Hệ thống kiểm soát nội bộ chưa được chú trọng

Một phần của tài liệu quản trị rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước trên địa bàn hà nội (Trang 66 - 67)

e. Từ cơ cở pháp lý

2.3.2.5. Hệ thống kiểm soát nội bộ chưa được chú trọng

Hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của các tổ chức tín dụng Việt Nam được xây dựng và vận hành trên cơ sở Luật các tổ chức tín dụng ban hành năm 1997 và Quy chế về kiểm tra, kiểm toán nội bộ của các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 03/1998/QĐ-NHNN3 ngày 3/1/1998 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, các tổ chức tín dụng Việt Nam thiết lập một bộ phận chuyên trách, với tên gọi khác nhau (Ban kiểm tra nội bộ, Phòng kiểm tra nội bộ, Phòng kiểm tra, kiểm soát), chịu sự quản lý, điều hành của Tổng Giám đốc (Giám đốc) theo hệ thống ngành dọc tại trụ sở chính (Phòng, Ban) và tới các chi nhánh (tổ kiểm tra, kiểm soát hoặc bố trí một cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ). Về thực chất, bộ phận này làm chức năng kiểm toán và chịu sự quản lý của Tổng giám đốc (Giám đốc), do vậy, các kết quả kiểm tra, kiểm toán khó có thể mang tính độc lập. Bên cạnh đó, chức năng kiểm soát nội bộ bị đánh đồng với chức năng kiểm toán nội bộ và mới chỉ dừng lại ở công tác hậu kiểm dưới hình thức tổ chức từng đợt kiểm tra. Vì vậy, những vấn đề phát hiện thường là những sai phạm đã phát sinh, do đó hạn chế tác dụng trong việc phát hiện, ngăn ngừa và quản lý rủi ro.

Như vậy, mô hình hiện tại về kiểm tra, kiểm soát và kiểm toán nội bộ của các tổ chức tín dụng Việt Nam không đảm bảo được chất lượng của hệ thống kiểm soát nội bộ. Cụ thể, việc phân định trách nhiệm giữa các cấp lãnh đạo trong các tổ chức tín dụng đối với hệ thống kiểm soát nội bộ chưa được rõ ràng, dẫn đến công tác tự đánh giá đối với hệ thống kiểm soát nội bộ chưa được thực hiện và bị xem nhẹ, đồng thời, công tác đánh giá độc lập đối với hệ thống kiểm soát nội bộ không đảm bảo tính độc lập.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004) đã tách bạch hai chức năng kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Cụ thể, Khoản 2 Điều 38 quy định nhiệm vụ kiểm

toán nội bộ thuộc về Ban kiểm soát và Điều 41 quy định “Tổ chức tín dụng phải lập hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ thuộc bộ máy điều hành, giúp Tổng Giám đốc (Giám đốc) điều hành, thông suốt an toàn và đúng pháp luật mọi hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng”. Tuy nhiên, nếu hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng lại vẫn được hiểu và được thiết lập dưới hình thức một bộ phận chuyên trách, chịu sự quản lý, điều hành của Tổng Giám đốc (Giám đốc) như hiện nay lại là một sai lầm và lãng phí lớn.

Kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng được ban hành, đến nay, chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể về vấn đề kiểm tra, kiểm soát và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn giải thích rõ khái niệm “Hệ thống kiểm soát nội bộ” và quy định cụ thể trách nhiệm của các cấp lãnh đạo trong tổ chức tín dụng đối với hệ thống kiểm soát nội bộ theo nguyên tắc phù hợp với thông lệ quốc tế, để các tổ chức tín dụng có cơ sở xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ đầy đủ, hiệu lực và hiệu quả, tiến tới xây dựng các mô hình quản trị ngân hàng hiện đại tại Việt Nam, chuẩn bị tốt cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Một phần của tài liệu quản trị rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước trên địa bàn hà nội (Trang 66 - 67)