Truyện truyền kỳ và các giá trị văn hóa Việt Nam

Một phần của tài liệu Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ việt nam (Trang 88 - 99)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

3.1.2. Truyện truyền kỳ và các giá trị văn hóa Việt Nam

Trong truyện truyền kỳ Việt Nam, bên cạnh vấn đề lịch sử, một nội dung rất quan trọng khác cũng thường xuyên được đề cập. Đấy là những vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa. Thực ra, văn hóa là một khái niệm có nội hàm rất rộng và cũng rất khó

định nghĩa một cách thật rành mạch. Tuy nhiên, trong những bối cảnh cụ thể, vẫn có

thể giới hạn ý nghĩa của nó ở những phạm vi hẹp. Trong luận án này, chúng tôi chỉ đề cập đến một vài phương diện điển hình của văn hóa trong truyện truyền kỳ, những điều liên quan trực tiếp đến di sản văn hóa, đời sống tâm linh, tâm thức văn hóa… của cộng đồng.

3.1.2.1. Truyện về các miền đất linh thiêng

Từ xưa đến nay, trong quan niệm của người Việt Nam, con người và đất đai luôn liên quan hô ứng với nhau. Đất đai thổ trạch cũng là thứ “hữu linh”, cũng có

linh hồn. Vì thế, “địa linh” luôn gắn kết với “nhân kiệt” một cách chặt chẽ. Một mặt, đất đai phong thổ chính là đất nước, tổ quốc theo nghĩa đen, là gốc tích để làm nơi sinh xuất, làm điểm tựa cho “nhân kiệt” nhưng mặt khác, bản thân con người cũng làm cho đất đai trở nên linh diệu. Chính vì vậy mà truyện về các miền đất và chuyện về nhân vật luôn đi kèm với nhau và chiếm vị trí quan trọng trong truyện truyền kỳ.

Trong loại hình truyền kỳ, truyện về các miền đất linh thiêng cũng khá đa dạng. Nổi bật là nhóm truyện kể về các miền “đất tổ”, nơi phát tích của các đời, các thế hệ; lại có nhóm truyện về các miền đất gắn với danh nhân hoặc sự kiện cụ thể.

Trong Lĩnh Nam chích quái lục của Trần Thế Pháp có rất nhiều truyện về các địa chỉ linh dị của “miền Ngũ Lĩnh”, tức nước Việt. Chẳng hạn như “Truyện Nhất Dạ Trạch”, “Truyện Giếng Việt”, “Truyện Sông Tô Lịch”, “Truyện núi Tản Viên”...

Đấy là những nơi linh địa của quốc gia, xã tắc. Mục đích chính của Trần Thế Pháp khi soạn các truyện này không phải để khảo cứu các miền đất, các địa danh địa điểm theo lối “dư địa chí”, hay là giải thích nguồn gốc sông hồ theo lối truyền thuyết, cổ tích. Mặc dù các truyện này cũng được dựa trên “nền” truyền thuyết, cổ

tích song điều tối quan trọng ở các thiên truyện này là tác giả muốn qua đây để nêu cao “hạo khí” của núi sông nước Việt. Các truyện về sông (Tô Lịch), núi (Tản Viên), giếng (Việt Tỉnh), chằm/ đầm (Dạ Trạch)… là một cách biểu đạt bằng hình tượng về quê hương đất nước. Hình sông thế núi đó không gì khác là một biểu tượng về sự bền vững, linh thiêng, trường tồn của đất nước. Tất cả những núi sông đó chính là hình ảnh cụ thể của “Nam quốc sơn hà”.

“Tản Viên sơn truyện” là tác phẩm chứa đựng nhiều ý nghĩa. Một số điểm chúng tôi đã đề cập trong phần trước, khi nói về các bậc anh linh, nhân thần qua hình tượng thần Tản Viên. Ở đây chúng tôi muốn nói đến giá trị văn hóa, văn vật của câu chuyện. Miền đất thiêng này, theo mô tả của Trần Thế Pháp là nơi vị đệ

nhất phúc thần Đại Việt, Tản Viên Sơn Thần cai quản. Sách viết như sau: “Núi Tản Viên ở phía tây kinh thành Thăng Long nước Việt Nam. Núi cao một vạn hai nghìn ba trăm trượng, chu vi chín vạn tám nghìn sáu trăm vạn (sic). Ba núi đứng xếp hàng, đỉnh tròn như cái tán cho nên có tên ấy. Theo sách Ai Giao châu tự của Đường Tăng thì đại vương núi này là Sơn Tinh họ Nguyễn, vô cùng linh ứng. Khi hạn hán, lúc lụt lội cầu đảo để phòng tai trừ hoạn lập tức có ứng nghiệm. Kẻ thờ cúng hết lòng thành kính. Thường thường, vào những ngày quang đãng như có

bóng cờ xí thấp thoáng trong hang núi. Dân trong vùng nói rằng đó là Sơn Thần hiển hiện. Khi Cao Biền nhà Đường ở An Nam muốn yểm những nơi linh tích bèn mổ bụng con gái chưa chồng mười bảy tuổi, vứt ruột đi, nhồi cỏ bấc vào bụng, mặc áo quần vào rồi đặt ngồi trên ngai tế bằng trâu bò, hễ thấy cử động thì vung kiếm mà chém đầu. Phàm muốn đánh lừa các thần đều dùng thuật đó. Biền đem thuật đó để tiến đại vương núi Tản Viên, thấy Vương cưỡi ngựa trắng ở trên mây nhổ nước bọt vào mà bỏ đi. Biền than rằng: Linh khí ở phương Nam không thể lường được. Cái vượng khí đời nào hết được! Sự linh ứng đã hiển hiện ra như vậy đó.” [119, tr. 93]. “Tản Viên sơn truyện” rất tiêu biểu cho lối truyện về các miền đất thiêng. Ở đó, vừa có đủ thông tin về địa lý, địa vực, vừa nói đến “sự linh ứng”,

“vượng khí” của sông núi Đại Việt. Đặc biệt, nó gắn với câu chuyện “Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng”, truyện Sơn Thần khinh bỉ, phá bỏ phép trấn yểm của Cao Biền.

Truyền thuyết Âu - Lạc cũng được ghép vào đây với mục đích là để nói về

cội nguồn dân tộc. Còn chuyện Sơn Thần Tản Viên dùng uy linh của mình loại bỏ trò trấn yểm của Cao Biền, hòng triệt tiêu hạo khí miền đất này là nhằm thể hiện tinh thần giữ nước của người Việt. Đây là một mô tip rất độc đáo được thể hiện nhiều trong truyện truyền kỳ.

Cùng chủ đề sông núi linh thiêng, trong tập sách của Trần Thế Pháp còn có

“Truyện sông Tô Lịch”. Truyện cũng nhắc đến sự tích Thần sông Tô Lịch phá bùa phép nham hiểm của Cao Biền dùng để trấn yểm long mạch. Sông Tô Lịch được coi là nơi ngự của Long Đỗ, vị thần đứng đầu các chốn địa linh. Tác giả kể lại cuộc đối đáp rất thú vị giữa Thần sông và Cao Biền trong lần đối mặt nhau: “Biền cưỡi thuyền nhẹ thuận dòng vào tiểu giang đi khoảng một dặm bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo kỳ dị, tắm giữa lòng sông, cười nói tự nhiên. Biền hỏi họ tên. Đáp: Ta họ Tô tên Lịch. Biền lại hỏi: Nhà ở đâu? Đáp: Nhà ở sông này. Dứt lời, lấy tay đập nước bắn tung mù mịt, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. (…) Một buổi sớm khác, Biền ra đứng ở bờ sông Lô Giang, phía đông thành Đại La, thấy trận gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây trời mờ mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt bạc rực rỡ một quãng trời. Mặt trời cao ba con sào, khí mây hãy còn mù mịt, Biền rất kinh dị muốn yểm thần. Đêm nằm mộng thấy thần nhân tới nói rằng: Chớ yểm ta, ta là tinh Long Đỗ, đứng đầu các địa linh, ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp, nên tới xem đó thôi, ta có sợ gì bùa phép” [119, tr. 91]. Việc trấn yểm long mạch để làm tuyệt linh khí xứ An Nam của Cao Biền bị thần Long Đỗ phá tan; bản thân y sau thất bại đó cũng bị vua Đường triệu hồi và bị giết chết.

Những tác phẩm có nội dung kể về các miền đất, về sông núi linh dị thiêng liêng trong truyện truyền kỳ luôn gắn với các vị thần thánh, kỳ nhân. Điều đó càng khiến cho các địa danh trở nên huyền bí. Thần nhân, con người và địa vực, phong thổ, đất đai hòa quyện để tạo nên một thế giới kỳ lạ, vừa hư vừa thực, rất đặc trưng của truyện truyền kỳ.

Các truyện nói về đất đai phong thổ trong Lĩnh Nam chích quái lục tuy có nói đến những chuyện dị thường quái đản nhưng mục đích chủ yếu là muốn nhấn mạnh,

tô đậm chất “thiêng liêng”, “linh ứng” của xứ Lĩnh Nam. Điều này rất cần thiết đối với người Việt. Không phải ngẫu nhiên mà mô tip thần nhân Việt hóa giải các chiêu trò trấn yểm của các thầy địa lý, phù thủy đến từ phương Bắc luôn lặp đi lặp lại trong Lĩnh Nam chích quái lục (và ở nhiều tác phẩm khác). Hiện tượng này cho thấy một sự

thật. Trong tâm thức người Việt, việc chống đỡ các mưu mô thâm hiểm kẻ thù phương Bắc là nỗi ám ảnh thường trực. Nó đòi hỏi cần có phương sách hữu hiệu, tương thích để chống lại. Những câu chuyện về sông núi linh thiêng là một cách để vừa nuôi dưỡng, khuếch trương tinh thần dân tộc vừa đáp trả đòn phép của kẻ thù. Nó

chứng tỏ “Dấu ấn lịch sử quá trình đấu tranh sinh tồn của người Việt trong truyện truyền kỳ “linh địa” rất cụ thể. (…) Tác giả qua đây còn muốn khẳng định rằng sự

linh thiêng của nước non này không phải bỗng dưng mà có, không phải sinh xuất từ hư vô mà được hun đúc từ hồn vía, cốt nhục tổ tiên; “địa linh” thực chất là sự hiện hữu của tiền nhân, là sự che chở phù trì, cả sự âu lo của họ đối với vận mệnh của đất nước, giống nòi” [101, tr. 100].

Các miền đất thiêng trong truyện truyền kỳ còn được nhắc đến trong nhóm truyện về cảnh trí thiên tạo gồm những bãi biển, núi non, sông suối, đầm phá, hồ vịnh…Đó là những nơi mà địa danh gắn với sự tích kỳ lạ, bất thường.

Tuy cùng nói về một địa điểm, một địa danh nhưng truyện truyền kỳ lại có

điểm khác biệt quan trọng so với truyện cổ tích, truyền thuyết. Truyện truyền kỳ chủ yếu nói về những điều kỳ dị, bí hiểm, những điều đặc biệt, không thể giải thích của các nơi chốn được coi là thiêng, lạ, kỳ. Chẳng hạn các truyện về sông: “Sông Độc”, “Sông Dùng” (trong Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ)… Các chuyện về núi: “Núi Đông Liệt”, “Núi Rết”, “Núi Dục Thúy” (trong Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ); “Núi Vũ Môn”, “Núi Đồng Cổ”, “Núi Thất Diệu”, “Núi Phật Tích”, “Núi Yên Tử”, “Núi Phượng Hoàng”, “Núi Hiến”, “Núi Án Đĩnh” (trong Mẫn Hiên thuyết loại của Cao Bá Quát và Trương Quốc Dụng)… Các chuyện về hồ: “Hồ gươm” (trong Tang thương ngẫu lục); “Hồ Ba Bể” (trong Mẫn Hiên thuyết loại)… Rồi chuyện về suối: “Suối rắn”

(trong Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề); “Lôi tuyền” (trong Mẫn Hiên thuyết loại); Các chuyện về đầm, phá: “Đầm Dạ Trạch”, “Phá Tam Giang”, “Cửa Cờn”…

Đây là những thắng cảnh, hoặc những địa danh không chỉ nổi tiếng bởi cảnh quan đặc sắc mà còn vì sự kỳ quái, đầy biến ảo, huyền hoặc của nó.

Chẳng hạn truyện “Suối rắn” (Xà tuyền ký), một thiên trong Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề. Tác giả cho biết dòng suối này ở xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng.

Địa phương này vốn là miền đất thuộc Châu Ôn xứ Lạng Sơn, đến năm Giáp Dần mới cắt về Kinh Bắc. Trước đây có một dải suối nước rất lạnh từ trong núi xã Ỷ Tịch chảy ra, đi qua phía trái của xã ấy, rồi mới chảy vào sông Hóa. Trong suối có

một cái vực sâu, “ở dưới có nhiều giao long đi lại, người đi đường thường bị hại, nên gọi đó là Xà Tuyền (tục gọi là suối rắn)”. Con suối này trở nên nổi tiếng bởi một sự tích rất ly kỳ về hai cha con ở gần đó. Khi đứa con gái bị giao long hại chết, người cha đã tìm kế trả thù. Kết quả, ông đã tiêu diệt hết các giống quái vật dưới suối, đưa lại bình yên cho mọi người. Suối đã thiêng lại càng thiêng vì có uy linh của con người bảo trợ: “Người cha hiện nay là đại thần của bản thổ, hiệu là Ngọc Tự Đại Vương, còn người con gái cũng rất linh ứng. Nhân bên núi có đá, người trong ấp đục lõm vào làm đền thờ. Dưới núi có phiến đá phẳng như chiếc chiếu, vuông vức và nhẵn nhụi, như tự trời làm cho. Người ta có việc gì tranh chấp, đến đây để thề, kẻ gian tất bị lộ, người ngay nhận bồi thường rồi về. Bên đường có một cái miếu, hành khách qua lại, nhiều người dâng cúng vàng bạc. Xe kiệu đi qua, tất phải dừng lại, xuống đi bộ” [23, tr. 66].

Có thể thấy, đặc điểm chung của truyện kể về các miền đất thiêng trong loại hình truyền kỳ là sự hòa quyện giữa Thần - Người - Đất. Địa “linh” là bởi có các sự tích, tình tiết “kỳ”, dị” của thần, nhân góp vào. Đó là mô thức khá thống nhất cho truyện kể về các miền đất, từ sông, suối, chằm, vịnh cho đến núi đồi, gò bãi…

3.1.2.2. Truyện về các “danh lam cổ tự”

Trong tiếng Việt, “danh lam cổ tự” có thể hiểu theo nghĩa rộng hay hẹp tùy hoàn cảnh. Ở đây chúng tôi dùng nó như một thành ngữ, một cách biểu đạt bao quát, mang tính ẩn dụ về mọi công trình kiến trúc, thành tựu lao động của con người. Nói “danh lam cổ tự” hẳn nhiên phải là ngôi chùa nổi danh, ngôi chùa xưa cũ nhưng rộng hơn là để chỉ chung mọi thứ đền miếu, chùa chiền, thành lũy… nổi tiếng.

Mảng truyện truyền kỳ chủ đề “danh lam cổ tự” cũng phong phú không kém chuyện “địa linh nhân kiệt”. Có thể kể ra hàng loạt tên truyện thuộc chủ đề này.

Chẳng hạn, về chùa: có “Chùa Tiên Tích”, “Chùa Sùng Phúc”,“Chùa Thiên Mụ”,

“Chùa Kim Liên” trong Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ;

“Chùa Pháp Vân” trong Mẫn Hiên thuyết loại của Cao Bá Quát và Trương Quốc Dụng; “Chùa Quang Minh ở Hậu Bổng” trong Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề… Đền miếu: “Đền Trấn Võ”, “Đền Linh Lang” trong Tang thương ngẫu lục;

“Đền Bạch Mã”, “Đền Trấn Thiên Chân Vũ”, “Chùa Pháp Vân”, “Đền Phạm Sứ

Quân”, “Đền Từ tiết phụ” trong Mẫn Hiên thuyết loại… Rồi những “Thành cũ Triều Khẩu”, “Tháp Tụ Chàng” Có thể nói rằng, có cả một “mạch” truyện truyền kỳ theo chủ đề danh lam cổ tự với những tính chất, đặc điểm riêng. Cũng giống như mảng truyện về các miền đất thiêng, truyện về các di tích, danh lam cổ tự đặc sắc ở giá trị tinh thần. Đó là một sự kết hợp rất độc đáo giữa giá trị cảnh quan, giá trị kiến trúc với những điều kỳ lạ, huyền diệu, mang đậm yếu tố tâm linh ở các thực thể văn hóa này. Sự gắn kết đó chặt chẽ đến mức không thể tách bạch các giá trị của di sản vật thể và “phi vật thể” một cách rạch ròi được.

Truyện “Chùa Sùng Phúc” trong Mẫn Hiên thuyết loại của Cao Bá Quát và

Trương Quốc Dụng kể lai lịch một ngôi chùa, trong đó có đồ vật thiêng là quả

chuông đồng. Có điều lạ là hằng đêm, quả chuông bay xuống đầm nước bên cạnh ngôi chùa để đánh nhau với một con rồng. Cuộc đấu rất dữ dội, “con rồng quấn lấy chuông, thoắt chìm, thoắt nổi, nước đầm sôi sục”. Cuộc đấu giữa đồ vật và con vật liên tục như vậy sau tám, chín ngày thì quả chuông bỗng nhiên biến mất và người ta cũng không thấy bóng dáng con rồng ở trong đầm nữa. Cũng vì sự tích đó mà đầm được gọi là Đầm Chuông. Về sau có người lái buôn từ châu Thái Bình (Trung Quốc) sang ta buôn bán cho biết quả chuông chùa Sùng Phúc không mất mà trôi ngược theo sông Long Châu, lên đến bãi Hắc Hà, thuộc châu Thái Bình thì dừng lại.

Viên quan châu “sai thợ phá quả chuông ấy đi, thì thấy trên thân chuông mồ hôi thoát ra như mưa, tiếng kêu như sấm. Người ta sợ không dám phá chuông nữa, đem treo ở đền khác. Dân địa phương đến tận nơi để nhận chuông, thì đúng là quả

chuông chùa Sùng Khánh” [122, tr. 123]. Như vậy, ngôi chùa Sùng Phúc trở nên linh diệu là bởi liên quan đến sự tích một sự vật (quả chuông) đặc biệt.

Cũng có nhiều trường hợp di tích trở nên nổi tiếng không phải do vật linh mà

vì liên quan đến con người. Chẳng hạn truyện “Tháp Báo Ân” trong Lan Trì kiến văn lục. “Tháp ở xã Bình Quân huyện Cẩm Giàng. Quanh tháp không có chùa quán, chân tháp không có bi ký, không thể khảo xét dấu vết chân thực của tháp” [163, tr. 140].

Tuy vậy, ngôi tháp này lại rất nổi tiếng bởi nó liên quan đến một cuộc tình đầy ngang trái giữa cô gái mắc bệnh hủi và người học trò Kinh Môn. Tình tiết đặc sắc của truyện chính là việc chàng Sinh được lấy đỗ, dù bài thi của chàng rất kém. Sở dĩ chàng đỗ là

vì vị quan nội hàn chấm thi không thể bỏ qua lời cầu xin thống thiết của một người nữ không hề quen biết luôn ám ảnh ông trong thời gian chấm thi. Sau ngày thi đỗ, chàng Sinh đã đền đáp ân nghĩa bằng cách xây ngôi tháp. Đó cũng là chứng tích về

lòng biết ơn của chàng đối với người nữ bạc mệnh nhưng giàu lòng trắc ẩn.

Rõ ràng là danh tiếng của một di tích (ở đây là đền tháp, miếu chùa) luôn được sự cộng hưởng từ huyền thoại, truyền thuyết. Nói cách khác, chính màn sương khói vừa hư vừa thực của các câu chuyện về nhân, thần đã góp phần tạo ra giá trị

văn hóa của danh lam thắng tích. Rất nhiều trường hợp, chính cái phần huyễn hoặc đó mới thực sự là điều quan trọng, làm nên sự nổi danh chứ không phải phần “vật thể” của di tích. Công trình kiến trúc có thể không nguy nga đường bệ, không thật tinh xảo cầu kỳ, thế nhưng chính huyền thoại sẽ bù đắp vào, làm tăng giá trị “phi vật thể” của nó.

Chuyện về các công trình mang tính tín ngưỡng, tôn giáo và các nhà tu hành nổi tiếng là một mảng đề tài rất phong phú và cũng rất độc đáo của loại hình truyện truyền kỳ. Tiêu biểu nhất là các truyện trong hai bộ sách Thiền uyển tập anh ngữ lục và Tam tổ thực lục.

Thực tế là nếu xét riêng về nhân vật thì chuyện về các nhà tu hành hoàn toàn có thể xếp vào mục “danh nhân”. Bởi trong giới thiền sư có rất nhiều vị xuất sắc, nức tiếng muôn đời nếu kể về tài năng, phẩm hạnh. Tuy nhiên cuộc đời của họ thường bó hẹp trong môi trường sống đặc thù, chủ yếu giới hạn trong phạm vi chốn thiền môn. Không chỉ lúc sống mà cả khi đã viên tịch, thân xác họ cũng thuộc về cõi thiền. Hơn nữa, như đã nói ở trên, danh lam cổ tự và sự tích thiền sư là hai yếu tố luôn liên quan với nhau. Chuyện sinh xuất, đạo hạnh, phép thuật, ngôn hành, tịch diệt kỳ lạ của một vị cao tăng không bao giờ tách bạch khỏi nơi

Một phần của tài liệu Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ việt nam (Trang 88 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)