cũng như sự thiếu hiểu biết về thông lệ và tập quán quốc tế:
Do thiếu sự phân tích, thẩm định kỹ càng các đối tác và sự thiếu hiểu biết về thông lệ và tập quán quốc tế nên các doanh nghiệp còn xem nhẹ rủi ro phát sinh trong hoạt động TTQT dẫn đến phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà cho cả ngân hàng.
Một trong những Case study tiêu biểu là trường hợp món nhờ thu xuất khẩu của Xí nghiệp tư doanh và chế biến thủy sản Cam Ranh ( CamRanh Seafoods).
Cam Ranh Seafoods là công ty chuyên chế biến thủy sản xuất khẩu có trụ sở tại quốc lộ 1A, xã Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa. Ngành nghề kinh doanh chính là chế biến nông sản, thủy sản với vốn đầu tư 17.700.000.000 đồng. Doanh nghiệp thiết lập quan hệ tín dụng với NHNo&PTNT tỉnh Quảng Ninh vào tháng 03 năm 2009. NHNo&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho CamRanh Seafoods vay dự án nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu tại huyện Hải Yên, thành phố Móng Cái với hạn mức vốn vay trung hạn là 40 tỷ đồng. Sau khi dự án nhà máy về cơ bản đi vào hoạt động vào năm 2010. Ngân hàng ký kết thêm với doanh nghiệp hạn mức vốn vay lưu động hơn 43 tỷ đồng phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. Vì là một doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản nên doanh nghiệp có hoạt động TTQT tương đối phát triển và chủ yếu giao dịch với NHNo&PTNT tỉnh Quảng Ninh.
Trước thời điểm 26/08/2010, CamRanh Seafoods có 4 món L/C trị giá hơn 300 nghìn đô la mỹ và 8 món nhờ thu D/P hàng xuất trị giá hơn 500 nghìn đô la mỹ qua ngân hàng. Các đối tác của CamRanh Seafoods đều là các khách hàng có uy tín, có
quan hệ làm ăn truyền thống ở các nước như Mỹ, Anh.Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khá ổn định và hiệu quả.
Ngày 26/08/2010, CamRanh Seafoods có gửi một bộ chứng từ nhờ thu hàng xuất theo điều kiện “ D/P at sight”, mặt hàng tôm đông lạnh xuất khẩu cho đối tác là công ty Expack Seafoods có trụ sở tại One Woodbride Center, Suite 915 Woodbridge NJ 07095, USA ( Mỹ). Trị giá lô hàng là 111,400.00USD. Doanh nghiệp đề nghị ngân hàng được chiết khấu bộ chứng từ nhờ thu trên. Sau khi thẩm định hồ sơ, phòng KDNH cùng với phòng Tín dụng đề nghị ban lãnh đạo đồng ý chiết khấu 95% trị giá bộ chứng từ tương đương 105,830.00USD thời hạn 40 ngày kể từ ngày chiết khấu (27/08/2010).
Ngày 22/09/2010, CamRanh Seafoods gửi công văn số 128/10/CRSF đề nghị Ngân hàng xem xét cho doanh nghiệp chuyển phương thức thanh toán của bộ chứng từ nhờ thu nêu trên từ “ D/P at sight” sang D/A 45 ngày. Giải thích cho lý do chuyển đổi này, doanh nghiệp cho biết trước đây trong hợp đồng ký kết với đối tác, điều kiện giao hàng CFR ( Cost and Freight – Tiền hàng và cước phí) ( theo Incoterms 2000). Với điều kiện giao hàng này, Camranh Seafoods chỉ chịu trách nhiệm sau khi giao hàng giao qua mạn tàu tại Thành phố Hồ Chí Minh, thanh toán cước tàu, những công việc còn lại về thủ tục thông quan là do khách hàng thực hiện. Tuy nhiên, sau đó hai bên có sự thay đổi về điều kiện giao hàng (theo yêu cầu của phía đối tác và doanh nghiệp đã đồng ý) là DDP ( Delivered Duty Paid – Giao hàng đã nộp thuế). Với điều kiện giao hàng DDP doanh nghiệp phải làm thủ tục khai báo Hải quan Mỹ, trả thuế sau đó mới trình chứng từ thanh toán. Vì vậy, để có chứng từ hoàn thành thủ tục thông quan tại Mỹ, doanh nghiệp muốn chuyển phương thức thanh toán bộ chứng từ sang D/A cho đối tác nhận bộ chứng từ để chuyển đến Dịch vụ khai báo Hải quan Mỹ , sau khi thông quan khách hàng sẽ thanh toán giá trị lô hàng.
Xét thấy doanh nghiệp kinh doanh ổn định và hiệu quả, đặc biệt vì món nhờ thu này đã được ngân hàng chiết khấu vào ngày 26/08/2011, nên ngân hàng đã chấp thuận đề nghị thay đổi phương thức thanh toán của khách hàng. Ngày 24/09/2010, ngân hàng gửi điện MT799 gửi đi ngân hàng nước ngoài thông báo nội dung trên.
Ngày 29/09/2010, ngân hàng nước ngoài trả lời bằng điện MT412 thông báo bộ chứng từ đã được khách hàng chấp nhận thanh toán.Tuy nhiên, đã quá thời hạn chiết khấu bộ chứng từ, ngân hàng đã nhiều lần gửi điện cho ngân hàng nước ngoài nhưng đơn vị trả tiền vẫn chưa thanh toán. Đến ngày 10/01/2010, NHNo&PTNT tỉnh Quảng Ninh nhận được điện thông báo từ phía ngân hàng nhờ thu về việc khách hàng từ chối bộ chứng từ nhờ thu nói trên. Vì trong phương thức thanh toán nhờ thu, theo Quy tắc thống nhất về nhờ thu URR 522 thì các ngân hàng không chịu trách nhiệm gì về việc không thanh toán của khách hàng mà chỉ hành động với sự thiện chí và sự cẩn thận hợp lý ( theo điều 19 quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của các ngân hàng).
Qua trường hợp này có thể thấy, sau khi nhận được bộ chứng từ từ phía ngân hàng thông báo và thủ tục thông quan hải quan Mỹ của Camranh Seafoods hoàn tất, người nhập khẩu đã đi lấy hàng và không thanh toán cho CamRanh Seafoods theo như hợp đồng đã ký kết. Rủi ro này là do sự thiếu kinh nghiệm trong hoạt động XNK của doanh nghiệp,việc chấp thuận chuyển phương thức giao hàng từ CFR sang DDP đã gây khó khăn và tốn kém chi phí thông quan xuất khẩu cho doanh nghiệp. Đồng thời việc chuyển phương thức thanh toán từ D/P at sight sang D/A at 45 days càng gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp. Và thực tế đã chứng minh, đối tác sau khi nhận hàng đã không thanh toán cho doanh nghiệp.