CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI KHI VỀ NƯỚC
2.5. Kinh nghiệm xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi về nước của một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
2.5.2. Kinh nghiệm của Philippines
Với số lượng lớn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài hàng năm, Chính phủ Philippines đã xây dựng một chương trình rất hiệu quả để quản lý LĐ di cư quốc tế với tên gọi: “Di cư có quản lý”. Đó là chương trình được xây dựng dựa trên cơ sở thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho người NLĐ của Philippines trong cả chu trình: trước và trong khi làm việc tại nước ngoài và cả sau khi NLĐ về nước, tái hòa nhập cộng đồng. Chính phủ Philippines cũng thực hiện hỗ trợ phúc lợi trực tuyến cho NLĐ thông qua mạng lưới 250 cán bộ LĐ chuyên trách ở các nước tiếp nhận
NLĐ của Philippines. Mục tiêu của mạng lưới này nhằm hỗ trợ lao đông di cư về mặt pháp lý và những hỗ trợ cần thiết khác trong trường hợp NLĐ phải về nước trước thời hạn. Bên cạnh đó, tất cả NLĐ và doanh nghiệp XKLĐ phải ký quỹ một khoản tiền theo quy định cho việc đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và của nhà nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ Philippines rất chú trọng công tác quản lý NLĐ trong thời gian họ làm việc ở nước ngoài, thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Sau khi NLĐ về nước, Chính phủ Philippines thiết lập các chính sách hỗ trợ hiệu quả dành cho NLĐ khi về nước như: sinh kế và phát triển nghề nghiệp;
tư vấn kinh doanh hoặc đào tạo kiến thức khởi nghiệp kinh doanh cho những người đủ vốn và muốn khởi nghiệp kinh doanh khi trở về nước; hỗ trợ tài chính để tái hòa nhập, trong đó Chính phủ cho vay sinh kế đối với các gia đình là 100.000 Pêsô (tương ứng với khoảng 1.850USD), cho vay hồi cư là 20.000 Pêsô (370USD) và tối đa là 50.000 Pêsô (khoảng 925 USD đối với các khoản vay trợ giúp nhóm, Philipplines cũng phối hợp với các tổ chức phi chính phủ trong việc tạo điều kiện về tài chính và tạo việc làm cho NLĐ khi về nước. Ngoài ra, Chính phủ Philippines cũng thực hiện các khoản cho vay về nhà ở cho những NLĐ là thành viên của Quỹ phát triển tương hỗ về nhà ở.[5]
Chính phủ Philippines đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ khác dành cho LĐ di cư quốc tế khi về nước như sau:
- Dịch vụ tư vấn: Chính phủ Philippines cung cấp dịch vụ tư vấn dành cho NLĐ khi về nước, hướng dẫn các thủ tục NLĐ cần chuẩn bị khi về nước; tư vấn lựa chọn việc làm phù hợp khi NLĐ trở về (công việc làm công ăn lương hoặc tự làm việc, hay tham gia khóa đào tạo để nâng cao trình độ, tay nghề trước khi tìm việc mới...); tư vấn cho NLĐ quản lý và sử dụng tiền tiết kiệm hiệu quả, hoặc lựa chọn kênh đầu tư tốt, … Ngoài ra, chương trình này cũng tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho NLĐ khi NLĐ gặp vấn đề liên quan tới chủ sử dụng LĐ hay Công ty XKLĐ.
- Chính sách đào tạo nâng cao năng lực: Philippines tổ chức rất nhiều các chương trình đào tạo khác nhau dành cho NLĐ trở về nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng cho NLĐ, và trang bị cho NLĐ khi về nước những kiến thức cần thiết để có thể hòa nhập nhanh chóng và hiệu quả vào TTLĐ trong nước. Các chính sách hỗ trợ đào tạo bao gồm: đào tạo kỹ năng để làm việc, đào tạo kỹ năng quản lý, đào tạo kỹ năng sử dụng và quản lý tài chính cho NLĐ về nước; đào tạo cho các cán bộ quản lý thực hiện triển khai chính sách vào thực tiễn;
- Chính sách hỗ trợ tìm việc làm: Để đảm bảo NLĐ đi làm việc ở nước ngoài của Philippines khi về nước có thể hòa nhập nhanh chóng vào TTLĐ trong nước, Chính phủ nước này đã thực hiện chương trình hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi về nước tìm được việc làm tại các doanh nghiệp trong nước, và hỗ trợ tái XKLĐ cho những người có mong muốn tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài. Các cán bộ thực thi chính sách này đã phối hợp chặt chẽ với các CQQLNN tại địa phương, các website việc làm tại Philippines để thực hiện hỗ trợ giới thiệu việc làm cho NLĐ khi về nước.
- Chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ: Đối với những NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi về nước có ý định khởi nghiệp kinh doanh, thì Chính phủ Philippines còn thực hiện các hỗ trợ tài chính, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp, để họ có vốn thành lập doanh nghiệp. Ngoài ra, NLĐ khi trở về mong muốn khởi nghiệp kinh doanh, cũng được hỗ trợ về công nghệ, phát triển sản phẩm và đầu ra cho sản phẩm khi lựa chọn đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.
Chính phủ Philippines đã thành lập trung tâm giám sát và bố trí việc làm lại cho NLĐ khi về nước (gọi tắt là RPMC) và trung tâm tái hòa nhập quốc gia cho NLĐ của Philippines (gọi tắt là NRCO) thuộc Bộ Lao động và Việc làm Philippines. Các tổ chức này được Chính phủ Philippines giao nhiệm vụ phụ trách triển khai thực hiện những chính sách hỗ trợ nêu trên dành cho NLĐ khi về nước của Philippines.
Bên cạnh đó, hai cơ quan này cũng thực hiện nghiên cứu, triển khai ban hành những chính sách hỗ trợ mới phù hợp với tình tình NLĐ Philippines khi về nước.[18].
Bên cạnh đó, ‘Dự án Tulay’ do Microsoft hợp tác với Chính phủ Philippines thực hiện nhằm mục tiêu đào tạo kỹ năng về công nghệ thông tin, cải thiện giao tiếp giữa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và gia đình của họ, giúp NLĐ khi về nước sử dụng kỹ năng mới để tìm được việc làm phù hợp. Microsoft đã cung cấp các chương trình đào tạo tại Malaysia và Singapore với quy mô nhỏ nhưng rất phổ biến, đặc biệt đối với LĐ nữ của Philippines. NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi về nước được đào tạo những kỹ năng văn phòng, với mục tiêu tạo điều kiện cho NLĐ khi trở về dễ dàng tìm kiếm được việc làm hơn. Chương trình đào tạo kỹ năng này được triển khai ở cả Philippines và ở cả nước tiếp nhận LĐ của Philippines. [73]
Ngoài ra, Cục Quản lý Việc làm ngoài nước Philippines (gọi tắt là POEA) còn cung cấp trợ giúp pháp lý cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phải về nước muốn hoàn lại tiền hỗ trợ vé máy bay và lệ phí xin việc từ nhà tuyển dụng và người sử
dụng LĐ. Cơ quan này đặt các “Bàn thông tin” tại các tỉnh để hỗ trợ NLĐ khi về nước do mất việc, có thể tìm kiếm việc làm phù hợp. [75]