Tăng cường kiểm tra kiểm soát trong công tác tín dụng

Một phần của tài liệu giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định dự án cho vay đồng tài trợ tại sở giao dịch ngân hàng nông nghiệp & phát triển nông thôn việt nam (Trang 107 - 109)

Hướng tới mục tiêu phát triển tín dụng bền vững và hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng thẩm định dự án ĐTT, công tác kiểm tra kiểm soát trong hoạt động thẩm định cho vay ĐTT của Sở Giao dịch NHNo&PTNT VN cần được tiến hành nghiêm túc với các giải pháp cụ thể như sau:

Tăng cường kiểm tra khoản vay trước, trong và sau khi cho vay: đây là công việc hết sức cần thiết nhằm đảm bảo việc ra quyết định cho vay là chính xác và khoản vay được thực hiện đúng quy định, an toàn và hiệu quả. Sở Giao dịch cần có quy định cụ thể về việc kiểm tra khoản vay. Kiểm tra trước và trong khi cho vay chính là nội dung đã được phân tích và đề cập kỹ trong việc thẩm định, ngoài ra việc kiểm tra sau đối với khoản vay cũng cần được chú ý, trong đó quy định thời gian kiểm tra, nội dung kiểm tra, gắn trách nhiệm của cán bộ quản lý khoản vay với việc theo dõi kiểm tra sau khoản vay, đây cũng là công việc hết sức quan trọng trong công tác tín dụng nhằm đảm bảo khoản vay được thực hiện đúng mục đích, hiệu quả và để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện dấu hiệu bất thường.

Sau khi đã ra quyết định cấp tín dụng đối với dự án đầu tư, Sở Giao dịch phải liên tục tiến hành kiểm tra sau cho vay theo định kỳ hoặc đột xuất để đảm bảo dự án luôn được thực hiện tiến hành đúng tiến độ, kịp thời đưa vào hoạt động tạo nguồn thu trả nợ ngân hàng.

Sở Giao dịch nên thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động của dự án, so sánh các ý kiến thẩm định trước đó rút ra kinh nghiệm. Mặt khác Sở Giao dịch nên

thường xuyên kiểm soát quá trình bỏ vốn đầu tư, xem xét vòng luân chuyển vốn, vòng quay hàng tồn kho, nhu cầu đầu tư cho trong giai đoạn, từng hạng mục từ đó có biện pháp giải ngân hợp lý, tránh lãng phí và ứ đọng vốn, kết hợp kiểm soát chủ đầu tư sử dụng vốn có mục đích

Khi dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động SXKD, CBTD/TĐ cần phải quản lý chặt dòng tiền của dự án, theo sát hoạt động kinh doanh của dự án và doanh nghiệp, thường xuyên định kỳ kiểm tra doanh thu chi phí của khách hàng, nắm bắt được nguồn trả nợ của dự án để thu hồi nợ đúng kỳ hạn đã định. Ngoài ra kiểm soát được dòng tiền cũng giúp ngân hàng có thể đánh giá lại và kịp thời điều chỉnh kế hoạch trả nợ khi cần thiết cho phù hợp với nguồn thu của dự án, không gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và đảm bảo việc thu hồi nợ gốc, lãi đầy đủ cho ngân hàng.

Trong nội dung kiểm tra dự án cần đề cập đến việc thực hiện các yêu cầu về tài sản bảo đảm của chủ đầu tư. Do tài sản bảo đảm cho các dự án ĐTT đa số là tài sản hình thành trong tương lai với thời gian hình thành khá dài do đó các điều kiện về tài sản bảo đảm nếu không kiểm tra chặt chẽ và thường xuyên sẽ dễ bị bỏ qua và không đảm bào về việc hoàn thiện các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bảo nhằm bảo vệ lợi ích các NH ĐTT.

Đối với những trường hợp dự án khi thẩm định được đánh giá là tốt nhưng kết quả lại không trả được vốn và lãi đúng hạn, phải tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết, khắc phục những nguyên nhân đó.

Định kỳ, phòng thẩm định phải có báo cáo trình lên để ban giám đốc nắm bắt được tình hình hiện tại và định hướng phát triển cho tương lai.

 Tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ: Phòng Kiểm tra kiểm soát nội bộ là một bộ phận độc lập với Phòng Tín dụng và Phòng Thẩm định, do đó việc kiểm tra kiểm soát của Phòng này sẽ đảm bảo tính chất khách quan. Phòng Kiểm tra kiểm soát nội bộ cần tiến hành các đợt kiểm tra để đảm bảo công tác thẩm định dự án, giải ngân, thu nợ, cũng như công tác quản lý các khoản vay của Phòng Tín dụng được tiến hành theo đúng các quy trình, quy định của pháp

luật, NHNN, NHNo&PTNT cũng như của Sở Giao dịch. Việc kiểm tra giám sát phải được thực hiện trên mọi mặt từ việc tuân thủ các quy định chung tới năng lực chuyên môn và đạo đức của CBTD/TĐ.

Hàng tháng Phòng kiểm tra kiểm soát tiến hành kiểm tra các khoản vay phát sinh trong tháng, ngoài ra có các chương trình kiểm tra theo chuyên đề như: kiểm tra các khoản vay tiêu dùng, vay bất động sản, vay không có tài sản đảm bảo, các nhóm khách hàng liên quan…

Tại Sở Giao dịch Phòng Kiểm tra kiểm soát nội bộ cũng đã được bổ sung cán bộ có kinh nghiệm từ Phòng Tín dụng, việc kiểm soát cũng từng bước phát huy hiệu quả, đưa ra các vấn đề còn tồn tại thiếu sót trong các khoản vay. Tuy nhiên khối lượng công việc phát sinh rất lớn, cán bộ Phòng Kiểm tra kiểm soát còn thiếu, số lượng cán bộ được phân công phụ trách kiểm soát nghiệp vụ tín dụng còn ít, vì vậy để thực hiện được chương trình kiểm tra như trên cần phải bổ sung thêm cán bộ cho phòng. Cán bộ cũng cần có trình độ và kinh nghiệm trong hoạt động tín dụng. Sở Giao dịch cũng đã chú trọng đến vấn đề này, tuy nhiên như trên luận văn đã đề cập CBTD/TĐ cũng thiếu trầm trọng vì vậy việc luân chuyển cán bộ từ phòng tín dụng, phòng thẩm định lên phòng kiểm tra kiểm soát nội bộ là rất khó. Chính vì vậy khi bổ sung cán bộ từ nguồn bên ngoài cần thiết phải có chương trình đào tạo và thực tập, tiếp cận thực tế cho cán bộ tại phòng tín dụng, phòng thẩm định.

Như vậy, việc tăng cường kiểm tra kiểm soát trong công tác tín dụng góp phần nâng cao chất lượng tín dụng cũng như chất lượng công tác thẩm định, vì vậy Sở Giao dịch cần phải chú trọng tập trung cho công tác kiểm tra kiểm soát này.

Một phần của tài liệu giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định dự án cho vay đồng tài trợ tại sở giao dịch ngân hàng nông nghiệp & phát triển nông thôn việt nam (Trang 107 - 109)