Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
4.2. PHƯƠNG THỨC XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN TRUYỀN KỲ
4.2.2. Hình tượng không gian, thời gian trong truyện truyền kỳ
Không gian và thời gian là những phương diện tồn tại thực tế của hiện thực khách quan. Nó được các nhà văn mô tả, phản ánh và tạo thành thế giới nghệ thuật.
Nói đúng hơn, đó là một hình tượng văn học, một sự mô phỏng, phóng chiếu thế
giới thực tế vào trong tác phẩm. Không gian và thời gian nghệ thuật thể hiện nguyên tắc cơ bản của phương thức tổ chức tác phẩm. Đấy là “mô hình nghệ thuật về cái thế giới mà con người đang sống, đang cảm thấy vị trí, số phận của mình trong đó.
Không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có nhân vật nào không có một nền cảnh nào đó” [42, tr. 160].
Do đặc trưng của truyện truyền kỳ là sự đan xen giữa yếu tố kỳ lạ, phi thường và yếu tố đời thường, vì vậy không gian và thời gian nghệ thuật cũng mang những nét riêng. Đó vừa là không gian địa lý cụ thể, thời gian mang tính lịch sử, lại vừa là không gian, thời gian có nhiều yếu tố lạ kỳ, hoang đường. Các yếu tố kỳ lạ, phi thường đã góp phần tạo nên một thế giới được bao phủ bởi một lớp sương khói linh diệu, huyền ảo cuốn hút người đọc.
4.2.2.1. Hình tượng không gian
Đặc điểm quan trọng nhất của không gian truyện truyền kỳ là sự pha trộn, hỗn dung các “dạng thức” thế giới khác nhau. Không gian đó có đủ ba
“cõi”/ “giới” cơ bản là “trần giới”, “tiên giới”, “âm giới”. Chúng không tồn tại tách biệt mà gộp lại để làm nơi cư ngụ cùng lúc của ba giống loài: thần tiên, người vật và yêu ma.
Cũng cần lưu ý rằng, không gian trong truyện truyền kỳ là nơi dung chứa rất nhiều giá trị văn hoá dân gian. Điều này là có lý do. Truyện truyền kỳ Việt Nam vốn có cội nguồn từ văn hóa dân gian. Các truyện kể, giai thoại đậm sắc màu của thần thoại, truyền thuyết chính là nơi cung cấp chất liệu quan trọng cho truyện
truyền kỳ. Chính vì thế mà văn hoá truyền thống, phong tục, tập tục, tôn giáo, tín ngưỡng… của người Việt luôn hiện diện với mức độ đậm đặc trong truyện truyền kỳ. Trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục chẳng hạn, không gian văn hoá của người Việt được thể hiện hết sức rõ nét. Truyện “Họ Hồng Bàng” kể về cội nguồn Tiên Rồng của dân tộc Việt. Không gian cội nguồn ở đây là đất Phong Châu. Miền đất này là nơi 50 người con trai theo Âu Cơ đến lập nghiệp. Buổi đầu của cuộc sống ban sơ, họ đã tạo dựng một không gian cộng đồng đặc sắc: “lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy nước cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung đồ làm cơm, lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm, lấy rễ gừng làm muối, phát nương đốt rẫy.
Đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi cơm. Bắt cây làm nhà để tránh hổ sói. Cắt tóc ngắn để dễ đi lại trong rừng rú” [119, tr. 172].
Không gian hiện thực trong truyện truyền kỳ được các tác giả mô tả khá kỹ lưỡng. Lối sống, lễ tục, phong tục tập quán qua các thời đại được nhà văn tái hiện khá cụ thể, sinh động. Tất nhiên, những tri thức văn hoá này được thể hiện theo đặc điểm, cách thức riêng của nghệ thuật truyền kỳ. Ở đây không gian “hiện thực” không phải là điều quan trọng nhất. Kiểu không gian kỳ ảo, không gian đậm chất hoang đường mới là nét đặc biệt của loại hình văn học này. Đây là thế giới của bụt, tiên, ma, quỷ, yêu tinh và của những con người với phẩm chất, năng lực khác thường.
Không gian kỳ lạ, huyền ảo trong truyện truyền kỳ khá đa dạng. Đó có thể là
chốn Bồng Lai tiên cảnh, là nơi xa xăm huyền bí với những đấng bậc thần tiên có
đời sống trường sinh bất diệt; là nơi mà nhân loại bao đời luôn khao khát muốn đặt chân đến. Nhưng không gian truyền kỳ không chỉ có “cõi cực lạc”, mà còn là miền tăm tối với cảnh địa phủ, âm ty, thủy cung… Thế giới cõi âm là nơi cư ngụ của ma quỷ, yêu tinh, hồ ly... Tất nhiên, cho dù ở cõi nào thì hình tượng không gian trong truyện truyền kỳ cũng đều mang bóng dáng trần thế. Mọi không gian ở đây suy cho cùng đều là không gian hư cấu, được hình thành qua trí tưởng tượng của tác giả.
Trong các tác phẩm như Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả… không gian tiên cảnh chiếm ưu thế. Chẳng hạn nhân vật Phạm Tử Hư trong truyện “Phạm Tử Hư lên chơi Thiên Tào” (Truyền kỳ mạn lục) may mắn được lọt vào chốn Thiên Tào. Cảnh vật nơi đây rất đặc biệt. Nhân vật “thấy một khu có
những bức tường bạc bao quanh, cái cửa lớn khảm trai lộng lẫy, hai bên có những toà lầu châu điện ngọc, vằng vặc sáng như ban ngày, sông Ngân biển sao, ôm ấp lấy đằng trước, gió thơm phưng phức, đượm ngát quanh hiên, hơi lạnh thấu da, ánh sáng chói mắt, trông xuống cõi trần, thấy mọi cảnh vật đều bé nhỏ tủn mủn” [91, tr.
274]. Một cảnh tượng như thế rõ ràng là chỉ có ở cõi của thần tiên, hoàn toàn khác biệt với cõi trần.
Hoặc một cảnh trí khác, vẫn là cõi tiên, trong truyện “Bích câu kỳ ngộ”
(Truyền kỳ tân phả): “Nhà cửa đều như gấm như ngọc, hạnh đỏ đào tươi, cảnh giới khác như trần thế… Các vị tiên đều có cá chim nhạn lạc, trăng náu hoa đưa…” [33, tr. 165]. Trong “Vân Cát thần nữ” (Truyền kỳ tân phả), cảnh tiên cũng được miêu tả
vô cùng đẹp đẽ: “Thành vàng đứng vững, cửa ngọc mở toang… liếc trông lên đám hồng vân thấy có một vị vương giả đội mũ miện, hai bên có sáu người thị nữ mặc áo màu tía đỏ đứng hầu, lại có hàng trăm người cầm hốt, cầm phách, tấu nhạc “quân thiều” và múa điệu “nghê thường”. Trên bàn lưu ly để quả đào vương mẫu, trong bầu mã não đựng thuốc tiên “lãi quân”… các thức vật kỳ lạ chốn nhân gian chưa từng có” [33, tr. 95].
Nhưng không gian cõi tiên tuy hoang đường kỳ ảo đến mấy thì vẫn mang bóng dáng của cõi nhân gian. Nhân vật ở đó cũng đầy khát vọng về tình yêu như con người. Vì thế mà các nàng tiên thường tìm cách xuống cõi trần để được yêu đương. Qua các mối tình giữa người trần với tiên nữ trong các truyện “Từ Thức lấy vợ tiên” (Truyền kỳ mạn lục), “Bích câu kỳ ngộ” (Truyền kỳ tân phả)… có thể thấy những ẩn ý mà tác giả đã gửi gắm trong đó. Chỉ có tình yêu nơi trần thế mới là tình yêu lý tưởng của con người. Nói cách khác thì tình yêu lý tưởng chỉ có ở trong đời sống hiện thực, chỉ duy nhất nơi trần thế chứ không thể ở một cõi nào khác.
Cõi tiên khác biệt với cõi trần không chỉ cảnh trí mà còn ở sự tự do, tự tại, vô biên, không có bất công, nghèo đói, bệnh tật. Có thể nói, với trí tưởng tượng đặc biệt bay bổng, các tác giả truyền kỳ đã xây dựng không gian thần tiên một cách vừa thực tế, vừa hư ảo. Chuyện xảy ra ở cõi tiên đã phản ánh một cách sâu sắc ước mơ, khát vọng của cộng đồng.
Đối lập với không gian tiên giới là không gian cõi âm, nơi cư ngụ của ma quỷ, yêu quái. Cõi âm gắn với sự lạnh lẽo, chết chóc ghê sợ. Không gian trong “Chuyện cây gạo” (Truyền kỳ mạn lục) đầy rẫy các giống yêu ma quỷ quái trú ẩn. Cảnh tượng nơi trú của hồn ma Nhị Khanh qua mắt nhìn của Trình Trung Ngộ, được tác giả tả
như sau: “Trình cúi đầu qua dưới mái gianh, vào tạm ngồi ở chỗ bờ cửa. Thỉnh thoảng có cơn gió thổi, chàng thoáng thấy một mùi tanh thối khó chịu. Đương kinh ngạc không biết mùi gì, bỗng trong nhà có đèn sáng. Chàng trông vào thấy ở gian bên phía tả kê một chiếc giường mây nhỏ, trên giường để một cổ áo quan sơn son, trên quan phủ một tấm the hồng, dùng ngân sa đề vào mấy chữ “linh cữu của Nhị Khanh”, cạnh cữu có người con gái nặn bằng đất, tay ôm cây hồ cầm đứng hầu” [91, tr. 288].
Hoặc một cảnh tượng ghê sợ chốn âm ty địa phủ trong “Chuyện chức phán sự ở đền Tản Viên” (Truyền kỳ mạn lục) với hình ảnh con sông lớn, gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương, trên sông là một cái cầu dài ước hơn nghìn bước… Rõ ràng đây là
một không gian u ám, đầy tử khí; không gian của tội ác và sự trừng phạt. Sự kết hợp giữa bút pháp tả thực và kỳ ảo hoang đường đã tạo cho truyện truyền một kỳ sức hấp dẫn đặc biệt.
4.2.2.2. Hình tượng thời gian
Thời gian nghệ thuật chính là một hình tượng được sáng tạo nên trong tác phẩm nghệ thuật. Nó là một phương tiện để phản ánh đời sống và nó có những đặc điểm khác biệt so với thời gian thực tế, thời gian vật lý. Thời gian nghệ thuật “là
một biểu tượng, một tượng trưng, thể hiện một quan niệm của nhà văn về cuộc đời và con người”. Như vậy có thể nói, “thời gian trong văn học không còn giản đơn là
cái dung chứa các quá trình đời sống mà là một yếu tố nội dung tích cực, một kẻ tham gia độc lập vào hành động nghệ thuật” [131, tr. 63].
Một trong những dạng thời gian nghệ thuật khá nổi bật trong truyện truyền kỳ là thời gian mang tính lịch sử. Gọi là “tính lịch sử” bởi vì nó liên quan đến nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử song nó không phải là sử liệu; thông tin của nó chỉ mang tính ước lệ. Chẳng hạn truyện của Lý Tế Xuyên, Trần Thế Pháp… tuy có nhắc đến những thời điểm xác định, song đó chỉ là những truyền thuyết. Những mốc lịch sử này chỉ có tác dụng nhằm làm tăng thêm sức thuyết phục và tạo cảm giác tin cậy
cho câu chuyện chứ không phải là những thông tin có thể kiểm chứng được. Ngay cả những tác phẩm truyền kỳ ở giai đoạn sau như Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả… cũng vậy. Các mốc thời gian nêu trong đó thoạt nhìn có vẻ cụ thể song thực ra cũng chỉ mang tính ước lệ, phiếm chỉ. Những câu chuyện với mốc thời gian, triều đại… cụ thể đó chỉ là “tấm bình phong” che đậy dụng ý của tác giả muốn ám chỉ hiện thực xã hội đương thời. Nói chuyện đã xảy ra nhưng kỳ thực đó là những chuyện có tính chất thời sự. Đó không phải chuyện của quá khứ
mà là chuyện hiện tại.
Kiểu thời gian nghệ thuật phổ biến và cũng đáng chú ý hơn cả trong truyện truyền kỳ chính là kiểu thời gian kỳ ảo, hoang đường. Thời gian kỳ ảo hòa trộn với không gian hoang đường trở thành nét riêng của thế giới truyền kỳ. Đặc trưng của thời gian kỳ ảo là sự vĩnh hằng ở cõi tiên. Ở đó thời gian không biến đổi, không vận động vì thế chư tiên cũng trẻ mãi không già. Quy luật chuyển vận của thời gian tiên cảnh hoàn toàn khác so với thời gian trần thế. Nhân vật Từ Thức (trong “Từ Thức lấy vợ Tiên”, Truyền kỳ mạn lục) chỉ sống một năm ở cõi tiên, nhưng đến khi trở lại quê nhà thì hóa ra thời gian đã trôi đi hơn tám mươi năm, trải qua ba đời vua Lê rồi.
Điều này phù hợp với quan niệm “Cõi trần nhỏ hẹp, kiếp trần ngắn ngủi” của tác giả. Trong các truyện “Vân Cát thần nữ” và “Bích câu kỳ ngộ”(Truyền kỳ tân phả), nhân vật phải đầu thai, sống kiếp sau thì mới tương thích với thời gian bóng chớp, chóng vánh ở cõi trần. Nói chung, cõi trần thì luôn tạm bợ, ngắn ngủi, chỉ có cõi tiên thì mới trường cửu, mới vĩnh hằng.
Cùng với thời gian cõi tiên, trong truyện truyền kỳ còn xuất hiện những mô tip thời gian cõi âm, tức là thời gian gắn với sự hiện hình của các giống quỷ quái, yêu tinh, ma mị. Các nhân vật ma quỷ thường xuất hiện vào những thời điểm ánh sáng thiếu hoặc yếu như ban đêm, lúc mờ sáng, khoảng chập tối. Trong “Truyện chồng dê” (Thánh Tông di thảo), thời điểm nhân vật Dê (người chồng/ súc vật) xuất hiện chủ yếu vào hai thời điểm là ban đêm và sáng mai. Ban đêm - Dê hoá thân làm người chồng, nhưng sáng mai Dê trở lại là con vật quen thuộc. Ban đêm - cô gái và
“người chồng dê” chung sống như mọi kẻ khác, nhưng sáng mai người chồng trở lại đội lốt là dê trắng.
Trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ thì hầu hết những cuộc tình giữa người trần và ma nữ cũng thường diễn ra vào những thời khắc “tối sáng hỗn độn” như vậy. Các cuộc gặp gỡ, thù tạc, thề nguyền, chung đụng…rất hiếm khi xảy ra vào ban ngày mà thường là vào ban đêm hoặc mờ sáng hôm sau. Giống như một quy luật, cứ
vào ban đêm thì người và ma tụ họp, để đến sáng mai vội vã chia tay. Có thể thấy ánh sáng là điều tối kỵ đối với những cặp đôi người - ma. Vì sợ ánh dương cho nên nếu có gặp nhau vào ban ngày thì cuộc gặp cũng sẽ chỉ diễn ra vào nơi khuất lấp, tăm tối, mờ ảo. Trong truyện truyền kỳ thì nhờ bóng tối mà quỷ quái tà ma mới có thể tiếp xúc với người, cũng vì thế mà chuyện kỳ lạ mới xảy đến được.
Trong “Truyện Cây gạo” (Truyền kỳ mạn lục), thời điểm mà hồn ma Nhị
Khanh và chàng Trình Trung Ngộ gặp nhau là vào một đêm tối trời. Bối cảnh người và ma chuyện trò cùng nhau là ở nhịp cầu Liễu Khê thanh vắng, u tịch. Vì Nhị Khanh là ma nữ cho nên phải chờ đến đêm tối nhân vật này mới có thể xuất hiện “để dạo bước nhàn du, gảy đàn hồ cầm tìm kẻ tri âm”. Còn chàng Trình Trung Ngộ vì ham mê sắc đẹp nên cũng không quản công chờ đợi, dò tìm và chấp nhận gặp gỡ Nhị
Khanh trong một khung cảnh đáng ngờ như vậy. Không gian và thời gian như thế rất phù hợp với mối tình kỳ lạ. “Từ đó, Trình Trung Ngộ cứ chờ đến đêm để được gặp Nhị Khanh, còn Nhị Khanh thì cứ hằng đêm đến chỗ hẹn, trời gần sáng lại từ biệt ra về”. Cho đến cái chết bí hiểm của nhân vật Trình Trung Ngộ cũng được phát giác vào ban đêm: “Một đêm người trong thuyền ngủ say, đến sáng thì thấy mất Trình Trung Ngộ. Họ vội đến Đông thôn tìm thấy chàng đã nằm ôm quan tài mà chết, bèn phải thu liệm và chôn ngay ở đấy. Từ đó về sau, phàm những đêm tối giời, người ta thấy hai người dắt tay nhau đi đôi khi thì hát, khi thì khóc, thường bắt người ta phải khấn cầu lễ bái” [29, tr. 287].
Tất nhiên, không phải ban đêm lúc nào cũng là thời khắc gắn với chuyện ghê sợ, huyền hoặc. Ban đêm trong các truyện truyền kỳ cũng còn là thời điểm xảy ra những câu chuyện lãng mạn, đầy tính nhân văn. Nhiều cảnh sum vầy, tái hợp lứa đôi;
nhiều cặp vợ chồng vốn âm dương cách biệt lại được tái ngộ trong đêm. Trong
“Truyện Lệ Nương” (Truyền kỳ mạn lục), nàng Lệ Nương tiết liệt phải chết oan vì
“không muốn làm cô hồn nơi đất Bắc”, khi chết đi nàng mang theo mối tình đầu trong
sáng với chàng Phật Sinh. Hai người sau này gặp nhau trong bối cảnh ly kỳ nhưng rất cảm động. Chàng Phật Sinh cứ đến khuya ra mộ Lệ Nương ngủ và khấn nguyện gặp nàng để rạng ngày lại buồn bã chia tay hồn ma của vợ.
Thực ra thì mô tip người - ma gặp gỡ trong bối cảnh cõi âm và cõi dương giao hoà không phải chỉ có trong truyện truyền kỳ Việt Nam. Đó là một hiện tượng phổ biến mà A. Gurevich đã nhận xét rất đúng rằng: đối với người trung đại, thế giới ma và người “chỉ là một thế giới thống nhất, trong đó, quá khứ, hiện tại và tương lai được sắp đặt bên nhau, cùng tồn tại với nhau một cách thực tại” [41, tr. 126].
Suy cho cùng thì thế giới “cõi âm” hay “cõi tiên” cũng chính là bóng dáng của thế giới thực tại. Đó cũng là biểu hiện của phạm trù thời gian vĩnh cửu, là ý niệm về một “thế giới khác” của con người. Thời gian nghệ thuật trong các truyện truyền kỳ vừa mang tính chất của thời gian lịch sử, vừa có tính chất kỳ ảo, đậm chất hoang đường.