Nâng cao nhận thức về GDHN cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và các lực lượng khác

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trường THPT A Bình Lục huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (Luận văn thạc sĩ) (Trang 94 - 99)

Chương 3. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRƯỜNG THPT A BÌNH LỤC, HUYỆN BÌNH LỤC, TỈNH HÀ NAM

3.2. Một số biện pháp quản lý hoạt động GDHN cho học sinh trường THPT

3.2.1. Nâng cao nhận thức về GDHN cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và các lực lượng khác

3.2.1.1. Mục đích của biện pháp

Nhận thức chính là kim chỉ nam cho hành động, nhận thức đúng đắn thì mới có được hành động đúng đắn. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường thì trước hết cần phải nâng cao nhận thức cho các lực lượng gồm: cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội khác. Làm cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội hiểu rõ tầm quan trọng của GDHN, yêu cầu và trách nhiệm của bản thân đối với GDHN trong nhà trường phổ thông và công tác phân luồng học sinh sau THPT. Giúp học sinh tìm được môi trường làm việc, học tập phù hợp với sở thích và năng lực sau khi hoàn thành chương trình giáo dục THPT.

3.2.1.2. Nội dung thực hiện biện pháp

Nội dung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức tập trung vào:

- Chủ trương và đường lối của Đảng, Nhà nước về GDHN cho học sinh THPT và công tác phân luồng học sinh sau THPT; định hướng phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển dịch kinh tế của địa phương, cả khu vực và cả nước trong giai đoạn mới.

- Mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và mục tiêu của GDHN trong nhà trường phổ thông và công tác phân luồng học sinh sau THPT.

- Vai trò, trách nhiệm của cá nhân và đơn vị đối với việc tổ chức hoạt động GDHN trong nhà trường phổ thông và công tác phân luồng học sinh sau

THPT. Phải phân công công tác rõ ràng, quy định trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị:

+ Cán bộ quản lý nhà trường cần phải có tinh thần trách nhiệm cao đối với việc GDHN cho học sinh. Trước hết, cần làm cho cán bộ quản lý thấy được tầm quan trọng của sự lựa chọn nghề nghiệp với toàn xã hội nói chung và với cá nhân học sinh nói riêng. Mục đích chính của việc học tập là để làm việc, do vậy việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu xã hội là rất quan trọng. Giúp cán bộ quản lý nắm được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác GDHN cho học sinh và thực hiện công tác với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

+ Giáo viên cần phải nhận thức được rằng GDHN là trách nhiệm của toàn thể hội đồng giáo dục nhà trường chứ không phải chỉ riêng cán bộ quản lý, giáo viên trong Ban hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm và gia đình học sinh. Giáo viên cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm trong công tác hướng nghiệp, từ đó thực hiện việc GDHN cho học sinh đạt hiệu quả cao nhất

+ Phụ huynh học sinh cần nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giúp con em lựa chọn ngành nghề phù hợp. Nhận thức được tầm quan trọng của nghề nghiệp tới cuộc sống của bản thân con em họ và hậu quả của sự lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp với khả năng cũng như không phù hợp với nhu cầu của xã hội sẽ làm lãng phí công sức, tiền của của bản thân, gia đình, giảm hiệu quả của lao động, sản xuất của toàn xã hội.

+ Các lực lượng xã hội cần nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh; góp phần phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và sự phát triển của xã hội trong tương lai.

+ Giúp các em học sinh nhận thức bản thân, điều quan trọng nhất trong cuộc hành trình đi tìm nghề nghiệp mỗi người. Khi hiểu rõ mình là ai, mình thích gì, mình giỏi cái gì, cá tính mình ra sao và giá trị nghề nghiệp nào quan

trọng với mình nhất thì mỗi người sẽ vững bước trên con đường nghề nghiệp, đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi “Công việc hay nghề nghiệp nào phù hợp với tôi nhất”. Nhiệm vụ quan trọng nhất trong quá trình tìm hiểu nghề nghiệp là các em có khả năng đối chiếu bản thân mình với một nghề nghiệp nào đó. Do đó, người quản lý và giáo viên cần phải giúp cho các em tìm hiểu bản thân trong bốn lĩnh vực: sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp. Việc tuyên truyền về ý nghĩa của việc chuẩn bị đi vào cuộc sống lao động sẽ giúp các em có được nhận thức đúng đắn và tham gia nghiêm túc vào các hoạt động GDHN do nhà trường tổ chức.

- Quan điểm học tập suốt đời, định hướng về một quá trình học tập và phát triển nghề nghiệp lâu dài trong tương lai cho học sinh phổ thông; việc học ngày nay theo UNESCO là: học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để làm người. GDHN phải giúp học sinh có thái độ đúng đắn với lao động và nghề nghiệp; có lòng hăng say lao động và yêu thích lao động;

GDHN sẽ làm cho các em hiểu lao động ở bất cứ ngành nghề nào cũng là vinh quang, cũng được tôn trọng, miễn là người lao động phải có phẩm chất nghề nghiệp tốt, có tay nghề cao, không nên phân biệt nghề nghiệp.

- Cung cấp các thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu về nhân lực, những yêu cầu đặt ra đối với GDHN trong nhà trường phổ thông và công tác phân luồng học sinh sau THPT.

3.2.1.3. Cách thức thực hiện biện pháp

Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau phù hợp với đối tượng và điều kiện tác động. Việc tuyên truyền sẽ giúp cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các lực lượng khác hiểu rõ về GDHN, trên cơ sở đó biến nhận thức thành hành động cụ thể để các lực lượng tổ chức các hoạt động GDHN đạt hiệu quả cao.

- Đầu năm học, hiệu trưởng tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường học tập các nghị quyết, thông tư, chỉ thị, hướng dẫn thực hiện

nhiệm vụ năm học một cách đầy đủ, nghiêm túc. Giúp mọi thành viên nắm bắt và định hướng được kế hoạch thực hiện.

- Hiệu trưởng thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, thường xuyên dề cập đến vấn đề GDHN với các tiêu chí đã xác định, có thể yêu cầu giáo viên thể hiện kế hoạch GDHN trong bài giảng, giáo án. Vấn đề nâng cao nhận thức không phải là ngày một ngày hai. Vì vậy, cần phải thường xuyên và liên tục thực hiện các biện pháp nâng cao nhận thức về GDHN cho cán bộ, giáo viên vì các thầy cô là người trực tiếp chỉ bảo và có thể nói là người có tác động, ảnh hưởng lớn tới các em học sinh.

- Hiệu trưởng chỉ đạo việc trích ngân sách nhà trường mua thêm tài liệu, đặc biệt là sách, báo, tạp chí về hoạt động GDHN cho mỗi cán bộ, giáo viên và nhân viên tự nghiên cứu. Hình thành cho toàn cán bộ, giáo viên, nhân viên nề nếp, thói quen tự học, tự bồi dưỡng, tự trang bị kiến thức sâu rộng về chuyên môn cũng như các mặt hoạt động khác.

- Thường xuyên cập nhật thông tin về nghề nghiệp và vai trò, trách nhiệm của phụ huynh trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho con em thông qua các buổi họp phụ huynh. Giúp cha mẹ biết thêm thông tin về nghề nghiệp và xu hướng phát triển nghề nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng như của đất nước.

- Giao cho giáo viên những nhiệm vụ cụ thể về hoạt động GDHN, gắn trách nhiệm của giáo viên với những nhiệm vụ đó và thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện của giáo viên trong nhà trường.

- Khuyến khích, động viên, khích lệ giáo viên chủ động tìm hiểu về đối tượng học sinh mình đang dạy, tìm hiểu về các ngành nghề mà địa phương, xã hội đang cần phù hợp với từng đối tượng học sinh của mình; tìm tòi các phương pháp, cách thức lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào bài giảng một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và hiệu quả.

- Giao cho giáo viên quyền chủ động lên kế hoạch, xây dựng nội dung và lựa chọn hình thức GDHN cho học sinh một cách phù hợp dựa trên những chuẩn mực, quy định của ngành và của nhà trường đề ra.

- Thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt cuối tuần, người cán bộ quản lý và giáo viên cần lồng ghép tuyên truyền cho học sinh hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của nghề nghiệp, cách thức tự tìm hiểu thông tin và lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh. Việc tuyên truyền này sẽ giúp học sinh có được nhận thức đúng đắn và tham gia nghiêm túc vào hoạt động GDHN do nhà trường tổ chức.

3.2.1.4. Điều kiện thực hiện biện pháp

- Hiệu trưởng cần phải là người đi đầu, có nhận thức tích cực về GDHN, từ đó tuyên truyền và phổ biến cho giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh nhà trường cung nâng cao nhận thức và chung tay làm tốt hoạt động GDHN.

- Hiệu trưởng cũng như các giáo viên phải luôn cập nhật thông tin qua sách báo, mạng internet, đài phát thanh, truyền hình…các thông tin mang đến cho thầy cô sự phong phú, hấp dẫn, tính thời sự trong bài giảng. Các thông tin chính là cơ sở để các thầy cô có thể giúp học sinh mở ra được những địh hướng về xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, xác định xu hướng phta triển của thị trường nơi các em sẽ hội nhập. Thông tin về hướng nghiệp vô cùng đa dạng và phong phú, vì thế thầy cô cần phải hỗ trợ, định hướng để học sinh có thể chọn lọc được những thông tin cần thiết cho việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai của mình.

- Hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh tự tìm hiểu các thông tin về nghề nghiệp qua các nguồn thông tin khác nhau như Sách hướng nghiệp của nhà trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua người thân.

- Bên cạnh đó, nhà trường cần phải làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với các lực lượng xã hội để huy động mọi lực lượng xã hội tham gia vào công tác GDHN cho học sinh.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trường THPT A Bình Lục huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (Luận văn thạc sĩ) (Trang 94 - 99)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(130 trang)
w