Nâng cao năng lực của đội ngũ công chức, viên chức quản lý giáo dục phổ thông

Một phần của tài liệu Phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 132 - 137)

Chương 3: THỰC TRẠNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

4.2. Giải pháp tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội

4.2.3. Nâng cao năng lực của đội ngũ công chức, viên chức quản lý giáo dục phổ thông

Tất cả các cải cách về phân cấp quản lý về giáo dục thành công trên thế giới đề phải đi đôi với việc nâng cao năng lực của đội ngũ công chức, viên chức quản lý giáo dục tại địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) và cấp thực hiện là các trường.

Công chức, viên chức quản lý về GDPT của nước ta có hai đặc trưng cơ bản: 1) Họ thường xuất thân từ nhà giáo, được lựa chọn đưa sang làm quản lý với niềm tin rằng những nhà giáo có kinh nghiệm, có phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn sẽ làm tốt công tác quản lý; 2) họ trưởng thành trong một hệ thống chưa thoát khỏi mô hình quản lý tập trung nên thói quen của cán bộ ở cơ quan quản lý là chỉ huy, ra mệnh lệnh và kiểm soát, còn ở cấp trường là tuân thủ, thực hiện mệnh lệnh của cấp trên trong mọi lĩnh vực chuyên môn, nhân sự và tài chính.

Các đặc trưng này trở thành rào cản khi chuyển sang mô hình quản lý tự chủ, theo đó các thói quen cũ, năng lực cũ cần phải vứt bỏ để thay thế bằng những thói quen mới, năng lực mới. Công chức ở cơ quan quản lý nhà nước về GDPT phải chuyển sang vai trò là người tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà trường phát huy quyền tự chủ; còn chủ tịch hội đồng trường

và hiệu trưởng phải là những người có tầm nhìn chiến lược, có năng lực quyết định, tổ chức thực hiện, minh bạch hóa các hoạt động chuyên môn, nhân sự, tài chính, thậm chí kể cả năng lực tiếp cận thị trường trong bối cảnh hình thành thị trường giáo dục.

Nâng cao năng lực về mọi mặt của công chức, viên chức quản lý GDPT trên địa bàn Thành phố Hà Nội và các trường phổ thông giúp họ sẵn sàng đảm nhận và thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được phân cấp. Cần đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của những người đứng đầu Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường phổ thông. Họ phải nắm bắt được các kiến thức quản lý giáo dục khoa học, biết khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Cán bộ quản lý GDPT không nâng cao năng lực của mình thì không thể thực hiện phân cấp và cũng không thể tự chủ.

Quản lý GDPT trên địa bàn Thành phố Hà Nội đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ quản lý GDPT các cấp (sở - phòng - trường) có đầy đủ những phẩm chất và năng lực ở mức độ chung của các cán bộ chủ chốt và các chuyên viên trong từng lĩnh vực quản lý.

Để nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức quản lý GDPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức các khóa bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt của các Sở Giáo dục và đào tạo và nhất là cho cán bộ quản lý các trường phổ thông về lập kế hoạch, quản lý nhân sự, tài chính, thanh tra và thông tin GDPT trong bối cảnh phân cấp quản lý.

Hầu hết công chức, viên chức quản lý GDPT trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện nay đều chưa được đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức quản lý, nhất là các kiến thức về phân cấp quản lý nên tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý là một giải pháp quan trọng đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đổi với GDPT hiện nay. Cán bộ quản lý GDPT cần được bồi dưỡng các kiến thức và kỹ năng chủ yếu sau đây:

- Kiến thức, kỹ năng lập kế hoạch phát triển GDPT, trong đó cần chú trọng lập kế hoạch phát triển nhà trường, kế hoạch học tập cho học sinh, hợp tác giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng, xây dựng các mục tiêu phát triển và các giải pháp để đạt được mục tiêu, xây dựng khung năng lực và chế độ trách nhiệm của cán bộ quản lý GDPT.

- Kiến thức, kỹ năng xây dựng chương trình và tài liệu dạy học phát triển phần mềm của chương trình đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố.

- Năng lực quản lý khoa học, linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu và chịu trách nhiệm với cấp trên và người hưởng dịch vụ GDPT.

- Năng lực tư duy sáng tạo, trung thực, khách quan, đề cao tinh thần trách nhiệm; làm việc nhóm và giao tiếp hiệu quả.

- Năng lực tự học, liên tục cập nhật kiến thức và các kinh nghiệm quản lý, phấn đấu học tập suốt đời bằng các hình thức khác nhau.

Cùng với việc tự nâng cao năng lực của đội ngũ công chức, viên chức quản lý GDPT là trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường phổ thông trong xây dựng và thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý GDPT ở các quận, huyện. Xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi thảo luận, liên hệ giải quyết các tình huống cụ thể trong quản lý là những phương pháp tốt cần được áp dụng trong các khóa đào tạo, bồi dưỡng.

Nhiều nước thực hiện phân cấp quản lý đối với GDPT đều xây dựng câu lạc bộ cán bộ quản lý GDPT và hiệu trưởng các trường phổ thông, tổ chức các diễn đàn chuyên bàn về phân cấp quản lý về giáo dục để cán bộ quản lý, hiệu trưởng các trường phổ thông có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Cần có kế hoạch không ngừng nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, giáo viên; quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục kế cận để có đội ngũ cán bộ quản lý có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển GDPT của Thành phố trong tình hình mới. Tích cực đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý

cán bộ quản lý GDPT theo hướng tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý GDPT, phân công, phân cấp hợp lý giữa các cấp, các ngành, các cơ quan trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý, quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của từng cấp, từng cán bộ quản lý GDPT.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức quản lý GDPT trên địa bàn thành phố Hà Nội cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong tuyển chọn, sử dụng, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật và trong thực hiện các chế độ, chính sách, áp dụng các biện pháp khuyến khích, đãi ngộ, tạo động lực làm việc cho cán bộ quản lý GDPT nhằm thu hút đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng, toàn tâm, toàn ý phục vụ cho sự nghiệp phát triển GDPT của thành phố.

Cần đổi mới công tác quy hoạch, tuyển chọn, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý GDPT trên địa bàn thành phố. UBND thành phố Hà Nội và các quận, huyện cần rà soát, đánh giá thực trạng công tác QLNN đối với GDPT trên địa bàn, thực trạng đội ngũ cán bộ Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT và cán bộ quản lý của các trường phổ thông; thực hiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý các trường phổ thông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Danh sách quy hoạch cần được công khai để những người thuộc đối tượng trong quy hoạch có ý thức rèn luyện, bồi dưỡng; tạo điều kiện cho quần chúng giám sát, giúp đỡ công chức, viên chức để họ có định hướng phấn đấu phát triển. Hằng năm, UBND Thành phố và các quận, huyện cần có sự rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp; đưa ra khỏi danh sách quy hoạch đối với những đối tượng không còn đủ điệu kiện, tiêu chuẩn hoặc không có sự tiến bộ, không có ý thức vươn lên.

Công tác quy hoạch cán bộ phải gắn với đào tạo và sử dụng. Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục nhất thiết phải thực hiện theo quy hoạch, trên cơ sở cạnh tranh và tài năng.

UBND Thành phố và các quận, huyện cần ban hành quy định về luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý của các Phòng GD&ĐT và của các trường; tiến hành luân chuyển, điều động chuyên viên từ Phòng GD&ĐT xuống làm cán bộ quản lý các trường phổ thông; luân chuyển, điều động cán bộ quản lý từ trường lên Phòng GD&ĐT, từ Phong GD&ĐT lên Sở GD&ĐT.

UBND các quận, huyện cần có kế hoạch, có cơ chế tuyển chọn CBQL giỏi ở các trường phổ thông về công tác tại Phòng GD&ĐT; thực hiện việc điều động Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng giữa các trường theo yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện cần tiến hành luân chuyển những hiệu trưởng đã có thời gian đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng hai nhiệm kỳ ở một trường học, chuyển đổi đối với những hiệu trưởng nhiều năm quản lý mà nhà trường không phát triển hoặc nội bộ mất đoàn kết; miễn nhiệm đối với cán bộ quản lý không còn đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; cách chức, giáng chức đối với những cán bộ quản lý có sai phạm.

UBND Thành phố và các quận, huyện và Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT cần đổi mới công tác đề bạt cán bộ quản lý. Việc bổ nhiệm cán bộ quản lý cần căn cứ vào năng lực, hiệu quả công tác, sự tín nhiệm của tập thể;

tránh căn cứ vào “mối quan hệ”, cơ chế “sống lâu lên lão làng”. Trước khi xem xét bổ nhiệm cần thăm dò ý kiến quần chúng, lấy phiếu tín nhiệm của tập thể đơn vị, tranh thủ ý kiến của cán bộ chủ chốt của Thành phố.

Sở GD&ĐT cần tham mưu với UBND Thành phố có cơ chế hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho cán bộ của Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT và cán bộ quản lý của các trường phổ thông đi học sau đại học, ngoại ngữ (kể cả ở nước ngoài) để nâng cao chất lượng của cán bộ quản lý để đáp ứng yêu cầu phân cấp quản lý nhà nước về GDPT.

Thực hiện chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ quản lý GDPT. Chế độ ưu đãi hợp lý sẽ thu hút được những cán bộ quản lý giỏi về công tác tại các cơ

quan quản lý, góp phần thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được phân cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với GDPT.

Việc áp dụng tốt chính sách thu hút nhân tài, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội; đổi mới thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.... sẽ thu hút được

người tài giỏi về công tác trong ngành GDPT; động viên, khuyến khích công chức, viên chức tích cực học tập, nâng cao trình độ, năng lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của ngành trong bối cảnh đẩy mạnh phân cấp quản lý.

Một phần của tài liệu Phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 132 - 137)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(185 trang)
w