Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.2. NHỮNG VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
Xung quanh vấn đề nguồn gốc và tiêu chí để nhận diện - nói cách khác, quan niệm thế nào là truyện truyền kỳ, ý kiến của giới chuyên môn vốn không thống nhất. Mặc dù vấn đề này được đặt ra từ rất sớm, tuy vậy vì nhiều nguyên do khác nhau, nó vẫn chưa được giải quyết một cách đầy đủ, thấu đáo. Chính vì thế mà từ trước tới nay, tên gọi “truyện truyền kỳ” tuy được dùng rộng rãi, rất phổ biến trong các công trình, bài viết… song nội hàm của khái niệm cũng như nhận định về quá trình sinh thành, phát triển của loại hình văn học này vẫn khá
mông lung.
Bàn về quá trình hình thành, xuất xứ, nguồn gốc của truyện truyền kỳ Việt Nam, nhiều người cho rằng nó có nguồn từ Trung Quốc; hoặc một cách cụ thể hơn, từ tác phẩm có tên gọi là “truyền kỳ” của Bùi Hinh, thời nhà Đường. Quan niệm này vốn bắt nguồn chính từ các văn nhân Việt Nam thời trung đại. Các nhà Nho coi văn học Trung Quốc như một khuôn mẫu để học hỏi; truyện truyền kỳ Việt Nam là
kết quả của sự mô phỏng, học tập từ truyện quái dị của Trung Quốc. Điều này được bộc lộ khá rõ qua lời bàn của các văn nhân như Đại An Hà Thiện Hán, Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Huyền Trai Ngô Hoàng…
Tiến sĩ Vũ Quỳnh, trong lời đề tựa Lĩnh Nam chích quái lục nhận xét sách của Trần Thế Pháp là “giống sách Sưu thần tự của người Tấn và sách U quái lục của người Đường” [119, tr. 31]. Tất nhiên, nhắc đến hai tác phẩm của người Trung Hoa, một kể chuyện thần tiên (Sưu thần tự/ Sưu thần ký, tác giả là Can Bảo) và một
kể chuyện thần quái (U quái lục, không rõ tác giả), Vũ Quỳnh chủ yếu muốn đề cập đến điểm tương đồng trên phương diện đề tài, chủ đề của chúng. Cũng ở bài Tựa này, Vũ Quỳnh đã chỉ rõ điều khác biệt rất quan trọng nếu so sánh Lĩnh Nam chích quái lục với sách Sưu thần tự, U quái lục. Đó là giá trị “truyền tụng” lịch sử dân tộc, là những thứ “quan hệ đến cương thường, phong hóa” của “cõi Lĩnh Nam”, điều mà truyện thần quái Trung Hoa không có.
Cũng trong xu hướng thừa nhận ảnh hưởng của văn học truyền kỳ Trung Hoa đối với truyện truyền kỳ Việt Nam, còn có thể kể thêm ý kiến của Hà Thiện Hán, Ngô Hoàng. Đánh giá Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Đại An Hà thiện Hán coi đây là một “thiên cổ kỳ bút”, nó có thể sánh được với truyện của người Trung Hoa;
Ngô Hoàng đánh giá cao Lan Trì kiến văn lục, nhưng cũng nhấn mạnh là “Sách này về phép ghi chép thì cũng giống như Sưu thần, Tề Hài, còn về nội dung thì có ngụ bút của Thái Sử Công” [163, tr. 12].
Việc coi Sưu thần ký của Can Bảo (đời Tống), U quái lục (đời Đường) và Tề Hài ký (Trang Tử) như là những tác phẩm “chuẩn” để đánh giá truyện của Nguyễn Dữ và Vũ Trinh, gợi lên nhiều điều. Hai nhà Nho Việt Nam sống ở hai thời điểm rất xa nhau (Đại An sống vào thời Hồng Đức còn Ngô Hoàng sống thời Gia Long) đều dựa trên khuôn mẫu, điển phạm Trung Quốc để bàn về truyện truyền kỳ Việt Nam cho thấy nguyên tắc “nệ cổ”, “hậu cổ bạc kim” đã thấm rất sâu vào nhận thức của văn nhân, Nho sĩ.
Có thể nói rằng lối tư duy, đánh giá văn học dân tộc như vậy rõ ràng là
không thoả đáng, nhiều điểm bất cập. Bởi thực ra, “truyện truyền kỳ” là một khái niệm chứa đựng nội hàm rất rộng; hơn nữa, cách hiểu của người Trung Quốc về
truyện “thần”, “quái”, “kỳ” không hoàn toàn trùng hợp với quan niệm “truyện truyền kỳ” của người Việt Nam.
Trong khoảng thời gian trên dưới nửa thế kỷ lại nay, khái niệm truyện truyền kỳ được hiểu rất khác nhau. Với một số người, truyện truyền kỳ chỉ dùng theo nghĩa rất hạn chế. Theo đó, chỉ những tác phẩm mà tác giả gọi đích danh là truyện truyền kỳ (như Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả, Tân truyền kỳ lục…) thì mới được xếp vào nhóm này. Nhưng cũng có cách hiểu khác, theo nghĩa rộng rãi hơn. Tất cả
những tác phẩm có nội dung liên quan đến những điều khác lạ, linh thiêng, kỳ quái (chẳng hạn Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Nam hải dị nhân liệt truyện…) đều được xếp vào truyện truyền kỳ, bất kể tiêu đề của truyện có gợi nhắc đến điều kỳ lạ hay không.
Có một thực tế là khi bàn sâu vào đặc trưng của truyện truyền kỳ thì quan niệm của các nhà nghiên cứu thường không giống nhau ở nhiều điểm. Chẳng hạn nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang cho rằng giữa truyện truyền kỳ và truyện chí quái, chí dị tuy có chỗ giống nhau, song không phải là một. Để phân biệt những điểm khác biệt giữa chúng, theo quan niệm của ông thì điều quan trọng nhất là cần dựa vào yếu tố “kỹ thuật”, hay “chất văn” của tác phẩm. Chính những yếu tố trên mới làm nên sự khác biệt giữa truyện chí quái chí dị với thể loại truyện truyền kỳ, cho dù ranh giới khá mong manh.
Quan niệm của Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Đăng Na, Nguyễn Phạm Hùng…
thì lại nhấn mạnh đến yếu tố quái lạ, khác thường ở truyện truyền kỳ, hoặc là chú trọng vào thể tài của chúng. Nguyễn Đăng Na cho rằng: “truyền kỳ” nếu đứng riêng, là một thể tài của truyện ngắn trung đại. Do các nhân vật, tình tiết, kết cấu… của truyện phần lớn là lạ kỳ, đặc biệt, nên người ta gọi chúng là truyền kỳ.
Nhìn chung, quan niệm về truyện truyền kỳ của các nhà nghiên cứu tuy có
chỗ thống nhất nhưng cũng còn nhiều điểm khác nhau. Có thể nói rằng, đấy là một trong những vấn đề quan trọng trong quá trình nhận thức về đối tượng này cần được tiếp tục làm sáng tỏ.
1.2.2. Về nội dung, ý nghĩa của truyện truyền kỳ Việt Nam
Giá trị truyện truyền kỳ chính là điểm nổi bật nhất trong số các vấn đề
nghiên cứu về đối tượng này. Đã có hàng trăm bài viết, công trình đề cập đến giá trị
nội dung, giá trị nghệ thuật, giá trị xã hội… của loại hình truyện truyền kỳ được công bố. Điều đáng chú ý ở đây là cách thức giới chuyên môn tiếp cận đối tượng này thường có sự thay đổi vào các thời điểm, giai đoạn khác nhau.
Vào quãng giữa thế kỷ XX trở về trước, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là giá
trị phản ánh của truyện truyền kỳ. Các vấn đề như hiện thực xã hội, giá trị lịch sử trong tác phẩm… luôn được đề cao. Xu hướng này đã có từ rất lâu. Vào thế kỷ XV, khi nhận
định về cuốn Lĩnh Nam chích quái lục, Kiều Phú coi đó là những “sự tích đời xưa của nước Việt ta”; Trần Thế Pháp thì xem những truyện trong đó là loại sử “không được tạc vào đá, khắc vào ván mà vẫn lưu hành ở lòng người, ở bia miệng” [161, tr. 44]; còn Vũ Quỳnh cho rằng, sách này đích thị là một lối sử của người Việt: “ở đây có những chuyện huyễn hoặc, hay những câu nói quái lạ. Nhưng nếu cho đó là không, cũng vị tất đã là không mà cho đó là có, cũng vị tất đã là có. Có thể nói, nó chỉ ở cái khoảng không không có có mà thôi” [161, tr. 38].
Nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân trong Giáo trình văn học Việt Nam (từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XVIII), cũng coi giá trị vượt trội ở Truyền kỳ mạn lục, tác phẩm tiêu biểu nhất cho loại truyện này chính là “tính hiện thực”. Ông viết: “Với ưu thế của thể truyền kỳ, Nguyễn Dữ trong Truyền kỳ mạn lục đã miêu tả hiện thực một cách có ý thức, đã phê phán tệ hại của nhà nước phong kiến một cách sâu sắc. Xã hội trong tác phẩm là một xã hội đầy biến động “binh lửa rối ren” (Truyện người nghĩa phụ Khoái Châu), “người chết chóc nhiều, những oan hồn không chỗ nương tựa, thường họp lại từng đoàn, từng lũ” (Truyện tướng Dạ xoa), trộm cướp hoành hành khắp nơi. (…) Theo lời kể của Nguyễn Dữ thì đây chỉ là những chuyện ngày xưa, nhưng thực ra thì lại là phản ánh hiện thực mà ông đang sống. Những đoạn văn trên đây rõ ràng là
những bản cáo trạng đanh thép đối với nhà nước phong kiến bạo tàn và bất lực ngay ở thời đại tác giả” [134, tr. 102].
Một phương diện khác của truyện truyền kỳ cũng được các nhà nghiên cứu chú ý, đó là những giá trị văn hoá, giá trị lịch sử của nó. Ngay từ thời trung đại, các nhà Nho đã trình bày vấn đề này khá rành mạch. Bước sang thời hiện đại, giá trị văn hoá lịch sử của truyện truyền kỳ được nghiên cứu một cách đầy đủ, sâu sắc hơn. Trong một chuyên luận có tiêu đề Truyện truyền kỳ Việt Nam, đặc điểm hình thái, văn hoá & lịch sử (2015), nhà nghiên cứu Nguyễn Phong Nam cho rằng truyện truyền kỳ Việt Nam “vừa có tính chất của tác phẩm văn học viết (hình thái văn xuôi), lại vừa có tính chất của văn học nói (hình thái truyện kể). Nó là thứ văn chương được nảy sinh từ rất nhiều nguồn (và hệ quả sẽ là hiện tượng đa tạp về phong cách nghệ thuật)”. Truyện truyền kỳ là “một kiểu truyện ký văn xuôi được viết bằng chữ Hán, kể những câu chuyện kỳ - lạ, bắt
nguồn từ cộng đồng nhằm để bổ khuyết lịch sử và nhằm xiển dương những giá
trị văn hóa Việt” [101, tr. 28].
Giá trị, ý nghĩa của truyện truyền kỳ còn được thể hiện trên nhiều phương diện qua các bài viết, công trình khác; chẳng hạn nghiên cứu về “Thế giới nhân sinh trong thể loại truyện truyền kỳ” (Hoàng Hồng Cẩm, 1996); “Con người cá nhân trong Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái và Truyền kỳ mạn lục” (Trần Đình Sử, 1997); Thần, người và đất Việt (Tạ Chí Đại Trường, 1989); “Truyện truyền kỳ Việt Nam: sự kết hợp giữa văn hóa bác học và truyền thống bình dân” (Nguyễn Ngọc Hiệp, 2007),
“Những biến đổi của yếu tố kỳ và thực trong truyện truyền kỳ Việt Nam” (Vũ Thanh, 1994); “Lĩnh Nam chích quái - từ điểm nhìn văn hóa” (Nguyễn Hùng Vĩ, 2006),
“Folklore và văn học Viết - Nghiên cứu từ góc độ “dịch chuyển không gian” trong truyện cổ tích và truyện truyền kỳ” (Nguyễn Thị Kim Ngân, 2017)…
1.2.3. Về đặc điểm nghệ thuật của truyện truyền kỳ Việt Nam
Đặc điểm nghệ thuật của truyện truyền kỳ cũng là một phương diện được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Khi đề cập đến nghệ thuật, thi pháp truyện truyền kỳ, các tác giả thường nhấn mạnh đến một số phương diện cụ thể. Chẳng hạn Lê Trí Viễn trong sách Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam chú ý nhiều đến phương diện kết cấu. Ông viết: “Tóm lại, kết cấu truyện ký từ Việt điện u linh đến Truyền kỳ mạn lục tuy xuất phát thường từ ý thức tôn thờ những người anh hùng có công lớn đối với đất nước, kể cả các vị thần mà tín ngưỡng nhân dân tin là sức độ trì cho nước bền vững, ban mưa móc, phước lành cho nhân dân lúc hoạn nạn, cũng có khi dựa vào truyện kể nước ngoài, hoặc tự mình đặt thêm, nhưng tất cả các tác giả (dù đã xác định hoặc chưa) đều tỏ ra nghiêm túc khi cầm bút và đã đặt những viên gạch vững chắc cho nền văn chương tự sự văn xuôi chữ Hán của nước nhà từng bước tiến lên. Bằng tham khảo sách vở, nghe ngóng lời kể trong nhân dân, bằng hư cấu, sắp xếp, chọn lựa thêu dệt sự kiện, tuân thủ những lề lối kể chuyện cổ tích, theo dõi nghệ thuật viết truyền kỳ, quái lục của tác gia phương Bắc, trau dồi lời văn, phát biểu cảm tưởng của mình, họ đã đạt tới nghệ thuật truyện ký tầm cỡ ngang truyện ngắn đích thực ở tác phẩm mở đầu cho một giai đoạn văn học mới là công trình đáng trân trọng của Nguyễn Dữ”
[174, tr. 251].
Khi đề cập đến nghệ thuật truyện truyền kỳ, các nhà nghiên cứu thường chỉ hướng đến những tác phẩm riêng lẻ, rất ít công trình có tính chất khái quát về phương diện này. Tuy nhiên, qua việc đánh giá các tác phẩm có tính chất điển hình, đặc điểm nghệ thuật của truyện truyền kỳ nói chung cũng được bộc lộ. Chẳng hạn về Thiền uyển tập anh, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn cho rằng: “Khi phác hoạ hành trạng cuộc đời các thiền sư, cùng với việc gắn sự ra đời với các hiện tượng lạ còn là việc chọn lựa các chi tiết tạo ấn tượng vừa lạ hoá vừa ảo hoá, có phần cách điệu so với con người và cuộc sống trần tục (…) chính vì những lẽ đó mà các tiểu truyện tuy không sáng tác theo định hướng hư cấu, tưởng tượng vẫn bộc lộ rõ nét xu thế ngưỡng vọng, kỳ vĩ hoá, siêu nhiên hoá các hình tượng danh nhân theo các thao tác tư duy dân gian mà truyền thuyết dân gian thường có” [126, tr. 9]. Cũng về tác phẩm này, tác giả
Nguyễn Công Lý, trong sách Văn học Phật giáo thời Lý - Trần - diện mạo và đặc điểm, đưa ra nhận xét: “Thông qua việc chép tiểu sử, hành trạng cùng lời giảng thuyết, các đoạn ngữ lục của các vị cao tăng với các đệ tử, Thiền uyển tập anh vô tình đã có một giá trị thi ca rất lớn. Dường như đây là một trong vài tài liệu rất hiếm giúp cho người đời sau biết được một số lớn tác phẩm văn học đời Lý. (…) Qua những chi tiết đó, người chép truyện với một bút pháp già dặn, bình tĩnh và sắc sảo, ngôn ngữ trong sáng, linh hoạt đã khắc hoạ được tâm lý và chân dung nhân vật thông qua những tình tiết diễn biến theo trình tự thời gian tuyến tính nên câu chuyện lôi cuốn, hấp dẫn người đọc chẳng khác nào truyện ngắn đời nay” [84, tr. 489-494].
Nhà nghiên cứu Vũ Thanh, khi bàn đến đặc điểm nghệ thuật thể loại truyện truyền kỳ lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của yếu tố kỳ lạ, kỳ quái. Theo ông, nét đặc sắc của truyện truyền kỳ Việt Nam chính là cách thức sử dụng yếu tố “kỳ” trong các tác phẩm. Trong bài “Những biến đổi của yếu tố kỳ và thực trong truyện ngắn truyền kỳ Việt Nam”, Vũ Thanh cho rằng các tác giả đã đưa yếu tố này vào truyện
“không phải chỉ với chức năng là vỏ bọc che dấu dụng ý sâu xa của nhà văn mà còn với tư cách một bút pháp nghệ thuật mang tính đặc trưng của thể loại. Các tác giả
phản ánh hiện thực qua cái kỳ lạ.” [146, tr. 25]. Chính yếu tố này đã tạo nên sự khác biệt giữa truyện truyền kỳ của Việt Nam so với thể loại truyện ngắn ở phương Tây.
Cái “kỳ” trong truyện truyền kỳ Việt không bất biến mà vận động, phát triển. Đó là
một quá trình tiếp thu, tiếp biến nghệ thuật theo quy luật “từ thụ động đến ý thức.
Từ cái “kỳ” mang nặng ảnh hưởng trực tiếp của văn học dân gian, sử ký và tôn giáo đến cái “kỳ” được nhà văn sử dụng một cách có ý thức như một thủ pháp nghệ
thuật, như một hạt nhân tự sự quan trọng trong kết cấu tác phẩm” [146, tr. 26].
Ngoài ra, cũng từ cách quan sát về cái “kỳ”, về quá trình hoàn thiện của truyện truyền kỳ xét trên phương diện nghệ thuật, Vũ Thanh còn có một nhận định rất đáng lưu ý. Theo ông, từ những tác phẩm có tính chất điển lễ, tôn giáo buổi đầu cho đến những tác phẩm đỉnh cao như Truyền kỳ mạn lục, Thánh Tông di thảo, truyện truyền kỳ Việt Nam đã có những bước tiến mang tính “nhảy vọt” về chất lượng nghệ thuật. Nó tạo nên hiện tượng mà tác giả bài viết gọi là sự “đứt quãng”
về thủ pháp, thi pháp, phương thức nghệ thuật trong tiến trình vận động của thể loại.
Chính vì thế mà tác giả bài viết có cơ sở để đặt ra nghi vấn: phải chăng là còn có
những tác phẩm truyền kỳ khác mà vì những lý do bí ẩn nào đó, cho đến này chúng ta chưa phát hiện rẳ).
Có thể nói rằng, đối với kiểu loại truyền kỳ, giới chuyên môn đã có một quá
trình tìm hiểu, nghiên cứu từ rất sớm. Số lượng các công trình đã được công bố rất lớn và cách thức tiếp cận, đánh giá về truyện truyền kỳ Việt Nam rất phong phú, đa dạng.
1.3. ĐÁNH GIÁ VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA CỦA LUẬN ÁN
1.3.1. Một số nhận định chung về tình hình nghiên cứu
Trên cơ sở những nội dung đã trình bày, có thể thấy rằng truyện truyền kỳ là đối tượng được nghiên cứu từ rất sớm. Nhiều vấn đề đã được xem xét, bàn luận khá kỹ lưỡng. Quãng thời gian từ cuối thế kỷ XX trở đi, tình hình nghiên cứu truyện truyền kỳ Việt Nam đã có những bước thay đổi quan trọng. Đối tượng này được chú ý tìm hiểu một cách toàn diện hơn. Những vấn đề chung như lý thuyết loại hình, các vấn đề liên quan đến thi pháp, đặc trưng nghệ thuật… cho đến các phương diện tư tưởng, nội dung, ý nghĩa xã hội của tác phẩm đều được tập trung khám phá. Không gian nghiên cứu được mở rộng. Truyện truyền kỳ Việt Nam được soi chiếu qua những bối cảnh văn hóa, văn học rộng hơn.
Phương pháp tiếp cận đa dạng nhờ sự vận dụng lý thuyết hiện đại vào việc nhận