Khái quát về tình hình kinh tế- xã hội, giáo dục huyện Bình Lục, Hà Nam

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trường THPT A Bình Lục huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (Luận văn thạc sĩ) (Trang 47 - 51)

Chương 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP Ở TRƯỜNG THPT A BÌNH LỤC, HUYỆN BÌNH LỤC, TỈNH HÀ NAM

2.1. Khái quát về tình hình kinh tế- xã hội, giáo dục huyện Bình Lục, Hà Nam

2.1.1. Đặc điểm tự nhiên

Hà Nam là tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ, là điểm nối giữa đồng bằng và miền núi, là cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Hưng Yên, là tỉnh nhỏ gồm 05 huyện và 01 thành phố trực thuộc tỉnh. Với diện tích 86.049,4ha trong đó vùng núi đá thuộc huyện Kim Bảng chiếm từ 10% đến 15% diện tích, còn lại là vùng đồng bằng, diện tích đất nông nghiệp chiếm 55.286,4 ha, đất lâm nghiệp 6.357,86 ha, đất nuôi trồng thủy sản 4.824,4 ha còn lại là đất phi nông nghiệp. Tổng dân cư của tỉnh Hà Nam ước đến hết năm 2014 là 254.399 hộ dân với 798.572 người.Trình độ kinh tế, dân trí và trình độ văn hóa xã hội của dân cư phát triển khá cao, thu nhập và đời sống của đa số dân cư đã được cải thiện và nâng cao đáng kể. Đặc điểm nổi trội của cư dân và nguồn lực con người Hà Nam là truyền thống lao động cần cù, vượt lên mọi khó khăn để phát triển sản xuất, là truyền thống hiếu học, ham hiểu biết và giàu sức sáng tạo trong phát triển kinh tế, mở mang văn hóa xã hội. Đây là một nguồn lực đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Huyện Bình Lục là đơn vị hành chính nằm ở phía Đông Nam tỉnh Hà Nam. Phía Đông Bắc và phía Bắc giáp huyện Lý Nhân, phía Tây Bắc giáp huyện Duy Tiên, phía Tây giáp huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Phía Nam và Đông Nam giáp các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc tỉnh Nam Định. Huyện Bình Lục có diện tích đất tự nhiên là 156,38 km2, dân số 146.846 người, mật

độ là 939 người/km2, có 21 đơn vị hành chính, trong đó có 01 thị trấn và 20 xã.

Huyện có mạng lưới giao thông thuận lợi: phía nam có đường quốc lộ 21 nối Phủ Lý với Nam Định, phía bắc có tỉnh lộ 62, đường ĐT 976, phía đông có đường 56, đường tỉnh lộ ĐT 974 nối liền phía bắc, phía nam huyện và các huyện khác. Có đường sắt Bắc Nam chạy qua. Có hệ thống giao thông đường thủy trên sông Châu Giang, sông Sắt. Hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường trục xã, đường thôn, xóm chất lượng tốt, được rải nhựa và bê tông. Trên địa bàn huyện có đủ các loại phương tiện giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đặc biệt Bình Lục là huyện có các di tích lịch sử - văn hóa như: trống đồng Ngọc Lũ, đền thờ danh nhân Nguyễn Khuyến, có núi Nguyệt Hằng, sông Châu Giang… trong tương lai sẽ là các điểm du lịch hấp dẫn. Bình Lục giàu có về tài nguyên với sự đa dạng về tài nguyên đất, du lịch, khí hậu…cơ sở hạ tầng đang được quan tâm đầu tư, rất thuận lợi cho sự phát triển đa dạng các ngành kinh tế.

2.1.2. Tình hình kinh tế

Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đã có những bước phát triển khá vững chắc. Tiểu thủ công nghiệp làng nghề được duy trì và mở rộng. Hiện nay, huyện đang phát triển nhiều trang trại sản xuất đa canh và trang trại chăn nuôi, đặc biệt là phát triển các làng chăn nuôi tập trung với quy mô lớn đảm bảo các yếu tố vệ sinh môi trường. Đồng thời có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, cung cấp thức ăn cho các trang trại. Với những lợi thế đó, trong những năm qua được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, ngành, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của nhân dân huyện Bình Lục, kinh tế - xã hội huyện đã đạt được những kết quả hết sức khả quan.

Kinh tế của huyện tăng trưởng cao với nhịp độ tăng bình quân 5 năm đạt 13,46%. Cơ cấu kinh tế huyện chuyển dịch đúng hướng: Nông nghiệp

hiện đang chiếm tỷ trọng 34,7%, công nghiệp, xây dựng chiếm 32,5% và thương mại - dịch vụ chiếm 32,8%; sản xuất lương thực cũng như chăn nuôi gia súc đều đạt kết quả cao. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, công tác quốc phòng an ninh được tăng cường, góp phần ổn định tình hình để phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt trong những năm gần đây công tác hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện cũng được quan tâm sâu sắc. Hiện nay trên địa bàn huyện Bình Lục có 128 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, 4 làng nghề truyền thống, 7 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 15 làng có nghề thủ công với tổng số 8.187 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tạo việc làm cho gần 23.000 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp 5 năm tăng bình quân 22,1%. Huyện cam kết sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp với những giải pháp cụ thể như: Nâng cao tính năng động trong điều hành của lãnh đạo huyện, làm tốt công tác quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính với mục địch giảm tối đa chi phí, tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để cung cấp nguồn lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất [38].

2.1.3. Tình hình giáo dục

Từ năm 2010 đến nay, chất lượng giáo dục phổ thông nói chung và giáo dục trung học nói riêng của tỉnh tiếp tục có những bước tiến vững chắc, nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng giáo dục cao của cả nước. Toàn tỉnh đã duy trì được 120 trường mầm non công lập và 74 nhóm trẻ tư thục; 271 trường phổ thông các cấp, với 4.468 lớp học. Phần lớn các trường tiểu học, trung học cơ sở và 100% số trường trung học phổ thông đã được xây dựng kiên cố và bán kiên cố.

Các chỉ tiêu giáo dục toàn diện đứng trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn đạt trên 99%. Kết quả thi vào đại học, cao đẳng luôn xếp từ thứ 7 - 10 toàn quốc. Hà Nam là một trong 20 đơn

vị có số lượng và chất lượng giải cao nhất trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, năm nào cũng có học sinh được triệu tập chọn đội tuyển dự thi quốc tế. Trong năm học 2013 - 2014, Hà Nam đạt 02 giải nhất, 09 giải nhì, 23 giải ba và 18 giải khuyến khích, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông; đạt 02 huy chương vàng, 05 huy chương bạc, 11 huy chương đồng và 23 giải khuyến khích trong cuộc thi Olympic Tiếng Anh trên Internet cấp quốc gia. Đặc biệt, năm học 2011 - 2012, lần đầu tiên kể từ khi tái lập tỉnh, Hà Nam đã có 01 học sinh đoạt huy chương bạc Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương và huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế.

Cấp học mầm non cũng đã hoàn thành Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Toàn tỉnh tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS đạt được từ năm 2002. Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được duy trì vững chắc và có bước phát triển. Năm 2013 tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức 2. Hà Nam là một trong ít đơn vị của toàn quốc mạnh dạn triển khai dạy đại trà tiếng Anh theo chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm học 2011 - 2012. Để thực hiện chủ trương này, tỉnh đã rất quyết tâm trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ. Tổng kinh phí mua trang thiết bị dạy ngoại ngữ từ năm 2011- 2013 là 48,7 tỷ đồng, năm 2014 ước đầu tư gần 10 tỷ đồng. Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã và đang được thực hiện, tạo nên động lực mới để sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của tỉnh phát triển. Mạng lưới trường lớp được quy hoạch hợp lý, hiệu quả hơn. Cấp tiểu học tiến hành sáp nhập, bảo đảm mỗi phường, xã, thị trấn chỉ còn một trường tiểu học. Trong thời gian tới cấp THCS sẽ sát nhập các trường có quy mô nhỏ, hình thành hệ thống trường THCS chất lượng cao. Một bước tiến rất đáng chú ý nữa là Đề án Phát triển Trường THPT Chuyên Biên Hòa đang tích

cực được triển khai đồng bộ. Nhà trường cũng chuẩn bị thí điểm dạy học song ngữ Việt - Anh đối với môn Toán và các môn khoa học tự nhiên.

Hà Nam có Trường Đại học Hà Hoa Tiên; Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam; Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình Trung ương I và một số trường trung học, cao đẳng chuyên nghiệp và dạy nghề: Y tế, Công nhân Bưu điện, Chế biến gỗ, Dạy nghề Nông công nghiệp vận tải, Kỹ thuật thực hành nông nghiệp, trường vừa học vừa làm nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chuyên môn kỹ thuật trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Huyện Bình Lục có 04 trường THPT là trường THPT A, B, C Bình Lục và trường THPT Nguyễn Khuyến được phân đều trên địa bàn huyện: Trường THPT A Bình Lục ở trung tâm huyện là thị trấn Bình Mỹ lệch sang phía Đông huyện, trường THPT C nằm ở phía Bắc huyện, trường THPT Nguyễn Khuyến ở phía Tây của huyện, trường THPT B Bình Lục nằm ở phía Nam của huyện với tổng số học sinh năm học 2014-2015 là 4438 học sinh/98 lớp. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT các năm qua đều đạt trên 96,5% trở lên; tỷ lệ học sinh lớp 12 đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng hàng năm đạt từ 50 đến 60%.

Tổng số đội ngũ là 280 người, trong đó: CBQL 12, giáo viên 234, nhân viên 27. 100% CB, GV, NV có trình độ đạt chuẩn, trong đó có 6/12 CBQL, 27/234 giáo viên có trình độ thạc sỹ. So với mặt bằng chung toàn tỉnh thì chất lượng học sinh và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của huyện Bình Lục còn ở mức thấp.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trường THPT A Bình Lục huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (Luận văn thạc sĩ) (Trang 47 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(130 trang)
w