5. Kết cấu của luận văn
1.2.1. Lập dự toán thu chi và Qui chế chi tiêu nội bộ
Lập dự toán NS là quá trình phân tích, đánh giá giữa khả năng và nhu cầu các nguồn tài chính để xây dựng các chỉ tiêu thu chi NS hàng năm một cách đúng đắn, có căn cứ khoa học và thực tiễn. Có hai phương pháp lập dự toán thường được sử dụng là phương pháp lập dự toán trên cơ sở quá khứ (Incremental budgeting method) và phương pháp lập dự toán cấp không (Zezo basic budgeting method). Mỗi phương pháp lập dự toán trên có những đặc điểm riêng cũng như ưu, nhược điểm và điều kiện vận dụng khác nhau.
Lập dự toán là khâu mở đầu rất quan trọng trong mỗi chu kỳ quản lý NSNN. Các đơn vị SNCT cho dù là đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên hay tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, đều là đơn vị dự toán ngân sách.
Vì vậy, việc tuân thủ đầy đủ các yêu cầu, các nguyên tắc trong quản lý NS theo quy định là lẽ đương nhiên đòi hỏi các ĐVSN có thu phải thực hiện.
Dự toán NS hàng năm của các đơn vị phải phản ánh đầy đủ các khoản thu, chi theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành, kể cả các khoản thu, chi từ nguồn thu được tạo ra trong quá trình hoạt động sự nghiệp. Cùng với việc lập dự toán thu chi, trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của nhà nước, đơn vị chủ động xây dựng tiêu chuẩn, định mức và chế độ chi tiêu nội bộ để đảm bảo hoạt động thường xuyên cho phù hợp với hoạt động đặc thù của đơn vị và tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí tiết kiệm có hiệu quả.
Trong lĩnh vực hành chính nhà nước, việc ban hành quy chế là nhằm cụ thể hóa đồng thời nó còn có giá trị như một văn bản hướng dẫn những quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan ban hành, chứ không phải tự quy định ra những quyền hạn, nhiệm vụ mới. Nghĩa là, phải bao gồm những quy định nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nói trên và nêu rõ cả những quy tắc tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức đó. Bởi vậy nếu trong bản quy chế của một cơ quan mà quy định thêm những quyền hạn, nhiệm vụ mới hoặc bớt đi một chức năng, nhiệm vụ nào đó thì bản quy chế đó bị coi là vi phạm luật pháp. Các quy định trong “Quy chế chi tiêu nội bộ” phải đảm bảo yêu cầu về tính rõ ràng, dễ hiểu, tránh đa nghĩa; phải cụ thể hóa để làm rõ những điều trong các văn bản quy phạm, tránh việc coi quy chế chỉ là " bản sao" của văn bản quy phạm pháp luật (Nguyễn Phú Giang, 2010) [14].