Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
2.1. TRUYỆN TRUYỀN KỲ - MỘT LOẠI HÌNH VĂN HỌC
2.2.1. Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIV - truyện truyền kỳ trong mối tương quan với văn học chức năng, nghi lễ, tôn giáo
Ở Việt Nam, chữ “truyền kỳ” (傳奇) liên quan đến một tác phẩm văn học cụ thể vốn xuất hiện rất muộn. Người đầu tiên sử dụng chữ này để đặt tên tác phẩm là
Nguyễn Dữ (sách Truyền kỳ mạn lục) lại là một tác giả sống vào khoảng thế kỷ XVI. Những tác giả khác cũng dùng chữ “truyền kỳ” để đặt tên cho tác phẩm của mình như Đoàn Thị Điểm (Truyền kỳ tân phả), Đặng Trần Côn (Tục truyền kỳ), Phạm Quý Thích (Tân truyền kỳ lục) đều sống vào thế kỷ XVIII. Như vậy, kể từ thế
kỷ XIII, thời điểm xuất hiện những tác phẩm văn xuôi, theo cứ liệu hiện nay, cho đến khi Nguyễn Dữ hoàn thành sách của mình (thế kỷ XVI), không có tác phẩm văn xuôi nào được gọi là “truyền kỳ”. Dù vậy, trên thực tế, các tác phẩm thuộc loại hình truyện truyền kỳ đã xuất hiện. Chúng tôi tán đồng với quan niệm cho rằng các sách Việt điện u linh tập, Tam tổ thực lục, Thiền uyển tập anh ngữ lục thuộc dạng “đa chức năng”; vì thế, hoàn toàn có cơ sở để xếp chúng vào nhóm truyện truyền kỳ.
Sách Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên ghi chép sự tích, công trạng của 27 vị được nhà nước phong kiến (thời Lý, Trần) sắc phong và đưa vào thờ tự trong các đền miếu. Đó là các bậc “nhân quân”, “phụ thần”, “anh linh” được mọi người ngưỡng vọng bởi “có công âm phù” cho nước, cho dân. Tất nhiên, với một cuốn sách “đa chức năng” như Việt điện u linh tập, nó có thể được coi là tác phẩm “lễ nghi tôn giáo”, có thể coi là sách ghi chép điển chế thờ tự của triều đình, hoặc một dạng thư tịch lịch sử… nhưng nó cũng hoàn toàn đủ tư cách để góp mặt vào loại hình truyện truyền kỳ. Ở đây, các nhân vật được đặt trong bầu “khí quyển” kỳ ảo, mang tính huyền thoại. Nhân vật Bố Cái Đại Vương chẳng hạn, rõ ràng là nhân vật truyền kỳ: Vương có sức khỏe, đánh được Hổ, vật được Trâu. Sau khi mất, Vương rất hiển linh, giúp Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. “Dân các làng thường nghe tiếng xe, ngựa đi ầm ầm trên các nóc nhà hoặc trên các cây cổ thụ, trông lên thường thấy trong đám mây năm sắc có cờ, kiệu rực rỡ, lại có tiếng đàn sáo văng vẳng trên không” [182, tr. 13-14]. Bậc Đại Vương này gần gũi với nhân quần nhưng vẫn là nhân vật có vóc dáng siêu nhiên, kỳ vĩ của thần thoại, cổ tích. Truyện “Bố Cái Đại Vương” được hình thành trong sự gắn
kết ý thức về cội nguồn dân tộc với tín ngưỡng dân gian và được ký chép dưới dạng truyện ký Hán văn, đúng theo tiêu chí của truyện truyền kỳ.
Cùng mạch truyện ký chép về các bậc kỳ nhân trong Việt điện u linh tập còn có Thiền uyển tập anh ngữ lục. Tuy nhiên, đối tượng của Thiền uyển tập anh ngữ lục không phải nhân quân, phụ thần mà là các nhà sư, những người được coi là tinh túy trong vườn Thiền. Về thời điểm ra đời cụ thể cũng như tác giả của sách này cho đến bây giờ vẫn chưa thể xác định chắc chắn. Chỉ biết là nằm trong khoảng giữa thế
kỷ XIV, tức không quá xa so với thời điểm Việt điện u linh tập xuất hiện. Thiền uyển tập anh ngữ lục về cơ bản là một kiểu truyện danh nhân - tiểu sử, tiểu truyện về hành trạng của 68 vị thiền sư. Đó là một sự pha trộn, kết hợp giữa các dữ kiện xác định như: xuất xứ, nơi tu hành, sự trạng… của các bậc cao tăng và những yếu tố mang tính huyền thoại, như quá trình sinh xuất kỳ lạ, hiện tượng viên tịch khác thường của họ. Nói chung, tác phẩm có nhiều tình tiết mang màu sắc kỳ ảo, hoang đường. Hầu hết các thiền sư khi ra đời đều gắn với hiện tượng lạ, điềm lạ, giấc mơ lạ; còn hành trạng của các vị thì thường có nhiều chuyện phi thường, huyễn hoặc;
cho đến khi tịch diệt cũng có đầy phép lạ.
Chẳng hạn chuyện về thiền sư Tịnh Giới có phép lạ “hàng long, phục hổ”, cảm hóa thần thông, nửa đêm thắp hương đứng giữa sân chùa tụng niệm cầu khấn, trời bèn đổ mưa; chuyện về thiền sư Đạo Huệ “tinh thông phép Tam quán Tam ma địa, học trò đông đến hơn một nghìn người. Tiếng sư tụng kinh ngày đêm cảm hóa cả khỉ vượn trong núi, khiến chúng kéo từng đàn đến chùa nghe kinh” [91, tr. 64].
Cũng trong sách này còn có chuyện về nguồn gốc ra đời của thiền sư Ngô Ẩn. Sách chép rằng mẹ ông họ Cù, nhà ở gần rừng, “một hôm bà đang ngồi dệt vải thì có con Khỉ lớn từ trong rừng chạy ra ôm lấy lưng bà cả ngày mới bỏ đi. Sau đó bà biết mình có mang” [91, tr. 66]....
Sách Tam tổ thực lục viết về cuộc đời của ba vị tổ sư phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Đây cũng là tác phẩm chức năng tôn giáo được viết theo tinh thần truyện ký, tức là ghi chép, phản ánh sự thật. Nhưng đây là
sách “thực lục” theo lối truyền kỳ chứ không phải sách lịch sử. Vì thế mà cả ba nhân vật đều được xây dựng theo mô thức đặc biệt - nhân vật lịch sử được huyền
thoại hóa bằng nhiều yếu tố kỳ ảo. Ở truyện Tổ gia thực lục, bà mẹ sư tổ mang thai đến mười tháng mà chưa sinh nở. Lạ hơn nữa, “Ngày sư tổ ra đời có ánh hào quang rực rỡ, hương thơm tỏa ngào ngạt” [91, tr. 99]. Phương thức huyền thoại hóa nhân vật lịch sử ở Thiền uyển tập anh ngữ lục, Tam tổ thực lục rất giống với Việt điện u linh tập, tuy mức độ đậm nhạt có khác nhau.
Sự xuất hiện của sách Lĩnh Nam chích quái lục khiến cho con đường phát triển của truyện truyền kỳ ở giai đoạn đầu này trở nên rõ ràng, khởi sắc hơn. Tác phẩm này được cho là của Trần Thế Pháp, thế nhưng vẫn còn nhiều hồ nghi. Căn cứ
để xác định tác giả Lĩnh Nam chích quái lục chủ yếu dựa vào nhận định có phần thiếu dứt khoát của Lê Quý Đôn (trong Kiến văn tiểu lục). Lê Quý Đôn viết trong sách này như sau: “Sách Lĩnh Nam chích quái lục, tục truyền là do Trần Thế Pháp viết. Chúng ta không rõ Thế Pháp người ở đâu. Hiện nay chỉ thấy bài nói đầu của Vũ Quỳnh” [119, tr. 9].
Với Lĩnh Nam chích quái lục, có thể nói truyện truyền kỳ đã có bước tiến rất quan trọng. Tác phẩm này được phát triển trên nền tảng, chất liệu của các truyện kể dân gian. Trong lời Tựa sách này, Vũ Quỳnh cho rằng tác giả Lĩnh Nam chích quái lục đã “sưu tầm những truyện dân gian có quan hệ đến cương thường và phong hóa với mục đích khuyến thiện, trừng ác, bỏ ngụy theo chân”. Trên thực tế, Trần Thế
Pháp không chỉ đơn thuần làm công việc sưu tầm, ghi chép. Đây thực sự là hoạt động sáng tác, theo lối “tân biên” các truyện kể dân gian. Đọc các truyện “Rùa vàng”, “Man Nương”, “Nam Chiếu”, “Sông Tô Lịch”, “Thần núi Tản Viên”, “Nhị
Trưng phu nhân”… ta thấy các yếu tố đặc trưng của truyện truyền kỳ xuất hiện đậm đặc, khác hẳn với truyện cổ tích, truyền thuyết dân gian.
Rõ ràng là với nhóm tác phẩm vừa đề cập, hình hài, diện mạo của truyện truyền kỳ trong giai đoạn có tính chất mở đầu, thử nghiệm đã được ổn định. Từ Việt điện u linh tập cho đến Lĩnh Nam chích quái lục, truyện truyền kỳ đã có những bước tiến đáng kể. Sự hoàn thiện của lối truyện truyền kỳ chức năng đã tạo tiền đề
cho sự bứt phá quan trọng ở giai đoạn kế tiếp.