Chương 3. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRƯỜNG THPT A BÌNH LỤC, HUYỆN BÌNH LỤC, TỈNH HÀ NAM
3.2. Một số biện pháp quản lý hoạt động GDHN cho học sinh trường THPT
3.2.4. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tài liệu và nguồn thông tin cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp
3.2.4.1. Mục đích của biện pháp
Nội dung GDHN liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội, đòi hỏi phải có thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Do vậy, cùng với việc có đủ sách giáo khoa và sách giáo viên, cần phải có nguồn tài liệu tham khảo và nguồn thông tin hướng nghiệp được cập nhật thường xuyên để cung cấp cho giáo viên và học sinh giúp họ thực hiện thuận lợi các hình thức hướng nghiệp.
Thiết bị, máy móc và đồ dùng dạy học là công cụ để giáo viên tiến hành các phương pháp khi tổ chức thực hiện các hình thức hướng nghiệp.
hiệu quả của việc sử dụng các phương pháp dạy học phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện này.
Do vậy, muốn tổ chức các hoạt động GDHN đạt kết quả, cần phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ.
3.2.4.2. Nội dung của biện pháp
- Xây dựng phòng sinh hoạt hướng nghiệp với những trang thiết bị cần thiết để phòng hoạt động được. Phòng có thể thông tin về thế giới nghề nghiệp, về thị trường lao động, về xu hướng phát triển kinh tế, xã hội cảu địa phương và cả nước. Phòng có thể cung cấp các thông tin về hệ thống đào tạo, các yêu cầu khác nhau của ngành nghề, tư vấn cho phụ huynh và học sinh những băn khoăn, thắc mắc về nghề nghiệp.
- Trang bị đầy đủ sách giáo khoa và sách giáo viên hướng nghiệp; máy tính nối mạng internet, sách báo, tranh ảnh, video clip, tư liệu về các ngành nghề; các tư liệu giới thiệu về các trường, các cơ sở đào tạo ngành nghề; tranh ảnh và tiểu sử của những người thành đạt; các tư liệu giới thiệu về các trường ĐH, CĐ, trung cấp nghề; nhu cầu tuyển dụng của các trường, các ngành, các cơ quan trong thời gian sắp tới hay thông tin về điểm sàn, điểm chuẩn của các trường ĐH, CĐ qua từng năm.
- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy nghề phổ thông.
- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt hướng nghiệp như máy vi tính, máy chiếu, các thiết bị âm thanh,…và các dụng cụ phục vụ cho dạy một số nghề như nghề điện, làm vườn, nghề tin học văn phòng.
3.2.4.3. Cách thức thực hiện biện pháp
Muốn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tài liệu và nguồn thông tin cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp thì không những phải trích một phần ngân sách Nhà nước để mua sắm vật dụng, trang thiết bị cho GDHN mà còn phải huy động sự ủng hộ và đóng góp từ các lực lượng ngoài xã hội như:
- Các cơ sở sản xuất gửi các hiện vật (đặc biệt là các cơ sở trong địa bàn huyện).
- Các cơ sở đào tạo gửi các tư liệu giới thiệu về mô hình đào tạo nghề, giới thiệu các nghề.
- Các trường ĐH, CĐ, TCCN, trung cấp nghề thông tin tự giới thiệu về mình.
- Kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, các công ty, xí nghiệp nơi cần đến sự giới thiệu tuyển dụng ngành nghề và tuyển sinh của trường.
- Tranh thủ sự hợp tác giúp đỡ, hỗ trợ của gia đình học sinh, các lực lượng xã hội, các cơ sở giáo dục khác về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho GDHN bằng cách vận động đóng góp hoặc liên kết đào tạo để tận dụng cơ sở vật chất còn nhàn rỗi của đơn vị liên kết.
Để quản lý tốt việc xây dựng, bảo quản và sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, cần thành lập ban quản lý cơ sở vật chất gồm các thành viên trong ban giám hiệu, công đoàn, đoàn thanh niên, bảo vệ, cán bộ thư viện, thiết bị, giáo viên chủ nhiệm.
3.2.4.4. Điều kiện thực hiện biện pháp
- Nhà nước có chủ trương quan tâm, đầu tư đối với công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT.
- Xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo quản và sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
- Nhà trường có kế hoạch mua sắm trang thiết bị được các cấp phê duyệt.
- Hiệu trưởng tiếp nhận, bảo quản và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học dùng cho công tác hướng nghiệp; tích cực tham mưu với các cấp, ngành tiếp tục tăng cường đầu tư; làm tốt công tác xã hội hóa công tác hướng nghiệp.