CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÍ BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC DẠY HỌC THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH CHO GIÁO VIÊN TIỂU HỌC TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
1.3. Hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh cho giáo viên tiểu học trong bối cảnh chuyển đổi số
1.3.5. Phương pháp, cách thức bồi dưỡng bồi dưỡng năng lực dạy học
Sự nghiệp nâng cao trình độ sư phạm của đội ngũ giáo viên tiểu học cần sự định hướng bài bản, chặt chẽ từ cấp quản lý. Mục tiêu tối thượng là hoàn thiện năng lực giảng dạy, kiến tạo sự phát triển toàn diện cho học sinh. Quá trình bồi dưỡng
phải đảm bảo hiệu quả thực tiễn, giúp giáo viên vận dụng thành thạo kiến thức và kỹ năng.
Để đạt được mục tiêu này, một số phương pháp được đề xuất: Thứ nhất, tổ chức các diễn đàn chuyên môn, tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên trong đội ngũ, giữa chuyên gia và giáo viên, giữa những người giàu kinh nghiệm với những người trẻ. Thứ hai, thực hành trực tiếp đóng vai trò then chốt trong việc củng cố và phát triển kỹ năng sư phạm, hình thành năng lực giảng dạy vững chắc. Thứ ba, ứng dụng phương pháp dạy học tích cực, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của giáo viên, kết hợp lý luận với thực tiễn giảng dạy. Mỗi phương pháp đều góp phần không nhỏ vào việc nâng cao trình độ chuyên môn.
Việc triển khai các phương pháp này đòi hỏi sự đa dạng về hình thức:
- Tập huấn: các khóa tập huấn tập trung về phương pháp giảng dạy mới, cách thức sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, phương pháp đánh giá HS, quản lý lớp học hiệu quả, … qua các buổi trực tiếp/ trực tuyến/ trực tiếp kết hợp trực tuyến.
- Sinh hoạt chuyên môn: GV chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy trong các hội thảo chuyên môn do trường học hoặc các cấp lãnh đạo tổ chức, trong các buổi SHCM của tổ chuyên môn, qua các tiết dạy mẫu của GV giỏi để các giáo viên khác học tập và trao đổi kinh nghiệm, GV chia sẻ nghiên cứu khoa học về giáo dục để nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn.
- Tự bồi dưỡng: GV tự học thông qua sách báo, tài liệu, internet, các khóa học online,…; tham gia các diễn đàn, hội nhóm chuyên môn trên mạng xã hội hoặc các trang web giáo dục để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi; tham quan học tập tại các trường học tiên tiến trong nước và quốc tế để học hỏi kinh nghiệm quản lý và dạy học.
Giáo viên cần được bồi dưỡng chuyên môn bài bản. Chương trình đào tạo phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn, điều kiện cơ sở vật chất và năng lực tiếp nhận của từng cá nhân.
Nhà trường cần lựa chọn phương pháp hiệu quả nhất, giúp giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn một cách tối ưu.
1.3.6. Kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng năng lực dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh cho giáo viên tiểu học trong bối cảnh chuyển đổi số
Đánh giá kết quả bồi dưỡng nhằm chỉ ra những kết quả đã và chưa đạt được
so với mục tiêu bồi dưỡng đề ra, đồng thời đề xuất những biện pháp nâng cao hiệu quả bồi dưỡng trong các giai đoạn tiếp theo.
- Đánh giá thông qua sản phẩm của giáo viên: kế hoạch bài dạy, phương án tổ chức dạy học, sử dụng các phương pháp, hình thức tổ chức sáng tạo, tư liệu và đồ dùng dạy học đã chuẩn bị, ứng dụng CNTT trong bài dạy phù hợp. Đồng thời, ngân hàng đề thi với các câu hỏi, bài tập thuộc các mức độ nhận thức khác nhau của HS, hướng đến phát triển năng lực HS cũng phản ánh kết quả bồi dưỡng năng lực dạy học cho GV.
- Đánh giá thông qua dự giờ dạy của giáo viên trên lớp
Quá trình này không chỉ tập trung vào cách giáo viên truyền đạt kiến thức mà còn đánh giá khả năng tương tác với học sinh, sử dụng phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động học tập phát huy năng lực HS, khả năng quản lý lớp học, khả năng giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ của GV. Cách đánh giá này cung cấp cái nhìn rõ ràng về năng lực dạy học đã được bồi dưỡng.
- Viết báo cáo kết quả học tập sau khi bồi dưỡng
Viết báo cáo kết quả học tập là tổng hợp các kiến thức, kĩ năng, thái độ GV đã thu nạp được trong quá trình bồi dưỡng, phản ánh về quá trình nâng cao năng lực dạy học của giáo viên. Báo cáo này có thể bao gồm những thay đổi cụ thể trong phương pháp giảng dạy, sự tiếp thu của giáo viên đối với các kiến thức mới, và ảnh hưởng của bồi dưỡng tới hiệu quả dạy học phát triển năng lực HS của GV.
- Đánh giá thông qua tự đánh giá của giáo viên
Sau khóa bồi dưỡng, giáo viên nghiêm túc tự phản biện năng lực giảng dạy.
Việc nhận diện ưu điểm và khuyết điểm cá nhân góp phần xây dựng kế hoạch tự hoàn thiện. Quá trình này đòi hỏi sự tự nhận thức thấu đáo và định hướng mục tiêu rõ ràng.
- Đánh giá đồng đẳng giữa các giáo viên:
Giáo viên tham gia vào đánh giá sản phẩm, công việc của GV khác nhằm mục đích để GV hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình bồi dưỡng. Thông qua đánh giá đồng nghiệp giúp GV hình thành rõ ràng hơn các yêu cầu về bồi dưỡng, từ đó tự điều chỉnh, hoặc phát triển hành vi, thái độ, kĩ năng, kiến thức, …
- Đánh giá qua ý kiến phản hồi của giáo viên
Việc đánh giá hiệu quả hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, bao gồm nội dung, hình thức, phương pháp, tài liệu và năng lực báo cáo viên, dựa trên phản hồi giáo viên là tối quan trọng. Các ý kiến này không chỉ là nguồn thông tin phản ánh đánh giá khách quan mà còn giúp định hình hướng phát triển của chương trình bồi dưỡng để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của giáo viên. Các ý kiến của GV có thể được thu thập nhanh chóng qua các phiếu hỏi được thiết kế trên phần mềm.
- Năng lực dạy học của giáo viên không chỉ đơn thuần là đánh giá trên lớp, trong giờ tập huấn mà còn bao gồm đánh giá trong lớp học và đánh giá thông qua kết quả giáo dục của giáo viên. Bởi vậy, đánh giá năng lực dạy học của giáo viên thông qua hoạt động bồi dưỡng gồm đánh giá trước, trong và sau quá trình bồi dưỡng.