độ tuổi trung bình cao nhất 46,0 ± 13,1 (bảng 3.1). Chúng tôi chưa lý giải được tại sao nhóm Schatzker VI lại gặp nhiều hơn ở độ tuổi cao, phải chăng độ tuổi này bắt đầu có tình trạng của loãng xương, chỉ cần một lực va đập mạnh là có thể dẫn đến gãy xương mức độ nặng hơn. So sánh với kết quả nghiên cứu của Barbary H.E và cs [29] ở 30 trường hợp gãy mâm chày loại VI có tuổi trung bình là 41,4 tuổi, của Rui jiang và CS [100] tuổi trung bình trong nhóm nghiên cứu là 41- 43 tuổi thì không có sự khác biệt. Chúng tôi thấy yếu tố tuổi của các BN bị gãy mâm là độ tuổi lao động, lứa tuổi này con người đang lao động và cống hiến cho gia đình và xã hội nhiều nhất. Vì vậy, người bệnh cần được điều trị tốt sao cho chức năng khớp gối được trở lại bình thường để họ tiếp tục lao động, sản xuất.
Trong nghiên cứu, có 16 trường hợp gãy MC ở lứa tuổi ≥ 55 (mục 3.1.1). Tìm hiểu kỹ những trường hợp này thấy tai nạn chỉ do va quệt xe máy nhẹ hoặc trượt chân ngã nhưng mức độ tổn thương mâm chày lại rất trầm trọng (11/16 trường hợp gãy loại V, VI). Điều này gợi ý rằng do chất lượng xương đã kém. Nghiên cứu của Su E. P [108] cũng cho thấy những gãy mâm chày ở lứa tuổi trên 55 tuổi có kết quả chức năng kém hơn so với lứa tuổi 40. Không có sự khác biệt về tỉ lệ giữa nam và nữ với p = 0,63.
Nguyên nhân gãy mâm chày theo y văn phần lớn là do TNGT kế tiếp là TNTT và TNLĐ [3], [9], [13], [14], [15], [77], [78]. Ở Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu của một số tác giả như: Phạm Thanh Xuân [21] TNGT là 85,37%, Nguyễn Đình Trực [18] là 96,77%, Thái Anh Tuấn [20] là 22/32 trường hợp (68%). Theo một số nghiên cứu như: Tscherne H [110] thì nguyên nhân gãy mâm chày do TNGT là 64%, nghiên cứu của Kataria H [70] là 29/32 trường hợp (90,6%). Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nguyên nhân TNGT là 89,7% (bảng 3.2). So với kết quả của các tác giả, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng không có sự khác biệt.
Nguyên nhân TNGT ở nước ngoài phần lớn là do tai nạn ô tô, tổn thương mâm chày do cơ chế thúc dồn chiếm phần lớn. Vì vậy, tỷ lệ gãy MCN do cơ chế thúc dồn chiếm đa phần. Tai nạn giao thông ở nước ta chủ yếu là do xe máy, khi ngã người bệnh thường chống chân đỡ hoặc gối bị va đập trực tiếp vào vật cứng. Tư thế ngã chống chân phần nào phản ánh cơ chế gãy mâm chày là do thúc dồn lồi cầu đùi lên mâm chày. Tỷ lệ gãy MCN là 41/126 trường hợp (31,5%) trong các loại gãy cũng phản ánh cấu trúc xương của mâm chày ngoài yếu hơn mâm chày trong. 75/126 trường hợp (59,5%) bị gãy hai mâm chày là do vừa chống chân vừa đập gối vào vật cứng. Như vậy, nếu chỉ ngã chống chân thì thường bị gãy một mâm chày ngoài, và ngã chống chân kết hợp với va đập thường dẫn đến gãy hai mâm chày, có lẽ đây là một đặc điểm về nguyên nhân gãy mâm chày ở người Việt Nam.
Trong nghiên cứu, gãy mâm chày do TNTT có tỉ lệ thấp 1,6%. Các nghiên cứu trong nước chưa thấy đề cập tới nguyên nhân này [2], [5], [6], [18], [21], trong khi đó các tác giả châu Âu cho thấy, gãy mâm chày do TNTT chiếm một tỷ lệ không nhỏ từ 5 - 10% [77], [78]. Như nghiên cứu của Rossi R [98] là 11% do TNTT, hay gặp nhất là chơi trượt tuyết, và gãy MCN là hay gặp hơn cả.