Truyện “nhân - quả”, “báo ứng”

Một phần của tài liệu Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ việt nam (Trang 107 - 113)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

3.2.2. Truyện “nhân - quả”, “báo ứng”

Trong đời sống con người có nhiều hiện tượng rất khó hoặc không thể giải thích được bằng tư duy lý tính. Cuộc sống nhiều khi bị chi phối, bị xui khiến bởi những điều không đâu, rất phi logic. Vì không thể nhận thức được bằng lý trí, người ta chuyển sang phạm trù tâm linh. Điều này được thể hiện rất sinh động trong truyện truyền kỳ. Có vô số trường hợp liên quan đến số phận của một con người, một dòng họ, thậm chí là một địa phương, được lý giải là do “linh ứng”, “báo ứng”.

Ở mục này chúng tôi chỉ xin đề cập đến chủ đề báo ứng, linh thiêng qua những câu chuyện về nhân - quả, về mồ mả, cát trạch. Tất nhiên, trong thế giới truyền kỳ, những điều này không hoàn toàn tách biệt, độc lập với nhau, trái lại, chúng luôn đan xen, lồng ghép với nhau.

Hiện tượng nhân - quả thường được mọi người coi là một quy luật trong đời sống. Khi thể hiện vào tác phẩm văn học, mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả

được thể hiện qua nhiều cách thức khác nhau. Tuy vậy, nguyên tắc chung vẫn là

“thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”; người làm việc thiện sẽ được đền đáp, kẻ gây

Truyện “Cá thần” trong Lan Trì kiến văn lục là một ví dụ sinh động cho quy luật nhân - quả ở đời. Truyện kể về hai nhân vật, một anh lái buôn và một tay chủ thuyền. Tính cách, lối hành xử của hai con người này đối nghịch nhau và kết cục số phận cũng khác nhau. Người lái buôn giàu có quê ở xứ Quảng Nam ưa làm điều thiện, hay giúp đỡ người khác. Kẻ kia làm chủ thuyền chạy khách từ Gia Định đi Thuận Hóa nhưng bản chất là một tên cướp biển. Có lần người lái buôn ra Bắc trên thuyền của kẻ kia. Biết người khách có của, tên chủ thuyền kẻ cướp này nổi lòng tham. Nhân đêm tối, hắn đẩy khách xuống biển để chiếm tài sản. Nhưng người khách lại được cứu sống một cách thần kỳ nhờ bám được vào “Cá Ông”.

Người lái buôn được cá thần “nổi lên mặt nước, rẽ sóng, lao như tên bắn. Con cá

dài chừng hơn trăm trượng. Nửa đêm, thấy nó nghiêng mình nằm nghỉ, người lái buôn đưa mắt nhìn ra xa thì đã thấy bờ Động Hải” [163, tr. 70]. Người khách buôn được cứu một cách thần tình bao nhiêu thì kẻ ác bị trừng phạt cũng ly kỳ không kém. Sau khi đoạt tiền vàng của người khách, y tiếp tục dong buồm ra Bắc. Đến Động Hải y lại chạm mặt nạn nhân ở ngay đồn trạm canh gác cửa biển. Tại đây, y bị tố giác, bị quan quân bắt giữ. Trước nhân chứng vật chứng rành rành, kẻ ác phải nhận tội và bị trừng phạt.

Truyện “Ác báo” (Công dư tiệp ký) kể về kẻ du thủ du thực ở huyện Thất, xứ

Hải Dương. Người vợ của y lỡ tay làm chết con gà chọi vốn được y quý hơn hết mọi thứ. Biết tính y hung hãn, người mẹ nhận lỗi thay cho con dâu. Tuy nhiên, vì là

kẻ côn đồ cho nên ngay cả mẹ đẻ thì y cũng không nể. Đứa con bất hiếu đó đã trừng phạt mẹ bằng cách đưa mẹ ra đồng để chôn sống. Khi đang đào huyệt thì y “bỗng nhiên lăn đùng ra đất. Mẹ sờ đến, thì chân tay đã lạnh ngắt cả rồi” [23, tr. 47]. Cái chết ngỡ như bí hiểm của đứa con vô đạo có nguyên nhân là do y bị (trời) trừng phạt. Kẻ làm việc thất đức thì phải nhận kết quả tồi tệ.

Chuyện người tốt được hưởng phúc, kẻ xấu bị quả báo vốn là một mô tip rất ổn định trong truyện kể dân gian, nhất là thể loại truyền thuyết, cổ tích. Truyện truyền kỳ đã phát triển mô tip này và hoàn thiện theo những cách thức riêng của loại hình.

*

Hiện tượng linh ứng do mồ mả (thường được gọi là “động” hoặc “phát”) thực ra cũng là một biểu hiện của chủ đề “nhân quả”. Đây là một dòng mạch xuyên suốt, nhất quán trong truyện truyền kỳ Việt Nam mà điểm cốt lõi là sự linh thiêng, linh ứng của đất đai thổ trạch. Chỉ có điều, ở phạm vi cộng đồng, dân tộc thì biểu hiện của nó là khí thiêng sông núi, hóa vào hình tượng thổ địa thổ thần để “hộ

quốc”, còn ở phạm vi nhỏ hẹp (cá nhân, gia đình) thì biểu hiện thành chuyện tổ tiên phù trì cho dòng tộc, con cháu.

Chuyện báo ứng không phải là hiện tượng cá biệt, chỉ có trong văn học Việt Nam. Mô tip này rất phổ biến trong văn học của hầu hết mọi dân tộc trên thế giới, đặc biệt là văn học truyền khẩu. Đó là mô thức chung, mang tầm nhân loại. Tuy nhiên, mỗi cộng đồng, khi thể hiện tư tưởng báo ứng, quy luật nhân - quả lại có những nét riêng.

Đối với truyện truyền kỳ Việt Nam, điểm độc đáo của hiện tượng “linh ứng” là ở đối tượng, hậu quả và cách thức được báo đáp trong đó.

Có rất nhiều truyện truyền kỳ nói về hiện tượng “mả phát”, tức là nhờ (mồ mả) tổ tiên phù trì mà con cháu bỗng nhiên gặp may mắn lạ lùng. Trong Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, có các truyện “Mả mẹ Đào Khản”, “Mả tổ Quận Bằng”, “Tả Ao tiên sinh”, “Mả tổ họ Nguyễn làng Quế Ổ”…

Trong Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề có các truyện “Ngân khách tầm địa báo hiếu tâm nhân”, kể chuyện dòng họ Nguyễn ở Vịnh Kiều phát về đường khoa cử do xương cốt ông cha được táng đúng huyệt đất tốt. Truyện “Táng thần mã Đinh Thị dĩ khắc thắng nhất dư đồ” nói chuyện Đinh Bộ Lĩnh làm vua nhờ đặt hài cốt bố vào hàm ngựa đá dưới vực Hoàng Long. Đặc biệt là truyện “Đồng khí tương cầu, Giáp Trạng nguyên vãng Văn Giang nhận mẫu”, kể về cuộc đời Trạng nguyên Giáp Hải.

Nhân vật Giáp Hải là một danh sĩ đất Bắc, rất nổi tiếng trong sử sách. Ông được sinh ra ở xã Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn (Bắc Giang). Giáp Hải thi đỗ Trạng nguyên (Đệ nhất giáp, đệ nhất danh, tiến sĩ cập đệ) vào năm 1538; ông được bổ làm quan, thăng đến chức Lại bộ Thượng thư, kiêm Đông các, tước Sách quận công.

Truyện về Giáp Hải cho thấy một điều: cuộc đời con người ta quả là vô thường, điều gì cũng có thể xảy ra, phúc và họa đều khó tránh và nó thường đến một cách không

thể ngờ được. Chuyện kể rằng, bà mẹ của Giáp Hải là người giàu lòng nhân ái. Có lần một người khách buôn lỡ đường được bà cho trú nhờ; khách bỏ quên kim ngân khi ra đi đã được bà giao trả. Người khách, vì cảm ơn nghĩa đó nên tìm cách đền đáp, chỉ cho bà ngôi đất tốt. Theo đó, nếu chôn xương cốt tổ phụ vào ngôi đất này thì con cháu nhất định sẽ phát đạt về sau.

Giáp Hải ra đời là kết quả cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa bà mẹ và một người làm thuê, tình cờ nghỉ lại lều quán vào một đêm mưa bão. Lên bốn tuổi, Giáp Hải bị một phú gia làng bên bắt cóc về làm con nuôi. Về sau ông thi đỗ Trạng nguyên, ra làm quan. Giáp Hải tìm hiểu thân thế của mình và nhận ra mẹ đẻ để đưa về phụng dưỡng. Sự thành đạt của ông có nguyên nhân là do xương cốt của người đàn ông xấu số (bố Giáp Hải) được chôn đúng huyệt đất quý. Vì “mả phát”, có quý nhân phù trợ cho nên sự nghiệp khoa trường, hoạn lộ của ông mới hanh thông như vậy.

Tuy nhiên, chính Giáp Hải cũng phải nếm trải nhiều bất hạnh. Nguyên nhân cũng là do bị “báo ứng”. Tai họa bắt nguồn từ việc ông xử oan một nghi phạm con nhà độc đinh trong khoa thi Hương ở Sơn Nam. Mặc dù người học trò cố van nài song ông không thay đổi án tử cho người đó. Quả báo xảy đến với ông tức thì. Bảy người con của ông đều bất đắc kỳ tử không rõ lý do. Con cả của ông, tiến sĩ Giáp Phong đang làm quan ở hàn lâm viện đột tử khi mới ba mươi tuổi; bốn người con trai khác cùng hai người con gái của ông cũng chết sau đó. Cuối đời Giáp Hải ngộ

ra “món nợ oan gia và cái thuyết báo ứng của nhà Phật không phải là hư truyền.

Ông bèn cho tìm thân nhân của người học trò bị giết ngày trước, gọi đến chu cấp cho tiền bạc, để lập đàn sám hối giải oan cho anh ta. Từ đó nhà ông không xảy ra tai ương gì nữa” [23, tr. 30].

Những ví dụ vừa dẫn là các trường hợp tiêu biểu cho chủ đề báo đáp đền ơn cũng như oan gia tương báo. Chuyện “cát trạch linh ứng” trong truyền kỳ Việt Nam, tuy cũng tương đồng với triết lý nhân - quả nói chung nhưng vẫn mang ý vị, bản sắc riêng. Cách thức báo bổ, trừng phạt… thể hiện rất rõ điều kiện sống, hoàn cảnh xã hội, môi trường tự nhiên và tâm thức văn hóa của người Việt Nam.

TIỂU KẾT

Truyện truyền kỳ Việt Nam, nhất là các tác phẩm xuất hiện ở giai đoạn đầu, thường được coi là một lối “sử trong truyện”. Một điều rất dễ nhận thấy trong các tác phẩm đó là “tinh thần lịch sử” luôn xuyên thấm trong hầu hết mọi hình tượng.

Truyện truyền kỳ đã đưa ra một cách nhìn độc đáo về cội nguồn dân tộc, hạo khí

của đất nước. Trong nhãn quan của tác giả truyện truyền kỳ, đất nước không chỉ là

cương vực, địa lý mà còn là “hồn thiêng”, “linh khí” của vạn vật; dân tộc không chỉ có con người mà còn có cả thế lực siêu nhiên. Chính vì vậy mà mọi thứ luôn được bảo hộ bởi các thần, thánh, tiên, tinh, mẫu… Nó cho thấy con đường hình thành dân tộc, đất nước là một quá trình kiến tạo đầy khó khăn. Giang sơn, tổ quốc, sự trường cửu của dân tộc là công nghiệp của lớp lớp Thần - Nhân. Hình hài đất nước đã được hình tượng hóa, chuyển hóa vào các kiểu chân dung người, thần, vật linh diệu. Đó

cũng chính là tinh thần lịch sử ẩn tàng trong truyện truyền kỳ.

Tinh thần lịch sử của truyện truyền kỳ được bộc lộ rất rõ qua chân dung các bậc tuấn kiệt, hiền tài nước Việt. Đây là những cá nhân ưu tú, những con người tiêu biểu cho tài trí, khí phách dân tộc. Họ hiện diện trong truyện truyền kỳ với nhiều danh phận khác nhau: đế vương, võ tướng, văn thần, anh hùng, liệt nữ, Nho sĩ trí thức, người tu hành… Các bậc tuấn kiệt, nhân tài xuất hiện trong đó không phải là nhân vật của chính sử mà được nhào nặn, chế tác thành hình tượng văn học theo lối truyền kỳ.

Chân dung, hành trạng của họ đã bị khúc xạ, được lạ hóa theo một phương thức đặc.

Họ là niềm tự hào chung, là biểu tượng cho sự tinh anh của cộng đồng.

Bên cạnh vấn đề lịch sử, một nội dung rất quan trọng khác trong các truyện truyền kỳ là vấn đề văn hóa, tâm linh. Trong thế giới truyền kỳ, chủ đề “địa linh” có

vị trí rất quan trọng và gắn bó chặt chẽ với chủ đề “nhân kiệt”. Điều này xuất phát từ quan niệm của người Việt về mối quan hệ giữa con người và đất đai, vật loại.

Địa linh là gốc tích để làm nơi sinh xuất, làm điểm tựa cho “nhân kiệt”; mặt khác, chính con người cũng làm cho đất đai trở nên linh diệu. Mọi cảnh trí thiên tạo qua nhãn quan truyền kỳ đều trở thành “địa linh”, gắn với chuyện kỳ lạ, sự bất thường. Các công trình kiến trúc, thành tựu lao động của con người như đền miếu, chùa chiền, thành lũy… với sự cộng hưởng từ huyền thoại, truyền thuyết cũng là

đối tượng của truyện truyền kỳ linh địa. Đặc điểm chung của truyện kể về các miền đất thiêng, nơi linh địa trong loại hình truyền kỳ là sự hòa quyện giữa Thần - Người - Đất. Địa “linh” là bởi có các sự tích, tình tiết “kỳ”, “dị” của thần, nhân góp vào.

Một chủ đề khác cũng rất được chú trọng trong truyện truyền kỳ là hiện tượng hiển linh, báo đáp. Đó là sự linh ứng của quy luật nhân quả, sự ứng nghiệm từ những mối quan hệ với “thế giới bên kia”, với cõi âm. Hiện tượng linh ứng do mồ mả, thổ trạch tạo thành một dòng mạch xuyên suốt, rất nhất quán trong truyện truyền kỳ Việt Nam. Ở phạm vi cộng đồng, dân tộc thì biểu hiện của linh địa là khí

thiêng sông núi, hóa vào hình tượng thổ địa thổ thần “hộ quốc”; ở phạm vi cá nhân, gia đình thì biểu hiện thành chuyện mồ mả phù trì cho gia tộc, con cháu.

Có thể nói, điểm đặc trưng của truyện truyền kỳ là những thứ khác thường, quái dị; thế giới truyền kỳ chính là sự phi thường, kỳ lạ. Trong thế giới đó, không cứ thần thánh, ma quỷ mà cả con người, đồ vật, súc vật… đều ít nhiều có tính quái đản, dị thường. Đấy cũng chính là một trong những nguyên nhân làm nên sức hấp dẫn của loại hình văn học này.

Chương 4

ĐẶC ĐIỂM LOẠI HÌNH TRUYỆN TRUYỀN KỲ

VIỆT NAM - TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN

Truyện truyền kỳ Việt Nam, như đã trình bày ở các chương trước, là một hiện tượng văn học rất phức tạp. Sự phức tạp đó bắt nguồn từ quá trình hình thành, con đường vận động, nội dung tư tưởng, chức năng của nó. Cũng vì thế, phương thức thể hiện của truyện truyền kỳ lẽ dĩ nhiên cũng rất đa dạng, phong phú.

Nói đến phương thức thể hiện của truyện truyền kỳ thực chất là đề cập đến một loạt các vấn đề như phương pháp, cách thức, thao tác… mà nhà văn đã vận dụng để tạo nên tác phẩm. Phương thức thể hiện sẽ được cụ thể hóa qua các yếu tố hình thức của tác phẩm, để hình thành một chỉnh thể nghệ thuật. Tuy nhiên ở chương này chúng tôi chỉ tập trung vào một số yếu tố có vai trò quan trọng nhất trong việc bộc lộ đặc điểm của truyện truyền kỳ. Đó là vấn đề cốt truyện, hình tượng và lời văn của loại hình văn học này.

4.1. CỐT TRUYỆN VÀ PHƯƠNG THỨC TỔ CHỨC CỐT TRUYỆN TRUYỆN TRUYỀN KỲ

Một phần của tài liệu Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ việt nam (Trang 107 - 113)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)