Nguồn gốc và giá trị của truyện truyền kỳ Việt Nam

Một phần của tài liệu Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ việt nam (Trang 41 - 53)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

2.1. TRUYỆN TRUYỀN KỲ - MỘT LOẠI HÌNH VĂN HỌC

2.1.2. Nguồn gốc và giá trị của truyện truyền kỳ Việt Nam

Cũng giống như các thành tựu văn hóa, văn học khác, sự xuất hiện của truyện truyền kỳ Việt Nam là do đòi hỏi của đời sống, do nhu cầu thực tế của cộng đồng. Tuy nhiên, đó là nói về mặt nguyên lý, nguyên tắc. Trên thực tế, để chỉ ra một cách cụ thể những lý do ra đời của truyện truyền kỳ là điều hết sức khó khăn. Từ hàng thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đã cố gắng để tìm hiểu điều này và đã đưa ra những nhận định rất khác nhau. Tựu trung, có hai xu hướng chính. Một xu hướng cho rằng truyện truyền kỳ Việt Nam bắt nguồn từ truyện “chí quái chí dị” của Trung Hoa và một xu hướng khác, khẳng định loại hình

văn học này là thành tựu có tính tổng hợp của quá trình tiếp biến, sáng tạo lâu dài của các nhà Nho Việt Nam trên nền tảng văn hóa, văn học dân gian bản địa.

Cách lý giải truyện truyền kỳ Việt là phiên bản truyện “kỳ”, “quái” của Trung Quốc vốn được một số nhà Nho nêu ra từ nhiều thế kỷ trước. Quan niệm này xuất phát từ chỗ coi văn học Trung Quốc là “nguồn”/ “trung tâm”, có vai trò chi phối đối với văn học Việt Nam. Luận điểm này tồn tại rất dai dẳng trong giới nghiên cứu; được khá nhiều nhà chuyên môn trong nước và nước ngoài lựa chọn làm cơ sở nhận thức.

Tác giả Trần Ích Nguyên (陳益源) là một ví dụ. Vị học giả người Đài Loan (Trung Quốc) này công bố nhiều công trình nghiên cứu truyện truyền kỳ, trong đó

có bàn cụ thể về nguồn gốc truyện truyền kỳ Việt Nam. Theo tác giả thì kiểu truyện như thế này có nguồn gốc từ Trung Quốc và nó được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Đó là mô phỏng truyện thần thoại, truyện chí quái trên các phương diện đề tài, cốt truyện, kết cấu, hình tượng… (từ văn học Lục triều); hoặc xuất phát từ thơ văn, truyện ký trong văn học cổ điển Trung Hoa (với các ngữ liệu, điển cố rất phổ biến trong các tác phẩm văn học); cũng có thể từ những ghi chép, thư tịch hoá

các truyền thuyết dân gian… Tất nhiên, không loại trừ khả năng sáng tạo, hư cấu của các tác giả. Nói chung, thể loại truyện truyền kỳ đã có mầm mống từ thời Hán, Ngụy, Lục triều. Tên gọi của nó cũng có nhiều sự thay đổi. Lúc đầu dạng truyện này được gọi theo nhiều tên như truyện chí nhân/ chí quái/ chí dị… Đến thời vãn Đường nó được gọi là truyện truyền kỳ và trở thành tên gọi chính thức. Truyện truyền kỳ Trung Quốc có tầm quan trọng rất lớn đối với việc hình thành truyện cũng như giữ vai trò dẫn dắt, chi phối văn học truyền kỳ của một số nước ở khu vực Đông Á (như Nhật Bản, Triều Tiên) và Đông Nam Á (chủ yếu là Việt Nam). Với quan niệm như vậy, qua nghiên cứu so sánh hai tác phẩm Tiễn đăng tân thoại và

Truyền kỳ mạn lục như các trường hợp tiêu biểu, tác giả đưa ra luận điểm truyện truyền kỳ Việt Nam được bắt nguồn từ văn học Trung Quốc, là một “nhánh” phái sinh từ văn học Trung Quốc.

Lập luận của học giả Trần Ích Nguyên về nguồn gốc truyện truyền kỳ Việt Nam không phải là không có cơ sở. Luận điểm đó về cơ bản được triển khai trên

nền tảng quan niệm “dĩ Trung vi bản” (以中為本) trong nghiên cứu văn hóa Đông Phương. Khi tìm hiểu, đánh giá các nền văn hóa, văn học khác trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á, người ta thường lấy Trung Hoa như là căn cứ (“gốc”) để làm hệ

quy chiếu. Do văn học Trung Hoa xuất hiện từ rất sớm, có quá trình phát triển lâu đời, nhiều thành tựu vượt trội cho nên tầm ảnh hưởng, sức hấp dẫn của nó đối với văn học khu vực là điều hiển nhiên. Bên cạnh đó, sự chi phối của các yếu tố ngoài văn học đối với các nền văn học bị lệ thuộc cũng rất đáng kể. Chẳng hạn sự tương đồng về mô thức chính trị, xã hội; ảnh hưởng của phương thức thi cử, tuyển trạch nhân tài; tác động của chính sách đồng hóa, Hán hóa… Những yếu tố ấy đã tạo áp lực, tuy gián tiếp, nhưng rất lớn, khiến cho văn học các nước lân bang khó cưỡng lại, khó thoát ra khỏi quỹ đạo của văn học “thiên triều”. Cho nên việc các nhà Nho Việt Nam học tập, mô phỏng, sử dụng khuôn mẫu, điển phạm văn chương Trung Hoa để xây dựng nền văn học dân tộc cũng là lẽ thường.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên cơ sở như vậy để rồi khái quát rằng văn học Việt Nam là “bản sao” của văn học Trung Hoa, truyện truyền kỳ của người Việt có

nguồn gốc Trung Hoa thì lại không thỏa đáng. Thậm chí với một trường hợp cụ thể như Truyền kỳ mạn lục mà coi là “phiên bản” của Tiễn đăng tân thoại thì rõ ràng là

không đúng. Bởi vì văn hóa, văn học của các dân tộc, các cộng đồng luôn tồn tại và

phát triển trong sự tương tác, giao lưu với nhau. Không phải đến thời hiện đại mà

ngay từ thời trung đại đã như thế, dù mức độ có khác nhau ít nhiều. Mối quan hệ

của chúng diễn tiến rất phức tạp chứ không đơn giản theo lối phát tán - tiếp thu giữa nền văn học “lớn” và “bé”, “cựu” và “tân”... Đưa ra kết luận mang tính khái quát như thế về một thể loại, một loại hình đã rất khó thuyết phục mà mở rộng đến cả

nền văn học thì càng khó tránh khỏi sai lầm. Đó là chưa tính đến việc coi “truyện truyền kỳ” chỉ là các tác phẩm có yếu tố “kỳ”/ “quái”/ “dị” thì trước đối tượng truyện truyền kỳ Việt Nam, việc nhận thức sẽ rất khó khăn. Điều này đã được chúng tôi trình bày ở phần trước.

Không thể phủ nhận hiện tượng “tương thích”, “tương đồng” của hai nền văn học Việt - Trung trên nhiều phương diện, cũng không thể không nhận thấy bóng dáng, ảnh hưởng của truyện truyền kỳ Trung Hoa đối với truyện truyền kỳ Việt Nam.

Tâm lý ngưỡng mộ, thái độ khiêm tốn, cầu thị đối với các trường hợp cụ thể của văn học Trung Hoa, coi đó là những mẫu mực mà giới văn nhân người Việt hướng đến là

có thật. Song bất chấp tất cả những biểu hiện đó, văn hóa - văn học Việt nói chung, truyện truyền kỳ nói riêng vận hành theo quy luật đặc thù chứ không phải là bản sao của văn chương Trung Quốc. Đúng như phân tích của Nguyễn Phong Nam: “… Ngay từ trong căn cốt, bản chất của văn học Việt đã “thoát Hán” rồi; nó có vay mượn, mô phỏng nhưng xu thế là vượt thoát, chống “Hán hóa” chứ không phải lặp lại, rập theo.

Tuy nhiên, với tư cách một nền văn học ra đời muộn hơn, lại rơi vào tương quan “bất đối xứng” trong quá trình tiếp xúc, nên văn học Việt, một cách tự nhiên, luôn bị “hút”

về phía “khuôn mẫu Trung Quốc”. Hiện tượng này diễn ra vừa rộng khắp, trên “toàn tuyến” của “mặt trận” văn học, vừa len lỏi vào trong từng bộ phận, từng loại hình, từng thể loại cụ thể. Tất nhiên là không đồng đều, mức độ đậm nhạt có khác nhau tùy theo đặc điểm của mỗi kiểu dạng văn học. Truyện truyền kỳ Việt Nam như đã nói, bản thân nó là một tập hợp rất đa dạng nhiều kiểu loại với những hình thái rất khác nhau. Sự khác biệt này bắt nguồn từ hoàn cảnh ra đời, từ mục đích, từ chức năng…

và cả sự lựa chọn của chính tác giả về mô hình tác phẩm” [101, tr. 127-128].

Có thể chỉ ra những điểm dị biệt giữa loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam so với truyện (kỳ, quái, dị) Trung Quốc trên các phương diện chủ yếu như nội dung, giá trị, tính năng… một cách dễ dàng. Chẳng hạn, trong văn học Trung Quốc, những nội dung mang tính lịch sử về cơ bản, không phải là nhiệm vụ chính của truyện truyền kỳ mà thường được thể hiện bằng các tác phẩm thuộc phạm trù văn học chức năng khác. Hoặc để phản ánh thế giới thần linh thì đã có hệ thống các truyện thần thoại, những thứ khác hẳn so với “truyền kỳ”, “chí quái”, “chí dị”. Nói cách khác, trong văn học truyền thống, văn học cổ điển Trung Quốc, tính chuyên biệt của thể loại rất cao, chức năng rất rõ ràng. Trong khi đối với văn học Việt Nam thì đặc điểm dễ nhận thấy lại là tính dung hợp, “đa năng”, “đa dụng”…

Rõ ràng luận điểm coi truyện truyền kỳ Việt Nam bắt nguồn từ văn học truyền kỳ Trung Quốc là sơ lược, phiến diện. Truyện truyền kỳ Việt Nam tuy gần gũi với các truyện kể về những điều kỳ lạ, dị thường, quái đản… nhưng nó là loại hình văn học với những đặc điểm riêng trên nhiều phương diện như nội dung, hình

thức, giá trị... Nguồn gốc sinh thành, con đường vận động, phát triển của nó do vậy cũng có những nét đặc thù.

Nguồn gốc truyện truyền kỳ của người Việt chủ yếu dựa trên nền tảng văn hóa bản địa. Đây là các tác phẩm văn xuôi tự sự được nhà Nho tiếp thu và nâng cao từ các dạng thức truyện kể dân gian. Tuy có phần chịu ảnh hưởng văn học cổ điển Trung Hoa, nhưng quá trình hình thành, phát triển truyện truyền kỳ luôn gắn liền với hiện thực của xã hội Việt Nam, với nền văn học dân tộc. Mối quan hệ giữa truyện truyền kỳ (một bộ phận của văn học trung đại) và văn hóa dân gian, nói như Nguyễn Đăng Na, “một mặt kế thừa các giá trị tinh thần thiêng liêng trong văn học dân gian, mặt khác phản ánh toàn diện tư duy, quan niệm của con người Việt Nam trong suốt mười thế kỷ tồn tại xã hội phong kiến (…) tạo nên màu sắc dân tộc đậm đà của nó, làm cho truyện truyền kỳ Việt Nam khác với truyện truyền kỳ của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc” [91, tr. 45].

Do tiếp thu, tiếp biến nguồn mạch dân gian cho nên sự tương đồng trên một mức độ nào đó giữa truyện truyền kỳ Việt Nam với truyện Trung Quốc cũng là điều tất yếu. Bởi vì niềm tin vào thế giới “bên kia”, nơi các vị thần linh cùng ma quỷ đang tồn tại song song với thế giới thực tại, vốn là tín ngưỡng phổ biến của nhân loại chứ

không riêng dân tộc nào. Những truyện xoay quanh mối quan hệ đời thường, thế sự

giữa con người với thần tiên, ma quỷ một mặt bộc lộ quan niệm của người Việt về

một thế giới khác, cõi khác; mặt khác, nó cũng thể hiện một cách sinh động, cụ thể nguyên tắc ứng xử của họ với những thế lực đặc biệt này.

Xem xét các tác phẩm truyền kỳ Việt Nam có thể nhận thấy “chất” dân gian trong đó rất đậm nét. Điều này thể hiện qua các yếu tố như đề tài, chủ đề, cốt truyện, mô tip... Rất nhiều truyện truyền kỳ lấy đề tài, chủ đề, sự tích từ cổ tích, truyền thuyết, dã sử, giai thoại dân gian... Chuyện hôn phối giữa người với vật như cá, cóc, khỉ, vượn… trong cổ tích chẳng hạn, được lặp lại khá dày đặc trong truyện truyền kỳ. Có thể kể đến các truyện “Tân Lang truyện”, “Tây qua truyện”, “Kim Quy truyện”, “Tản Viên sơn truyện”, “Hà Ô Lôi truyện” (trong Lĩnh Nam chích quái lục), “Truyện Từ Thức” (trong Truyền kỳ mạn lục), “Dương phu truyện” (trong Thánh Tông di thảo)...

Tất nhiên, từ cốt truyện cổ tích đến truyện truyền kỳ là một bước phát triển dài về tư duy nghệ thuật và kéo theo là sự thay đổi về giá trị, ý nghĩa của tác phẩm.

Ví như “Dương phu truyện” (“Truyện chồng dê” trong Thánh Tông di thảo), tuy cũng nói chuyện hôn nhân người - vật như trong cổ tích, song tư tưởng, triết lý của hai truyện rất khác nhau. Điểm khác biệt quan trọng nằm ở chỗ “Dương phu truyện”

thể hiện cá tính sáng tạo, quan niệm nghệ thuật của cá nhân, trong khi truyện dân gian là sự đúc kết, minh triết tư tưởng “ở hiền gặp lành” của cộng đồng. Nói chung, câu chuyện người vợ xinh đẹp, tài giỏi lấy chồng (là các con vật, đồ vật như cóc, cá, sọ dừa…) trong truyện kể dân gian chủ yếu minh họa cho triết lý “nhân - quả” mang tính phổ quát, trong khi kiểu tác phẩm như “Dương phu truyện” hướng nhiều hơn đến chủ nghĩa nhân văn, tinh thần lãng mạn qua cách nhìn, cách tư duy có tính chất riêng tư của tác giả. Hơn nữa, giữa câu chuyện “Lấy chồng dê” trong văn học dân gian và “Dương phu truyện” trong Thánh Tông di thảo còn có sự khác biệt khá rõ

về nhiều điểm, nhất là ở phương thức thể hiện, thủ pháp nghệ thuật.

Cũng nói về mối liên quan giữa truyện cổ tích và truyện truyền kỳ, có thể dẫn thêm các trường hợp khác như “Tiên ăn mày”, “Sống lại” trong Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh. So sánh truyện của Vũ Trinh và truyện kể dân gian, có thể thấy nhân vật, sự kiện về cơ bản là giống nhau. Đây là các truyện được tác giả “tân biên” trên cơ sở truyện cổ tích “Hai anh em”, “Anh chàng họ Đào” (truyện do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, đặt tên).

Như chúng tôi đã trình bày, tư tưởng, triết lý ở truyện kể dân gian và truyện truyền kỳ thường là khác nhau, dù các yếu tố thuộc cốt truyện (nhân vật, sự kiện) có

vẻ giống nhau. Nếu như truyện kể dân gian chủ yếu hướng đến mục tiêu “khuyến thiện trừng ác”, coi trọng chức năng giáo huấn đạo lý, hoặc nhằm giải thích các hiện tượng tự nhiên, xã hội… thì nhiệm vụ của truyện truyền kỳ khác hẳn. Việc trình bày nguồn gốc, lai lịch một di tích, một sự kiện, một địa danh… không phải là mục đích chính của truyện truyền kỳ; giá trị chủ yếu của nó cũng không phải chỗ đó.

Mối liên hệ mang tính chất nguồn cội giữa truyện truyền kỳ và văn học dân gian còn thể hiện qua cách thức sử dụng các mô tip phổ biến. Chẳng hạn mô tip tiên nữ ẩn mình trong đồ vật (bức họa), về sau hoàn nguyên rồi kết duyên với người trần trong “Bích Câu kỳ ngộ” (Truyền kỳ tân phả) vốn có ở truyện kể dân

gian, được tái tạo lại. Có điều truyện truyền kỳ không giữ nguyên mà luôn “làm mới”, các mô tip đó.

Từ những điểm vừa được chúng tôi trình bày trên, có thể nói, nguồn gốc, con đường hình thành truyện truyền kỳ Việt Nam có những đặc điểm riêng. Nó có thể hình thành theo phương thức cải biên các giai thoại, truyền thuyết, truyện kể dân gian; có thể theo hình thức “văn bản hóa” các yếu tố folklore, tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc chuyển thể các tác phẩm văn học Trung Quốc. Nó cũng có thể được tạo ra theo phương thức mô phỏng hoặc hư cấu, sáng tạo theo những thủ pháp, phương pháp nghệ thuật đặc thù. Tất cả những biểu hiện đó cho thấy tính chất đa tạp, sinh động của truyện truyền kỳ Việt Nam.

2.1.2.2. Giá trị, ý nghĩa của truyện truyền kỳ

Xét về tính chất, giá trị của truyện truyền kỳ Việt Nam, có thể thấy hai điều đặc biệt nổi bật. Đó là giá trị văn hiến và ý nghĩa lịch sử. Từ văn hiến (文獻) ở đây được dùng theo nghĩa rộng; đó là văn hóa (văn chương, phong tục) và hiền nhân, những nhân vật kiệt xuất, thần tượng của cộng đồng. Truyện truyền kỳ chú trọng đến điều này vì bản thân nó cũng là một biểu tượng văn hóa, một yếu tố của văn hiến Việt Nam.

Trong các thể loại văn học trung đại, truyện truyền kỳ là loại hình gắn bó, gần gũi với văn hóa dân gian hơn hết. Nó được công chúng đặc biệt yêu thích, được phổ biến rộng rãi trong mọi điều kiện không gian, thời gian. Đối với người Việt Nam, truyện truyền kỳ một mặt đóng vai trò lưu giữ ký ức cộng đồng, mặt khác có khả năng tuyệt vời trong việc khuếch trương giá trị của các công trình văn hóa, từ danh lam, thắng tích, đền miếu cho đến cảnh quan tự nhiên, thiên tạo. Những giá trị văn hóa to lớn được gửi gắm vào truyện truyền kỳ đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời duy trì nguồn mạch văn hóa, lưu giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ đời này sang đời khác một cách bền vững. Đó là lý do khiến mọi danh lam thắng địa ở Việt Nam đều liên quan đến một số “tích” (chuyện) nào đó và đa phần đều gắn với nội dung truyện truyền kỳ. Hầu như mọi di tích văn hóa, mọi cảnh vật đặc sắc trên đất nước này đều được “bảo trợ” bởi các đấng “thần nhân”, “hiền nhân” và điều đó

góp phần không nhỏ đối với việc xác lập giá trị của nó.

Một phần của tài liệu Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ việt nam (Trang 41 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)