Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
3.2.3. Nạn bạo lực gia đình đang ngày một gia tăng
Vấn đề bạo lực trong gia đình đang tồn tại ở CHDCND Lào nói chung đối với phụ nữ và trẻ em nói riêng khá nghiêm trọng. Nó có nguồn gốc từ tư tưởng trọng nam khinh nữ, gia trưởng; nhiều người đàn ông tự cho mình quyền đối xử bất công, bất bình đẳng với phụ nữ, với vợ mình dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau [9, tr.8].
Trong xã hội Lào tình trạng dùng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn coi đó là chuyện trong gia đình. Năm 2008 HLHPN Lào đã khảo sát tình trạng dùng bạo lực trong gia đình ở 6 tỉnh, 18 huyện, 54 bản (Thủ đô Viêng Chăn, Khăm Muộn, Sa Văn Na Khết, Sê Kong, Xiêng Khoảng và Luổng Năm Tha). Kết quả khảo sát cho thấy, tình trạng dùng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong gia đình tăng lên, đặc biệt ở thủ đô Viêng Chăn. Theo thông tin của Vụ
quản lý kiểm soát và thống kê của tòa án nhân dân cao cấp, cho biết: Năm 2013 có một số vụ án liên quan đến tình trạng dùng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong gia đình như: xin ly dị 324 vụ, hành vi suồng sã của nam giới đối với phụ nữ 111 vụ, hiếp dâm 75 vụ, hiếp dâm trẻ em 08 vụ, đòi chi phí nuôi con 02 vụ, bỏ quyền làm mẹ 02 vụ [60, tr.5].
Năm 2014 so sánh vụ án xảy ra cả nước, số 1 là án hình sự có 2.158 vụ, số 2 là án dân sự 1.506 vụ, số 3 là án gia đình 1.163 vụ chiếm 22,43% của vụ án xảy ra cả nước và nhiều nhất ở Thủ đô Viêng Chăn có 488 vụ, trong đó mâu thuẫn xảy ra nhiều nhất là xin ly dị 345 vụ chiếm 70,70 [60, tr.3].
Do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng, lễ giáo phong kiến theo quan niệm Nho giáo nên một số ông chồng coi vợ là một thứ "sở hữu", một thứ của riêng mình có quyền làm gì tùy ý. Đó là mảnh đất tốt để nạn bạo lực gia đình phát triển. Thực trạng cho thấy, tình trạng “bạo lực trong gia đình xảy ra khá phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, những con số thống kê vụ bạo hành trong gia đình so với thực tế là quá ít. Theo báo cáo của HLHPN Lào, con số này lớn hơn rất nhiều, trong đó không ít vụ cấu thành tội phạm hình sự”. Điều đó cho thấy hiện tượng bạo lực trong gia đình đang có chiều hướng gia tăng mà vẫn chưa được nhà nước và xã hội quan tâm đúng mức.
Nguồn gốc dẫn đến những xung đột trong gia đình, có những nguyên nhân sau:
- Cộng đồng, làng xóm tuy có phản đối hành động bạo lực nhưng sợ liên lụy không muốn can thiệp vào chuyện riêng gia đình người khác.
- Các cơ quan pháp luật địa phương thường coi là chuyện va chạm trong gia đình nên chỉ hòa giải, mà thường thì người đàn ông được vô tội, vậy nên hành động bạo lực vẫn công khai tồn tại.
- Do hạn chế về trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của cả người vợ và người chồng. Người chồng hoặc không hiểu, hoặc coi thường pháp luật, không biết rằng bạo lực với phụ nữ là vi phạm pháp luật. Người vợ cũng không hiểu
luật pháp nên không dám đấu tranh, hoặc e ngại dư luận xã hội, muốn gia đình yên ấm nên không nhờ pháp luật, Hội Phụ nữ... can thiệp.
- Nguyên nhân một phần là do văn hóa, phong tục tập quán và định kiến của xã hội đối với nam - nữ có sự khác biệt nhau từ xa xưa, dẫn đến tư tưởng tin rằng nam là giới có sức mạnh, có quyền hơn phụ nữ, phụ nữ là phái yếu và phải nghe lời nam giới, tre em phải chịu hành vi của người lớn, không có quyền chống lại.
Bên cạnh những hậu quả về sức khỏe, bạo lực gia đình cũng mang lại những hậu quả không kém phần nghiêm trọng đối với đời sống tinh thần của phụ nữ. Khi bị chồng đánh đập, mắng chửi, không ít người vợ đã phải bỏ đi khỏi nhà, thậm chí không muốn sống nữa. Nhiều khi nỗi đau tinh thần của nạn nhân còn cao hơn cả nỗi đau về thể xác và nó ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, tình cảm của người phụ nữ. Dù là lý do gì thì bạo lực đối với phụ nữ là hiện tượng mà dư luận xã hội từ trước tới nay đã lên án nhiều, bởi những bất hạnh do nó gây ra lại đổ lên đôi vai người phụ nữ vốn đã được gọi là “phái yếu”.
Bạo lực trong gia đình đã trở thành hiểm họa của xã hội lại xuất phát từ chính gia đình, tế bào xã hội, bạo lực “nó sẽ như đợt sóng ngầm gặm nhấm thiết chế gia đình, làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống”
trong đó có giá trị đạo đức người phụ nữ. Có thể nói, gia đình có bền vững thì xã hội mới cường thịnh và những đứa trẻ mới có môi trường sống và giáo dục lành mạnh.
Thực tế có rất nhiều hành vi bạo lực chà đạp lên nhân phẩm và danh dự của người phụ nữ, là một trong những nguyên nhân chính đẩy nhiều gia đình đến chỗ tan vỡ, đẩy trẻ em ra đường phải sống lang thang, một số em đã trở nên hư hỏng và phạm pháp. Do vậy, ngăn chặn hành vi bạo lực trong gia đình, giúp cho phụ nữ hiểu pháp luật, trả lại danh dự nhân phẩm cho họ và bảo vệ quyền được học hành của trẻ em đang là trách nhiệm của cộng đồng và của toàn xã hội [11, tr.42].