Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
4.3. LỜI VĂN TRONG TRUYỆN TRUYỀN KỲ
4.3.1. Lối văn “truyện kể” trong truyện truyền kỳ
Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của lời văn truyện truyền kỳ là tính chất khuôn mẫu theo lối “truyện kể” truyền khẩu dân gian. Mặc dù đây là truyện bằng văn xuôi, được trình bày dưới dạng thức văn bản viết, tuy vậy dấu ấn truyện kể dân gian lại
rất rõ. Từ cách mở đầu, chuyển đoạn, kết thúc… cho đến việc sắp xếp, trình bày văn bản, tất cả đều theo một số khuôn mẫu quen thuộc.
Cách mở đầu các truyện truyền kỳ thường được trình bày theo một kiểu rất ổn định. Truyện truyền kỳ rất ít nhân vật. Nói đúng hơn, đây là chuyện về
một vài nhân vật cụ thể, cho nên mở đầu bao giờ cũng phải giới thiệu tên của người (hoặc vật) đó. Sau khi đã “xướng danh” nhân vật là đến phần lai lịch, gốc tích rồi các yếu tố khác như thời gian, địa điểm xảy ra sự kiện, nguồn gốc, xuất xứ của câu chuyện... Có thể thấy đây là một thứ “quy phạm”, một nguyên tắc chung và được vận dụng thống nhất, rất ít ngoại lệ. Công thức “Ai/ Cái gì - Ở đâu - Lúc nào” trong phần mở đầu truyện truyền kỳ cũng là một trong những chỉ dấu về mối liên hệ giữa loại hình này và truyện kể dân gian. Dễ dàng nhận thấy mục đích của người làm truyện ở đây là cố gắng cung cấp những thông tin cơ bản nhất bằng một diễn ngôn đơn giản, tối thiểu.
Trong Lan Trì kiến văn lục, phần mở đầu các truyện luôn rất ngắn gọn, chỉ có mấy dòng nhưng vẫn đủ các yếu tố cơ bản. Truyện “Đứa con của rắn” mở đầu chỉ hai câu: “Huyện Sơn Vi có người đàn bà họ Nguyễn, cùng chồng làm nhà bên sườn núi để ở. Một hôm người vợ đi kiếm củi dưới chân núi rất lâu không trở về”
[163, tr. 27]. Các truyện khác cũng chỉ vài ba câu mở đầu. Chẳng hạn truyện “Tiên trên đảo” mở đầu: “Người Thanh Trì là ông Nguyễn Lộc, kết bạn vài mươi người, thuê một chiếc thuyền đi biển ra châu Vạn Ninh, Quảng Yên buôn bán, mỗi năm vài bận đi về. Một hôm thuyền bị bão đánh dạt vào một hòn đảo giữa biển” [163, tr.
29]. Truyện “Nguyễn Quỳnh” cũng tương tự: “Nguyễn Quỳnh người xã Bột Thượng, huyện Hoằng Hóa. Năm 20 tuổi đỗ thi hương, văn chương nổi tiếng, tính phóng túng. Ông thường luyện văn ở nhà Quốc học, luôn được xếp hạng ưu, nên rất tự đắc. Một hôm, vào dịp luyện văn đầu tháng” [163, tr. 31]. Truyện “Tiên ăn mày”
viết: “Người trong thôn là Nguyễn Ất, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải sống với anh…
Một hôm Ất đi làm về muộn” [163, tr. 38]. Truyện “Sống lại”: “Đào Sinh là con một người nông dân ở huyện Đông Sơn, rất đẹp trai. Cha mẹ cho đi học, Sinh học rất thông minh. Năm mười bảy tuổi, Sinh đủ tài theo đòi khoa cử… Một đêm nọ, Sinh đang ngồi đọc sách, nghe bên buồng cô gái có tiếng thoi dệt vải”…
Lối mở đầu truyện cô đọng, dựa theo phong cách khẩu ngữ như vậy không phải chỉ xuất hiện ở các truyện có dung lượng ngắn như Lan Trì kiến văn lục, Thiền uyển tập anh ngữ lục, Tang thương ngẫu lục, Mẫn Hiên thuyết loại, Công dư tiệp ký…mà trong các tác phẩm có dung lượng lớn hơn như Truyền kỳ mạn lục, Bích Châu du tiên mạn ký, Việt Nam kỳ phùng sự lục, Truyền kỳ tân phả... cũng tương tự
như thế. Chẳng hạn, “Chuyện Cây gạo” trong Truyền kỳ mạn lục mở đầu như sau:
“Trình Trung Ngộ là một chàng trai đẹp ở đất Bắc Hà, nhà rất giàu, thuê thuyền xuống vùng nam buôn bán. Chàng thường đỗ thuyền ở dưới cầu Liễu Khê rồi đi lại vào chợ Nam Xang. Dọc đường, hay gặp một người con gái xinh đẹp, từ Đông thôn đi ra, đằng sau có một ả thị nữ theo hầu. Chàng liếc mắt trông, thấy là một giai nhân tuyệt sắc. Song đất lạ quê người, biết đâu dò hỏi, chỉ mang một mối tình u uất trong lòng.
Một hôm khác, chàng cũng gặp lại, muốn kiếm một lời nói kín đáo để thử khêu gợi, nhưng người con gái đã xốc xiêm rảo bước” [91, tr. 284]. Hoặc đoạn mở đầu trong
“Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây”: “Hà Nhân, người học trò quê ở Thiên Trường, khoảng năm Thiệu Bình ngụ ở kinh sư để tòng học cụ Ức Trai. Mỗi buổi đi học, đường tất phải qua phường Khúc Giang. Trong phường có cái trại, gọi là trại Tây, dinh cơ cũ của quan Thái sư triều Trần. Ngày ngày đi qua, Hà Nhân thường thấy hai người con gái đứng ở bên trong bức tường đổ nhí nhoẻn cười đùa, hoặc hái những quả ngon, bẻ bông hoa đẹp mà ném cho Hà Nhân nữa. Lâu lâu như thế Hà Nhân không làm ngơ được, một hôm mới đứng lại trò chuyện lân la” [91, tr. 215]. “Chuyện nghiệp oan của Đào Thị” cũng như thế: “Ả danh kỹ ở Từ Sơn là Đào Thị, tiểu tự Hàn Than, thông hiểu âm luật và chữ nghĩa. Niên hiệu Thiệu Phong thứ năm (1345) đời nhà Trần, nàng được tuyển sung vào làm cung nhân, hằng ngày chầu vua ở tiệc rượu hay ở chiếu bạc. Một hôm vua thả
thuyền chơi trên sông Nhị, rồi đi lần xuống tận bến Đông Bộ Đầu” [91, tr. 226]. Các truyện khác trong sách của Nguyễn Dữ như “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”,
“Từ Thức lấy vợ tiên”, “Yêu quái ở Xương Giang”… đều được mở đầu theo đúng mô thức như vậy.
Trong Bích Châu du tiên mạn ký của Nguyễn Huy Hổ, đoạn mở đầu như sau:
“Dưới chân núi Trâu Sơn xứ Kinh Bắc có gia đình hai mẹ con một bà cụ già ở đấy.
Người ta không biết tung tích của họ ở đâu, chỉ biết sau mấy năm liền trong nước bị
mười lăm, mười sáu tuổi, dáng người xinh đẹp, thùy mị, hàng ngày tần tảo làm ăn nuôi mẹ (…) Một hôm vào tết Nguyên tiêu…” [23, tr. 345].
Tác phẩm Việt Nam kỳ phùng sự lục (chưa rõ tác giả là ai) cũng vậy: “Vào thời nhà Lê có Ngô Kiều Nương ở xã Phú Ninh, huyện Tiên Du, là con gái tri phủ
họ Ngô. Khi trước bà mẹ đi chợ về muộn, nghỉ ngơi một lát dưới gốc đa vùng Dương Húc, bỗng nhiên tâm thần cảm động, bất giác mang thai, đủ ngày tháng thì sinh hạ được nàng (…) Đêm ấy nàng nằm mộng thấy một đồng nữ mặc xiêm áo màu ráng chiều rực rỡ, lưng đeo đai ngọc lóng lánh, tay cầm giấy ngọc bước vào phòng” [23, tr. 367].
Trong phần mở đầu của truyện truyền kỳ, có một điểm rất đáng lưu ý, đó là
sự xuất hiện của từ “Một hôm”. Đây cũng là thủ pháp dùng từ rất quen thuộc trong truyện cổ tích - một cách mở đầu tối ưu để có thể kể những câu chuyện thuộc về quá
khứ. Dùng từ ngữ mô tả thời gian có tính phiếm chỉ như thế này đã trở thành một thao tác rất ổn định, luôn lặp lại trong truyện truyền kỳ. Nó có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển tiếp sang phần chính của câu chuyện, cho dù phần chính của truyện gồm một chuỗi nhiều biến cố.
Trong Truyền kỳ tân phả, Thánh Tông di thảo chẳng hạn, mặc dù mỗi truyện đều có rất nhiều sự kiện, dung lượng cũng vượt trội so với mặt bằng chung, thế nhưng sự kiện/ tình tiết đầu tiên đều được bắt đầu bằng từ “một hôm”. Cách mô tả, trần thuật luôn theo một công thức: “Một hôm, gặp tiết trung thu…” (“Hải khẩu linh từ” - Truyền kỳ tân phả); “Nhớ lại có một hôm vào mùa xuân ông ngủ dậy muộn” (“An Ấp liệt nữ lục”- Truyền kỳ tân phả); “Một hôm, gặp đêm trung thu, trăng sáng như vẽ”
(“Vân Cát thần nữ lục” - Truyền kỳ tân phả)”; “Thình lình một hôm, có người áo quần mộc mạc, hình dung tiều tụy, đến nhà hát” (“Mai Châu yêu nữ truyện” - Thánh Tông di thảo); “Bỗng một hôm có hai người đàn bà đến ngồi trong chợ để xem bói và đoán số” (“Nhị nữ thần truyện” - Thánh Tông di thảo); “Một hôm cha ôn tồn hỏi chàng rằng” (“Ngư gia chí dị” - Thánh Tông di thảo); “Một hôm gặp mưa to, đóng lại trên hồ Trúc Bạch ở Mỏ Phượng” (“Mộng ký” - Thánh Tông di thảo); “Bỗng một đêm đã khuya, vợ thấy chồng trèo tường về, vào ngay trong buồng” (“Thử tinh truyện” - Thánh Tông di thảo)…
Trong các truyện truyền kỳ, tương ứng với phần mở đầu có tính chất “hồi ức” như vậy là lối kết thúc bằng một đoạn “nối thêm” cuối truyện. Phần này cũng rất ổn định. Đó thường là một tình tiết đơn giản hoặc thậm chí chỉ một lời bình luận theo công thức: về sau hoặc từ đó… Lối kết truyện theo công thức như thế cũng rất phổ biến ở truyện kể dân gian. Chỉ có điều ý nghĩa của lối kết này trong truyện truyền kỳ và truyện kể dân gian có khác nhau. Cách thức này ở truyện truyền kỳ không nhằm để “giải thích” mà đơn giản chỉ là nhấn mạnh tính chất lạ thường của sự kiện vừa trình bày. Nó cũng đồng thời thông báo về sự hoàn thành, hoàn chỉnh của câu chuyện tác giả vừa kể.
Hầu hết các truyện trong Công dư tiệp ký đều có đoạn kết theo kiểu “từ đó/
về sau” như đã nêu. Chẳng hạn: “Về sau, có một viên Giám sinh vào tỉnh thi, đến kỳ đệ tứ không làm được bài, bèn viết những câu văn chữ Nôm tản mạn đem nộp.
Các quan chấm thi cho là vô hạnh, định truất cả Giám sinh, sau kêu nài mãi mới tha. Việc ấy để làm răn cho những người khác” [23, tr. 14]. “Về sau ông lập được nhiều công lớn, được xếp vào hàng danh thần trung hưng và làm đến chức Thượng thư bộ binh, ngày nay dòng dõi vẫn còn thịnh vượng” [23, tr. 25]. “Về sau họ Mạc mất, triều ta trung hưng. Uông ra đầu thú, rồi làm đến Hộ bộ Thượng thư, được phong làm phúc thần” [23, tr. 36]. “Sau ông làm đến Thượng thư, tước Xuân giang hầu, rồi được phong Thiếu bảo, Lữ Quận công về trí sĩ” [23, tr. 43]. “Từ đó, khúc sông trong vùng không còn xảy ra việc gì nữa” [23, tr. 60]. “Từ đó, Đinh trăm trận trăm thắng, được gọi là Vạn Thắng Vương” [23, tr. 68]… Các truyện trong Tang thương ngẫu lục cũng vậy: “Từ đấy, đi xuôi ngược giang hồ, đều không gặp rủi ro gì cả” [48, tr. 104]; “Từ đấy, không còn con quái ấy nữa. Núi này thành một nơi danh thắng…” [48, tr. 107].
Phong cách ngôn ngữ truyện kể trong tác phẩm truyền kỳ còn được thể hiện qua cách tổ chức lời thoại. Nếu quan sát kỹ, có thể nói ở truyện truyền kỳ không có các cuộc đối thoại lẫn độc thoại đúng nghĩa. Cái gọi là “đối thoại” ở đây không phải là lời đối đáp trực tiếp giữa các nhân vật với nhau mà chỉ là lời kể của tác giả về cuộc đối thoại đã xảy ra từ trước đó, thường là rất lâu rồi. Còn “độc thoại” thì cũng không phải lời của nhân vật mà thực chất là lời của tác giả. Vì là lời (thuật/ kể) của tác giả cho nên lời thoại ở đây không có “cá tính”, không mang màu sắc cá nhân riêng biệt. Nói đúng
hơn thì lời thoại trong truyện truyền kỳ mang phong cách ngôn ngữ của chính tác giả.
Chẳng hạn, một vài đoạn trong “Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây” (Truyền kỳ mạn lục). Hà
Sinh nói với cha mẹ: “Sinh con trai muốn cho có vợ, sinh con gái muốn cho có chồng, đó vẫn là lòng của cha mẹ mà cũng là phúc của gia đình. Song con nghĩ mình dòng dõi tấn thân, mà sự học hành chưa thành danh gì cả. Nếu nay có vợ, e không khỏi vui bề chăn gối mà lãng việc sách đèn. Chi bằng việc cưới xin hãy tạm hoãn, đợi khi con đường mây nhẹ gót, thỏa nguyện bình sinh, bấy giờ hãy tìm đến tưởng cũng chưa muộn” [91, tr. 221]. “Chúng em không may đều mắc bệnh gió sương, khí xuân chưa về, mặt hoa dễ héo, thuốc thang khó tìm, hương hồn một mảnh, chưa biết rồi sẽ trôi dạt đến nơi nào. Sinh kinh ngạc: Anh cùng với hai em, duyên không mối lái nghĩa kết keo sơn. Cớ sao các em vội nói đến chuyện lìa tan, khiến anh lo sợ như là con chim sợ cung vậy. Nàng Liễu nói: Ham vui ân ái, ai ai chẳng lòng, nhưng số trời đã định kỳ về đến nơi, biết làm sao được. Rồi đây cánh rã trong bùn, hương rơi mặt đất, ba xuân cảnh sắc, thú vui biết sẽ thuộc về đâu. Sinh ngao ngán buồn rầu, không sao rứt được. Nàng Đào nói: Người sinh ở đời như cái hoa trên cây, tươi héo có kỳ, không thể nào gượng được dù trong chốc lát. Chỉ xin chàng từ đây bồi dưỡng thân thể, chăm chỉ bút nghiên, ghép liễu thành công, xem hoa thỏa nguyện, thì chúng em dù vùi thân trong chỗ ngòi lạch cũng chẳng chút phàn nàn. Sinh nói: Vậy thế cái kỳ tan tác còn chừng bao lâu nữa? Chỉ nội đêm nay thôi. Hễ lúc nào có trận gió dông nổi lên là lúc chúng em thác hóa. Chàng nếu nghĩ tình ân ái cũ, quá bộ đến trại Tây thăm viếng chúng em sẽ được ngậm cười mà về chốn suối vàng. Sinh khóc mà rằng: Sự thể cấp bách như vậy, cũng chẳng biết làm sao được nữa, song anh ở đất khách quê người, lưng không, túi rỗng, biết lấy gì mà đắp điếm cho hai em. Hai nàng nói: Thân mệnh của chúng em lả lướt như tơ, mong manh tựa lá. Sau khi thác hóa, đã có mây làm tàn, có lốc làm xe, sương trắng làm ngọc đeo, cỏ xanh làm nệm rải, than khóc đã oanh già thỏ thẻ, viếng thăm đã bướm héo vật vờ, chôn vùi có lớp rêu phong, đưa tiễn có dòng nước chảy, khói tan gió bốc không phiền phải đắp điếm gì cả. Đoạn rồi mỗi người để đôi hài cườm lại tặng sinh và nói: Mất người còn chút của tin, gọi có vật này để tặng nhau trong lúc sinh ly tử biệt, sau này khi chàng ướm thử, sẽ như là chúng em còn ấp yêu ở dưới chân chàng” [91, tr. 223]. Đoạn văn này cho thấy các nhân vật không hề “đối đáp”
với nhau theo lối giao tiếp thông thường. Đây là lời nói của nhân vật đã được tác giả
“kể” lại. Vì thế mà tất cả đều theo một khuôn mẫu, giống nhau về giọng điệu, không có sắc thái riêng của từng cá nhân. Cả nhóm đều nói hệt nhau, không phân biệt Nho sinh hay yêu nữ. Câu văn đầy điển cố điển tích, dẫn dụ rườm rà. Tính chất đăng đối, hô ứng chặt chẽ của câu văn biền ngẫu hoàn toàn xa lạ với “lời nói thường”. Trong giao tiếp hàng ngày không ai phát ngôn hoa mỹ rắc rối như thế cả. Đây là những đoạn văn với nhiều chức năng chứ không phải là đối thoại đúng nghĩa.