1.3.1 Tiềm năng xuất khẩu cá tra ĐBSCL.
1.3.1.1 Nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên thế giới vẫn ở mức cao.
Thủy sản đóng vai trò quan trọng trong an ninh thực phẩm toàn cầu và nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng tại các nước công nghiệp và các nước đang phát triển.
Cá và các sản phẩm thủy sản là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và quan trọng trong chế độ ăn theo xu hướng đa dạng và lành mạnh ngày nay. Ở một số nước phát triển, thủy sản là một lựa chọn thay thế của thịt đỏ, đôi khi thủy sản còn lấn áp cả thịt trên thị trường.
Theo Báo cáo về Tình hình Thủy sản và nuôi trồng thủy sản thế giới – 2012 (State of the World's Fisheries and Aquaculture, 2012) của FAO, từ năm 1961 đến 2009, tốc độ tăng của tiêu thụ thủy sản thế giới trung bình là 3.2%/năm tăng nhanh so
với tốc độ tăng trưởng dân số là 1.7%/năm trong thời kỳ này. Lượng cung cấp thực phẩm thủy sản cho tiêu dùng của con người trên toàn cầu tăng từ 53.4 triệu tấn năm 1981 lên 111 triệu tấn vào năm 2008 và đạt 154.1 triệu tấn năm 2011.
Hiện nay, người tiêu dùng đã quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm thủy sản nuôi trồng. Theo báo cáo của FAO, thủy sản nuôi hiện là nguồn cung cấp đạm động vật tăng trưởng nhanh nhất của thế giới và đáp ứng gần một nửa sản lượng tiêu thụ toàn cầu. Năm 2010, thủy sản nuôi trồng đóng góp 47% tổng lượng thủy sản được con người tiêu thụ trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thủy sản nuôi trồng trung bình hàng năm là 4.7%/năm trong giai đoạn 1990-2010 (Hình 1.1), đặc biệt tăng mạnh trong giai đoạn 2000-2010. Trước tình hình sản lượng thủy sản đánh bắt toàn cầu sụt giảm trong khi dân số ngày càng bùng nổ thì nuôi trồng thủy sản được cho là có tiềm năng lớn nhất trong tương lai và có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm có chất lượng cao và an toàn.
Hình 1.1: Mức tiêu thụ thủy sản đánh bắt và thủy sản nuôi trồng bình quân đầu người (1970 – 2010)
Nguồn: State of the World's Fisheries and Aquaculture, 2012 (FAO)
Cá da trơn (catfish) là một trong những thủy sản nuôi nước ngọt được tiêu thụ mạnh trong thời gian qua. Người tiêu dùng châu Âu vốn ưa chuộng các loại phi lê cá thịt trắng, chủ yếu là các loài cá nước lạnh như cá minh thái Alaska, cá tuyết và phi lê cá hake. Kể từ khi cá da trơn được đưa vào tiêu thụ tại thị trường nhiều nước EU như một loài “cá thịt trắng nhiệt đới”, thị phần của loài cá này tiếp tục mở rộng. Tại thị
Mức tiêu thụ (kg/người)
Nuôi trồng Đánh bắt
THẾ GIỚI TRUNG QUỐC THẾ GIỚI KHÔNG BAO GỒM TQ
trường Hoa Kỳ, theo số liệu thống kê của Dịch vụ thủy sản quốc gia Hoa Kỳ (National Marine Fisheries Service) năm 2010, cá da trơn đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 10 loại cá được tiêu thụ nhiều nhất với mức tiêu thụ 0.80 lbs/người/năm, sản phẩm cá tra (pangasius) đứng ở vị trí thứ 9 với mức tiêu thụ 0.405 lbs/người/năm.
Theo dự phóng của FAO, nhu cầu đối với thủy sản trên thế giới vẫn còn tiếp tục tăng. Dự báo giai đoạn 2011-2015 nhu cầu thủy sản sẽ tăng bình quân 3%/năm, và giai đoạn 2016-2020 tăng khoảng 3.1%/năm. Cụ thể, đến năm 2015 tổng nhu cầu thủy sản thế giới vào khoảng 198.26 triệu tấn, đến năm 2020 con số này là 217.19 triệu tấn (trong đó 80% làm thực phẩm). Như vậy có thể thấy, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên thế giới vẫn còn rất cao, lượng cung thủy sản không đủ đáp ứng nhu cầu sẽ là điều kiện tốt cho các quốc gia có lợi thế sản xuất thủy sản phát triển. Tin chắc rằng, với những điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hoàn toàn có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản nuôi, đặc biệt là cá tra. Điều này sẽ được phân tích và chứng minh ở phần tiếp theo.
1.3.1.2 Tiềm năng xuất khẩu cá tra ĐBSCL.
Thế giới đang lo lắng việc suy giảm nguồn lợi đại dương và cá tra sẽ là một loài cá nuôi thay thế tối ưu. ĐBSCL có hệ thống sông ngòi chằng chịt với 2 dòng sông Tiền và sông Hậu chảy qua với chiều dài mỗi sông khoảng 220km nên điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho hoạt động nuôi cá tra trên các ao ven sông, trên cồn (dễ dàng trong hoạt động lấy nước), cộng với kỹ thuật nuôi không quá khó nên nghề nuôi cá tra khu vực này phát triển nhanh.
Theo tổng cục Thủy sản, năm 2010, ĐBSCL với tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản khoảng 769,048 ha, chiếm 70.19% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của cả nước.
Đây là vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, bao gồm cả nước ngọt, lợ, mặn. Trong đó diện tích nuôi thủy sản nước ngọt là 147,572 ha với các loại thủy sản được nuôi như:
cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh, các loại cá truyền thống... Diện tích nuôi thủy sản nước ngọt vùng ĐBSCL có xu hướng tăng trong thời gian qua với tốc độ tăng bình quân 4.53%/năm trong giai đoạn 2001-2008 (Phụ lục 1). Diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL năm 2010 đạt 5,394 ha, chỉ chiếm khoảng 3.66% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt của vùng. Do đó, tiềm năng về diện tích nuôi trồng cá tra ĐBSCL còn rất lớn, nếu mở rộng khai thác và quy hoạch hợp lý và có hiệu quả, sản lượng cá tra nguyên liệu dồi dào sẽ rất thuận lợi cho việc thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này.
Bên cạnh lợi thế về diện tích thì năng suất nuôi cá tra ở ĐBSCL cũng là một lợi thế, với năng suất trung bình năm 2010 đạt 191.7 tấn/ha/vụ, cao hơn nhiều so với các loại cá nước ngọt khác. Trong tương lai, nếu đầu tư vào chất lượng con giống, thức ăn, nghiên cứu phương thức nuôi phù hợp, quản lý môi trường nước trong ao nuôi tốt... thì năng suất nuôi cá tra sẽ còn tăng cao.
Ngoài ra, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, chi phí lao động tương đối cạnh tranh nên chi phí sản xuất cá tra thương phẩm ĐBSCL thấp hơn so với các loại cá thịt trắng ở các nước khác trên thế giới. Đây là một lợi thế cạnh tranh thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này.
Hình 1.2: Giá bình quân nguyên liệu của các loài cá thịt trắng và cá tra ĐBSCL 2000-2011.
Nguồn: www.pangasius-vietnam.com
1.3.2 Sự cần thiết xuất khẩu bền vững cá tra ĐBSCL.
Cá tra là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp 1.52% vào tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và 28.44% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2012 (phụ lục 2). Xuất khẩu cá tra thu lại ngoại tệ góp phần vào thu nhập quốc gia. Xuất khẩu cá tra bền vững không chỉ đóng góp giá trị vào tăng trưởng GDP mà còn tạo nên tính ổn định cho tăng trưởng kinh tế. Hướng tới xuất khẩu bền vững mặt hàng cá tra là góp phần phát triển bền vững nền kinh tế.
Xuất khẩu bền vững cá tra góp phần xóa đói giảm nghèo nông thôn, giúp duy trì công ăn việc làm cho người nông dân. Khi xuất khẩu cá tra được đẩy mạnh tăng trưởng và ổn định, người lao động tham gia vào chuỗi hoạt động liên quan đến xuất khẩu cá tra từ nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu, ngành phụ trợ... cũng nhận được lợi ích:
giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống... Có đầu ra bền vững, người nông dân chuyên tâm với nghề nuôi cá tra, giảm thiểu hiện tượng chuyển đổi ngành nghề.
Với hệ thống sông ngòi chằng chịt của ĐBSCL là điều kiện tự nhiên thuận lợi cho hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra. Hoạt động nuôi trồng, chế biến cá tra xuất khẩu tác động rất nhiều đến môi trường nước qua nước thải, chất thải, thức ăn nuôi cá dư thừa, thuốc, hóa chất... Xuất khẩu bền vững cá tra hướng đến hoạt động nuôi trồng, chế biến sử dụng phương thức và công nghệ hiện đại hơn nhằm giảm thiểu tổn hại đến môi trường nước.
Người tiêu dùng ngày nay ngày càng đòi hỏi tiêu dùng thực phẩm chất lượng và an toàn, và ngày càng chú trọng những sản phẩm có tính bền vững và thân thiện với môi trường. Để đáp ứng nhu cầu đó, cá tra ĐBSCL cần thiết phải hướng tới xuất khẩu bền vững.
Với những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và ổn định xã hội mà xuất khẩu bền vững cá tra ĐBSCL mang lại cùng với những yêu cầu mới đặt ra cho sản phẩm này, việc xuất khẩu bền vững cá tra ĐBSCL là vấn đề cần thiết.