Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.2. Các công trình nghiên cứu phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục
1.2.2. Các công trình nghiên cứu nước ngoài
- Rondineli D. và Nellis J. (1996): “Assessing decentralization policies in Developing countries: the case for cautious optimism” (Chính sách phân cấp sự định ở các nước đang phát triển: Trường hợp về chủ nghĩa lạc quan cẩn trọng), Delelopment Policy Review 4. Theo các tác giả, ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều nước trên thế giới tại châu Âu, châu Úc, châu Mỹ, châu Á và châu Phi đã bắt đầu thể nghiệm và thực hiện hệ thống phân cấp quản lý đối với GD-ĐT theo hướng tra quyền ban hành các quyết định quản lý cho cấp dưới của chính phủ trung ương (chính quyền cấp vùng/bang/tỉnh/thành phố/quận/huyên) và cho các trường. Lý do phân cấp quản lý đối với GD-ĐT ở các quốc gia là rất khác nhau nhưng chủ yếu là do cấp trung ương không thể tiếp tục gánh vác việc cung cấp tài chính cho hệ
thống GD-ĐT và do hệ thống quản lý về giáo dục quá cồng kềnh, quan liêu gây tốn kém và lãng phí cho ngân sách nhà nước [102].
- Lockheed, Marlaine (2004): “Decentralization of education: Eight lessons for school effectiveness and improvement” (Phân cấp giáo dục: Tám bài học của sự tiến triển và ấn tượng trường học), The word Bank, Washington, D.C. Theo các tác giả, mô hình phân cấp quản lý cho chính quyền cấp dưới có hai kiểu điển hình: Phân cấp quản lý cho một cấp chính quyền (tỉnh/thành phố) chịu trách nhiệm quản lý GDPT và mô hình phân cấp cho hai cấp chính quyền (vùng/bang và tỉnh/thành phố) quản lý GDPT. Mô hình phân cấp quản lý cho nhà trường thực chất là mô hình nâng cao quyền tự chủ của các trường phổ thông, coi nhà trường là một đơn vị cải cách chính và dựa trên sự phân bổ lại quyền hạn ban hành quyết định quản lý như là một động lực để khuyến khích và duy trì cải cách. Kinh nghiệm tại các quốc gia cải cách thành công đều có chung đặc điểm là đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các trường phổ thông và nâng cao quyền tự chủ của các trường mà vẫn tuân thủ các quy định của chính quyền trung ương và chính quyền cấp trên [100].
- Elizabeth M. King và Susana Corderio Guerra (2005): “Những cuộc cải cách giáo dục ở Đông Á: chính sách, quá trình và tác động” trong cuốn sách
“Phân cấp ở Đông Á để chính quyền địa phương phát huy tác dụng”, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội. Theo tác giả, phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục ở Đông Á có những đặc trưng chung. Đặc trưng lớn nhất là hệ thống giáo dục được chuyển giao dựa trên các cơ cấu điều hành và quản lý đa tầng, kết quả là để có được một chính sách quốc gia nhất quán đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn.
Chính phủ trung ương và các cấp chính quyền trung gian vẫn tiếp tục quản lý cấp giáo dục cơ bản, song chính quyền cấp thấp nhất và bản thân các trường phổ thông lại quản lý chế độ giáo dục cơ bản.
Sau khi phân tích thực trạng cải cách giáo dục ở các nước Đông Á, bài viết rút ra những bài học kinh nghiệm trong phân cấp quản lý giáo dục: (1)
Cần làm sáng tỏ sự phân chia các chức năng, đơn giản hóa các quy trình và cung cấp các cơ chế để phối hợp và thúc đẩy chia sẻ hiểu biết về cải cách ở các cấp chính quyền khác nhau cũng như phân xử những bất đồng; (2) Chính phủ trung ương giữ nhiều vai trò quan trọng nhưng cũng rất khác nhau trong bối cảnh phân cấp và cần thay đổi cấu trúc và kỹ năng của mình; (3) bản thiết kế phân cấp cần thiết để vận hành hệ thống giáo dục bao gồm các hệ thống đánh giá cá nhân, tài chính, học sinh và quản lý thông tin. Hệ thống này cần được sắp xếp lại để phản ánh mối quan hệ liên chính quyền với các chức năng được phân công và năng lực cần được nâng cao; (4) Để quá trình mang lại tác động tích cực đối với thành tích học tập của học sinh, các hệ thống thông tin và đánh giá không chỉ phải đúng chỗ mà còn phải hoạt động phối hợp với nhau trong suốt quá trình tham gia [25].
- Donal R. Winkler (1998): Decentralization in education: An Economic Perspective (Phân cấp quản lý trong giáo dục: Viễn cảnh kinh tế), World bank [93]. Theo tác giả, ở hầu hết các nước đang phát triển, trách nhiệm cung cấp giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở vẫn thuộc về chính phủ trung ương. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nước trên thế giới đang tách trách nhiệm này khỏi trung ương như một phần của cải cách nhằm phân cấp chức năng của chính phủ. Việc chuyển giao này diễn ra dưới nhiều hình thức, bao gồm cả việc chuyển giao các trách nhiệm tài khóa và quản lý cho các cấp chính quyền thấp hơn, cho phép các trường công lập có quyền hoạt động độc lập, yêu cầu có sự tham gia của cộng đồng trong việc điều hành hoạt động của các trường học, mở rộng hình thức tài trợ từ cộng đồng, cho phép phụ huynh tự lựa chọn trường học cho con em mình, khuyến khích hình thức cung ứng dịch vụ tư nhân.
Phân tích quá trình phân cấp quản lý trong giáo dục, tác giả chia quá trình phân cấp thành các các hình thức khác nhau: dựa trên mục đích phân cấp quản lý ta có phân cấp về chính trị, hành chính, tài chính và thị trường; dựa theo mức độ chuyển giao quyền hạn từ cấp trung ương xuống cấp thấp hơn, ta
có các hình thức phân cấp: Phi tập trung hóa; ủy thác; ủy quyền; tư nhân hóa.
- Caldwell B. J (2003): “Self-Management and the Public good in School education: getting the balance right for Australia”(Tự quản và lợi ích xã hội trong giáo dục phổ thông: quyền bình đẳng ở Úc), Invited paper presented as a counry report at an International workshop on “Leading and Managing schools for Quality and Equity” organized by the Ministry of Education of Chile. Tác giả bài tham luận viết: trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, cần phải quan niệm đầy đủ hơn về một hệ thống giáo dục phổ thông phát triển. Một nền giáo dục phổ thông tốt không chỉ bao gồm sự đầy đủ về các yếu tố vật chất như lớp học, số lượng giáo viên, sách giáo khoa…mà quan trọng hơn là tạo động lực thúc đẩy chất lượng dạy và học.
Về bản chất, có 3 yếu tố tạo nên động lực cho việc dạy và học đạt hiệu quả là:
(i) có nhiều cơ hội cho việc lựa chọn và cạnh tranh; (ii) nhà trường tự chủ; và (iii) nhà trường tự chịu trách nhiệm.
Như vậy, yêu cầu đặt ra ở đây là phải đổi mới cơ chế quản lý giáo dục phổ thông sao cho chất lượng dạy và học được nâng lên đồng thời với những chi phí lợi ích hợp lý.
- Winkler R, Donald R. and Gershberg (2003): Effects on Quality of Schooling (Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dạy học), Word Bank, Washington D.C. Cuốn sách đã cung cấp nhiều kinh nghiệm quý trong việc giải quyết mâu thuẫn cơ bản trong quản lý giáo dục giữa việc cần tập trung quản lý cái gì ở cấp trung ương và phân cấp những gì cho các cấp quản lý thấp hơn trong quản lý nhà nước về GDPT. Đặc biệt là những kinh nghiệm giải quyết có hiệu quả và hợp lý khuynh hướng trao quyền tự chủ quản lý và trách nhiệm cho quá trình ban hành quyết định tại các trường đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông hiện nay [103].
- Cheema, G. Shabbir and Rondineli (1993): “Decentralization and development: Policy implementation in developing countries” (Phân cấp và phát triển: thực thi chính sách ở các nước đang phát triển), Sage, Beverly Hills.
Các tác giả cuốn sách nhấn mạnh: trong bối cảnh phân cấp quản lý đối với GDPT, các quốc gia trên thế giới đều có cùng một điểm chung, đó là: một mặt, cần duy trì vai trò của tập trung trong quản lý, nhưng chỉ tập trung vào thiết lập đường lối mang tính định hướng cho toàn bộ hệ thống, đề ra mục tiêu và các tiêu chuẩn học tập cho học sinh, các chính sách hỗ trợ cho nhà trường và kiểm soát việc thực hiện của nhà trường; mặt khác, cần nâng cao quyền tự chủ cho nhà trường trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực để đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa trách nhiệm và quyền hạn, nhất là trách nhiệm của các cấp quản lý và nhà trường phổ thông vẫn là vấn đề khó khăn đang được các quốc gia tiếp tục nghiên cứu phù hợp với tình hình thực thế của mỗi nước [92].
- Báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Dân chủ và Quản trị thuộc cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID: “Decentralization and democratic Local Government” (Phân cấp và Quản trị địa phương dân chủ), Washington D.C, USAID, May 2000. Báo cáo trình bày mối quan hệ giữa phân cấp và quản trị địa phương dân chủ. Bản báo cáo nhấn mạnh: Xu hướng chung trong các nhà nước dân chủ hiện đại là khi xã hội phát triển càng cao thì việc phân cấp quản lý càng diễn ra nhiều hơn, chính quyền các địa phương được trao nhiều nhiệm vụ, quyền hạn hơn [106].
- Sách chuyên khảo của Alfred de Grazia: “Decentralization - The element of Political Science” (Phân cấp - yếu tố của khoa học chính trị), New Jersey, 1999. Tác giả cuốn sách nhấn mạnh đến các đặc điểm của phân cấp quản lý, coi phân cấp quản lý là ý chí của các nhà chính trị, mang tính định hướng chính trị của nhà nước. Cuốn sách chuyên khảo trình bày các điều kiện để thực hiện phân cấp quản lý và khẳng định: phân cấp quản lý là quá trình
chuyển đổi phương thức thực thi quyền lực nhà nước tập trung quan liêu sang dân chủ; là chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn từ chính quyền trung ương cho chính quyền địa phương các cấp nhằm mục tiêu hiệu quả. Phân cấp, phân quyền không có nghĩa là làm giảm vai trò của trung ương mà ngược lại trung ương làm đúng việc phải làm là xây dựng chính sách, pháp luật và giải quyết các vấn đề có tính chiến lược, đồng thời thúc đẩy tính độc lập, chịu trách nhiệm trong quá trình ra quyết định và tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương các cấp [89].