Chương 4 PHƯƠNG HƯỚNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN
4.1.2. Kế thừa các giá trị truyền thống trên cơ sở đổi mới và phát triển
Kế thừa và đổi mới là tính quy luật phổ biến trong các quá trình xã hội.
Nó góp phần thúc đẩy xã hội loài người phát triển. Những biến đổi theo chiều hướng tiến bộ của đời sống kinh tế - xã hội tất yếu sẽ dẫn đến những biến đổi trong đời sống tinh thần của xã hội bởi đời sống tinh thần chính là sự phản ánh đời sống vật chất của con người. Sự xuất hiện và phát triển của các hình thái ý
thức xã hội như ý thức chính trị, ý thức pháp quyền, ý thức đạo đức, triết học, tôn giáo, nghệ thuật... thể hiện rõ sự kế thừa và đổi mới trong sự phát triển nhận thức của con người. Khi nghiên cứu lịch sử phát triển của triết học, Hêghen đã khẳng định rằng, triết học hiện đại là kết quả của những nguyên lý trước đó, mỗi trình độ đạt được của triết học trước đó là cơ sở cho trình độ sau. Pha, trong tác phẩm "Biện chứng của tự nhiên" đã viết rằng "...từ các hình thức muôn hình muôn vẻ của triết học Hy Lạp, đã có mầm mống và đang nảy nở hầu hết tất cả các thế giới quan sau này". Như vậy, mỗi một sự vật hiện tượng, cũng như những hình thái ý thức xã hội nhất định không bao giờ ra đời từ hư vô, mà nó là sự kế thừa những thành tựu của sự phát triển trước đó trong lịch sử. Tuy nhiên, kế thừa theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng không phải là sự sao chép, bê nguyên cái cũ mà kế thừa trên cơ sở chọn lọc, kế thừa trên cơ sở đổi mới.
Với tính cách là một hình thái ý thức xã hội, kế thừa và đổi mới cũng là một tất yếu trong sự ra đời và phát triển của ý thức đạo đức. Đây là vấn đề có tính quy luật trong sự phát triển của đời sống đạo đức xã hội. Chẳng hạn như ở bất kỳ dân tộc nào, thời điểm nào thì những giá trị đạo đức như sống bao dung, nhân ái, vị tha, ca ngợi cái tốt, phê phán cái xấu... luôn được đề cao. Các phạm trù của đạo đức như nghĩa vụ đạo đức, hạnh phúc, lương tâm, thiện và ác...
được ra đời từ thời cổ đại và vẫn tồn tại đến ngày hôm nay mặc dù về mặt nội hàm của các khái niệm, phạm trù này có thể có những điểm khác biệt nhất định nào đó.
Kế thừa và đổi mới là quy luật của sự phát triển nói chung, của ý thức đạo đức nói riêng. Kế thừa và đổi mới trong lĩnh vực đạo đức có những điểm khác biệt so với kế thừa trong lĩnh vực tự nhiên bởi đạo đức phản ánh mối quan hệ hiện thực bắt nguồn từ bản thân cuộc sống của con người. Nếu kế thừa trong lĩnh vực tự nhiên diễn ra một cách tự động, thì trong lĩnh vực xã hội nói chung và đạo đức nói riêng, quá trình này ít nhiều chịu sự tác động của con người, gắn với hoạt động của con người. Song điều đó không có nghĩa là tính kế thừa trong đời sống đạo đức của xã hội được thực hiện một cách chủ quan, tùy tiện
mà vẫn mang tính khách quan. Sự phát triển ý thức xã hội nói chung và sự phát triển ý thức đạo đức nói riêng chịu sự chi phối của các quy luật khách quan mà con người cần phải nhận thức và vận dụng theo quy luật khách quan ấy.
Tính kế thừa và đổi mới của đạo đức phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, vào tính giai cấp, tính dân tộc khá rõ nét. Kế thừa và đổi mới trong sự phát triển của đạo đức không thể tồn tại biệt lập. tách rời với các hình thái ý thức xã hội khác như ý thức chính trị, pháp quyền, triết học, tôn giáo, nghệ thuật v.v.. Sự kế thừa này tuân thủ quy luật về sự tương tác giữa các hình thái ý thức xã hội.
Kế thừa và đổi mới trong quá trình phát triển đạo đức diễn ra hết sức phức tạp và lâu dài, trong đó kế thừa thường thể hiện khá rõ còn đổi mới thường khó phân biệt và chậm đi vào đời sống hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển của đạo đức còn phụ thuộc vào sự giao lưu văn hóa bên ngoài, làm cho bản thân nó trở nên phong phú, đa dạng hơn trong sự phát triển.
Trong giáo dục đạo đức cho phụ nữ Lào hiện nay, cần nhận thức rõ tính tất yếu của sự kế thừa và đổi mới trong sự phát triển của đạo đức nói chung và của các giá trị đạo đức truyền thống nói riêng. Việc tìm hiểu và nhận thức đúng đắn về vấn đề này, cung cấp cơ sở khoa học để xem xét những nhân tố tác động đến đời sống đạo đức, từ đó, định hướng việc kế thừa và đổi mới các giá trị đạo đức truyền thống trong giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ nói chung và phụ nữ nói riêng, để hướng tới việc xây dựng con người Lào phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.
Kế thừa trên cơ sở đổi mới:
Như đã phân tích ở trên, kế thừa là quy luật phổ biến trong các quá trình phát triển của mọi sự vật hiện tượng nói chung và của đạo đức nói riêng. Tính kế thừa phản ánh mối liên hệ lịch sử giữa các sự vật, hiện tượng, quá trình trong thế giới. Tuy nhiên, kế thừa không phải là bê nguyên xi cái cũ mà là quá trình chọn lọc, cải biến và nâng cao những yếu tố tích cực của cái cũ để hình thành cái mới tiến bộ hơn, ưu việt hơn. Như vậy kế thừa chứa đựng trong đó cả những mặt, những yếu tố của đổi mới.
Mặc dù kế thừa và đổi mới gắn bó chặt chẽ với nhau trong sự phát triển nhưng chúng không đồng nhất với nhau. Nếu như kế thừa là sự lưu giữ lại những yếu tố tích cực của cái cũ thì đổi mới chính là sự thay thế cái này bằng cái khác cao hơn, hoàn thiện hơn. Đó là quá trình diễn ra thường xuyên với nhiều mức độ, hình thức, phạm vi... khác nhau. Đổi mới cũng có thể chỉ là bổ sung những yếu tố mới vào sự vật đã có hoặc đưa nội dung mới vào hình thức cũ của sự vật. Như vậy, kế thừa và đổi mới những giá trị đạo đức truyền thống được hiểu theo nghĩa này.
Nhờ có sự kế thừa và đổi mới mà sự vật mới vừa chứa đựng những yếu tố tích cực của cái cũ, vừa mang những đặc điểm, thuộc tính mà sự vật trước đó chưa có. Kế thừa và đổi mới là hai mặt thống nhất biện chứng trong sự phát triển. Chúng không thể tách rời mà luôn thâm nhập vào nhau, bổ sung cho nhau trong quá trình hình thành và phát triển của sự vật, hiện tượng.
Để giáo dục giá trị đạo đức truyền thống có hiệu quả, mỗi chủ thể giáo dục cần phải quán triệt quan điểm biện chứng duy vật trong kế thừa và đổi mới để có thể giữ gìn và phát huy những giá trị của ông cha ta để lại, vừa có thể đưa vào giá trị truyền thống những nội dung mới phù hợp với sự phát triển của thời đại, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Giữa kế thừa và đổi mới có quan hệ biện chứng với nhau. Những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp nếu không được kế thừa và phát huy trong hoàn cảnh lịch sử mới cũng sẽ trở nên lạc hậu. Kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc vừa phải lọc bỏ những yếu tố lạc hậu, cái mà như C.Mác nói trong tác phẩm "Ngày mười tám tháng sương mù của Louis Bonaparte" là
"đang đè nặng như quả núi lên đầu óc những người đang sống", vừa phải nâng các yếu tố, các giá trị tiến bộ, tích cực lên một tầm cao mới và không ngừng phát triển, bổ sung, bồi đắp chúng.
Đổi mới không có nghĩa là phủ nhận tất cả những thành tựu, những GTTTDT tốt đẹp mà nhân dân các dân tộc Lào đã đạt được qua hàng trăm, hàng nghìn năm dựng xây và phát triển. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
IV (năm 1986) Đảng NDCM Lào chính thức đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đường lối đổi mới ấy đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Đến Đại hội lần thứ VII, Đảng NDCM Lào đã ra mục tiêu tổng thể của cách mạng Lào nói chung và nhiệm vụ phát triển văn hóa xã hội nói riêng. Trên cơ sở kế thừa những giá trị văn hóa tốt đẹp của đất nước Lào thống nhất, trong đó có giá trị văn hóa đạo đức, Đảng chủ trương xây dựng một thế hệ công dân mới "có tinh thần yêu nước, giác ngộ và làm chủ đất nước, chịu đựng hy sinh vì Tổ quốc, vì tập thể, có lý tưởng XHCN, có sức khỏe, có năng lực, kiến thức và cần cù sáng tạo, đoàn kết tôn trọng pháp luật, yêu chính nghĩa và có lòng nhân đạo". Những phẩm chất tốt đẹp đó vừa là sản phẩm của xã hội mới, vừa là kết quả của sự kế thừa những gì tốt đẹp mà nhân dân các dân tộc Lào anh em đã sáng tạo ra trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Đảng NDCM Lào trong lĩnh vực phát triển xã hội đã thực hiện xu hướng liên kết xây dựng giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội đảm bảo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc Lào càng ngày càng vươn lên và đảm bảo sự phát triển bền vững [31, tr.25].
Đứng trước xu thế mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, vấn đề kế thừa và đổi mới các giá trị đạo đức truyền thống đã và đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc và vô cùng phức tạp. Sự đan xen giữa cái tiến bộ với cái lạc hậu, giữa giá trị và phản giá trị, giữa cái thiện với cái ác... đang làm đảo lộn bậc thang giá trị đạo đức truyền thống của nhân dân các dân tộc Lào nói chung, của phụ nữ Lào nói riêng. Trước thực trạng đó, đòi hỏi Đảng NDCM Lào hơn bao giờ hết phải giữ vững nguyên tắc của sự kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
- Tiếp tục bảo tồn, giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống, giá trị di tích tốt đẹp của dân tộc cho tồn tại lâu dài, phát triển tinh hoa về vật chất và tinh thần của xã hội, cùng với tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại cho phù hợp với thời đại, có thể hội nhập quốc tế, phòng ngừa những ảnh hưởng tiêu cực văn hóa tác động xấu đến xã hội. Cải thiện và
phát triển sản phẩm văn hóa cho có đa dạng và có chất lượng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước [32, tr.28-29].