Hình tượng nhân vật trong truyện truyền kỳ

Một phần của tài liệu Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ việt nam (Trang 120 - 125)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

4.2. PHƯƠNG THỨC XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN TRUYỀN KỲ

4.2.1. Hình tượng nhân vật trong truyện truyền kỳ

Phân tích, tìm hiểu để khái quát nên quy tắc xây dựng hình tượng nhân vật trong truyện truyền kỳ là điều hết sức khó khăn. Bởi đây là một tập hợp nhiều kiểu dạng tác phẩm khác nhau; có tác phẩm thuộc văn học chức năng, có tác phẩm hư cấu, có tác phẩm phi hư cấu… Mỗi kiểu dạng như thế, tác giả thường sử dụng

những nguyên tắc, thủ pháp, kỹ thuật xây dựng hình tượng nhân vật riêng. Hơn nữa, số lượng, chủng loại nhân - vật trong loại hình truyện truyền kỳ rất nhiều, cho nên thật khó để có thể phác vẽ ra một diện mạo nhân vật chung. Tuy nhiên, qua khảo sát cụ thể, chúng tôi nhận thấy dù số lượng phong phú, tính cách đa dạng như vậy, nhưng nhân vật trong truyện truyền kỳ lại được mô tả theo một số mô thức, khuôn mẫu nhất định, tùy thuộc nguồn gốc và hoạt động của chúng. Điều đó cho phép người nghiên cứu có thể đề cập đến đặc điểm hình tượng nhân vật trong truyện truyền kỳ bằng cách phân chia thành từng nhóm.

Trước tiên, xin được nói đến các vị Thần, Thánh, Tiên, Đạo sĩ… (gọi chung là “nhân vật Thần Tiên”) trong truyện truyền kỳ. Đã là Thần Tiên thì đương nhiên nhân vật phải khác thường, phi thường. Tuy vậy điều lý thú ở đây là chúng được xây dựng trên nguyên tắc “phỏng” theo con người chứ không phải tùy hứng, tùy tiện. Thành thử chân dung của Thần Tiên luôn luôn được mô tả dưới hình dáng con người và hành vi của họ cũng mang đặc tính của con người. Chẳng hạn các vị thần, thánh trong Lĩnh Nam chích quái lục đều có diện mạo và cách hành xử y hệt người phàm trần. Thần sông Tô Lịch có dạng hình một “cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo dị kỳ”; hành vi của Thần cũng bình dị, “tắm ở giữa dòng sông, cười nói tự nhiên”.

Thần Kim Quy (trong truyện “Rùa vàng”) cũng là một cụ già. Thần núi Tản Viên lại hóa thân trong hình dạng một chàng trai tuấn tú (đi cầu hôn con gái vua Hùng)…

Trong Lan Trì kiến văn lục, nhân vật Tiên Ông trên đảo ở châu Vạn Ninh, Quảng Yên là “hai cụ già đang đánh cờ” trên một phiến đá rộng rãi. Bên cạnh hai vị là

“đứa hầu nhỏ pha trà” (đương nhiên cũng là Tiên - Tiên Đồng). Nhân vật Tiên Ăn Mày (trong truyện cùng tên) là một người “già nua gầy còm, mặt đầy dỉ mắt dỉ mũi, người tanh tưởi hôi hám, nhớt dãi nhổ đầy, đang nằm còng queo trước nhà”. Truyện

“Ông Sư Tiên núi Nưa” trong Sơn cư tạp thuật cũng kể về một ông tiên nhưng trong vai một nhà sư. Vì là nhà sư cho nên y phục cũng giản dị, di chuyển trên đường núi rất vất vả, “người bê bết bùn đất”… như mọi ông sư bình thường khác.

Khi nói thần tiên trong truyện truyền kỳ luôn mang diện mạo của người thường thì đó chỉ là cách nói có tính khái quát, như một sự mặc định về đặc điểm nhân vật. Bởi vì nhìn chung thì các nhân vật trong nhóm này hầu như không được mô

tả rõ ràng; chân dung nhân vật thường được phác thảo hết sức sơ sài như một số ví dụ vừa dẫn ở trên. Nhiều nhân vật chỉ có tên gọi (Tiên Ông), một lối định danh mang tính chất phiếm chỉ chứ hoàn toàn không có đường nét cụ thể và tác giả cũng không thêm chi tiết ngoại mạo nào. Chẳng hạn các nhân vật trong truyện “Ông Tiên Đông Thành” (Thoái thực ký văn, Trương Quốc Dụng), “Chân nhân Phạm Viên” (Nam thiên trân dị tập, Khuyết danh)… Nhân vật chỉ mang một cái tên chung chung là

Tiên, Đạo sĩ, ngoài ra không có bất cứ lời mô tả nào kèm theo.

Tuy nhiên, có điều đáng lưu ý là nếu nhân vật thần tiên thuộc phái nữ thì các tác giả truyện truyền kỳ lại có phương thức xử lý hoàn toàn khác. Hầu hết các nhân vật tiên nữ đều được mô tả dung nhan với những đường nét, những chi tiết cụ thể hơn. Chẳng hạn, Giáng Kiều trong “Bích Câu kỳ ngộ” (Truyền kỳ tân phả) được mô tả rõ ràng: “người trạc độ mười bảy mười tám tuổi, mày lá liễu, má hoa đào, ăn mặc gọn gàng (…) cốt cách như ngọc, da dẻ trắng ngần, vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành” [33, tr. 143]. Nhân vật Giáng Hương trong truyện “Từ Thức lấy vợ tiên”

(Truyền kỳ mạn lục) cũng vậy. Tuy tác giả chỉ tả ngắn gọn là “cô con gái, tuổi độ

15, 16 phấn son điểm phớt, nhan sắc xinh đẹp tuyệt vời, đến hội ấy xem hoa” song suốt toàn truyện, chân dung nàng còn tiếp tục được diễn tả bằng các chi tiết từ các bài thơ xướng họa về cảnh trí cõi tiên bổ trợ thêm. Cách thức mô tả tiên nữ như vậy không phải ngẫu nhiên mà có lý do. Nhan sắc của họ cũng là một yếu tố quan trọng, thậm chí nhiều khi có ý nghĩa quyết định tới các diễn biến trong truyện.

Một kiểu nhân vật quan trọng khác trong truyện truyền kỳ là yêu quái. So với kiểu nhân vật thần tiên, nhân vật yêu quái được mô tả theo một nguyên tắc khác. Đa số nhân vật yêu tinh, quỷ quái đều hiện hình dưới dạng nữ nhân và thường là trẻ tuổi. Chân dung kiểu nhân vật này được mô tả bằng nhiều chi tiết, hành vi cũng rất cụ thể và luôn biến ảo khó lường. Chẳng hạn nhân vật Ma Nữ trong truyện “Ma cổ thụ” (Lan Trì kiến văn lục) hiện lên trong chân dung một thiếu phụ “ăn mặc lộng lẫy, nhan sắc xinh tươi”. Nhân vật yêu nữ ở truyện “Yêu quái Xương Giang” (trong Truyền kỳ mạn lục), có dáng vẻ lạ lùng và hành tích khác thường: “Bấy giờ trăng tỏ sao thưa, bốn bề im lặng, chợt nghe thấy ở mỏm bãi cát đàng phía đông nam, có

tiếng khóc rất ai oán. Chèo thuyền đến xem, thấy một người con gái tuổi mười bảy,

mười tám, mặc một cái áo lụa đỏ, đang ngồi trên nệm cỏ” [91, tr. 261]; nhân vật ma nữ trong “Truyện Cây gạo” cũng là một “người con gái xinh đẹp”; rồi các nữ nhân vật trong “Cuộc kỳ ngộ ở Trại Tây” với những nàng Đào, nàng Liễu vốn là yêu tinh do các giống hoa hóa thân mà thành cho nên rất xinh đẹp; các yêu nữ này luôn tìm tìm cách quyến rũ chàng học trò. Đặc biệt, Công chúa Mộng Trang trong truyện

“Hoa quốc kỳ duyên” (Thành Tông di thảo), vốn là yêu tinh (loài bươm bướm) được mô tả khá kỹ, với rất nhiều chi tiết: “tuyết hờn thua trắng ngọc thẹn kém trong, ngón tay bút măng thon thon, hàm răng hạt bầu nho nhỏ. Nếu không là gái dưới trăng Dao Đài thì cũng là tiên trên núi Quần Ngọc, trần gian làm gì có người như vậy. Song nhìn kỹ, sau lần áo lót mình, Sinh thấy ở bụng Mộng Trang có nhiều ngấn ngang, có điều đấy là hơi lạ” [91, tr. 168]. Các yêu nữ, ma nữ đều được mô tả

là những nữ nhân xinh đẹp, đài các. Dường như lối mô tả này cũng có ẩn ý về sự

che đậy cái xấu, cái ác dưới lốt vỏ mê hoặc vẫn thường xảy ra ở cuộc đời thực.

Trong khi nhân vật Thần Tiên được nhà văn thể hiện “như con người” thì đối với nhân vật vốn là kẻ sinh ở cõi trần trong truyện truyền kỳ (các “kỳ nhân”, “danh nhân”) lại được mô tả theo một thủ pháp hoàn toàn khác. Các danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa thường xuất hiện với điểm phi phàm, khác lạ so với đồng loại.

Mọi nhân vật truyền kỳ, từ vua chúa, anh hùng, hào kiệt cho đến nho sĩ trí thức, tăng lữ… đều có những điểm gì đó khác biệt. Chẳng hạn được sinh xuất một cách kỳ lạ, hình tướng lạ, năng lực siêu phàm… Nhân vật Phùng Hưng (Việt điện u linh tập), người được triều Trần sách phong Phu Hựu Đại Vương, được mô tả: “Vương giàu có, tính kiêu dũng, sức có thể bắt cọp, vật trâu”…

Không chỉ đế vương mà ngay cả hình tượng nhà Nho cũng được tác giả chú trọng khai thác những tình tiết khác lạ. Chẳng hạn Thượng thư Lê Hữu Khánh (trong tập Công dư tiệp ký), một trí thức rất nổi tiếng dưới thời Lê, được mô tả như sau: “Hữu Khánh mười ba tuổi đã biết làm văn, lớn lên ăn rất khỏe, mỗi bữa ăn gấp mấy người thường, mẹ đành phải nhịn đói để cho con được no (…) Ông ngồi ở chỗ mũi thuyền ăn ngay một lúc hết luôn cả sáu bảy chục phẩm, khiến những người cùng thuyền ai cũng kinh ngạc (…) Ông vác ngay con dao lớn xuống ruộng, phát lấy phát để, chưa tới giờ ngọ mà năm mẫu ruộng đều đã sạch quang. Rồi ông lên

chỗ gốc cây đánh một giấc, ngáy vang như sấm. Giữa lúc ấy thì bà lão và người nhà

cũng vừa gánh cơm ra tới, đánh thức ông dậy. Ông ngồi lên ăn liền một lúc hết cả

gánh cơm” [23, tr. 20-21]. Những tình tiết liên quan đến nết ăn phi phàm của Lê Hữu Khánh cũng khá giống với nhân vật Lê Như Hổ. Nói chung, tác giả truyện truyền kỳ rất chú ý đến những chi tiết lạ lùng như vậy và luôn “đặc tả” kỹ lưỡng. Lê Như Hổ nhà nghèo không đủ cơm ăn đành phải đi gửi rể. Ở nhà vợ, ông không chịu học hành, không chịu làm việc gì vì họ không biết tính nết chàng rể nên cho ăn không đủ no. Chỉ đến khi nhà vợ dò biết sự tình, thay đổi chế độ ăn uống thì mọi chuyện khác hẳn. Được ăn uống thỏa thích, ông học thâu đêm. Ban ngày ra đồng, ông làm việc bằng cả tốp người làm mướn. Ông đến làm khách nhà bạn, một mình ăn hết ba nồi cơm và bốn năm mâm thức ăn dành cho ba mươi người...

Những tình tiết kỳ dị như vừa kể, rõ ràng không thể có ở người bình thường.

Tuy nhiên, chính sự phi phàm nhiều khi đến mức phi lý như vậy lại là điều cần thiết trong việc mô tả nhân vật truyền kỳ. Đây là thủ pháp nhằm để “lạ hóa” những nhân vật vốn xuất thân từ quần chúng. Có thể nói hầu hết mọi nhân vật đều được mô tả theo

“quy tắc” như vậy. Nhất là đối với các nhân vật thiền sư, người tu hành thì việc sử dụng yếu tố linh dị, khác thường để mô tả đã trở thành công thức.

Khi mô tả nhân vật thiền sư, tác giả truyện truyền kỳ luôn tuân thủ công thức

“3 điều kỳ lạ”. Đó là sinh ra kỳ lạ - hành động kỳ lạ - viên tịch kỳ lạ. Chẳng hạn trong truyện Thiền sư Ngộ Ấn, việc ông ra đời thật lạ. Mẹ ông ngồi dệt vải thì có

con khỉ lớn từ trong rừng ra ôm lưng suốt một ngày rồi bỏ đi, sau đó bà có mang sinh ra ông. Lúc ông chào đời, tướng mạo xấu xí. Người mẹ đưa bỏ trong rừng. Nhờ có nhà sư Chiêm Thành nuôi dưỡng, ông mới nên người. Lớn lên, sư Ngộ Ấn là

người cực kỳ thông minh, học rộng biết nhiều, tinh thông Phật giáo, biết nhiều thứ

tiếng. Cái chết của sư cũng rất khác thường. Truyện viết, “Ngày 14 tháng 6 năm Quảng Hựu thứ tư (1088), khi sắp thị tịch, sư đọc lời kệ (…) Đọc xong sư thanh thản qua đời, thọ 69 tuổi” [91, tr. 67]. Các nhà tu hành trong Thiền uyển tập anh ngữ lục, Tam Tổ thực lục vốn là người thuộc cõi trần nhưng luôn được tác giả mô tả

bằng những chi tiết, tình tiết đặc biệt như vậy.

Nhìn chung, cách thức xây dựng hình tượng nhân vật trong truyện truyền kỳ đã được các tác giả thực hiện theo những nguyên tắc thống nhất. Tuy nhiên mỗi nhóm nhân vật lại có những đặc điểm riêng. Miêu tả Thần Tiên khác với kỳ nhân, dị

nhân, lại cũng khác cách mô tả về yêu tinh, ma quỷ… Điều đó tạo nên nét đặc sắc của hình tượng nhân vật trong loại hình truyện truyền kỳ.

Một phần của tài liệu Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ việt nam (Trang 120 - 125)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)