Chương 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP Ở TRƯỜNG THPT A BÌNH LỤC, HUYỆN BÌNH LỤC, TỈNH HÀ NAM
2.3. Thực trạng GDHN ở trường THPT A Bình Lục, tỉnh Hà Nam
2.3.2. Thực trạng hình thức tổ chức GDHN cho học sinh ở trường THPT A Bình Lục, tỉnh Hà Nam
Để thực hiện có hiệu quả hoạt động GDHN ở trường THPT, chúng ta phải tổ chức tốt các hình thức GDHN như: Tích hợp nội dung hướng nghiệp vào các môn văn hóa, lao động sản xuất và học nghề phổ thông; qua hoạt động sinh hoạt hướng nghiệp và các hoạt động ngoại kháo khác. Mỗi hình thức GDHN đều có tầm quan trọng và thế mạnh riêng. Để thực hiện hiệu quả hoạt động GDHN, chúng ta phải tổ chức tốt các hình thức GDHN.
Để nắm được rõ hơn về mức độ thực hiện các hình thức GDHN ở trường THPT A Bình Lục, chúng tôi đã tiến hành khảo sát 300 học sinh trong nhà trường và đã thu được kết quả như sau:
Bảng 2.13. Ý kiến của học sinh về mức độ thực hiện các hình thức GDHN ở trường THPT A Bình Lục
STT Nội dung
Mức độ đồng ý (4- Rất đồng ý;
1- Rất không đồng ý)
Điểm
4 3 2 1 TB
1
Nhà trường tổ chức GDHN thông qua dạy học các môn văn hóa phù hợp với xu hướng nghề nghiệp của học sinh.
65 151 75 9 2,93
2
Nhà trường tổ chức tốt hướng nghiệp thông qua dạy bộ môn hoạt động GDHN
71 152 73 4 2,97
3
Nhà trường tổ chức tốt GDHN thông qua dạy nghề phổ thông và lao động sản xuất.
49 143 98 10 2,77
4
Nhà trường tổ chức tốt hoạt động ngoại khóa, tham quan giúp HS định hướng nghề nghiệp.
63 120 96 21 2,75
5 Nhà trường tổ chức sinh hoạt
hướng nghiệp phong phú 53 135 95 27 2,78
(Nguồn: Xử lý câu hỏi 7, Phụ lục 1)
Qua bảng trên ta thấy, việc thực hiện GDHN thông qua các hình thức GDHN ở trường THPT A Bình Lục được thể hiện ở mức trung bình khá.
Hướng nghiệp thông qua giảng dạy bộ môn hoạt động GDHN được học sinh đánh giá ở mức độ khả quan nhất (Điểm TB = 2,97); tiếp đó là hướng nghiệp thông qua dạy học các môn văn hóa (Điểm TB = 2,93); hướng nghiệp thông
qua sinh hoạt hướng nghiệp (Điểm TB = 2,78); hướng nghiệp thông qua dạy nghề phổ thông và lao động sản xuất (Điểm TB = 2,77) và cuối cùng là hướng nghiệp thông qua hoạt động ngoại khóa, tham quan (Điểm TB = 2,75). Điều này cho thấy, hướng nghiệp thông qua việc giảng dạy bộ môn hoạt động GDHN được thực hiện khá thu hút và hấp dẫn học sinh, trong khi đó thì hướng nghiệp thông qua hoạt động ngoại khóa, tham quan được học sinh thể hiện sự kỳ vọng nhiều hơn cả. Cụ thể:
2.3.2.1. Thực trạng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh qua dạy các môn văn hóa
Qua việc giảng dạy các môn văn hóa, giáo viên có thể giới thiệu cho học sinh các nghề cơ bản có liên quan trực tiếp tới môn học, những khả năng và thành tựu cũng như sự phát triển của một số ngành nghề chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và công nghệ thông tin. Cũng qua các môn văn hóa, giáo viên giúp học sinh biết được những yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của một số ngành nghề trong các lĩnh vực liên quan tới môn học.
Chẳng hạn, giáo viên các môn Ngữ văn, Lịch sử giới thiệu cho học sinh làm quen với những nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội như giáo dục, khảo cổ học, bảo tàng, thư viện…; giáo viên môn Toán học, Vật lý, Tin học giới thiệu cho các em làm quen với các ngành khoa học cơ bản, ngành cơ khí-chế tạo, xây dựng, kiến trúc, giao thông, điện năng…; giáo viên Ngoại ngữ giới thiệu cho các em làm quen với các nghề phiên dịch, biên dịch, ngoại giao, du lịch, giáo viên…; giáo viên môn Hóa học, Sinh học giới thiệu cho các em về các nghề như nông nghiệp, tạo giống mới, dầu khí, chế biến thực phẩm, công nghệ sinh học…
Thời lượng dành cho các môn văn hóa rất nhiều, giáo viên qua giảng dạy cũng có những hiểu biết về đặc điểm tính cách, năng lực cũng như khả năng của từng học sinh để có những lời khuyên về chọn ngành nghề thích hợp cho các em. Tuy nhiên, nội dung hướng nghiệp tích hợp trong giảng dạy các
môn văn hóa hầu như chưa được đề cập nhiều trong giáo án của các môn văn hóa và cũng chưa đề cập đến trong các buổi sinh hoạt tổ, nhóm. Đa số giáo viên chưa chú trọng đến công tác hướng nghiệp, coi hướng nghiệp là công việc thực hiện ngoài giờ lên lớp, coi đó là công việc của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy hướng nghiệp và của gia đình học sinh.
Do vậy, tích hợp nội dung hướng nghiệp trong giảng dạy các môn văn hóa không được tiến hành một cách hệ thống, bài bản mà chỉ một số ít giáo viên quan tâm, tâm huyết với hướng nghiệp mới tiến hành. Trong các bộ môn thì bộ môn Công nghệ có ảnh hưởng nhiều nhất đến công tác GDHN. Với tư cách là một môn khoa học ứng dụng, bộ môn Công nghệ gồm kỹ thuật công nghiệp và kỹ thuật nông nghiệp nhằm cung cấp cho học sinh những nguyên lý chung của quá trình sản xuất chủ yếu, củng cố những nguyên lý khoa học và làm cho học sinh hiểu được những ứng dụng của chúng trong sản xuất, kinh doanh, trong các hoạt động nghề nghiệp, từ đó gây hứng thú cho học sinh đối với nghề. Tuy nhiên,môn học này thường chưa được học sinh coi trọng đúng mức, coi đó là môn phụ và chỉ tập trung vào những môn thi đại học, cao đẳng nên việc học các môn này thường không đạt hiệu quả cao.
2.3.2.2. Thực trạng GDHN cho học sinh thông qua các buổi sinh hoạt hướng nghiệp
Từ nhiều năm nay, nhà trường đã tiến hành các hoạt động hướng nghiệp. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức buổi sinh hoạt hướng nghiệp cho học sinh khối 12, nhà trường có mời các nhà doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, nhà chuyên môn và các cựu học sinh thành đạt trong nghề nghiệp về tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Các buổi sinh hoạt hướng nghiệp này thường thu hút được sự quan tâm của các bạn học sinh đặc biệt là học sinh khối 12. Tuy nhiên, do hoạt động này được tổ chức cho toàn khối với một thời lượng có hạn, số lượng học sinh đông nên khó lòng đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu ngành nghề cho từng học sinh. Do đó, nhiều học sinh cho biết đang còn phân
vân, chưa biết chọn nghề gì và thực sự chưa nghĩ đến việc chọn ngành, chọn nghề. Tiến hành phỏng vấn một số học sinh để tìm hiểu về hiệu quả của hoạt động GDHN chuyên biệt của nhà trường cho thấy hầu hết các học sinh khi được hỏi về công tác này đều có sự đánh giá chung như sau: “ Nhà trường đã tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho chúng em nhưng chưa có hiệu quả, chúng em vẫn còn phân vân và lo lắng khi đứng trước nhiều sự lựa chọn.
Chúng em chưa định hình được nghề nghiệp cho bản thân”. Điều này đã cho thấy, công tác hướng nghiệp chưa thực sự có tác dụng định hướng tích cực, chưa đưa ra được những hướng dẫn gợi ý xác thực cho học sinh nhằm có sự lựa chọn phân môn, ngành nghề phù hợp với năng lực, khả năng kinh tế của gia đình và nhu cầu công tác của xã hội mà trên thực tế vẫn là những hoạt động giáo dục mang tính hình thức. Mặt khác, số lần tổ chức hoạt động GDHN theo chủ đề, chủ điểm trong một năm cũng có hạn (chỉ có 2 lần/năm) trong khi đó nội dung học tập chính khóa của học sinh quá nặng khiến các em tập trung vào học nhiều hơn. Trên thực tế đã có rất nhiều học sinh chọn nghề theo phong trào, theo sở thích của người khác hoặc thích chạy theo xu hướng ngành nghề được xã hội quan tâm, chú ý, có thu nhập cao mà không cần quan tâm đến nhu cầu, năng lực của bản thân. Ngoài số học sinh có quan điểm về nghề nghiệp lệch lạc như đã nêu trên vẫn còn một số lượng không nhỏ học sinh chưa làm chủ được bản thân về kế hoạch nghề nghiệp, gần như không quan tâm và phụ thuộc hoàn toàn vào sự định hướng chủ quan của gia đình. Đây là thực trạng đáng báo động trong quan điểm giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh ở các trường THPT hiện nay. Nó thể hiện mặt trái về nhận thức, nhu cầu và quan điểm nghề nghiệp của một bộ phận không nhỏ là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, là vấn đề đáng được quan tâm ở mọi nhà trường chứ không chỉ riêng trường THPT A Bình Lục, Hà Nam.
2.3.2.3. Thực trạng GDHN cho học sinh thông qua dạy môn hoạt động GDHN
Hiện nay, hoạt động GDHN được nhà trường tổ chức cho học sinh từng khối lớp theo nội dung, chương trình quy định của Bộ GD&ĐT và giáo viên thực hiện giảng dạy bộ môn này là những giáo viên trong ban hướng nghiệp, thường là những giáo viên có ít giờ dạy và có khả năng thuyết trình, tổ chức tốt các hoạt động. Qua bộ môn hoạt động GDHN, học sinh được tiếp xúc và tìm hiểu về một số ngành nghề phổ biến trong xã hội, giúp các em có những định hướng nhất định trong việc lựa chọn nghề nghiệp.
Tuy nhiên, do thời lượng các buổi học còn ít (9 tiết/năm) và tổ chức theo khối lớp nên chắc chắn sẽ có những hạn chế trong việc giảng giải, truyền nội dung đến học sinh. Ngoài ra, môn học này được thực hiện ngoài giờ lên lớp, thường học theo khối vào một buối chiều nào đó trong tuần, thậm chí là sáng chủ nhật nên tâm lý các em đi học thường là để điểm danh chứ không quan tâm đến mục đích, tầm quan trọng của môn học này.
Mặt khác, nội dung môn học và phương pháp dạy học của giáo viên chỉ mới hướng tới việc giới thiệu các ngành nghề, chưa đi sâu vào việc tư vấn, tuyển chọn nghề. Giáo viên chưa truyền tải đầy đủ thông tin mang tính thực tiễn mà chỉ mới truyền tải lý thuyết xoạy quanh nội dung hướng nghiệp. Sự nắm bắt thông tin về nghề nghiệp, tình hình phát triển kinh tế, xã hội và cơ hội phát triển nghề nghiệp của một số giáo viên còn hạn chế, do vậy công tác hướng nghiệp chưa mang lại hiệu quả cao.
Về cách thức tổ chức, giáo viên trong ban hướng nghiệp đã có sự phối hợp với nhau để lên kế hoạch xây dựng chương trình và tổ chức hấp dẫn nhằm tạo hứng thú cho học sinh tham gia. Đa phần học sinh chỉ chăm chú và thích thú với các tiết mục văn nghệ hoặc tiểu phẩm về các ngành nghề còn các phần thuyết trình, cung cấp thông tin, hỏi đáp về nghề thường không thu hút được sự sôi nổi, nhiệt tình của các em. Rất ít học sinh đưa ra những câu hỏi để giáo viên hướng nghiệp tư vấn.
2.3.2.4. Thưc trạng GDHN cho học sinh qua hoạt động ngoại khóa, tham quan
Qua kết quả phỏng vấn trực tiếp trên một số khách thể là học sinh đã cho thấy, hoạt động ngoại khóa, tham quan được trường THPT A Bình Lục tổ chức thực hiện một lần /năm dành cho học sinh khá, giỏi. Tuy nhiên, hoạt động ngoại khóa này không phải lúc nào cũng gắn với nội dung GDHN. Phần lớn học sinh đều khẳng định rằng, nhà trường rất ít tổ chức đưa học sinh đến tham quan một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang hoạt động trong và ngoài địa phương. Đa phần các nội dung hướng nghiệp được thực hiện thuần túy thông qua tuyên truyền, giáo dục và giới thiệu là chính, chưa gắn với giá trị thực tiễn.
Mặt khác, dễ dàng thấy rằng các hoạt động ngoại khóa đòi hỏi khá nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị cũng như chi phí để triển khai. Do đó, nó không được nhà trường tổ chức một cách thường xuyên. Việc GDHN qua hoạt động ngoại khóa vẫn diễn ra, tuy nhiên chỉ là hoạt động có giới hạn cả về mục tiêu, số lượng và chất lượng vì đa số các học sinh khi được hỏi về vấn đề này đều có nhận định: “ Nhà trường có tổ chức cho chúng em đi ngoại khóa, học sinh cả 3 khối đều được đi nhưng số bạn được tham gia là rất ít, phải là học sinh khá giỏi mới được tham gia. Qua chuyến đi, chúng em cũng được tìm hiểu về một số ngành nghề và có được những hiểu biết nhất định về các ngành nghề đào tạo hay công việc thực tế như thế nào. Rất nhiều bạn muốn nhưng chưa được tham gia”. Như vậy, thực chất của việc tổ chức tham quan ngoại khóa nặng về vui chơi giải trí hơn là việc triển khai mục tiêu GDHN, nội dung hướng nghiệp được tích hợp trong hoạt động nhưng không được quan tâm đúng mức.
2.3.2.5. Thực trạng GDHN cho học sinh qua hoạt động giáo dục nghề phổ thông và lao động sản xuất
Qua tham gia hoạt động giáo dục nghề phổ thông và lao động sản xuất, học sinh có cơ hội để thử sức mình trong một hoạt động lao động nghề nghiệp cụ thể; có điều kiện khám phá tài năng, sở thích, cá tính và giá trị nghề nghiệp của bản thân; nâng cao các kỹ năng thiết yếu, nâng cao nhận thức nghề nghiệp và ý thức, thái độ lao động. Từ đó, đưa ra quyết định chọn nghề tương lai sao cho phù hợp.
Ở trường THPT A Bình Lục, hoạt động giáo dục nghề phổ thông được thực hiện đúng thời lượng, đúng chương trình môn học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Theo đó, mỗi học sinh sẽ được học một trong ba môn là Làm vườn, Điện dân dụng và Tin học. Thực tế cho thấy, các em đi học phần lớn là với mục đích để cộng vào điểm thi tốt nghiệp. Do đó, công tác GDHN cho học sinh qua hoạt động giáo dục nghề phổ thông và lao động sản xuất chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.