Chương 4 PHƯƠNG HƯỚNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN
4.2.1. Hoàn thiện hệ thống pháp lý để kế thừa truyền thống dân tộc trong xây dựng đạo đức người phụ nữ Lào hiện nay
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, chịu sự quy định của đời sống kinh tế, là sự phản ánh quan hệ lợi ích của con người [71, tr.18]. Trong mối quan hệ giữa đạo đức với các hình thái ý thức xã hội khác nhau: pháp luật, chính trị... thì kinh tế giữ vai trò quyết định, pháp luật bổ sung cho những mặt, những khía cạnh mà đạo đức chưa chế định được, vì thế đòi hỏi chúng ta phải xây dựng nền tảng đạo đức tử những điều kiện vật chất kinh tế xã hội nhất định, và với sự trợ giúp của pháp luật để tạo môi trường cho giá trị đạo đức truyền thống dân tộc được phát huy, lan tỏa. Nền KTTT có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội. Kinh nghiệm của nhiều nước khác nhau trên thế giới cũng như ở Lào chỉ ra rằng, chúng ta không thể chấp nhận một sự tăng trưởng đơn thuần về kinh tế bằng mọi giá mà để cho bản sắc văn hóa dân tộc trong đó có đạo đức bị suy thoái.
Đảng NDCM Lào chủ trương xây dựng và phát triển nền KTTT định hướng XHCN, đây là môi trường lành mạnh, là tiền đề bảo đảm cho các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, truyền thống đạo đức phụ nữ được phát huy và phát triển đúng hướng, điều đó đòi hỏi phải nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của nhà nước và việc thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần. Trong điều kiện nền KTTT ở CHDCND Lào ở giai đoạn sơ khai, mang nhiều yếu tố tự phát thì vai trò của nhà nước có vị trí đặc biệt quan trọng.
Ở CHDCND Lào, tăng trưởng kinh tế cần đi liền với công bằng xã hội và giải phóng phụ nữ. Một môi trường kinh tế lành mạnh thể hiện tính nhân văn trong việc giải quyết quan hệ lợi ích, là môi trường trực tiếp cho đạo đức phát triển, các giá trị truyền thống được phát huy. Quan hệ lợi ích trong đời
sống xã hội phụ thuộc vào các chính sách kinh tế xã hội và việc giải quyết các quan hệ lợi ích của Đảng và Nhà nước. Nếu chính sách kinh tế xã hội không phù hợp quy luật thực tiễn của đất nước và thời đại sẽ gây xáo trộn trong quan hệ lợi ích và do vậy có tác động xấu đến đời sống đạo đức. Còn khi chính sách kinh tế xã hội đúng đắn, bảo đảm kết hợp hài hòa các lợi ích sẽ tạo cơ sở cho việc xác lập các quan hệ lợi ích lành mạnh trong xã hội. Do đó các chính sách kinh tế xã hội của Nhà nước phải chú trọng kết hợp hài hòa lợi ích các nhân, lợi ích tập thể và lợi ích toàn xã hội; lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần... Nhà nước điều tiết các quan hệ lợi ích thông qua pháp luật, kế hoạch, các chính sách và các công cụ vĩ mô khác như tài chính, tiền tệ, thuế... để tạo nên sự phát triển đất nước.
Xây dựng môi trường kinh tế xã hội lành mạnh là một bộ phận quan trọng trong việc giữ gìn, kế thừa giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, tạo điều kiện hình thành, phát triển những phẩm chất đạo đức mới cần thiết cho phụ nữ Lào vững bước đi vào thế kỷ XXI, vì vậy, chúng ta đang cần một chiến lược tạo việc làm cho người lao động, đặc biết là cho phụ nữ. Phát triển các nghề nghiệp truyền thống sẽ góp phần tích cực giải quyết vấn đề việc làm và nâng cao trình độ kỹ thuật của phụ nữ lên một bước, là hướng trực tiếp làm xuất hiện nhân cách mới của phụ nữ.
Việc làm cho mỗi người luôn là vấn đề có ý nghĩa kinh tế xã hội, chính trị to lớn đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là những nước đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế như nước CHDCND Lào. Cơ hội tạo việc làm cho phụ nữ trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa to lớn, không chỉ vì phụ nữ chiếm 52% lực lượng lao động xã hội mà còn vì trong xã hội còn tồn tại quan điểm cũ kỹ là:
đàn bà, con gái dẫu sao vẫn có việc làm tại nhà (nữ công gia chánh), nên vấn đề giải quyết việc làm cho họ không gay gắt và cấp bách những thành phần khác, chẳng hạn như bộ đội xuất ngũ, như thanh niên, học sinh mới ra trường...
Chính trong hoàn cảnh như vậy, không ít phụ nữ, chủ yếu là nữ thanh niên
nông thôn do thiếu hiểu biết về đời sống đô thị, không nắm được pháp luật, nên đã bị lợi dụng, bị bắt ép hoặc tự nguyện bước vào con đường làm ăn phi pháp. Thiếu việc làm là nguyên nhân cơ bản đẩy phụ nữ đến với những việc làm phạm pháp, sa vào tệ nạn xã hội... làm mất nhân phẩm người phụ nữ gây nguy cơ báo động cho toàn xã hội, và là một trong những nguyên nhân lây lan căn bệnh quái ác của thời đại: bệnh AIDS, một loại bệnh đã từng tàn hại nguyên cả một xóm, hay cả một khu phố thuộc một nước ở châu Phi. Do vậy, phụ nữ không đủ việc làm sẽ thiếu điều kiện để phát huy tiềm năng sáng tạo của mình, đồng thời làm giảm địa vị và những giá trị đóng góp của họ cho gia đình và xã hội.
Để tạo tập môi trường kinh tế xã hội lành mạnh đi đôi với đẩy mạnh đấu tranh chống tiêu cực và chống các tệ nạn xã hội, chống tư tưởng bảo thủ, lạc hậu... đối với phụ nữ, phát triển kinh tế gắn với nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân nói chung, phụ nữ nói riêng, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn bất bình đẳng đối với phụ nữ.
Xây dựng môi trường kinh tế- xã hội lành mạnh cần chú ý kết hợp chính sách kinh tế với chính sách xã hội, vì chính sách kinh tế là nhằm vào mục tiêu phát triển xã hội, góp phần xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa người với người.
Mỗi chính sách xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế sẽ có ý nghĩa thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Nhà nước cần can thiệp có hiệu quả vào việc giải quyết các vấn đề xã hội thông qua việc thực thi các chính sách xã hội cơ bản như giải quyết việc làm, chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách phòng ngừa, bài trừ tệ nạn xã hội... Phát triển kinh tế phải đảm bảo hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích dân tộc. Kết hợp đúng đắn chính sách kinh tế với chính sách xã hội, khuyến khích làm giàu chính đáng nhưng không để diễn ra chênh lệnh quá nhiều về mức sống, trình độ phát triển giữa các vùng, miền, tầng lớp dân cư, tầng lớp phụ nữ. Phát triển kinh tế phải đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội về đạo đức. Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với công bằng xã hội,
chúng ta Không chờ kinh tế phát triển mới giải quyết vấn đề xã hội, mà phải gắn ngay từ đầu trong quá trình xây dựng xã hội mới.
Để làm được các việc trên cần có các giải pháp sau:
+ Tiếp tục đa dạng hóa các ngành nghề cả nông - lâm - ngư nghiệp, dịch vụ, du lịch... và công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp. Lựa chọn công nghệ và có chính sách hỗ trợ các công nghệ có khả năng thu hút nhiều lao động, khuyến khích và giúp đỡ phụ nữ tạo ra nhiều việc làm và giúp nhau có việc làm.
+ Cần khơi dậy và phát triển các ngành nghề truyền thống, đây là lĩnh vực có khả năng đem đến nhiều việc làm cho phụ nữ mà còn mang tính văn hóa và xã hội cao.
Từ thời xa xưa chúng ta đã có các làng nghề thủ công mà sản phẩm đã được nhiều nước trên thế giới biết tới, như may... các sản phẩm nổi tiếng đó phần lớn do bàn tay khéo léo và cần cù của phụ nữ làm ra. Việc khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống đi liền với tạo thị trường tiêu thụ ổn định để phụ nữ yên tâm sản xuất.
+ Nhà nước tạo điều kiện cho mọi người tự do hành nghề, tụ do cư trú theo pháp luật, tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn ra thành thị làm việc hoặc di cư từ vùng này sang vùng khác do tính chất công việc.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào cần đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo các cấp, vận động phụ nữ toàn tỉnh thực hiện chương trình nghiên cứu, ứng dụng KHCN, hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm tăng thu nhập. Đẩy mạnh hoạt động khai thác, hỗ trợ các nguồn vốn cho phụ nữ, đặc biệt phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ các dân tộc ít người và phụ nữ tôn giáo vay để phát triển kinh tế. Nguồn vốn được khai thác từ các nguồn trong nước và quốc tế thông qua các chương trình, dự án, tín chấp ngân hàng, nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm... Đẩy mạnh phong trào nhằm tạo ra nguồn vốn bền vững, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho phụ nữ phát triển sản xuất, làm giàu hợp pháp
Cùng với việc xây dựng môi trường kinh tế xã hội thì xây dựng môi trường pháp luật giữ một vị quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc được giữ gìn và kế thừa.
Pháp luật ra đời cùng với nhà nước nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Xã hội ngày càng phát triển thì mọi hành vi của các cá nhân đều có nhu cầu được điều chỉnh bằng pháp luật. Pháp luật cùng với đạo đức, tôn giáo, chính trị... đều là những công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội. Pháp luật giữ gìn trật tự của các quan hệ xã hội nhưng pháp luật cũng có khả năng đón bắt, tạo điều kiện cho sự phát triển của các quan hệ xã hội theo hướng nhất định. Vì vậy, pháp luật là phương tiện không thể thiếu được cho mọi sự tồn tại bình thường của xã hội nói chung và đạo đức nói riêng [74, tr.165].
Đạo đức và pháp luật là hai phạm trù có quan hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau. Trong xã hội, đạo đức và pháp luật có vai trò quan trọng trong việc quản lý xã hội nói chung và bảo đảm an toàn trật tự nói riêng. Đạo đức và pháp luật vốn có sự tương đồng vì đều là phương thức điều chỉnh các quan hệ xã hội theo quy phạm, song chúng lại có phương thức thực hiện quy phạm khác nhau, vì thế chúng bổ sung và hỗ trợ tác dụng cho nhau.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, vấn đề tăng cường hiệu lực pháp luật trong quản lý xã hội, bảo vệ, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống pháp luật của chúng ta còn thiếu những quy định cần thiết về những vấn đề quan trọng, nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế và các quy định cơ bản về quyền công dân. Việc phổ biến giáo dục pháp luật còn bị xem nhẹ. Việc thi hành pháp luật cũng như chế độ kiểm trả, giám sát việc chấp hành luật pháp còn nhiều bất cập. Do đó, hiện tượng phản đạo đức có nguy cơ xuất hiện và tràn lan nhanh chóng, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội, giá trị đạo đức truyền thống dân tộc không có được môi trường nuôi dưỡng và phát triển.
Điều đó đòi hỏi phải hết sức coi trọng vai trò của ý thức pháp luật trong toàn xã hội, trước hết là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và giáo dục ý thức
pháp luật cho toàn dân và cho phụ nữ, từng bước xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng ý thức pháp luật cho toàn dân và hình thành thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử hàng ngày của họ. Giáo dục pháp luật gắn với giáo dục chính trị, giáo dục đạo đức truyền thống dân tộc. Thực tế hoạt động giáo dục pháp luật chỉ đạt được hiệu quả cao khi nó được lồng ghép với nội dung giáo dục giá trị đạo đức truyền thống, công việc này cần phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, lâu dài và bằng những hình thức, phương pháp hợp lý.
Việc xây dựng môi trường pháp luật XHCN ở Lào đặt ra yêu cầu nghiên cứu các khoa học pháp lý, tổng kết xây dựng và thực thi pháp luật trong thời gian qua làm cơ sở bảo đảm tính khoa học của việc quản lý xã hội bằng pháp luật. Mặt khác, nghiên cứu các giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống, truyền thống đạo đức phụ nữ để chọn lọc các giá trị chuẩn mực phù hợp có thể “luật hóa” nó, nghĩa là những quy định của nó được mọi người biến thành động thực tế, tạo điều kiện cho giá trị đạo đức truyền thống dân tộc được phát huy.
Xây dựng được môi trường kinh tế xã hội, pháp luật lành mạnh trong quá trình cả nước đang trong thời kỳ phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở rộng giao lưu quốc tế là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho việc phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, tạo điều kiện cho việc hình thành những chuẩn mực đạo đức mới của người phụ nữ hiện nay. Điều đó cần thực hiện các giải pháp sau:
+ Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục pháp luật cho toàn dân nói chung, phụ nữ nói riêng. Đưa chương trình giáo dục pháp luật lồng ghép với các chương trình sinh hoạt nhóm, tổ phụ nữ, trong các câu lạc bộ nữ.
+ Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, nhất là những luật có liên quan đến phụ nữ... tổ chức thi hòa giải theo tình huống, thi ứng xử theo từng cấp cơ sở.
Qua đó giúp chi em đầu tư công sức, thời gian tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật, có hành vi, ý thức pháp luật đúng trong cuộc sống.