Đánh giá chung về công tác quản lý hoạt động GDHN cho học sinh trường THPT A Bình Lục, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trường THPT A Bình Lục huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (Luận văn thạc sĩ) (Trang 87 - 92)

Chương 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP Ở TRƯỜNG THPT A BÌNH LỤC, HUYỆN BÌNH LỤC, TỈNH HÀ NAM

2.5. Đánh giá chung về công tác quản lý hoạt động GDHN cho học sinh trường THPT A Bình Lục, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam

2.5.1. Điểm mạnh

Giáo dục hướng nghiệp ở trường THPT A Bình Lục đã có những chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả nhất định. Chương trình giáo dục hướng nghiệp đã được triển khai theo đúng tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Công tác quản lý của Hiệu trưởng ngày càng nhận được sự ủng hộ của toàn thể giáo viên cũng như hội phụ huynh.

Trường có cơ sở vật chất khang trang với hệ thống các phòng học chức năng hiện đại, với đội ngũ giáo viên trẻ, có năng lực, nhiệt huyết với nghề, luôn tìm tòi, học hỏi nhằm tăng cường hứng thú của học sinh khi tham gia bài giảng và phát triển được khả năng của mình. Là trường có bề dày lịch sử và truyền thống hiếu học, học sinh được tuyển chọn vào trường là những học sinh có phẩm chất đạo đức, tư cách tốt. Các em luôn chủ động, học hỏi, nắm bắt thông tin, luôn có tinh thần cầu tiến và vươn xa hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Phụ huynh học sinh cũng luôn quan tâm tới con em mình, mong muốn dành cho con em mình những gì tốt đẹp nhất, luôn tin tưởng ở sự giáo dục của nhà trường, của thầy cô. Họ luôn sẵn sàng phối hợp với nhà trường để làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho con em của mình.

Là một trong bốn trường phổ thông của huyện, trường THPT A Bình Lục là trường luôn có thành tích cao trong học tập và giảng dạy. Trường đóng ở vị trí trung tâm của huyện, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, của chính quyền địa phương. Đặc biệt trong thời gian gần đây, nhà trường còn nhận được sự ủng hộ, đầu tư của các cựu học sinh thành đạt. Các buổi sinh hoạt hướng nghiệp do nhà trường tổ chức thu hút được sự quan tâm, chú ý của nhiều học sinh và bước đầu đã có những kết quả nhất định.

2.5.2. Hạn chế

Thực trạng quản lý hoạt động GDHN ở trường THPT A Bình Lục cho thấy: Nhà trường đã có xây dựng kế hoạch chương trình hoạt động GDHN ngay từ đầu năm học, có quan tâm đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuy nhiên vẫn còn mang tính hình thức. Nội dung GDHN chỉ là một nội dung nhỏ trong kế hoạch chung của nhà trường, chưa có kế hoạch riêng biệt dành cho hoạt động GDHN, đặc biệt là chưa có kế hoạch cụ thể của từng cá nhân, bộ phận tổ chức thực hiện. Ban giám hiệu nhà trường chưa có sự chỉ đạo nhất quán về mục tiêu, kế hoạch, nội dung chương trình GDHN. Khâu chỉ đạo, thực hiện chiếu lệ qua hoạt động thông báo, triển khai lồng ghép trong các cuộc họp chứ chưa mang tính quy phạm, hiệu lực từ nhà trường.

Cán bộ, giáo viên trực tiếp tổ chức hoạt động GDHN còn hạn chế về kiến thức, kĩ năng tổ chức thực hiện giáo dục nên hiệu quả GDHN chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu và hứng thú của người học. Ban giám hiệu nhà trường chưa quan tâm đến công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ vì thiếu nguồn kinh phí và tư tưởng tất cả tập trung cho chất lượng giáo dục chính khóa. Việc tổ chức, thực hiện GDHN của các cá nhân và bộ phận tự phát, nhỏ lẻ theo chủ quan mà chưa có sự thống nhất theo hệ thống.

Nội dung, hình thức tổ chức nặng tính lý thuyết, xa rời thực tiễn, chưa khai thác triệt để được mục tiêu, tinh thần của GDHN trong trường phổ thông.

Nội dung GDHN cũng chỉ mới tập trung vào định hướng nghề nghiệp chứ chưa tập trung vào tư vấn nghề, một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nghề của học sinh trong tương lai. Các hoạt động ngoại khóa để giáo dục hướng nghiệp chưa được chú trọng để tổ chức thường xuyên cho học sinh.

Công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động GDHN của nhà trường chưa được thường xuyên, chưa có tác dụng thúc đẩy và phát triển hoạt động, chưa có những đánh giá phù hợp và lấy đó làm cơ sở cho việc khen thưởng hay trách phạt để tạo động lực cho GDHN tốt hơn. Khâu đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện GDHN bị bỏ ngỏ. Đội ngũ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ còn xem nhẹ hiệu quả GDHN, điều đó thể hiện rõ trong việc đầu tư thiết kế nội dung, hình thức GDHN cho học sinh.

Cha mẹ học sinh và học sinh nhìn nhận vấn đề về nghề nghiệp theo xu hướng phong trào, cảm tính, bỏ qua giá trị thực tiễn nên việc phối hợp GDHN của nhà trường với cha mẹ học sinh chưa phát huy được tác dụng. Tình trạng học sinh chọn ngành nghề không phù hợp với năng lực, sở trường phụ thuộc vào sở thích và ý kiến của người khác trở thành một vấn nạn phổ biến ở hầu hết các em.

Công tác phối hợp các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, công tác xã hội hóa đối với các hoạt động GDHN chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên và chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng giáo dục ngoài nhà trường cho hoạt động giáo dục này.

Từ kết quả khảo sát cho thấy, hoạt động quản lý GDHN của trường THPT A Bình Lục còn nhiều yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng được mục tiêu, tinh thần giáo dục toàn diện nói chung và GDHN nói riêng. Điều này đặt ra một thách thức trong công tác quản lý dành cho hoạt động GDHN của nhà trường hiện nay.

2.5.3. Nguyên nhân của những hạn chế

2.5.3.1. Nguyên nhân khách quan

- Yêu cầu của ngành GD&ĐT về công tác giáo dục hướng nghiệp và quản lý giáo dục hướng nghiệp chưa chặt chẽ, công tác quản lý giáo dục hướng nghiệp chưa được coi là một tiêu chí quan trọng, chưa được đặt ngang hàng với giáo dục văn hóa. Sức ép của chất lượng dạy học và thi cử khiến cho nhà trường tập trung mọi nguồn lực vào việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và quản lý dạy học nên chưa chú trọng vào công tác giáo dục hướng nghiệp và quản lý giáo dục hướng nghiệp.

- Giáo dục hướng nghiệp chủ yếu tích hợp qua các môn học hoặc các hoạt động giáo dục khác nên nhà trường chưa coi trọng. Việc đánh giá chất lượng, hiệu quả GDHN chưa có quy định rõ ràng.

2.5.3.2. Nguyên nhân chủ quan

- Nhà trường còn xem nhẹ công tác giáo dục hướng nghiệp so với hoạt động dạy học hoặc các hoạt động khác của nhà trường.

- Các biện pháp quản lý GDHN chưa phát huy được hết vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Chưa thu hút được sự tham gia tích cực của các lực lượng trong và ngoài nhà trường.

- Chưa có quy chế động viên, khen thưởng kịp thời với những người tích cực trong công tác GDHN và quản lý GDHN. Việc kiểm tra, đánh giá đối với hoạt động này ở các trường còn chung chung và hình thức.

- Năng lực quản lý, năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường đối với hoạt động GDHN chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trong giai đoạn hiện nay về công tác GDHN trong nhà trường.

Tiểu kết chương 2

GDHN trong nhà trường THPT là hoạt động giáo dục giúp học sinh trên cơ sở năng lực, sở trường, điều kiện thực tế để lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân sau khi học xong cấp học. Hoạt động giáo dục này tạo nên động lực giúp học sinh tích cực học tập, rèn luyện. Đây cũng là hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục của Bộ GD&ĐT, do đó đã được các nhà trường triển khai thực hiện.

Trường THPT A Bình Lục bước đầu đã có sự quan tâm đến việc quản lý hoạt động GDHN. Hoạt động GDHN do nhà trường tổ chức ít nhiều đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của học sinh, phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội và đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập đáng quan tâm, cụ thể là: Đội ngũ giáo viên chưa được quan tâm bồi dưỡng về công tác giáo dục hướng nghiệp, chưa có kiến thức một cách khoa học, hệ thống về GDHN nên việc giáo dục hướng nghiệp chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Nội dung GDHN ở trường THPT A Bình Lục trong nhiều năm qua cũng mới chỉ tập trung vào định hướng nghề nghiệp chứ chưa tập trung vào tư vấn nghề. Ngân sách chi cho các hoạt động hướng nghiệp còn hạn hẹp nên không thể tổ chức nhiều buổi sinh hoạt hướng nghiệp, tham quan, hoạt động ngoại khóa. Việc lên kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo tiến hành hoạt động GDHN chưa được Ban giám hiệu nhà trường quan tâm, thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học, chưa có sự phân công, phân nhiệm mang tính chuyên môn hóa dành cho hoạt động GDHN. Học sinh trường THPT A Bình Lục đã có nhận thức về hướng nghiệp, song việc chọn nghề còn mang tính tự phát là chủ yếu do thiếu sự hướng dẫn của hoạt động tư cvaans hướng nghiệp chuyên nghiệp.

Để nâng cao chất lượng quản lý giáo dục hướng nghiệp ở trường THPT A Bình Lục, tác giả xin mạnh dạn đề xuất một số biện pháp và nội dung này sẽ được đề cập ở chương 3.

Chương 3

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trường THPT A Bình Lục huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (Luận văn thạc sĩ) (Trang 87 - 92)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(130 trang)
w