KINH NGHIỆM XUẤT KHẨU BỀN VỮNG THỦY SẢN CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP XUẤT KHẨU BỀN VỮNG CÁ TRA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG LUẬN VĂN THẠC SĨ.PDF (Trang 28 - 35)

Để rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết nhằm mục tiêu xuất khẩu bền vững sản phẩm cá tra ĐBSCL trong thời gian tới, cần nghiên cứu kinh nghiệm nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản tại các nước Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Những nước này dẫn đầu thế giới về sản lượng nuôi trồng cũng như kim ngạch xuất khẩu thủy sản, đồng thời có điều kiện kinh tế, điều kiện tự nhiên tương đồng với Việt Nam, do đó, những bài học kinh nghiệm này có thể tham khảo và áp dụng cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam nói chung, cũng như nuôi trồng và xuất khẩu sản phẩm cá tra ĐBSCL nói riêng đạt được xuất khẩu bền vững.

1.4.1 Trung Quc

Trung Quốc hiện nay là nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất trên thế giới. Ngành thủy sản Trung Quốc phát triển rất mạnh, theo báo cáo của ngành nuôi trồng thủy sản Trung Quốc, năm 2011, sản lượng thủy sản đạt 56.1 triệu tấn, tăng 4.4% so với năm 2010. Ngành thủy sản Trung Quốc chủ yếu là thủy sản nuôi trồng,

gồm cả thủy sản nước ngọt và nước mặn, chiếm khoảng 72% tổng sản lượng sản xuất thủy sản năm 2011. Sản lượng thủy sản nuôi trồng Trung Quốc năm 2010 đạt 36.73 triệu tấn, đóng góp 61.40% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng trên thế giới, chiếm 68.92% sản lượng thủy sản nuôi trồng của Châu Á, đứng đầu thế giới và khu vực [51].

Sản lượng cá da trơn Trung Quốc năm 2010 ước đạt 250,000 tấn[63], và là nước đứng thứ hai sau Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường Hoa Kỳ.

Từ năm 2002, Trung Quốc đã vượt xa các nước khác để trở thành nhà xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc năm 2010 đạt 13.3 tỷ USD, chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản thế giới, và tăng lên 17.1 tỷ USD vào năm 2011 [51]. Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất (về giá trị) bao gồm phi lê cá, các loại giáp xác và nhuyễn thể chế biến, cá và trứng cá chế biến, cá đông lạnh. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đức...

Để đạt được những thành tựu trên, ngành thủy sản Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp và chính sách mang tính bền vững:

V kế hoch phát trin: Bộ Nông nghiệp Trung Quốc (MOA) không ngừng khuyến khích mô hình phát triển bền vững với việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thông qua kế hoạch toàn quốc nhằm xây dựng ngành nuôi trồng thủy sản lành mạnh và thân thiện với môi trường. Nhờ đẩy mạnh hiệu lực của luật và các quy định liên quan, đồng thời cải tiến kỹ thuật, kế hoạch này sẽ khuyến khích việc sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm an toàn và tăng thu nhập cho người nuôi. Các biện pháp khác bao gồm phát triển công nghệ và giám sát việc sử dụng thuốc. Các tỉnh sản xuất thủy sản lớn trong nước sẽ tiếp tục tập trung vào sản xuất những sản phẩm cạnh tranh nhất của tỉnh đó. Sản xuất/chế biến thủy sản nuôi trồng định hướng xuất khẩu sẽ tập trung vào các tỉnh ven biển của Trung Quốc [63].

Theo đó, trong kế hoạch phát triển ngành thủy sản giai đoạn 2011-2015, MOA đã đề ra mục tiêu thể hiện rõ chủ trương xây dựng một ngành thủy sản chất lượng cao và bền vững: Nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; chú trọng sự cân bằng giữ nuôi trồng thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái;

tái xây dựng và tiêu chuẩn hóa ao nuôi thủy sản để nâng cao năng suất; đáp ứng được các mục tiêu an toàn, chất lượng cho 98% các sản phẩm thủy sản; chú trọng phát triển thủy sản nuôi trồng nhằm đạt tỷ trọng 75% trong tổng sản lượng thủy sản cả nước[34].

V ngân sách cho ngành thy sn: Chính phủ Trung Quốc tăng 700% ngân sách cho ngành thủy sản với tổng ngân quỹ 37 tỷ nhân dân tệ (tương đương 5.6 tỷ USD) trong giai đoạn 2011-2015. Nguồn ngân sách được tập trung hỗ trợ cho việc thực thi các chính sách quản lý của ngành, củng cố các cảng cá, bảo vệ nguồn lợi, nhân rộng các cơ sở sản xuất tiên tiến và cải thiện đời sống của ngư dân [26].

V hot động nuôi trng thy sn: Chính phủ Trung Quốc chú trọng vào ngành thủy sản nuôi trồng nhằm đạt mục tiêu nâng cao tỷ trọng sản lượng thủy sản nuôi trồng lên 75% trong tổng sản lượng thủy sản cả nước. Về hoạt động nuôi trồng thủy sản, MOA chủ trương: chú trọng sự cân bằng giữa nuôi trồng thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái; tái xây dựng và tiêu chuẩn hóa ao nuôi thủy sản để nâng cao năng suất;

đáp ứng được các mục tiêu an toàn, chất lượng cho 98% các sản phẩm thủy sản; đẩy mạnh áp dụng những qui trình nuôi tiên tiến; xây dựng mới 17 trung tâm nghiên cứu giống và di truyền thủy sản, xây dựng 312 cơ sở sản xuất giống thủy sản và 1,771 cơ sở trình diễn thủy sản theo tiêu chuẩn. Những yếu tố trên sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ những quy trình nuôi thủy sản thâm canh, nâng cao tỷ trọng giữa nuôi trồng và khai thác thủy sản [26].

V chế biến thy sn: áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng sản phẩm [26].

V công tác kim soát cht lượng sn phm xut khu: MOA đã thiết lập trạm kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm nông nghiệp ở 1,200 địa phương (trong tổng số hơn 2,400 địa phương trên toàn quốc) để giám sát chất lượng. Mặt khác, để đảm bảo chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu, MOA và Cục Quản lý Giám sát Chất lượng, Kiểm tra và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) đã thông qua một chính sách cấp phép cực kỳ nghiêm ngặt đối với tất cả các trang trại và cơ sở chế biến định hướng xuất khẩu. MOA và AQSIQ thường xuyên tiến hành kiểm tra các trang trại nuôi trồng thủy sản định hướng xuất khẩu. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu bắt buộc phải qua kiểm tra và phải có giấy chứng nhận của AQSIQ [34]

1.4.2 Thái Lan

Thủy sản đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia Thái Lan. Sản lượng thủy sản xuất khẩu của Thái Lan năm 2011 đạt 570,000 tấn, tăng 50% so với thập kỷ trước, tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5 tỷ USD, là nước đứng thứ ba có kim

ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, với thị trường xuất khẩu số 1 là Hoa Kỳ (chiếm 36.4% giá trị), tiếp đến là Nhật Bản (28.4%).

Ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt của Thái Lan đã có truyền thống lâu đời, tồn tại trên 90 năm. Cá tra là một trong những loại cá nước ngọt được chú trọng tại Thái Lan. Mặc dù chỉ mới nuôi và chế biến cá tra trong vài năm gần đây nhưng sản phẩm cá tra của Thái Lan đã thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,239 tấn, trị giá 19.7 triệu USD (2009). Đây được coi là một thành tựu nổi trội của ngành cá tra “trẻ tuổi” của Thái Lan. Dự đoán trong tương lai không xa, cá tra Thái Lan sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với cá tra Việt Nam.

Để đạt được những thành tựu bước đầu đó, ngành cá tra Thái Lan đã có những chính sách phát triển đúng đắn ngay từ ban đầu:

Trong hoạt động xuất khẩu của Thái Lan, chiến lược nổi bật nhất của nước này chính là phát triển tập trung vào một số mặt hàng thủy sản có thế mạnh, xác định tốt thị trường trọng điểm, tạo lập vị thế lớn trong phân phối một số mặt hàng và ổn định giá tại các thị trường xuất khẩu lớn. Bên cạnh những chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu rõ ràng, ngành công nghiệp thủy hải sản Thái Lan thể hiện rõ sự ưu việt hơn trong kiểm soát chi phí, tổ chức và định hướng hoạt động so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thế giới.

Chiến lược chung cho ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt của Thái Lan ngay từ cuối những năm 90 đã chú trọng các vấn đề kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản nhằm mục đích tăng sản lượng và tăng thu nhập cho hộ nuôi, giảm chi phí; đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào nuôi trồng thủy sản nhằm đáp ứng yêu cầu thế giới về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc; giám sát và bảo vệ môi trường nuôi; trách nhiệm xã hội và các quy định lao động.

Cục nghề cá Thái Lan thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát và giám sát chặt chẽ nghề nuôi cá tra:

- Đăng ký trại nuôi

- Hỗ trợ kỹ thuật cho việc sử dụng thức ăn, kháng sinh.

- Giám sát dư lượng kháng sinh trong nuôi cá.

- Các đơn vị kiểm tra cơ động giám sát dịch bệnh và việc sử dụng kháng sinh, thức ăn nuôi cá.

- Giám sát chất lượng nước của cả hai đầu vào và đầu ra của trang trại nuôi.

- Kiểm tra vệ sinh trang trại và thực hành xử lý sau thu hoạch.

- Đào tạo người nuôi về GAP, hướng dẫn sử dụng hoá chất một cách an toàn.

1.4.3 Indonesia

Indonesia là đất nước có tiềm năng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản với trên 17,000 hòn đảo và bờ biển dài 81,000km với diện tích có tiềm năng nuôi thủy sản 26.6 triệu ha. Có 5 loài cá được nuôi phổ biến nhất là cá chép, cá trê, cá tra, cá rô phi và cá măng. Sản lượng cá da trơn ở Indonesia tăng khá nhanh trong giai đoạn 1999-2006, tốc độ tăng bình quân đạt 22%/năm.

Năm 2011, Inđônêxia đã xuất khẩu 3.5 tỉ USD sản phẩm thủy sản, tăng 22.95%

so với năm 2010, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm 30.4%. Năm 2009, tổng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng của Indonesia đạt 4.78 triệu tấn, tăng gần 24% so với năm 2008. Đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng của nuôi trồng thủy sản là việc gia tăng sản lượng cá tra với trên 132,000 tấn năm 2009, tăng 260% so với năm 2007. Cá tra là loài cá nước ngọt được nuôi ngày càng nhiều và trở thành loại cá hàng hoá chính của Indonesia, với các hình thức nuôi bè, nuôi trong ruộng lúa, nuôi nước ngọt và nuôi lồng. Sản lượng cá tra nuôi tăng hàng năm. Sản lượng nuôi lồng năm 2008 đạt 19,093 tấn; nuôi trong ruộng lúa 235 tấn; nuôi ao nước ngọt 57,454 tấn.

Riêng năm 2008 hình thức nuôi trong ao nước ngọt đã tăng gấp 4 lần sản lượng so với năm 2007. Indonesia cũng xuất khẩu cá tra ở dạng phi lê đông lạnh, chủ yếu sang Hoa Kỳ; năm 2008, Indonesia xuất khẩu 69,591 tấn cá tra sang Hoa Kỳ.

Để đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng về nuôi trồng cá tra như hiện nay, Indonesia đã chủ trương xây dựng một tập quán kinh doanh cạnh tranh và bền vững, cùng với tập trung phát triển một số mặt hàng chiến lược. Chủ trương này được thực hiện thông qua “ba chương trình cốt lõi”: (1) chương trình tăng sản lượng thủy sản cho xuất khẩu, (2) chương trình tăng sản lượng thủy sản cho tiêu dùng nội địa, (3) chương trình bảo vệ và phục hồi chức năng của tài nguyên nuôi trồng thủy sản. Ba chương trình này được thực hiện với sự hỗ trợ của “sáu chương trình trợ giúp”: (1) Phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, (2) phát triển hệ thống sản xuất giống, (3) phát triển hệ thống sản xuất, chế biến, (4) phát triển hệ thống quản lý sức khỏe thủy sản và môi

trường, (5) phát triển hệ thống kinh doanh nuôi trồng thủy sản, (6) phát triển hệ thống hành chính và tổ chức.

Đặc biệt, để hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản, chính phủ Indonesia đã thành lập Trung tâm Quốc gia Cá bố mẹ (National Broodstock Centre - NBC) và các Trung tâm cá bố mẹ khu vực (Regional Broodstock Centres - RBC), các hoạt động chính trong đó là sưu tập cá bố mẹ và tiền bố mẹ từ toàn bộ lãnh thổ của Indonesia, thực hiện các chương trình nhân giống, nhằm đáp ứng các yêu cầu số lượng và chất lượng nguồn cá bố mẹ và cá giống, hướng tới chương trình quốc gia về cá bố mẹ, kết hợp với các tổ chức trường học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế để nghiên cứu giống.

Bên cạnh đó, chính phủ Indonesia chủ trương thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào nuôi trồng thủy sản nhằm giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, tăng cường thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản lớn nhằm vào mục tiêu xuất khẩu, trên cơ sở các doanh nghiệp lớn có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm điều hành thị trường quốc tế, cũng như khả năng áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng nước ngoài.

Chính phủ Indonesia đầu tư tài chính vào việc phát triển và áp dụng các kỹ thuật thân thiện với môi trường nhưng có hiệu quả siêu việt nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm thủy sản nước mình. Ngoài ra còn tạo điều kiện thuận lợi để đạt được mối quan hệ hài hòa và cùng có lợi giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến, nhằm ổn định lượng cung và cầu nguyên liệu.

1.4.4 Nhng bài hc kinh nghim rút ra cho cá tra ĐBSCL:

Qua nghiên cứu kinh nghiệm phát triển bền vững sản phẩm thủy sản nói chung và cá da trơn nói riêng của các nước Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau đây nhằm áp dụng vào đẩy mạnh xuất khẩu bền vững cá tra trong điều kiện đặc thù của ĐBSCL:

Mt là, phát triển ngành cá tra trên cơ sở bền vững thông qua áp dụng các kỹ thuật nuôi trồng thân thiện với môi trường, công nghệ chế biến tiên tiến, quan tâm thích đáng đến bảo vệ và khôi phục tài nguyên thủy sản.

Hai là, thành lập tổ chức kiểm soát và giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm từ con giống đến sản thành phẩm cuối cùng. Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào nuôi trồng và chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một tăng về chất lượng của người tiêu dùng nước ngoài.

Ba là, chú trọng đến phát triển con giống và đảm bảo đáp ứng đủ nguồn giống cho nuôi trồng.

Bn là, quy định chặt chẽ hơn trong việc cấp phép kinh doanh cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản, doanh nghiệp nào chỉ gia công đáp ứng nhu cầu trong nước, doanh nghiệp nào ưu tiên cho xuất khẩu, tránh việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, lại đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định trên thị trường quốc tế.

Năm là, đảm bảo ổn định quan hệ cung cầu nguyên liệu trong chế biến, trên cơ sở liên tục và phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Sáu là, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, tạo lập vị thế trong phân phối tại các thị trường lớn.

KT LUN CHƯƠNG 1

Qua nghiên cứu các lý thuyết về phát triển bền vững, chúng ta đã xây dựng lý luận về xuất khẩu bền vững và những tiêu chí đánh giá xuất khẩu bền vững. Đánh giá xuất khẩu bền vững theo 4 yếu tố: tính ổn định và chất lượng tăng trưởng xuất khẩu, mức độ bền vững về kinh tế, mức độ bền vững về xã hội và mức độ bền vững về môi trường.

Xuất khẩu sản phẩm cá tra đem về nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho nhu cầu vốn trong nước, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế nói chung của đất nước. Với khuynh hướng tiêu dùng và nhu cầu thủy sản ngày một tăng, yêu cầu ngày càng gắt gao hơn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng trên thế giới, cá tra ĐBSCL cần thiết phải đẩy mạnh xuất khẩu một cách bền vững về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường.

Việc nghiên cứu kinh nghiệm phát triển bền vững xuất khẩu thủy sản nói chung và cá da trơn nói riêng của các nước Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, giúp rút ra các bài học kinh nghiệm cần thiết trong việc đẩy mạnh xuất khẩu bền vững sản phẩm cá tra ĐBSCL trong thời gian tới.

Những tiêu chí đánh giá xuất khẩu bền vững và các yếu tố tác động đến xuất khẩu bền vững là căn cứ quan trọng trong việc đánh giá tính bền vững của xuất khẩu cá tra ĐBSCL trong thời gian qua (được trình bày trong chương 2), từ đó làm cơ sở cho việc đề xuất những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu bền vững cá tra ĐBSCL trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP XUẤT KHẨU BỀN VỮNG CÁ TRA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG LUẬN VĂN THẠC SĨ.PDF (Trang 28 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)