Các chính sách hỗ trợ tạo việc làm chủ yếu

Một phần của tài liệu CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI KHI VỀ NƯỚC (Trang 53 - 58)

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI KHI VỀ NƯỚC

2.2. Nội dung chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi về nước

2.2.5. Các chính sách hỗ trợ tạo việc làm chủ yếu

Nghiên cứu về nội dung của CSHTTVL, tác giả Lê Quốc Lý (2016) cho rằng:

nội hàm của CSHTTVL được cụ thể hóa ở các chính sách như: Chính sách đầu tư nói chung và đầu tư tạo việc làm nói riêng; chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phát triển SXKD tạo việc làm; chính sách giáo dục và đào tạo nghề; chính sách phát triển thị trường sức LĐ; chính sách tiền lương.

Ở Việt Nam, CSHTTVL cho NLĐ nói chung được quy định trong Chương II Luật Việc làm năm 2013, bao gồm các chính sách cụ thể như: Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm; Chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với LĐ ở khu vực nông thôn;

CSVL công; Chính sách hỗ trợ LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ; Chính sách phát triển thị trường lao động; Chính sách hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, để duy trì việc làm cho NLĐ.

NLĐVN đi làm việc ở nước ngoài khi về nước cũng thuộc đối tượng thụ hưởng các CSHTTVL nêu trên. Tuy nhiên, với các đặc điểm riêng về kinh nghiệm, kỹ năng, tay nghề và tiền vốn đã tích lũy được trong thời gian làm việc ở nước ngoài, nên CSHTTVL cho NLĐVN đi làm việc ở nước ngoài khi về nước có sự khác biệt nhất định và tập trung vào một số chính sách cơ bản, để giải quyết tốt hơn mục tiêu của CSHTTVL cho nhóm đối tượng này. Xét theo mục tiêu của chính sách là tạo việc làm bền vững và tăng thu nhập cho NLĐVN khi về nước, luận án tập trung nghiên cứu các chính sách trực tiếp hỗ trợ tạo ra việc làm cho NLĐVN khi về nước bao gồm: chính sách phát triển thị trường lao động, chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách đào tạo nghề và đào tạo lại, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh.

2.2.5.1. Chính sách phát triển thị trường lao động

CSPTTTLĐ cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi về nước là những quan điểm, giải pháp và công cụ mà Nhà nước sử dụng để hỗ trợ NLĐ nắm bắt được các thông tin TTLĐ, thông tin việc làm - tuyển dụng, nhờ đó tìm kiếm được việc làm phù hợp và nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.

Mục tiêu của CSPTTTLĐ cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi về nước là:

thu thập và cung cấp các thông tin cung-cầu LĐ trên thị trường cho NLĐ được biết nhằm hỗ trợ NLĐ về nước nâng cao cơ hội tìm kiếm việc làm; tổ chức môi giới-giới thiệu việc làm phù hợp cho NLĐ.

Nội dung của CSPTTTLĐ cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi về nước bao gồm hệ thống pháp luật về kinh tế và LĐ, và các chính sách kết nối cung cầu LĐ. Hệ thống pháp luật kinh tế và LĐ có tác động đến cả cung và cầu về LĐ nhằm đảm bảo quyền tự do LĐ, tạo việc làm, tăng cường cơ hội việc làm cho NLĐ khi về nước. Chính sách kết nối cung cầu LĐ bao gồm việc cung cấp thông tin về xu hướng TTLĐ (việc làm, việc làm còn trống, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, xu hướng về cung LĐ, người thất nghiệp, người có nhu cầu tìm việc làm…) và thực hiện các môi giới về LĐ (thông qua phát triển hệ thống trung tâm DVVL). Đối tượng phục vụ là người NLĐ đi làm việc ở nước ngoài sau khi về

nước có nhu cầu tìm việc làm, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng LĐ.

Bộ LĐTB&XH tổ chức hoạt động kết nối cung cầu LĐ cho NLĐ về nước thông qua việc phát triển hệ thống thông tin TTLĐ và các trung tâm DVVL

- Phát triển thông tin thị trường lao động: Chính phủ đã từng bước thực hiện các hoạt động như: khai thác thu thập, cập nhật và phân tích xử lý các thông tin TTLĐ, phổ biến thông tin này; đồng thời xây dựng bản đồ việc làm, thực hiện các dự báo TTLĐ và công bố các báo cáo về xu hướng TTLĐ. Bên cạnh đó, xây dựng những chính sách quản lý giám sát TTLĐ, hỗ trợ việc kết nối cung cầu LĐ cho bộ phận NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi về nước.

- Phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm: Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2011- 2020, đã từng bước hoàn thiện hệ thống khung pháp lý cho DVVL, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu kết nối cung cầu LĐ và hỗ trợ NLĐ tìm việc làm phù hợp. Ngoài ra, Nhà nước cũng khuyến khích và đầu tư chi phí cho các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo về khởi sự doanh nghiệp cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi về nước.

2.2.5.2. Chính sách tín dụng ưu đãi

Chính sách tín dụng ưu đãi cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi về nước là những quan điểm, giải pháp và công cụ mà Nhà nước sử dụng trong quá trình cho đối tượng thụ hưởng chính sách được vay vốn ưu đãi, với số lượng và thời hạn nhất định nhằm hỗ trợ tài chính cho NLĐ về nước ở từng thời điểm, đảm bảo cho họ có điều kiện tài chính trong quá trình tìm kiếm việc làm, và tạo việc làm, LĐ sản xuất hoặc tiếp tục học tập để có cơ hội tìm việc làm tốt hơn trong tương lai.

Mục tiêu của CSTD nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận việc làm cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi về nước, giảm bớt khó khăn về mặt tài chính cho NLĐ trong quá trình tìm kiếm việc làm và tạo việc làm cho bản thân, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, đóng góp vào sự phát triển KTXH. Bên cạnh đó, việc sử dụng CSTD cũng buộc các đối tượng vay sử dụng các khoản vốn vay một cách hiệu quả, qua đó góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho NLĐ. CSTD cũng góp phần giảm chi tiêu của Chính phủ và các địa phương, do giảm được gánh nặng chi tiêu của ngân sách nhà nước cho các mục tiêu hỗ trợ việc làm.

Các nội dung cơ bản của CSTD cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi về nước là: các khoản vốn vay ưu đãi sẽ giảm bớt khó khăn về mặt tài chính cho NLĐ trong quá trình tìm kiếm việc làm như: trang trải chi phí tìm kiếm việc làm; vay vốn để mua công cụ LĐ, mua cây trồng, vật nuôi để tự trồng trọt, chăn

nuôi; học nghề mới, hoặc tái XKLĐ để có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho bản thân. Nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi, hướng dẫn đối tượng sử dụng vốn vay có hiệu quả, phối hợp cung cấp tín dụng với khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề, … để NLĐ sử dụng vốn vay có hiệu quả.

NLĐVN sau khi đi làm việc ở nước ngoài về nước có thể được hỗ trợ vay vốn theo: chương trình Mục tiêu quốc gia về việc làm; chương trình Mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo; các quỹ hỗ trợ tạo việc làm; các khoản vay tín dụng dài, ngắn hạn với lãi suất ưu đãi.

2.2.5.3. Chính sách đào tạo nghề và đào tạo lại

Chính sách đào tạo nghề và đào tạo lại cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi về nước là: những quan điểm, mục tiêu, giải pháp và công cụ mà Nhà nước sử dụng để hỗ trợ cho NLĐ được học nghề, tham gia các khóa đào tạo nâng cao tay nghề, từ đó dễ dàng tìm kiếm được việc làm tốt, việc làm bền vững, với thu nhập cao và ổn định.

Mục tiêu của CSĐT là giúp cho NLĐ khi về nước có cơ hội nâng cao tay nghề, có thể tái XKLĐ hoặc tìm được công việc mới phù hợp với tay nghề, kinh nghiệm và kỹ năng mà họ đã tích lũy trong thời gian làm việc ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, chính sách đào tạo nghề và đào tạo lại còn nhằm muc tiêu cung cấp kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ, tác phong làm việc cho NLĐ về nước, từ đó tạo cơ hội cho NLĐ có được việc làm bền vững, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, mục tiêu của chính sách này còn nhằm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng và tay nghề cho các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế.

Nội dung cơ bản của CSĐT: NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi về nước được tư vấn, cung cấp thông tin về các khóa học nghề mới, khóa đào tạo nâng cao tay nghề, tư vấn định hướng nghề nghiệp khi trở về nước. Chính quyền địa phương phối hợp với các trung tâm dạy nghề thiết kế các khóa học nghề mới bám sát nhu cầu của doanh nghiệp để phục vụ các khu công nghiệp đang và sẽ được đầu tư trên địa bàn. Nhờ đó, đầu ra của LĐ sau dạy nghề được đảm bảo, tạo cơ hội việc làm đầy đủ sau tốt nghiệp cho NLĐ. Bên cạnh đó, tạo cơ hội để NLĐ về nước tự tạo việc làm tại chỗ sau khi học nghề như mở xưởng sản xuất gia công, thành lập các hợp tác xã, các tổ hợp tiểu thủ công nghiệp.

Các công cụ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi về nước thường được sử dụng là các trường dạy nghề, các cơ sở đào

tạo nghề, trung tâm dạy nghề, các doanh nghiệp, các cơ quan thông tin, các tổ chức xã hội và đoàn thể tham gia vào công tác dạy nghề mới, tư vấn học nghề và định hướng nghề nghiệp cho NLĐ về nước. Phối hợp với các chương trình, đề án đào tạo nghề của Chính phủ, và các dự án của các tổ chức phi chính phủ về đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp.

Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sử dụng NLĐ sau XKLĐ, và doanh nghiệp XKLĐ phối hợp trợ giúp NLĐ được đào tạo lại về tay nghề, kỹ năng theo đơn hàng việc làm hoặc đào tạo NLĐ theo nhu cầu của chính NLĐ cần đào tạo hay giúp họ tham gia học tập, tạo nghề mới.

2.2.5.4. Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh

Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi về nước là những quan điểm, mục tiêu, giải pháp và công cụ mà Nhà nước sử dụng để hỗ trợ cho đối tượng được đào tạo bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, về lập và lựa chọn các dự án kinh doanh phù hợp, được hướng dẫn cách sử dụng vốn kinh doanh hiệu quả, được hỗ trợ các thủ tục pháp lý khi thành lập doanh nghiệp, được vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi. CSKN hỗ trợ NLĐ khi về nước khởi nghiệp kinh doanh thành công, tạo ra việc làm tốt với nguồn thu nhập cao và ổn định cho bản thân họ, đồng thời tạo ra việc làm cho những NLĐ khác, góp phần phát triển KTXH cho địa phương và đất nước.

Mục tiêu của CSKN là: Cung cấp kiến thức về khởi nghiệp kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi về nước; Tư vấn và hỗ trợ NLĐ lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp với đặc điểm và tình hình kinh tế địa phương, đồng thời phù hợp với khả năng và năng lực của họ, nhằm nâng cao hiệu quả của các dự án kinh doanh; Giảm bớt các thủ tục pháp lý phức tạp khi thành lập doanh nghiệp cho NLĐ về nước; Hỗ trợ tài chính trong trường hợp NLĐ về nước khởi nghiệp kinh doanh với mô hình kinh doanh lớn sử dụng nhiều LĐ; Hỗ trợ tư vấn đầu ra sản phẩm cho doanh nghiệp để tăng tỷ lệ khởi nghiệp kinh doanh thành công cho NLĐ về nước. Nhằm nâng cao thu nhập cho bản thân họ, đồng thời tạo ra việc làm cho LĐ khác, đóng góp vào GDP, góp phần phát triển KTXH cho địa phương và đất nước.

Nội dung của CSKN: dựa trên chủ trương của Chính phủ về việc khuyến khích NLĐ có vốn, có kỹ năng và kinh nghiệm tham gia đầu tư vào SXKD. CQQLNN tại các địa phương tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích NLĐ về nước sử dụng tiền vốn và kinh nghiệm, kỹ năng tích lũy trong thời gian là việc ở nước ngoài, để về

nước đầu tư sản xuất, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp tạo việc làm cho mình và cho nhiều LĐ khác. NLĐ đi làm việc ở nước ngoài sau khi về nước nhận được một số chính sách hỗ trợ từ phía Sở LĐTB&XH địa phương giúp họ nhanh chóng nắm bắt các cơ hội thành lập doanh nghiệp hoặc mở các cơ sở SXKD tại địa phương.

Một phần của tài liệu CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI KHI VỀ NƯỚC (Trang 53 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(248 trang)