Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
1.4. Giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông
1.4.2. Các hình thức giáo dục hướng nghiệp
GDHN cho học sinh phổ thông được thực hiện thông qua nhiều hình thức: Giáo dục từ phía gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó hình thức GDHN ở trường phổ thông giữ vai trò chủ đạo. Các hình thức GDHN cơ bản trong nhà trường phổ thông có tính hệ thống, liên quan chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau.
- Hướng nghiệp qua dạy học các môn văn hóa
Các môn văn hóa là những môn học được đưa vào kế hoạch dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông và là các môn học chính khóa trong các trường phổ thông nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức, kĩ năng cơ bản, phổ thông và cần thiết nhất trong các lĩnh vực như Toán học, Văn học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Nghệ thuật...Thời lượng dành cho
các môn văn hóa rất nhiều (khoảng 24- 25 tiết/ tuần). Nhiều môn học được thực hiện trong suốt 12 năm học phổ thông. Do vậy, tích hợp GDHN vào các môn văn hóa là hình thức giáo dục hướng nghiệp có khả năng thực hiện lâu dài, thường xuyên và hiệu quả. Qua các môn văn hóa, giáo viên có thể giới thiệu cho học sinh các nghề cơ bản có liên quan trực tiếp tới môn học, những khả năng và thành tựu cũng như sự phát triển của một số ngành nghề chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và công nghệ thông tin.
Cũng qua các môn văn hóa, giáo viên có thể giúp cho học sinh biết được những yêu cầu về kiến thức và kĩ năng của một số ngành nghề trong các lĩnh vực liên quan tới môn học như lĩnh vực sinh học, vật lý, hóa học, nghệ thuật, công nghệ...Từ đó, học sinh có thêm thông tin cơ sở để lập kế hoạch chọn nghề tương lai sao cho vừa phù hợp với khả năng, học lực của bản thân, vừa phù hợp với nhu cầu lao động của một số ngành nghề chính trong xã hội.
Hình thức hướng nghiệp qua các môn văn hóa được thực hiện chủ yếu theo phương thức tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục hướng nghiệp vào môn học.
- Hướng nghiệp qua giáo dục nghề phổ thông và lao động sản xuất Nghề phổ thông được hiểu là những nghề phổ biến và thông dụng đang cần phát triển ở địa phương. Nghề phổ thông có kĩ thuật khá đơn giản, quá trình dạy nghề không đòi hỏi phải có trang thiết bị phức tạp. Nguyên liệu dùng cho dạy nghề dễ kiếm, phù hợp với điều kiện kinh tế và khả năng đầu tư của địa phương, nhà trường. Thời gian học nghề ngắn. Mục đích chủ yếu của dạy nghề phổ thông là trang bị cho học sinh những kiến thức, kĩ năng lao động cần thiết và tạo cơ hội cho học sinh củng cố nội
dung lí thuyết, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học ở môn Công nghệ vào thực tiễn đời sống và sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và tin học. Qua đó, giúp học sinh làm quen với hoạt động lao động nghề nghiệp, chuẩn bị tích cực cho học sinh bước vào cuộc sống lao động và định
hướng nghề nghiệp cho các em. Nghề phổ thông được đưa vào các trung tâm kĩ thuật tổng hợp hướng nghiệp và một số trường phổ thông cấp trung học từ những năm 80 theo phương thức học sinh tự nguyện đăng kí học, không bắt buộc. Khi đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông (năm 2000), nghề phổ thông được đổi tên thành hoạt động giáo dục nghề phổ thông và được đưa vào kế hoạch dạy học ở lớp 11 THPT với thời lượng 3 tiết/ tuần (105 tiết/ nghề/
năm học). Trong chương trình hoạt động giáo dục nghề phổ thông có 11 nghề:
thuộc các lĩnh vực công nghiệp (4 nghề), nông nghiệp (3 nghề), dịch vụ (3 nghề) và tin học (1 nghề). Mỗi học sinh được chọn học một nghề theo phương thức bắt buộc. Riêng đối với học sinh cấp THCS, các em bước đầu được làm quen với hoạt động nghề nghiệp qua việc học mô đun nghề ở môn Công nghệ II lớp 9 (35 tiết/ năm học). Những học sinh lớp 9 có nhu cầu học nghề phổ thông để có chứng chỉ nghề và cộng điểm khuyến khích sẽ tham gia học nghề 75 tiết. Qua tham gia hoạt động giáo dục nghề phổ thông và lao động sản xuất, học sinh không những có cơ hội để thử sức mình trong một hoạt động lao động nghề nghiệp cụ thể mà còn có điều kiện khám phá khả năng, sở thích, cá tính và giá trị nghề nghiệp của bản thân, nâng cao các kĩ năng thiết yếu, nâng cao nhận thức nghề nghiệp và ý thức, thái độ lao động, từ đó đưa ra quyết định chọn nghề tương lai sao cho phù hợp.
- Hướng nghiệp qua hoạt động ngoại khóa, tham quan
Ngoại khóa là hoạt động được tổ chức cho HS học tập ngoài giờ học chính khóa. Hoạt động này được tiến hành theo một kế hoạch nhất định dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên nhằm phát hiện, bồi dưỡng, phát triển hứng thú, năng khiếu và khả năng sáng tạo của HS trong một lĩnh vực nào đó như khoa học, kĩ thuật, nghệ thuật hoặc tin học...Qua tham gia hoạt động ngoại khóa, HS có cơ hội để khám
phá khả năng, sở thích, cá tính và giá trị nghề nghiệp của bản thân. Trong các trường trung học, tùy điều kiện và khả năng, có thể tổ chức các lớp, tổ ngoại
khóa về công nghệ(làm vườn, trồng cây cảnh, điện tử, vẽ kĩ thuật, cơ khí…), tin học, nghệ thuật, hoạt động xã hội… để những học sinh có xu hướng và năng khiếu trong từng lĩnh vực trên tham gia hoạt động.
Việc tổ chức cho HS tham quan các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề…nhằm tạo điều kiện cho HS được tận mắt quan sát cơ chế vận hành máy móc trong sản xuất, các hoạt động của người lao động và các sản phẩm của quá trình lao động. Nhờ đó, học sinh hiểu rõ hơn đối tượng lao động, yêu cầu lao động của ngành nghề mà học sinh mới chỉ biết qua sách vở, đồng thời khơi dậy trong các em hứng thú đối với nghề nghiệp.
- Hướng nghiệp thông qua bộ môn hoạt động GDHN
Bộ môn “Hoạt động GDHN” được chính thức đưa vào kế hoạch dạy học của các trường phổ thông với tư cách là một hoạt động, có chương trình dạy học, bao gồm mục tiêu, nội dung, chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ cho từng chủ đề hướng nghiệp của từng khối, lớp. Trước năm học 2008-2009, thời lượng dành cho hoạt động GDHN ở lớp 10, 11, 12 là 27 tiết/năm học/lớp. Từ năm học 2008-2009 trở đi, thời lượng dành cho hoạt động GDHN rút xuống còn 9 tiết/năm học/lớp do có sự tích hợp một số chủ đề hướng nghiệp vào hoạt động ngoài giờ lên lớp và môn Công nghệ lớp 10.
Mục tiêu của hoạt động GDHN được quy định như sau:
- Về kiến thức: học sinh biết được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lựa chọn nghề trong tương lai; một số kiến thức cơ bản về vấn đề chọn nghề; một số thông tin cơ bản về định hướng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước và khu vực, về thế giới nghề nghiệp, thị trường lao động, hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng và đại học ở địa phương và cả nước; biết cách tìm kiếm thông tin nghề và cơ sở đào tạo cần thiết cho bản thân; biết cách tự đánh giá năng lực bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội để định hướng học tập và chọn nghề tương lai.
- Về kỹ năng: học sinh có thể tự đánh giá được năng lực bản thân và điều kiện gia đình trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai; tìm kiếm những thông tin nghề và cơ sở đào tạo cần thiết cho bản thân trong việc chọn nghề; định hướng và lựa chọn được nghề nghiệp tương lai cho bản thân.
- Về thái độ: học sinh chủ động, tự tin trong việc chọn hướng đi, chọn nghề; có hứng thú và khuynh hướng chọn nghề đúng đắn.
- Hướng nghiệp qua các buổi sinh hoạt hướng nghiệp
Các buổi sinh hoạt hướng nghiệp với tư cách là hoạt động dạy và học nhằm mục đích giới thiệu cho học sinh những ngành chủ yếu, nghề cơ bản của đất nước, những ngành nghề mà nhà nước đang cần phát triển một cách có hệ thống. Các buổi sinh hoạt hướng nghiệp nhằm giới thiệu cụ thể về nghề nghiệp, bao gồm các nội dung: Vai trò, vị trí của ngành nghề đối với nền kinh tế quốc dân; những thuận lợi, khó khăn và triển vọng phát triển cũng như ý nghĩa đóng góp của nghề nghiệp đối với đất nước; điều kiện làm việc và vệ sinh lao động; điều kiện tâm sinh lý và tình trạng sức khỏe; những phẩm chất do nghề đòi hỏi…Quá trình giới thiệu phải luôn kết hợp với việc hướng dẫn học sinh chọn nghề.