Trung Quốc hiện nay là nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất trên thế
giới. Ngành thủy sản Trung Quốc phát triển rất mạnh, theo báo cáo của ngành nuôi trồng thủy sản Trung Quốc, năm 2011, sản lượng thủy sản đạt 56.1 triệu tấn, tăng 4.4% so với năm 2010. Ngành thủy sản Trung Quốc chủ yếu là thủy sản nuôi trồng,
gồm cả thủy sản nước ngọt và nước mặn, chiếm khoảng 72% tổng sản lượng sản xuất thủy sản năm 2011. Sản lượng thủy sản nuôi trồng Trung Quốc năm 2010 đạt 36.73 triệu tấn, đóng góp 61.40% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng trên thế giới, chiếm 68.92% sản lượng thủy sản nuôi trồng của Châu Á, đứng đầu thế giới và khu vực [51].
Sản lượng cá da trơn Trung Quốc năm 2010 ước đạt 250,000 tấn[63], và là nước đứng thứ hai sau Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường Hoa Kỳ.
Từ năm 2002, Trung Quốc đã vượt xa các nước khác để trở thành nhà xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc năm 2010
đạt 13.3 tỷ USD, chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản thế giới, và tăng lên 17.1 tỷ USD vào năm 2011 [51]. Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất (về giá trị) bao gồm phi lê cá, các loại giáp xác và nhuyễn thể chế biến, cá và trứng cá chế biến, cá
đông lạnh. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đức...
Để đạt được những thành tựu trên, ngành thủy sản Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp và chính sách mang tính bền vững:
Về kế hoạch phát triển: Bộ Nông nghiệp Trung Quốc (MOA) không ngừng khuyến khích mô hình phát triển bền vững với việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thông qua kế hoạch toàn quốc nhằm xây dựng ngành nuôi trồng thủy sản lành mạnh và thân thiện với môi trường. Nhờ đẩy mạnh hiệu lực của luật và các quy định liên quan,
đồng thời cải tiến kỹ thuật, kế hoạch này sẽ khuyến khích việc sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm an toàn và tăng thu nhập cho người nuôi. Các biện pháp khác bao gồm phát triển công nghệ và giám sát việc sử dụng thuốc. Các tỉnh sản xuất thủy sản lớn trong nước sẽ tiếp tục tập trung vào sản xuất những sản phẩm cạnh tranh nhất của tỉnh đó. Sản xuất/chế biến thủy sản nuôi trồng
định hướng xuất khẩu sẽ tập trung vào các tỉnh ven biển của Trung Quốc [63].
Theo đó, trong kế hoạch phát triển ngành thủy sản giai đoạn 2011-2015, MOA
đã đề ra mục tiêu thể hiện rõ chủ trương xây dựng một ngành thủy sản chất lượng cao và bền vững: Nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; chú trọng sự cân bằng giữ nuôi trồng thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái; tái xây dựng và tiêu chuẩn hóa ao nuôi thủy sản để nâng cao năng suất; đáp ứng được các mục tiêu an toàn, chất lượng cho 98% các sản phẩm thủy sản; chú trọng phát triển thủy sản nuôi trồng nhằm đạt tỷ trọng 75% trong tổng sản lượng thủy sản cả nước[34].
Về ngân sách cho ngành thủy sản: Chính phủ Trung Quốc tăng 700% ngân sách cho ngành thủy sản với tổng ngân quỹ 37 tỷ nhân dân tệ (tương đương 5.6 tỷ
USD) trong giai đoạn 2011-2015. Nguồn ngân sách được tập trung hỗ trợ cho việc thực thi các chính sách quản lý của ngành, củng cố các cảng cá, bảo vệ nguồn lợi, nhân rộng các cơ sở sản xuất tiên tiến và cải thiện đời sống của ngư dân [26].
Về hoạt động nuôi trồng thủy sản: Chính phủ Trung Quốc chú trọng vào ngành thủy sản nuôi trồng nhằm đạt mục tiêu nâng cao tỷ trọng sản lượng thủy sản nuôi trồng lên 75% trong tổng sản lượng thủy sản cả nước. Về hoạt động nuôi trồng thủy sản, MOA chủ trương: chú trọng sự cân bằng giữa nuôi trồng thủy sản và bảo vệ
hệ sinh thái; tái xây dựng và tiêu chuẩn hóa ao nuôi thủy sản để nâng cao năng suất;
đáp ứng được các mục tiêu an toàn, chất lượng cho 98% các sản phẩm thủy sản; đẩy mạnh áp dụng những qui trình nuôi tiên tiến; xây dựng mới 17 trung tâm nghiên cứu giống và di truyền thủy sản, xây dựng 312 cơ sở sản xuất giống thủy sản và 1,771 cơ
sở trình diễn thủy sản theo tiêu chuẩn. Những yếu tố trên sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ những quy trình nuôi thủy sản thâm canh, nâng cao tỷ trọng giữa nuôi trồng và khai thác thủy sản [26].
Về chế biến thủy sản: áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng sản phẩm [26].
Về công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu: MOA đã thiết lập trạm kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm nông nghiệp ở 1,200 địa phương (trong tổng số hơn 2,400 địa phương trên toàn quốc) để giám sát chất lượng. Mặt khác, để đảm bảo chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu, MOA và Cục Quản lý Giám sát Chất lượng, Kiểm tra và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) đã thông qua một chính sách cấp phép cực kỳ nghiêm ngặt đối với tất cả các trang trại và cơ sở chế biến định hướng xuất khẩu. MOA và AQSIQ thường xuyên tiến hành kiểm tra các trang trại nuôi trồng thủy sản định hướng xuất khẩu. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu bắt buộc phải qua kiểm tra và phải có giấy chứng nhận của AQSIQ [34]