Quy trình thẩm định dự án ĐTT của các ngân hàng Việt Nam nhìn chung chưa có tập trung vào tính chuyên môn hóa. Quy trình thẩm định hầu như chỉ xoay quanh bộ phận thẩm định và tín dụng, chưa có sự phối hợp đồng bộ với các bộ phận khác. Thực tế một quy trình thẩm định thường trải qua nhiều khâu, mỗi khâu đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn khác nhau, trong khi CBTD/TĐ chỉ được đào tạo chuyên sâu trong thẩm định tài chính. Vì vây, quy trình thẩm định của Sở Giao dịch nên bổ sung phương án hợp tác giữa nhiều bộ phận chuyên môn khác nhau, chẳng hạn như:
Phòng chăm sóc khách hàng sẽ tiến hành thẩm định thông tin chung về khách hàng do khách hàng cung cấp như thông tin về ban giám đốc, hội đồng quản trị, giá cổ phiếu …để cung cấp cho CBTD/TĐ thông tin chính xác, chi tiết nhất về khách hàng. Tuy nhiên thực tế hiện nay tại Sở Giao dịch thông tin chung về khách hàng không được phòng chăm sóc khách hàng thẩm định, thay vào đó CBTD/TĐ sử dụng luôn thông tin do khách hàng cung cấp làm căn cứ thẩm định. Phòng chăm sóc khách hàng vì vậy không có liên hệ nhiều đến quy trình thẩm định dự án ĐTT.
Phòng pháp lý sẽ tiến hành thẩm định tính pháp lý của chủ đầu tư và dự án đầu tư. Hồ sơ pháp lý của chủ đầu tư và dự án đầu tư là căn cứ quan trọng để Sở Giao dịch quyết định có tiến hành cho vay hay không. Việc thẩm định pháp lý hiện
nay do CBTD/TĐ tiến hành dựa trên tài liệu pháp lý do khách hàng cung cấp, bộ phận pháp lý hầu như không tham gia vào thẩm định dự án. Trong khi các CBTD/TĐ không phải ai cũng có kiến thức chuyên sâu về pháp luật sẽ dẫn đến việc thẩm định tính pháp lý được tiến hành qua loa, không phát hiện được sai sót nghiêm trọng trong thủ tục pháp lý của dự án.
Phòng quản lý rủi ro có thể xây dựng định tính và định lượng rủi ro tiềm tàng của dự án. Trong quá trình cho vay dự án ĐTT Sở Giao dịch phải đối mặt với nhiều dạng rủi ro khác nhau bao gồm cả rủi ro tiềm tàng. Nếu không có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc thực tế, các cán bộ rất khó phát hiện và dự đoán được hết rủi ro. Vì vậy, quá trình thẩm định rủi ro dự án đầu tư cần có sự tham gia của cán bộ phòng quản lý rủi ro.
Phòng tín dụng và thẩm định: CBTĐ/TD chỉ tiến hành thẩm định tài chính dự án. Hiện nay CBTD/TĐ phải tham gia vào nhiều khâu thẩm định vượt quá chuyên môn của mình do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các phòng ban. Tuy nhiên, một khi đã có sự chuyên môn hóa rõ ràng trong các khâu thẩm định, CBTD/TĐ chỉ nên được trao quyền thẩm định tài chính. Như vậy, vừa đảm bảo tính chuyên môn cao, vừa giảm tải được khối lượng và áp lực công việc cho CBTD/TĐ. Hay như một số khâu thẩm định về thị trường, thẩm định về phương diện kỹ thuật trong cơ cấu tổ chức của Sở Giao dịch không có phòng ban chuyên môn, cán bộ đủ năng lực để tiến hành thẩm định, thì Sở Giao dịch có thể thuê chuyên gia bên ngoài hỗ trợ quá trình thẩm định.
Ngoài ra, quy trình thẩm định dự án nên bổ sung khâu tái thẩm định dự án khi cần thiết. Khâu tái thẩm định dự án giao cho phòng tín dụng và thẩm định phối hợp thực hiện. Có như vậy, công tác thẩm định mới hiệu quả, đảm bảo an toàn cho nguồn vốn đầu tư của các ngân hàng vì các dự án ĐTT thường là các dự án lớn, có độ rủi ro cao.