Chủ thể giám sát tài chính của TĐKT là người thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính của TĐKT. Đối với TĐKT chủ thể GSTC trước hết là Nhà nước với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước đối với các TĐKT. Thông qua việc phân tích các số liệu của tập đoàn được phản ánh trên các báo cáo tài chính, cơ quan quản lý Nhà nước có thể kiểm soát được tình hình chấp hành các chế độ chính sách kinh tế của Nhà nước đối với các TĐKT và các đơn vị thành viên. Mặt khác, Nhà nước có thể kiểm soát được mọi hoạt động của TĐKT trong từng giai đoạn cụ thể, cũng như có thểđiều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các TĐKT nói riêng, và các doanh nghiệp nói chung.
Ngoài ra, chủ thể giám sát tài chính TĐKT còn là những người đầu tư, góp vốn hoặc người cho vay với tư cách là những người đồng chủ sở hữu, hoặc chủ nợ của TĐKT. Chủ thể giám sát tài chính cũng có thể là bản thân bộ máy quản lý của CTM, các công ty thành viên và người lao động trong doanh nghiệp với tư cách là người được giao quyền trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản, tiền vốn để kinh doanh và có lợi ích từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và tập đoàn. Mối quan hệ về lợi ích từ các góc độ khác nhau của các chủ thể giám sát trên đây thúc đẩy họ quan tâm thực hiện giám sát tài chính đối với hoạt động của Tập đoàn.
Kết thúc một chu kỳ kinh doanh, với việc công bố công khai kết quả hoạt động kinh doanh của tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên giúp cho các chủ đầu tư, chủ nợ, người lao động,.. trong các TĐKT biết rõ tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, thu nhập và những lợi ích khác của TĐKT và các đơn vị thành viên. Mặt khác, nó còn giúp cho ban lãnh đạo Tập đoàn kiểm soát được mọi hoạt động kinh doanh, nguồn vốn, từng bước tạo lòng tin cho người lao động trong Tập đoàn và các nhà đầu tư vào Tập đoàn.