CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ CÔNG TÁC CỐ VẤN HỌC TẬP TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về quản lý công tác cố vấn học tập
1.1.2 Tình hình nghiên cứu trong nước
Cũng như các nước trên thế giới, Việt Nam cũng đang dần hòa nhập với những đổi mới của nền giáo dục trên thế giới. Ở trong nước cũng ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu về cố vấn học tập ở trường học. Đây là một vấn đề khá mới nhưng nhận được rất nhiều quan tâm của các nhà nghiên cứu trong giáo dục, kết quả cho thấy là các hội thao khoa học, tạp chí chuyên ngành giáo dục có rất nhiều sản phẩm liên quan đến công tác cố vấn học tập xoay quanh các nội dung như vai trò, nhiệm vụ của cố vấn học tập trong đào tạo tín chỉ, phát triển đội ngũ cố vấn học tập và những khó khăn của công tác cố vấn học tập
Năm 1988, nhiều trường Đại học Việt Nam đã thực hiện theo chủ trương của
Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng học chế mềm dẻo kết hợp với mo-đun hóa kiến thức theo học phần – đơn vị học trình. Ở vào giai đoạn này, về cơ bản học chế giáo dục Đại học Việt Nam cũng đang áp dụng có nhiều yếu tố giống với hệ thống tín chỉ của giáo dục Đại học trên thế giới. Từ năm 1993 đến năm 1995 lần lượt các trường như Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Lạt và một số đông các trường Đại học khác ở cả nước bắt đầu áp dụng học chế học phần – đơn vị học trình gần giống với hệ thống tín chỉ hơn. Đến năm 2001, Việt Nam chính thức bắt đầu áp dụng phương thức đào tạo theo tín chỉ thay cho học chế học phần tại các trường Đại học và Cao đẳng trên cả nước. Tuy việc áp dụng chưa diễn ra đồng loạt ở các trường từ Bắc vào Nam nhưng với việc thay đổi phương thức đào tạo theo tín chỉ là sự xuất hiện của “cố vấn trường học”. Về sau, cụm từ cố vấn trường học được thay thế thành cố vấn học tập trong việc tư vấn học tập cho sinh viên và đã được quy định trong các Quy chế có liên quan đến hoạt động đào tạo tại các Trường.
Đối với vai trò, nhiệm vụ của cố vấn học tập tại Việt Nam có nhiều tác giả đã nghiên cứu về nội dung này. Theo tác giả Thiều Thị Hường, vai trò của cố vấn học tập được xem như là một yếu tố quyết định đến hiệu quả học tập của sinh viên, trong đó đáng chú ý là đối tượng sinh viên năm thứ nhất. Cụ thể, trong một khảo sát về vai trò cố vấn học tập có đến tỉ lệ 100% đánh giá rất quan trọng và quan trọng.
Như vậy sinh viên đã nhận thức được tầm quan trọng của cố vấn học tập trong đào tạo theo tín chỉ. (Thiều Thị Hường, 2014)
Trong một nghiên cứu của tác giả Trần Thị Xuân Mai đã đề cập đến nhiệm vụ của cố vấn học tập là việc tư vấn học tập – nghiên cứu khoa học giúp sinh viên tự lập hơn hơn, năng động hơn trong nghiên cứu. Bên cạnh đó là việc tư vấn kỹ năng giao tiếp để sinh viên tiến bộ trong các hành vi của mình và các hoạt động ngoại khóa để giáo dục kỹ năng cho sinh viên. Đặc biệt đối với sinh viên năm cuối rất cần đến cố vấn học tập trong việc tư vấn là luận văn tốt nghiệp – báo cáo luận văn tốt nghiệp vì đây là nội dung khá quan trọng đối với sinh viên nên việc hướng dẫn là nhắc nhở của cố vấn học tập sẽ giúp sinh viên tích cực thực hiện và hoàn thành đúng với tiến độ. (Trần Thị Xuân Mai, 2011)
Còn theo tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy nghiên cứu về vai trò của cố vấn học tập đối với hoạt động học tập và rèn luyện của sinh viên, tromg nghiên cứu của tác giả đã chỉ ra vai trò của cố vấn học tập vô cùng quan trọng giúp đỡ sinh viên hoàn thành khóa học. Khi bắt đầu mỗi khóa học việc giới thiệu khung chương trình đào tạo và cơ hội nghề nghiệp tương lai cho sinh viên là điều cần thiết giúp sinh viên có cái nhìn tổng quát về ngành mình theo học. Ngoài ra, cố vấn học tập còn giúp sinh viên hiểu rõ mục tiêu các hoạt động rèn luyện trong nhà trường, giúp sinh viên có ý thức tham gia các hoạt động hướng đến lợi ích của cộng đồng, phòng chống tệ nạn xã hội. (Nguyễn Thị Thu Thủy, 2011)
Công tác phát triển đội ngũ cố vấn học tập là một yêu cầu tất yếu của đào tạo theo tín chỉ. Theo tác giả Nguyễn Duy Mộng Hà, công tác cố vấn học tập không những hỗ trợ tốt cho sinh viên mà còn giúp nhà trường nhận được phản hồi của sinh viên về chất lượng đào tạo và cơ hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, thể hiện tính dân chủ trong giáo dục. Để thực hiện được điều đó có một số yêu cầu đặt ra đối với công tác cố vấn học tập ở trường Đại học như: Công tác cố vấn học tập phải đúng lúc, kịp thời, phù hợp với từng đối tượng/nhóm đối tượng; năng lực của đội ngũ cố vấn học tập phải đáp ứng kiến về kiến thức chuyên môn, am hiểu về các lĩnh vực liên quan; Cố vấn học tập phải có kỹ năng giao tiếp tốt, khéo léo, nhanh nhẹn;
Nhà trường cần có chính sách, cơ chế quản lý và điều kiện hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền lợi của đội ngũ cố vấn học tập. (Nguyễn Duy Mộng Hà, 2012)
Theo tác giả Võ Thị Ngọc Lan đã đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cố vấn học tập và rèn luyện của đội ngũ cố vấn học tập ở trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trước tiên là việc ban hành quy định cố vấn học tập mới quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của cố vấn học tập tại trường. Sau đó, thay đổi mô hình cố vấn học tập và rèn luyện theo khoa bằng mô hình công tác cố vấn học tập theo lĩnh vực tư vấn và hỗ trợ với cố vấn học tập chuyên trách và kiêm nhiệm. Tiếp đến là bồi dưỡng năng lực công tác cố vấn học tập và rèn luyện cho đội ngũ cố vấn học tập. Bên cạnh đó phải thực hiện đánh giá công tác cố vấn và rèn luyện của cố vấn học tập ở từng học kỳ nhằm thúc đẩy hoạt động công tác đạt hiệu quả cao và
kịp thời biểu dương, khen thưởng những cố vấn học tập hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, để thông tin được nhanh chóng và kịp thời, cần sử dụng phối hợp email, website và forum của bộ phận cố vấn học tập. Cuối cùng là thực hiện ghi và theo dõi sổ tay học tập và rèn luyện của sinh viên với mục đích kịp thời phát hiện và điều chỉnh kế hoạch học tập và quản lý sinh viên hiệu quả hơn (Võ Thị Ngọc Lan, 2014).
Các khó khăn trong hoạt động quản lý công tác cố vấn học tập. Bất kỳ hoạt động quản lý nào cũng sẽ luôn tồn tại các khó khăn, từ các khó khăn đó nhà quản lý mới tìm ra các giải pháp để khắc phục những khó khăn được chỉ ra. Các tác giả nghiên cứu về hoạt động quản lý công tác cố vấn học tập cũng chỉ ra rất nhiều khó khăn trong các nghiên cứu của mình.
Theo tác giả Nguyễn Minh Giang, hiệu quả của cố vấn học tập chưa cao là do không đủ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và kinh phí để thực hiện. Bên cạnh đó, công tác cố vấn học tập còn khá mới mẻ đối với các trường Đại học ở nước ta.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính đó là do các trường chưa đánh giá đúng vai trò, chức năng và nhiệm vụ của cố vấn học tập. Ngoài ra, công tác cố vấn là công tác kiêm nhiệm nền hầu hết các giảng viên đều rất bận rộn và thời gian dành cho sinh viên là các nội dung mang tính bắt buộc. Còn theo tác giả Lê Thị Thanh Thảo đã tiến hành khảo sát 362 sinh viên và 117 giảng viên, chuyên viên đang đảm nhiệm công tác tư vấn học tập tại trường; phỏng vấn sâu 12 người trực tiếp đảm nhiệm công tác tư vấn ở khoa, phòng, ban và các đại diện lãnh đạo khoa, phòng ban tại Trường Đại học Tiền Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy có đến 44.4% trong số họ không hài lòng về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động tư vấn học tập, 32.3% ít hài lòng, chỉ 33.1% hài lòng. Không chỉ cơ sở vật chất ảnh hưởng tới hoạt động của cố vấn học tập mà việc hỗ trợ thông tin của các bộ phận khác trong hệ thống giáo dục đại học cũng đang trở thành rào cản cho việc nâng cao hiệu quả cho cố vấn học tập. (Lê Thị Thanh Thảo, 2014)
Theo kết quả nghiên cứu do GS.TS Trần Thị Minh Đức chủ trì cùng các cộng sự của mình (Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học Xã hội và
Nhân văn 28,2012) [14, tr.23-32] đã được tiến hành khảo sát trên 1564 sinh viên của 17 trường đại học và 244 giảng viên đang là cố vấn học tập tại các trường đại học trên cả nước nghiên cứu về hỗ trợ quyền lợi cho cố vấn học tập: Quy định về điều kiện hỗ trợ và quyền lợi cho CVHT được ghi trong văn bản ở hầu hết các trường đã điều tra như sau: CVHT được giảm số giờ dạy định mức, hưởng phụ cấp theo quy định; được bố trí thời gian tham gia khóa tập huấn nghiệp vụ cố vấn học tập. Đối chiếu những quy định trên văn bản với thực tế công việc mà các cố vấn học tập phải thực hiện cho thấy, hiện nay các Khoa, Trường trả phụ cấp cho công việc bằng tiền tính theo tháng, hoặc giảm giờ dạy hoặc tính theo năm (Dù là cách tính gì thì cuối cùng cũng có thể quy được ra tiền). (Trần Thị Minh Đức, Kiều Anh Tuấn, 2012)
Ở nước ta hiện nay, công tác cố vấn học tập đã được nghiên cứu ở nhiều phương diện khác nhau khác nhau: phát triển đội ngũ cố vấn học tập, nâng cao chất lượng cố vấn học tập,... Công tác cố vấn học tập được xem là một lĩnh vực quan trọng có tính khoa học cần được đầu tư nghiên cứu. Mặc dù những tài liệu nghiên cứu về công tác cố vấn không phải là ít, bởi đây là hoạt động có tính quan trọng tạo nên sự tồn tại cho đào tạo ở đại học theo học chế tín chỉ. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc quản lý đội ngũ cố vấn học tập tại các trường Đại học hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều cách thực hiện khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu chuyên sâu về nội dung quản lý công tác cố vấn học tập ở các trường Đại học là một vấn đề cần thiết hiện nay.