Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
2.1. TRUYỆN TRUYỀN KỲ - MỘT LOẠI HÌNH VĂN HỌC
2.2.2. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII - quá trình hoàn thiện truyện truyền kỳ trên con đường tiếp thu, tiếp biến các giá trị văn hóa, văn học
Từ thế kỷ XV trở đi, văn học Việt Nam chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của văn xuôi chữ Hán, trong đó thành tựu đáng kể nhất chính là truyện truyền kỳ. Trong khoảng thời gian trên dưới bốn thế kỷ, với sự xuất hiện của một loạt các tác phẩm như: Nam Ông mộng lục, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Tân truyền kỳ lục, Truyền kỳ tân phả, Công dư tiệp ký, Sơn cư tạp thuật, Tang thương ngẫu lục… văn xuôi tự sự trung đại nói chung, truyện truyền kỳ nói riêng đã có
những bước chuyển biến mang tính đột phá. Diện mạo loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam đã trở nên hoàn thiện, đạt đến đỉnh cao.
Bộ sách Thánh Tông di thảo là một trong số những thành tựu tiêu biểu cho loại hình truyện truyền kỳ. Tuy vậy, vấn đề văn bản, lai lịch tác giả ở trường hợp này cũng rất phức tạp. Mặc dù tên sách là Thánh Tông di thảo (được hiểu là văn bản/ bản thảo còn lại của Thánh Tông), nhưng Thánh Tông là ai(?) thì rất khó khẳng định. Thánh Tông ở đây có thể là vua Lê Thánh Tông. Nếu suy luận từ những điều liên quan đến thân thế, năng lực văn chương của vị hoàng đế triều Lê được sử sách ghi chép lại thì hiểu như thế không phải hoàn toàn vô căn cứ. Nhưng cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy sách này là sự tập hợp truyện từ nhiều tác giả khác nhau chứ
không chỉ riêng vua Lê Thánh Tông. Điều này không hẳn do sự lấp lửng trong tiêu đề tác phẩm mà còn bởi những cứ liệu ngôn ngữ học, sử học, văn hóa học… gợi ra.
Nghi vấn Thánh Tông di thảo không phải do Lê Thánh Tông là có lý bởi vì trong tác phẩm này có nhiều tình tiết, sự kiện cho thấy nó thuộc về triều đại khác. Chẳng hạn ở một số truyện có nhắc đến các địa danh mà phải đến thời Nguyễn mới được sử dụng chứ thời Lê chưa có. Hơn nữa, thời phong kiến ở nước ta, niên hiệu Thánh Tông không chỉ triều Lê mới dùng. Vậy nên câu hỏi: sách Thánh Tông di thảo là
của (những) ai? Nó xuất hiện lúc nào?… quả không dễ trả lời. Thậm chí, số lượng truyện trong sách này là bao nhiêu (20 hay 22 truyện?) cũng gây nhiều tranh cãi.
Với Thánh Tông di thảo, có thể khẳng định loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam đã có một bước tiến dài, cả trên phương diện tư tưởng nghệ thuật, cũng như hình thức nghệ thuật. Nếu như Việt điện u linh tập, Thiền uyển tập anh ngữ lục, Lĩnh
Nam chích quái lục… những tác phẩm thuộc giai đoạn khởi đầu, đang trong quá trình định hình, thử nghiệm thì Thánh Tông di thảo đã hoàn thiện hơn rất nhiều. Đây rõ
ràng là tác phẩm văn chương giàu tính hình tượng, được sáng tạo với mục đích nghệ
thuật rất rõ chứ không phải những ghi chép mang tính chất “chức năng”. Yếu tố kỳ lạ, kỳ ảo trong Thánh Tông di thảo được sử dụng với vai trò phương tiện nghệ thuật để chuyển tải nội dung. Đặc biệt, sự thay đổi về kiểu đề tài, mẫu hình nhân vật, thậm chí
cả yếu tố “thời sự” xuất hiện trong Thánh Tông di thảo… cũng rất đáng lưu ý. Chẳng hạn trong những truyện “Mai Châu yêu nữ truyện”, “Nhị nữ thần truyện”, “Lãng Bạc phùng tiên”… ta thấy xuất hiện các “nguyên mẫu” được lấy từ thực tế. Đó là các nhân vật, sự kiện, địa danh lịch sử liên quan đến cuộc kháng chiến chống giặc Minh, liên quan đến xã hội thời Lê…
Nếu như truyện truyền kỳ giai đoạn trước đề cập nhiều đến các “vĩ nhân”, các sự kiện có tầm vóc lớn lao trong lịch sử cộng đồng, dân tộc thì Thánh Tông di thảo lại có thiên hướng khai thác những sự việc hàng ngày, những chuyện nhỏ nhặt, tiểu tiết trong đời sống. Tác giả chú ý nhiều đến phương diện “đời thường” của nhân vật, quan tâm đến những con người thuộc tầng lớp bình dân, nhất là người phụ nữ… Đó cũng là những bằng chứng sinh động về sự thay đổi, dịch chuyển trong quan niệm nghệ thuật của tác giả. Thánh Tông di thảo cũng cho thấy nỗ lực để thoát dần lối văn chức năng, hướng đến lời văn trần thuật mang tính nghệ thuật. Chẳng hạn lời kể của nhân vật xưng là “Ta” trong các truyện “Lãng Bạc phùng tiên”, “Thử tinh truyện”, “Mộng ký”… rất sinh động. Nó ít nhiều đã có dấu ấn của “lời nói thường”, của tiểu thuyết, khác hẳn lối văn “thực lục” liên quan đến vua chúa hoặc những truyện biên chép thần tích, tín ngưỡng mà chúng tôi đã nêu ở giai đoạn trước.
Giai đoạn thế kỷ XV - XVIII là chặng đường phát triển vượt bậc của truyện truyền kỳ Việt Nam. Trong đó, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ là đỉnh cao của loại hình văn học này. Nó được coi là một kiệt tác, kết tinh thành tựu mấy trăm năm của loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam. Xét về mặt văn bản, tuy vẫn tồn tại những điểm còn ý kiến khác nhau, song có thể thống nhất tập sách này do Nguyễn Dữ (văn bản chữ Hán viết 阮嶼 nên cũng có thể đọc là Nguyễn Tự) sáng tác vào khoảng giữa thế kỷ XVI, toàn bộ có 20 truyện.
Như đã trình bày sơ bộ ở chương Tổng quan, xung quanh cuộc đời, sự
nghiệp của Nguyễn Dữ, cũng như việc đánh giá nội dung, ý nghĩa, giá trị của tác phẩm Truyền kỳ mạn lục vốn có rất nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó nổi bật hai vấn đề. Thứ nhất là mối quan hệ giữa Truyền kỳ mạn lục và Tiễn đăng tân thoại (Cù Hựu); thứ hai là việc tiếp thu, tiếp biến văn học truyền kỳ Trung Quốc đã được Nguyễn Dữ xử lý như thế nào để có thể tạo ra thiên “kỳ bút” này.
Tuy có nhiều khác biệt trong việc đánh giá Truyền kỳ mạn lục, nhưng riêng về
vai trò định vị loại hình của nó thì hầu như không ai bàn cãi gì. Với tác phẩm này, những đặc điểm cơ bản của loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam đã được thể hiện một cách rõ ràng. Nguyễn Dữ đã làm được điều mà chỉ có bậc tài năng xuất sắc mới làm được, đó là tạo ra một hình mẫu cho loại hình văn học này; đồng thời đưa truyện truyền kỳ đạt đến đỉnh cao, đến độ cổ điển, mẫu mực. Quá trình đưa truyện truyền kỳ thoát khỏi sự níu kéo của văn xuôi có tính chất nhật dụng, chức năng đã được Nguyễn Dữ thực hiện một cách thanh thoát, tài tình.
Tác phẩm của Nguyễn Dữ đã tạo một khoảng cách khá xa so với các tập truyện truyền kỳ ở giai đoạn trước (thế kỷ XIII - XIV) trên nhiều phương diện. Chỉ nói riêng về đối tượng phản ánh, Truyền kỳ mạn lục đã bao quát một phạm vi đời sống, hiện thực xã hội sâu rộng hơn hẳn.
Xã hội Việt Nam trong Truyền kỳ mạn lục đầy rẫy những cảnh loạn lạc, biến động. Đây là lúc mâu thuẫn giai cấp, xung đột giữa các tập đoàn quyền lực bùng phát, vỡ lở. Đỉnh điểm là cuộc nội chiến Lê - Mạc kéo dài trên nửa thế kỷ (từ 1533 cho đến 1592); rồi cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) cũng dai dẳng trong một khoảng thời gian tương tự. Trong hoàn cảnh lịch sử xã hội khủng hoảng, suy thoái toàn diện bởi nội chiến, vấn đề số phận, thân phận, hạnh phúc và quyền sống của con người cũng như phê phán cái xấu xa, vô đạo, phản nhân văn… đã trở thành vấn đề chính yếu của một số xu hướng văn học, trong đó có truyện truyền kỳ. Đó quả thật là một bước tiến rất quan trọng của loại hình văn học này.
Có thể nói, Truyền kỳ mạn lục đã mở rộng tầm ảnh hưởng của tác phẩm văn học đối với đời sống. Nó phản ánh những mâu thuẫn gay gắt của xã hội đương thời;
đã tạo ra nhiều giá trị, nhiều chức năng hơn so với truyện truyền kỳ trước đó.
Nguyễn Dữ rất tinh tế trong việc kết hợp chất liệu thực tế, lịch sử với yếu tố kỳ ảo, quái lạ để sáng tạo nên một thế giới nghệ thuật vừa lạ lùng vừa gần gũi, chân thực.
Trong Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ đã sử dụng cái “kỳ” như một thủ pháp nghệ
thuật để chuyển tải nội dung hiện thực. Cái “kỳ” này có sự thống nhất, quan hệ biện chứng với cái “thực”. Truyền kỳ mạn lục hấp dẫn người đọc bởi lối kể chuyện vừa thực, vừa hư, có thần tiên ma quỷ, nhưng chủ yếu là để nói chuyện của con người trần thế, chuyện thực tế ở cõi phàm...
Như đã nói, một trong những vấn đề liên quan đến Truyền kỳ mạn lục được tranh cãi nhiều nhất đó là ảnh hưởng của tác phẩm Tiễn đăng tân thoại (Cù Hựu, Trung Quốc) đối với truyện của Nguyễn Dữ như thế nào? Đặc biệt, truyện “Chiếc đèn mẫu đơn” (Cù Hựu) và truyện “Cây gạo” (Nguyễn Dữ) được so sánh nhiều nhất, ý kiến cũng rất khác nhau.
Về vấn đề này, ngay từ thế kỷ XVI, Hà Thiện Hán trong lời Tựa Truyền kỳ mạn lục đã nêu nhận xét là, “xem văn từ thì không vượt ra ngoài phên giậu của Tông Cát” (tức Cù Hựu). Có thể hiểu đây chính là lời khen ngợi của Hà Thiện Hán đối với Truyền kỳ mạn lục chứ không phải hàm ý chê bai. Hà Thiện Hán đã dựa trên nguyên tắc tư duy nghệ thuật thời trung đại, coi tiền nhân là khuôn mẫu, theo nguyên lý “Hậu cổ bạc kim” (trọng cái đã thành điển phạm, không khuyến khích tạo ra cái mới), hoặc “Thuật nhi bất tác” (nhắc lại, dựa theo chứ không phá bỏ quy phạm). Nói cách khác, có thể hiểu họ Hà đề cao lối văn của Nguyễn Dữ, tức là cho rằng tác phẩm của Nguyễn Dữ đã đạt đến tầm cổ điển, chuẩn mực, quy phạm.
Cũng có ý kiến cho rằng Nguyễn Dữ đã dựa vào sách của Cù Hựu để làm ra tác phẩm của mình. Lý do là vì sách của Nguyễn Dữ được viết sau Cù Hựu khoảng một thế kỷ, trong khi giữa hai tác phẩm lại có một số mô tip truyện giống nhau. Tuy vậy, nếu căn cứ vào đấy để nói Truyền kỳ mạn lục mô phỏng Tiễn đăng tân thoại thì lại có phần phiến diện, không thỏa đáng. Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng giải thích như nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na (trong bài “Truyền kỳ mạn lục dưới góc độ so sánh văn học” [93, tr. 210] là có tính thuyết phục hơn cả.
Có một điều đáng lưu ý là sau Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, xuất hiện một số tác phẩm truyền kỳ khác, lấy cảm hứng từ cuốn sách này. Đó là Tân truyền kỳ lục, Truyền kỳ tân phả và Tục truyền kỳ, những tác phẩm mà tiêu đề cho thấy người đời sau đã tiếp thu, kế thừa “phong cách truyện truyền kỳ” từ tác phẩm của Nguyễn Dữ rất rõ ràng.
Về tác phẩm Truyền kỳ tân phả và Tục truyền kỳ, hiện tại giới chuyên môn vẫn chưa thống nhất đó là một hay hai tác phẩm khác nhau. Ngay từ thế kỷ XIX, theo quan niệm của Phan Huy Chú thì đây là hai tên gọi khác nhau của một tác phẩm. Thông tin trong sách Lịch triều hiến chương loại chí (phần Văn tịch chí) cho thấy Truyền kỳ tân phả là của Đoàn Thị Điểm. Sách gồm có 6 truyện văn xuôi viết bằng chữ Hán là: 1/. “Truyện đền thiêng cửa biển” (Hải khẩu linh từ lục); 2/.
“Truyện thần nữ Vân Cát” (Vân Cát thần nữ truyện); 3/. “Truyện người liệt nữ ở An Ấp” (An Ấp liệt nữ lục); 4/. “Cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở Bích câu” (Bích Câu kỳ ngộ
ký); 5/. “Chó khôn chịu nhịn mèo” (Nghĩa khuyển khuất miêu); 6/. “Cuộc cờ tiên trên núi Hoành Sơn” (Hoành Sơn tiên cục). Nhưng cũng có quan niệm khác cho rằng Truyền kỳ tân phả chỉ có 3 truyện là “Hải khẩu linh từ lục”, “An Ấp liệt nữ lục” và “Vân Cát thần nữ truyện” còn những truyện khác là của Đặng Trần Côn (dưới tên gọi Tục truyền kỳ). Nhìn chung, xung quanh văn bản Truyền kỳ tân phả - Tục truyền kỳ cho đến nay vẫn đang tồn tại những quan niệm khác nhau, chưa thể khẳng định dứt khoát.
Trong Truyền kỳ tân phả - Tục truyền kỳ, có thể thấy đa số các truyện/ thiên đều có cốt truyện xuất phát từ các giai thoại, truyền thuyết dân gian. Một điều đáng lưu ý nữa là truyện đều gắn với các địa danh thực tế, hoặc các danh nhân văn hóa, danh nhân lịch sử nước nhà. Chẳng hạn như truyện “Hải khẩu linh từ lục”, “An Ấp liệt nữ lục”, “Vân Cát thần nữ truyện”, “Bích câu kỳ ngộ ký”.
Truyện “Hải khẩu linh từ lục” (Truyền kỳ tân phả) nói về ngôi đền thiêng nơi cửa biển Kỳ Hoa (Hà Tĩnh). Đền này được lập ra để thờ bà Nguyễn Cơ, cung nữ của vua Trần Duệ Tông. Bà Nguyễn Cơ là vị phúc thần được đưa vào điển lễ của nhà nước.
Bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép một cách rõ ràng hành tích của bà. Đây là
một nhân vật lịch sử, được huyền thoại hóa, thành nhân vật truyền thuyết/ truyền kỳ và
sau đó được “tục truyền kỳ”, tiếp nối mạch truyện truyền kỳ.
Truyện “An Ấp liệt nữ lục” (Truyền kỳ tân phả) cũng kể về một nhân vật có
nguyên mẫu thực tế. Nhân vật này là bà vợ thứ của Lại bộ Hữu thị lang, Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn, một nhân vật lịch sử, quê ở xã An Ấp (cũ), thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đinh Nho Hoàn đỗ Hoàng giáp khoa Canh Thìn (1700), được
triều đình cử làm Phó sứ trong đoàn sứ bộ sang nhà Thanh năm 1716. Ông bị lâm bệnh rồi mất khi đang trên đường đi sứ. Do quá đau buồn vì cái chết của người chồng cho nên bà phu nhân đã tuẫn tiết, dù gia đình đã tìm mọi cách ngăn trở. Dưới thời nhà Lê, triều đình sắc phong bà là “Trinh liệt phu nhân”, đồng thời cho lập đền thờ phụng mãi đến sau này.
Nhân vật chính trong truyện “Vân Cát thần nữ truyện” (Truyền kỳ tân phả) có
nguyên mẫu là nàng Giáng Tiên, con gái Thái Công ở thôn Vân Cát. Thực ra, mối liên quan giữa cốt truyện “Vân Cát thần nữ” với các giai thoại, truyền thuyết dân gian vốn rất phức tạp. Xuất phát từ những “mảnh sự tích” rời rạc, quần chúng đã chắp nối thành một câu chuyện hoàn chỉnh dưới dạng truyền khẩu, mang đậm tính chất tôn giáo - tín ngưỡng cộng đồng; về sau đã được tạo tác thành một truyện truyền kỳ hấp dẫn.
Tác phẩm Tân truyền kỳ lục của Phạm Quý Thích, gồm 3 truyện: 1/. “Bần gia nghĩa khuyển truyện” (Truyện con chó nhà nghèo có nghĩa); 2/. “Vũ trùng giốc thắng” (Cuộc đấu giữa ve sầu và nhặng xanh); 3/. “Khuyển miêu đối thoại” (Cuộc đối thoại giữa chó và mèo). Dựa vào niên biểu nhà văn (ông sinh năm 1759, mất năm 1825) cũng như những nội dung được đề cập trong tập sách, có thể dự đoán Tân truyền kỳ lục xuất hiện trong khoảng thời gian cuối đời nhà Lê, đầu đời nhà Nguyễn.
Tân truyền kỳ lục của Phạm Quý Thích vừa có tính chất của truyện ngụ ngôn, tức là những lời răn, những bài học (luân lý, triết lý, đạo lý…) được “gửi” (ngụ) qua những mẩu chuyện, lời nói (ngôn) lại vừa có tính chất của một truyện truyền kỳ.
Trong trường hợp Tân truyền kỳ lục, ngụ ngôn có thể coi là một kiểu dạng tác phẩm (có khi được gọi là “loại”, “thể”, “thể tài”…) dùng các đồ - vật thay thế cho con người. Chính tác giả cũng đã xếp truyện của mình vào nhóm truyện truyền kỳ, dù là
Tân truyền kỳ lục (truyện truyền kỳ theo lối mới). Nó có đầy đủ những đặc điểm, tính chất của lối truyện theo “phong cách Nguyễn Dữ”.
Cần lưu ý một điều, trong giai đoạn này (cũng như giai đoạn trước và sau đó) còn rất nhiều tác phẩm tuy không được gọi là “truyền kỳ”/ “tân truyền kỳ”/ “tục truyền kỳ” nhưng chúng vẫn thuộc về loại hình này. Chẳng hạn Nam Ông mộng lục, Công dư tiệp ký, Sơn cư tạp thuật, Tang thương ngẫu lục… Những thiên truyện đó
cho dù được gọi là lục, ký, thuật… thì thực chất chúng đều là truyện truyền kỳ vì có
đầy đủ tiêu chí, đặc trưng của loại hình văn học này.