Triển khai nghị quyết của Hội đồng thành viên chỉ đạo việc khẩn trương thành lập Ban thẩm định, nhanh chóng hoàn thiện ban hành các văn bản quy chế, quy định về hoạt động tín dụng trong hệ thống NHNo & PTNT VN, cho đến nay việc thành lập Phòng (Tổ) thẩm định đã được thực hiện ở dưới các chi nhánh, còn tại Hội sở NHNo & PTNT VN Ban thẩm định đã được thành lập chính thức tuy nhiên hiện nay hoạt động của Ban thẩm định vẫn chưa phát huy được vai trò theo đúng ý tưởng chỉ đạo của Ban lãnh đạo NHNo & PTNT VN. Với sự thay đổi khi thành lập ban thẩm định tại Trụ sở chính và phòng thẩm định tại các chi nhánh như trên, NHNo & PTNT VN cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động tín dụng, nhất là quy trình thẩm định mới thống nhất trong toàn hệ thống NHNo & PTNT VN. Chỉ đạo thực hiện thống nhất từ hội sở xuống
các chi nhánh, tránh tình trạng tự phát tự quy định như hiện nay tại các chi nhánh, do chưa có quy định thống nhất trong toàn hệ thống.
Tăng cường sự phối hợp, liên kết cung cấp trao đổi thông tin giữa các chi nhánh NHNo & PTNT VN trong hệ thống. Từ đó, tại hội sở NHNo & PTNT VN cần xây dựng một hệ thống lưu trữ, xử lý thông tin, làm nơi truy xuất dữ liệu thông tin đáng tin cậy cho các chi nhánh trong toàn hệ thống.
Trung tâm đào tạo của hệ thống NHNo & PTNT VN cần phát huy vai trò của mình hơn nữa, thường xuyên tổ chức những lớp đào tạo ngắn hạn, những buổi hội thảo tập huấn, mời các chuyên gia nói chuyện… nhằm nâng cao trình độ, nghiệp vụ, kiến thức cho cán bộ của toàn ngân hàng.
Ngoài ra, để khắc phục nhược điểm trên trong nội dung thẩm định về phương diện thị trường, kỹ thuật, môi trường, xã hội của dự án thì Sở Giao dịch cần có những biện pháp sau:
Thiết lập những phương tiện hỗ trợ công tác thẩm định, trên cơ sở hệ thống máy tính và các chương trình phần mềm sẵn có, Sở Giao dịch cần xây dựng hệ thống thông tin, thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan như: các văn bản luật quy định và hướng dẫn mới ban hành liên quan đến công tác tín dụng và các ngành lĩnh vực cho vay, các công bố chỉ số tài chính lĩnh vực ngành… để cán bộ tín dụng, thẩm định có thể truy cập dữ liệu lấy thông tin một cách nhanh chóng và chính xác.
Liên kết hợp tác với các trung tâm, công ty tư vấn chuyên nghiệp về luật, công nghệ kỹ thuật, những ngành, lĩnh vực trên để có thể vấn đáp những thông tin cần thiết cho thẩm định các nội dung trên của dự án.
Thuê cơ quan định giá để định giá tài sản bảo đảm khi việc định giá rất khó khăn và phức tạp như dự án, nhà xưởng, công trình… Thuê cơ quan tư vấn thực hiện điều tra thẩm định lại các phương diện kỹ thuật, thị trường đối với các dự án lớn, phức tạp, thuộc những lĩnh vực ngành chuyên biệt nếu cần.
Làm được như vậy thì mới đảm bảo sự chi tiết chính xác cho các nội dung thẩm định của dự án, tránh sự hời hợt, chủ quan do chấp nhận thông tin do chủ đầu tư dự án cung cấp.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Chương III đã trình bày định hướng phát triển hoạt động đồng tài trợ trong thời gian tới và đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định dự án đồng tài trợ tại Sở giao dịch. Trên cơ sở lý luận đã trình bày tại chương I và việc phân tích đánh giá thực trạng thẩm định dự án đồng tài trợ tại chương II, chương III đã đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng thẩm định dự án đồng tài trợ tại Sở giao dịch NHNo&PTNT VN về các phương diện: quy trình thẩm định, nội dung thẩm định, nhân lực, bộ máy thẩm định, kiểm tra kiểm soát, công nghệ- thông tin. Bên cạnh đó chương III còn đưa ra một số kiến nghị đối với chính phủ, các bộ ngành, NHNN, NHTM khác và NHNo&PTNT Việt Nam.
KẾT LUẬN
Bài luận văn đã đưa ra các cơ sở lý luận cơ bản liên quan đến các nội dung thẩm định dự án ĐTT và chất lượng thẩm định dự án ĐTT. Trên cơ sở đó đánh giá thực tế công tác thẩm định dự án ĐTT và chất lượng thẩm định dự án ĐTT tại Sở giao dịch. Qua nghiên cứu vấn đề thẩm định dự án cho vay ĐTT tại Sở Giao dịch cho thấy Sở Giao dịch đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc thẩm định dự án ĐTT, các dự án cho vay ĐTT hiện đang hoạt động tương đối ổn định và bám sát mục tiêu ban đầu, ít có nợ quá hạn, không có nợ xấu xảy ra. Tuy nhiên việc thẩm định dự án tại Sở Giao dịch cũng còn những tồn tại nhất định về quy trình, nội dung thẩm định chưa hoàn thiện, lực lượng CBTĐ còn mỏng, nguồn thông tin sử dụng cho việc thẩm định còn hạn chế... Qua nghiên cứu, tìm hiểu và tham khảo tác giả đã đưa ra một số giải pháp về quy trình, nội dung và phương pháp thẩm định dự án ĐTT, giải pháp về nhân sự, bộ máy thẩm định, giải pháp về công tác kiểm tra kiểm soát tín dụng và giải pháp về xây dựng củng cố hệ thống thông tin, công nghệ hỗ trợ cho việc thẩm định dự án nhằm nâng cao chất lượng thẩm định dự án cho vay ĐTT tại Sở Giao dịch.
Thẩm định dự án là một đề tài phức tạp liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều chủ thể cho nên đòi hỏi một sự nghiên cứu sâu sắc và những giải pháp đồng bộ lớn với sự quyết tâm nỗ lực thực hiện từ nhiều phía. Vì vậy nghiên cứu vấn đề này luôn là một vấn đề cần thiết và hữu ích. Tác giả hy vọng với một số ý kiến đề xuất trên đây sẽ góp phần nâng cao chất lượng thẩm định dự án cho vay ĐTT trong hoạt động cho vay tại Sở Giao dịch NHNo&PTNT Việt Nam.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO VĂN BẢN PHÁP LUẬT
1. Quyết định số 286/2002/QĐ-NHNN về việc ban hành quy chế đồng tài trợ của các Tổ chức tín dụng ngày 03/04/2002
2. Quyết định số 886/2003/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế đồng tài trợ của các tổ chức tín dụng ban hành theo quyết định số 286/2002/QĐ- NHNN ngày 03/04/2002 của Thống đốc ngân hàng nhà nước, ban hành ngày 11/08/2003
3. Thông tư số 42/2011/TT-NHNN quy định về việc cấp tín dụng hợp vốn của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng ngày 15/12/2011
GIÁO TRÌNH
4. TS. Phan Thị Thu Hà, Giáo trình Ngân hàng thương mại (2009), Nxb Thống kê
5. TS. Nguyễn Bạch Nguyệt, (Đại học kinh tế quốc dân (2010)), Lập và quản lý dự án đầu tư (2010), Nxb Thống kê Hà Nội.
6. Pedro Belli và các tác giả, Ngân hàng thế giới, Vũ Cương dịch, Phân tích kinh tế các hoạt động đầu tư – công cụ phân tích và ứng dụng thực tế, NXB Văn hoá - Thông tin, 2002