CHƯƠNG 4: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC
4.3. Các giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khi về nước
4.3.1. Hoàn thiện chính sách phát triển thị trường lao động
*) Đối với cơ quan quản lý nhà nước Trung ương
Các CQQLNN Trung ương là các chủ thể ban hành CSHTTVL đồng thời cũng là chủ thể triển khai CSHTTVL vào thực tiễn. Vì thế, đây là các chủ thể đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hoàn thiện các CSHTTVL cho NLĐVN đi làm việc ở nước ngoài khi về nước.
- Thứ nhất, để ban hành các CSHTTVL cho NLĐVN khi về nước một cách chính xác, đầy đủ và đạt được mục tiêu chính sách, thì đòi hỏi chủ thể ban hành chính sách (là Chính phủ) phải nắm bắt được những khó khăn, nhu cầu, nguyện vọng, đặc điểm của đối tượng thụ hưởng chính sách (là NLĐVN đi làm việc ở nước ngoài khi về nước). Hiện nay, nước ta chưa có các dữ liệu thông tin chính xác và đầy đủ về NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và trở về nước. Vì thế, giải pháp cho vấn
đề này là: Chính phủ cần chỉ đạo Bộ LĐTB&XH thiết lập ngân hàng dữ liệu của NLĐVN ở cả chiều đi và khi trở về, để quản lý thông tin về trình độ, nghề nghiệp của NLĐ, và thị trường tiếp nhận LĐ. Từ các dữ liệu quản lý NLĐ đi và về, Bộ LĐTB&XH sẽ nắm bắt được cụ thể số lượng NLĐ di chuyển ra nước ngoài và số lượng NLĐ trở về nước hàng năm là bao nhiêu, tình hình kinh tế của NLĐ trở về như thế nào, trình độ tay nghề của NLĐ khi về nước ở mức độ nào, để xây dựng phương án chính sách phù hợp nhằm sử dụng và quản lý hiệu quả bộ phận LĐ này.
Đồng thời, Bộ LĐTB&XH chỉ đạo các Sở LĐTB&XH phối hợp với chính quyền các địa phương để thực hiện các cuộc khảo sát, điều tra tình hình việc làm, thu nhập của NLĐ đã về nước và những khó khăn NLĐ khi về nước gặp phải trong quá trình hòa nhập cộng đồng, tái hòa nhập vào TTLĐ trong nước, tìm kiếm việc làm tại quê hương; từ đó báo cáo để Chính phủ xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ đúng đắn và kịp thời cho NLĐVN khi về nước.
- Thứ hai, Bộ LĐTB&XH đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi và bổ sung hệ thống pháp luật về LĐ để tăng tính răn đe và tính hiệu lực của các CSHTTVL cho NLĐVN khi về nước. Trong đó:
+ Trách nhiệm hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐVN đi làm việc ở nước ngoài khi trở về nước nên được luật hóa đối với các doanh nghiệp dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ (thường gọi là doanh nghiệp XKLĐ). Nhằm đảm bảo người NLĐVN sau khi về nước không bị rơi vào tình trạng thất nghiệp hay khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm mới. Cụ thể, cần sửa đổi, bổ sung Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tại điều 27 về Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ: bổ sung nghĩa vụ của các doanh nghiệp dịch vụ là "doanh nghiệp dịch vụ phải có trách nhiệm hỗ trợ và giới thiệu việc làm cho NLĐVN khi kết thúc hợp đồng và quay trở về nước đúng thời hạn". Đồng thời bổ sung vào điều 17 của luật này về Hợp đồng cung ứng LĐ: "Doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệm giới thiệu việc làm cho NLĐVN khi về nước".
+ Bên cạnh đó, trách nhiệm hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐVN đi làm việc ở nước ngoài khi trở về nước cũng nên được luật hóa đối với các cơ quan dịch vụ việc làm trong nước. Cụ thể, bổ sung Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước
ngoài, tại điều 59: "Trung tâm DVVL tại các địa phương có trách nhiệm giới thiệu việc làm và hỗ trợ NLĐVN khi về nước tìm việc làm".
- Thứ ba, CSPTTTLĐ chỉ thực sự đạt được hiệu quả khi công tác kết nối cung- cầu LĐ, và dịch vụ giới thiệu việc làm được tổ chức hiệu quả.
+ Bộ LĐTB&XH cần xây dựng một hệ thống dữ liệu được máy tính hóa được thiết lập và có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan (Cơ quan quản lý LĐ các cấp, DOLAB, doanh nghiệp XKLĐ, cơ quan xuất nhập cảnh, …). Ngay khi có kế hoạch đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thì ngành chức năng, doanh nghiệp XKLĐ và các địa phương cần phối hợp để thu thập và lưu trữ thông tin của NLĐ. Bộ LĐTB&XH cũng cần phát triển một cơ chế hợp tác với các văn phòng nhập cư để ghi lại những thông tin cần thiết về NLĐVN khi về nước.
+ Bộ LĐTB&XH dựa trên cơ sở những thông tin về NLĐ thu thập được, xây dựng CSHTTVL, hình thành các chiến lược tập trung theo khu vực đối với những NLĐVN khi về nước, để họ sẵn sàng tìm việc, tự làm việc hoặc mở một cơ sở SXKD có liên quan đến tay nghề của mình.
+ Bộ LĐTB&XH chỉ đạo các cơ quan đơn vị có liên quan xây dựng phương án cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp, khi NLĐVN đi làm việc ở nước ngoài hết hạn HĐLĐ về nước.
*) Đối với các cơ quan quản lý nhà nước địa phương
CQQLNN địa phương là chủ thể tham gia trực tiếp vào quá trình triển khai các CSHTTVL cho NLĐVN đi làm việc ở nước ngoài khi về nước vào thực tiễn. Do đó, đây là các chủ thể đóng vai trò quyết định tới kết quả triển khai chính sách. Để nâng cao kết quả thực thi các CSHTTVL và đạt được các mục tiêu chính sách đã đề ra, thì việc đầu tiên là cần nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia triển khai CSHTTVL vào thực tiễn.
Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện/xã, Sở/phòng LĐTB&XH, Trung tâm DVVL, Sàn GDVL,... khi lựa chọn nhân sự tham gia triển khai CSHTTVL cho NLĐVN đi làm việc ở nước ngoài khi về nước vào thực tiễn, cần lựa chọn những cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp, đã được đào tạo về triển khai CSHTTVL vào thực tiễn, có năng lực, kinh nghiệm và khả năng
triển khai chính sách vào thực tiễn. Đồng thời, hằng năm các cơ quan đơn vị này phải có biện pháp nâng cao năng lực thực thi chính sách của các cán bộ quản lý nhà nước địa phương, bằng các khóa học tập bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn.
Bên cạnh đó, CQQLNN địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thiện các CSHTTVL cho NLĐVN đi làm việc ở nước ngoài khi về nước, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, việc tăng cường kết nối thông tin TTLĐ là vô cùng quan trọng để bảo đảm việc làm cho NLĐ khi trở về.
+ Sở LĐTB&XH các tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ để tích cực truyền thông, cung cấp thông tin giúp cho NLĐ nắm được những thông tin có thể giúp họ khi trở vể nước tái hòa nhập cộng đồng, tham gia vào TTLĐ một cách hiệu quả hơn. Những thông tin này bao gồm cơ hội việc làm và kinh doanh ở trong nước, các CSHTTVL, các tổ chức NLĐ có thể liên hệ để được tư vấn việc làm hoặc tư vấn các chính sách hỗ trợ mà họ sẽ được nhận, và những vấn đề về pháp lý liên quan đến LĐ trở về. Chính sách này có thể giúp NLĐ khi về nước nắm được thông tin tốt hơn, và chủ động tìm kiếm việc làm, hoặc đăng tải thông tin cá nhân lên các website tuyển dụng, website cung cấp thông tin NLĐ hồi hương để các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng dễ dàng nắm bắt và liên hệ.
+ Sở LĐTB&XH, phòng LĐTB&XH các địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ để thu thập thông tin của NLĐVN đi làm việc ở nước ngoài khi về nước, lập báo cáo dữ liệu này để hằng năm gửi lên Bộ LĐTB&XH. Sở LĐTB&XH các địa phương tổ chức đánh giá lại kỹ năng của NLĐ khi về nước, tư vấn hướng nghiệp cho NLĐ, giúp NLĐ tiếp cận tới việc làm và thông tin việc làm phù hợp với kỹ năng và tay nghề mà họ có. Sở LĐTB&XH các tỉnh và các cơ quan quản lý địa phương tư vấn, hỗ trợ cho NLĐVN khi về nước tham gia vào TTLĐ nội địa dựa trên mối liên kết với thông tin sẵn có về công việc và cơ hội đầu tư phù hợp với kỹ năng tay nghề và khoản tiền tiết kiệm của NLĐ sau khi kết thúc HĐLĐ về nước.
- Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm DVVL, sàn GDVL;
tăng cường tổ chức phiên GDVL, môi giới giới thiệu việc làm cho NLĐVN khi về
nước.
+ Trung tâm DVVL các địa phương cần tích cực liên kết, tạo mối liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn, để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp này, đồng thời giới thiệu NLĐVN khi về nước vào làm tại các doanh nghiệp tại địa phương.
+Trung tâm DVVL các địa phương nên mở rộng đối tượng NLĐVN khi về nước được cung cấp thông tin việc làm, tuyển dụng của doanh nghiệp, và tham gia vào phiên GDVL đặc biệt dành riêng cho NLĐVN đi làm việc ở nước ngoài khi về nước. Trong đó, bao gồm cả NLĐVN trở về từ các thị trường khác (như: Đài Loan, Malaysia, Trung Đông,...) ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc theo diện EPS và IM Japan.
+ Trung tâm DVVL tiếp tục đổi mới hoạt động các phiên GDVL nhằm kết nối cung-cầu LĐ với doanh nghiệp một cách tích cực và hiệu quả hơn... Thường xuyên tổ chức các phiên GDVL định kỳ hàng tháng tại mỗi địa phương, để NLĐ về nước có thể dễ dàng tham gia phỏng vấn tuyển dụng.
+ Trung tâm DVVL tích cực liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, và cả các doanh nghiệp nội địa để thu thập thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp này và cung cấp cho NLĐVN khi về nước.
Tiếp cận nhu cầu tuyển dụng và yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp đối với các vị trí việc làm và NLĐ, từ đó có những tư vấn, định hướng giúp NLĐ bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp trước khi tham gia ứng tuyển.
- Thứ ba, tích cực truyền thông, tuyên truyền, phổ biến nội dung các chính sách, chương trình việc làm, phiên GDVL cho NLĐVN khi về nước, nhằm nâng cao nhận thức của NLĐ.
+ Chính quyền địa phương nên sử dụng các biện pháp truyền thông hiện đại và phong phú hơn, như sử dụng công nghệ thông tin và mạng Internet để truyền thông, thay vì sử dụng các phương pháp truyền thống như thông báo qua loa phát thanh của phường/xã. Việc sử dụng phương pháp truyền thông hiện đại sử dụng công nghệ thông tin và mạng Internet như thông báo trên các trang fanpage của
chính quyền địa phương, hay thực hiện các phóng sự, phim ngắn,... sẽ thu hút sự quan tâm chú ý của NLĐ hơn và tạo được hiệu quả truyền thông tốt hơn.