Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng nguồn thông tin phục vụ thẩm định

Một phần của tài liệu giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định dự án cho vay đồng tài trợ tại sở giao dịch ngân hàng nông nghiệp & phát triển nông thôn việt nam (Trang 109 - 111)

Thông tin là yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng của công tác thẩm định nói chung và thẩm định tài chính nói riêng. Có thể nói khó khăn lớn nhất đối với việc nâng cao chất lượng công tác thẩm định tài chính dự án ĐTT hiện nay là thiếu các nguồn thông tin đáng tin cậy. Do vậy, việc xây dựng và phát triển hệ thống thông tin đảm bảo cung cấp chính xác, kịp thời, đầy đủ các thông tin cần thiết phục vụ công tác thẩm định tài chính là yêu cầu bức thiết của ngân hàng.

3.2.7.1 Nguồn thông tin nội bộ

Trên cơ sở hệ thống trang thiết bị hiện đại, Sở Giao dịch cần phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin xây dựng một hệ thống lưu trữ và cung cấp thông tin nội bộ hiện đại, khoa học. Tất cả các bộ phận phòng nghiệp vụ tại Sở Giao dịch có nghĩa vụ và trách nhiệm phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, thường xuyên cho hệ thống thông tin nội bộ này. Đặc biệt, cần thống nhất quy định về các loại thông tin phải cung cấp mang tính bắt buộc và những loại thông tin tham khảo để tập hợp theo khách hàng, theo ngành nghề, lĩnh vực hoặc theo tính chất thông tin (thông tin về tài chính của khách hàng, về thị trường, về tình hình kinh tế xã hội, thông tin theo dõi hiệu quả thực tế các dự án đã thẩm định…).

Ngoài chức năng thu thập và khai thác thông tin từ mạng CIC của NHNN, bộ phận thông tin tín dụng tại NHNo&PTNT VN và tại các chi nhánh , Sở Giao dịch cần tăng cường thêm các chức năng thu thập, lưu trữ và cung cấp thông tin chuyên ngành, phân tích xác suất và các phân phối xác suất đặc trưng trong từng ngành nghề, từng lĩnh vực đầu tư trong nền kinh tế làm cơ sở cung cấp thông tin cho bộ phận tín dụng và thẩm định.

3.2.7.2 Nguồn thông tin từ bên ngoài

Ngoài nguồn thông tin nội bộ rất quan trọng và có thể chủ động, Sở Giao dịch cần đa dạng hoá các nguồn thông tin từ bên ngoài vì đây là nguồn thông tin chủ yếu rất phong phú và có tiềm năng khai thác rất lớn.

Hiện nay, mạng thông tin tín dụng CIC của NHNN có thể cung cấp những thông tin tương đối đầy đủ về tình hình quan hệ tín dụng của từng khách hàng với các NHTM. Tuy nhiên độ chính xác của thông tin do CIC NHNN cung cấp phụ thuộc vào độ chính xác của các báo cáo do các NHTM cung cấp. Ngoài ra, Sở Giao dịch NHNo&PTNT VN cần chủ động khai thác thêm thông tin từ các bộ phận khác thuộc NHNN như vụ chiến lược ngân hàng, vụ tín dụng, vụ chính sách tiền tệ, vụ các ngân hàng, vụ quản lý ngoại hối… Với chức năng là ngân hàng quản lý, điều hành các NHTM, thông tin từ NHNN sẽ là nguồn thông tin bổ sung rất quan trọng cho công tác thẩm định dự án.

Bên cạnh nguồn thông tin trong nội bộ ngành ngân hàng, thông tin từ báo chí, từ mạng thông tin toàn cầu (internet), từ các cơ quan quản lý (Bộ, ngành chủ quản), cơ quan thống kê, các công ty kiểm toán, từ khách hàng là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tương tự… cũng cần được tích cực khai thác. Muốn vậy, Sở Giao dịch NHNo&PTNT VN cần thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan này vì mục tiêu phục vụ lâu dài cho các hoạt động của ngân hàng.

Thông tin từ các doanh nghiệp bạn hàng của chủ đầu tư dự án và thông tin từ những cán bộ chủ chốt liên quan đến dự án như: Giám đốc, kế toán trưởng, cán bộ lập dự án đầu tư cũng rất quan trọng. Ngân hàng có thể khai thác thông tin từ các hồ sơ, tài liệu khách hàng cung cấp và từ việc trực tiếp phỏng vấn một số cán bộ chủ chốt liên quan đến dự án trên. Điều này đòi hỏi nghệ thuật phỏng vấn mà mỗi cán bộ thẩm dịnh phải tự tạo cho mình trong thời gian làm việc. Mục đích của cuộc phỏng vấn này là kiểm tra tư cách của những người đứng đầu doanh nghiệp, kiểm tra về ý tưởng của họ, về dự án, kiểm tra về trình độ hiểu biết của họ về dự án,… bên cạnh đó không nên chỉ phỏng vấn mà cần tiếp xúc trực tiếp với những người làm việc tại doanh nghiệp để nắm rõ tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quá khứ và tiếp cận thêm các thông tin khác về tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại. Đồng thời kết hợp với việc tham quan khảo sát cơ sở sản xuất, văn phòng, nhà xưởng nhằm điều tra năng lực sản xuất và quản lý của doanh nghiệp.

Nguồn thông tin này cần được khai thác tốt giúp CBTD/TĐ có được cái nhìn toàn cục và sâu sắc về doanh nghiệp và dự án ĐTT đầu tư.

Một phần của tài liệu giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định dự án cho vay đồng tài trợ tại sở giao dịch ngân hàng nông nghiệp & phát triển nông thôn việt nam (Trang 109 - 111)