2.1.3.1 .Đầu tư, trang bị các thiết bị công nghệ cao
Để xây dựng mạng lưới ĐVCNT, các NHTM Việt Nam đầu tư mua sắm các thiết bị EDC/POS công nghệ hiện đại, đảm bảo chấp nhận thanh toán thẻ nhanh chóng, chính xác cho khách hàng sử dụng. Các thiết bị này hầu hết được nhập khẩu từ nước ngoài, lắp đặt dễ dàng, dễ tương thích và dễ dàng sử dụng. Hiện nay trên thị trường sử dụng phổ biến ba loại máy: in kim, in nhiệt và sử dụng công nghệ GPRS (EDC/POS không dây).
- Thiết bị EDC/POS sử dụng công nghệ in kim: là loại thiết bị in 03 liên hóa đơn cho một lần khách hàng giao dịch. Trong đó, một liên giao cho khách hàng, một liên giao cho ngân hàng và một liên do ĐVCNT lưu trữ. Khách hàng sẽ được yêu cầu ký tối thiểu hai liên. Loại thiết bị này có nhược điểm là không tiết kiệm chi phí in ấn, hóa đơn cũng cần sử dụng loại giấy đặc biệt, giá thành cao. Tuy nhiên hiện nay theo quy định của NHNN khách hàng sử dụng thẻ phải ký 03 liên cho mỗi lần giao dịch nên thiết bị này vẫn được sử dụng khá phổ biến trên thị trường.
- Thiết bị EDC/POS sử dụng công nghệ in nhiệt: là loại thiết bị in 01 liên hóa đơn cho một lần khách hàng giao dịch. Loại thiết bị này tiết kiệm chi phí và thời gian in ấn, lưu trữ, đơn giản hóa quá trình thanh toán cho khách hàng nên đang ưu chuộng sử dụng trên trị trường, đặc biệt là những ĐVCNT chủ yếu phục vụ đối tượng khách hàng là người nước ngoài đã quen ký 01 liên hóa đơn tại các ĐVCNT bản địa.
- Thiết bị EDC/POS sử dụng công nghệ GPRS: là loại thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Loại thiết bị EDC/POS không dây có nhiều ưu điểm như: thuận tiện trong quá trình lắp đặt và sử dụng, tiết kiệm chi phí dây dẫn và đặc biệt là sử
dụng thiết bị này giúp ngân hàng phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng cho sản phẩm thẻ khi triển khai các dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại…tại nhà cho khách hàng. Trên thị trường thẻ Việt Nam hiện nay đã có một số ngân hàng triển khai dịch vụ này và đạt được những thành công nhất định như: Vietinbank, Eximbank…
2.1.3.2. Mở rộng quy mô mạng lưới EDC/POS trên thị trường thẻ Việt Nam
Trong hoạt động thẻ, việc phát hành (Issuing) thường phải gắn liền với quá trình mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ (Accquring). Trong những năm gần đây, hoạt động mở rộng hệ thống ATM và đặc biệt là mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ đã có sự tăng trưởng đáng kể. Số lượng thiết bị EDC lắp đặt tại các ĐVCNT tăng trưởng rõ rệt qua từng năm.
Biểu đồ 2.3: Tổng số lượng thiết bị EDC/POS toàn thị trường giai đoạn 2006 – 2011
(Nguồn: Báo cáo Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam)
Từ biểu đồ trên cho thấy, nếu năm 2006, cả thị trường mới có hơn 11.000 EDC/POS thì đến 31/12/2011, con số đó đã lên tới 77.467 EDC/POS, tăng hơn 7 lần, tạo cơ sở vững chắc đẩy mạnh doanh thu từ thanh toán thẻ. Tuy nhiên so với thị trường thẻ trên thế giới thì số lượng EDC/POS của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ. Theo thống kê, đến năm 2011, số lượng EDC toàn cầu đạt trên 38 triệu thiết bị, trong đó, khu vực Châu Âu chiếm trên 14 triệu EDC, Mỹ trên 11 triệu EDC, Châu Á Thái Bình Dương trên 5 triệu EDC. Vì vậy, trong thời gian tới, các NHTM phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển quy mô mạng lưới EDC/POS bắt nhịp với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn thế giới. Bên cạnh việc gia tăng về số lượng EDC/POS, các ngân hàng chú trọng việc mở rộng phạm vi ngành hàng phối hợp lắp đặt mạng lưới chấp
nhận thẻ, trong đó chú trọng các ngành kinh doanh bán lẻ, các đơn vị cung ứng dịch vụ hàng ngày như dịch vụ taxi, dịch vụ bán vé tàu hoả,...để nâng cao hiệu quả hoạt động.
So sánh sự tăng trưởng quy mô mạng lưới EDC/POS trên thị trường thẻ Việt Nam với sự tăng trưởng số lượng ATM được các NHTM triển khai lắp đặt, số lượng thiết bị EDC tăng trưởng nhanh, mạnh hơn rất nhiều qua từng năm. Điều đó được thể hiện qua kết quả ở bảng sau:
Bảng 2.3: Tăng trưởng số lượng ATM/EDC tại Việt Nam qua từng năm giai đoạn 2006-2011 STT Năm ATM EDC/POS Số lượng (lũy kế) % tăng trưởng so với năm N-1 Số lượng (lũy kế) % tăng trưởng so với năm N-1 1 2006 3000 - 11000 - 2 2007 4596 53,0% 19616 78,3% 3 2008 7480 62,7% 26930 37,2% 4 2009 9723 29,9% 36620 35,9% 5 2010 11696 20,2% 53952 47,3% 6 2011 13649 16,7% 77467 43,6%
Như vậy, trong những năm gần đây, các NHTM đã thực hiện đúng định hướng của NHNN về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời thể hiện việc chuyển hướng trong kinh doanh dịch vụ thẻ. Thay vì đầu tư lớn mở rộng mạng lưới ATM vốn chưa mang lại hiệu quả kinh doanh, các NHTM tiết giảm chi phí, chuyển sang tập trung mở rộng mạng lưới EDC/POS góp phần tăng thu từ dịch vụ thẻ và tạo thói quen mua sắm hiện đại cho người tiêu dùng. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho ngân hàng, khách hàng sử dụng thẻ mà còn đem lại lợi ích lâu dài cho toàn xã hội.
2.1.3.3. Tăng trưởng doanh số thanh toán tại ĐVCNT
Với các nỗ lực mở rộng mạng lưới ĐVCNT của các ngân hàng thương mại, doanh số thanh toán thẻ tại ĐVCNT gia tăng rõ rệt trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, nếu như năm 2003 doanh số thanh toán chỉ đạt 2.494 tỷ đồng thì đến năm 2011, doanh số thanh toán tăng gấp 20 lần, đạt 48.200 tỷ
đồng. Đặc biệt là doanh số thanh toán thẻ quốc tế có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2011 tổng doanh số thanh toán thẻ quốc tế đạt hơn 38.500 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2010. Đến nay phần lớn các thiết bị EDC/POS trên thị trường đã chấp nhận thanh toán các thẻ mang thương hiệu Visa, MasterCard, American Express, JCB, Diners Club, CUP và DiscoverCard, là các thương hiệu thẻ hàng đầu và phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, đây là lý do chính thúc đẩy doanh số thanh toán tại EDC/POS. Trong số các NHTM, VCB với nhiều lợi thế về thanh toán quốc tế luôn giữ vững vị thế vượt trội về hoạt động này với doanh số thanh toán thẻ quốc tế đạt 18.000 tỷ đồng năm 2011, chiếm 47% thị phần và đứng đầu thị trường. Trong năm 2011, trên thị trường thẻ Việt Nam cũng chứng kiến sự thay đổi của một số ngân hàng tập trung đẩy mạnh hoạt động phát hành và mở rộng mạng lưới EDC/POS với kết quả thị phần thanh toán thẻ tại ĐVCNT ngày càng tăng cao, cụ thể là ngân hàng Vietinbank đạt 7.300 tỷ đồng (chiếm 19% thị phần) và ngân hàng ACB đạt hơn 3.800 tỷ đồng (chiếm 10% thị phần).
Về doanh số thanh toán thẻ nội địa tại ĐVCNT đã có sự gia tăng trong những năm gần đây. Sự tăng trưởng đó là do thời gian gần đây, các ngân hàng đã chú trọng đầu tư và tích cực mở rộng mạng lưới ĐVCNT nội địa, trong đó chú trọng các ĐVCNT trong các lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, siêu thị,... nhằm tạo cơ sở thuận lợi và dễ dàng cho khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa để thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Hơn nữa, các liên minh thẻ trên thị trường tích cực mở rộng phạm vi kết nối và hoàn thành kết nối liên thông hệ thống EDC/POS trên toàn quốc. Tính đến cuối năm 2011, Banknetvn và Smartlink đã hoàn thành kết nối cho hơn 60.000 EDC/POS trên thị trường, xử lý thành công hơn 300.000 giao dịch, tạo cơ sở vững chắc cho việc thanh toán thẻ tại EDC/POS trở nên thuận tiện, nhanh chóng và đơn giản cho khách hàng giao dịch.
Tuy nhiên doanh số thanh toán thẻ nội địa tại ĐVCNT đến 31/12/2011 cũng chỉ đạt 9.700 tỷ đồng, chiếm 20% trong tổng doanh số thanh toán thẻ tại ĐVCNT. Như vậy, tỷ trọng doanh số thẻ nội địa tại ĐVCNT nhỏ trong khi số lượng thẻ nội địa phát
hành lại chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số lượng thẻ phát hành (hơn 90%). Đây là một trong các tồn tại, hạn chế lớn của thị trường thẻ Việt Nam mà các NHTM cần chuyển hướng tập trung phát triển mạnh trong thời gian tới.
2.1.3.4. Tăng nguồn thu dịch vụ thẻ từ phí chiết khấu ĐVCNT
Phát triển ĐVCNT giúp khơi tăng nguồn thu dịch vụ thẻ cho các NHTM do thu được khoản phí chiết khấu từ ĐVCNT. Hiện tại, các ngân hàng thành viên Hội thẻ thường thống nhất mức phí tối thiểu chung cho thẻ nội địa và thẻ quốc tế. Các NHTM dựa trên mức thống nhất chung và căn cứ trên tình hình tài chính thực tế để đưa ra mức phí linh hoạt và cạnh tranh nhất nhằm thu hút mở rộng mạng lưới ĐVCNT.
Bảng 2.4: Biểu phí chiết khấu ĐVCNT của một số NHTM Việt Nam
STT Ngân hàng Phí chiết khấu ĐVCNT
Đối với thẻ nội địa Đối với thẻ quốc tế
1 Agribank Tối thiểu 0,3%/số tiền giao dịch
Đối với thẻ Visa, MasterCard: Tối thiểu 1,8%/số tiền giao dịch
- Đối với thẻ JCB: Tối thiểu 3%/số tiền giao dịch
2 BIDV 0,3%-1%/doanh số 1,8%-3%/doanh số
3 VCB 1% 2% đến 2,5%
4 Vietinbank 1%
Đối với thẻ Visa, MasterCard: 2,5%/số tiền giao dịch
- Đối với thẻ JCB: 2,73%/số tiền giao dịch
5 MB Tối đa 1,1%/số tiền GD Tối đa 2,5%/số tiền giao dịch
6 VP Bank 1% số tiền giao dịch
(Nguồn: Website của các ngân hàng thương mại)
Với biểu phí nêu trên, khoản phí chiết khấu từ ĐVCNT giúp làm tăng nguồn thu từ dịch vụ thẻ cho các NHTM. Tuy nhiên, với số lượng nhỏ giao dịch chấp nhận thanh toán thẻ, công nghệ còn hạn chế và sự cạnh tranh gay gắt từ các NHTM trên thị trường, với mức phí trên chỉ đem lại nguồn thu chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu từ dịch vụ
thẻ. Phần lớn các NHTM trên thị trường Việt Nam hiện nay không đặt nhiều kỳ vọng vào lợi nhuận thu được từ các ĐVCNT mà mục tiêu trọng tâm là đưa ra mức phí linh hoạt, cạnh tranh nhất để thu hút, mở rộng mạng lưới ĐVCNT và chiếm lĩnh thị phần ngày càng cao trên thị trường, không bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh trong tương lai khi thị trường thẻ phát triển, môi trường pháp lý thông thoáng và người tiêu dùng đã ưu thích sử dụng thẻ thanh toán.