Nội dung của công tác cố vấn học tập

Một phần của tài liệu Quản lý công tác cố vấn học tập tại trường đại học công nghệ thành phố hồ chí minh (Trang 31 - 35)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ CÔNG TÁC CỐ VẤN HỌC TẬP TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC

1.3. Lý luận về công tác cố vấn học tập trong trường đại học

1.3.2. Nội dung của công tác cố vấn học tập

Theo tác giả Nguyễn Thanh Vương (2015), đã chia ra nội dung của công tác CVHT gồm 3 nhóm: Tư vấn về vấn đề học tập; Tư vấn về vấn đề hướng nghiệp; Tư vấn về vấn đề đời sống sinh hoạt. Ngoài ra, theo bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới chuyên trách về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của AUN ( ASEAN University Network – Quality Assurance), cụ thể ở tiêu chuẩn 8, phiên bản 3.0 cũng đã đề cập đến những nội dung của cố vấn học tập xoay quanh các hoạt động hỗ trợ người học và tư vấn trong học tập cho sinh viên. Tuy nhiên, để công tác CVHT có thể mang lại hiệu quả cao, cần xác định một số nội dung hoạt động cụ thể. Từ các bài nghiên cứu về nội dung của CVHT tại Hội nghị “nâng cao vai trò cố vấn học tập” tại trường Đại học Cần Thơ (2011) như của các tác giả Hồ Phương Thùy “Một số ý kiến đóng góp xung quanh hoạt động cố vấn học tập” tr.5, Đoàn Nguyễn Minh

Thuận “Công tác cố vấn học tập tại trường Đại học Cần Thơ” tr.9 và Nguyễn Hải Quân “Công tác cố vấn học tập tại trường Đại học Cần Thơ: Quy định – Thực trạng – Đề xuất” tr.17,…. và các nghiên cứu của một vài tác giả như Ngô Minh Oanh

“Vai trò của đội ngũ cố vấn học tập trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở các trường đại học, cao đẳng” tr.69, Phạm Anh Nga “Nâng cao vai trò của cố vấn học tập trong đào tạo học chế theo tín chỉ” tr.62, Nguyễn Thị Cẩm Vân “Hướng dẫn sinh viên xây dựng kế hoạch học tập cá nhân thông qua dạy học tự định hướng” tr.100 và Huỳnh Mỹ Linh “Hoạt động cố vấn học tập tại trường Đại học Đồng Tháp” tr.139,… được công bố tại Hội thảo khoa học “Vai trò của cố vấn học tập trong đào tạo theo học chế tín chỉ trong các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam”của trường Đại học Sư phạm TP.HCM (2014). Tổng hợp từ các nghiên cứu trên, nội dung công tác của CVHT được chia thành các nhóm lĩnh vực như sau:

Về lĩnh vực học tập: khi SV học tập tại trường, đặc biệt là SV năm nhất sẽ còn nhiều bỡ ngỡ khi thay đổi từ giáo dục phổ thông lên giáo dục đại học. Do đó việc giới thiệu cho SV về CTĐT là đều cần thiệt và phải thực hiện trước tiên.

CVHT cần giải thích cho SV biết về việc đào tạo theo học chế tín chỉ là như thế nào và các môn học trong CTĐT sẽ được sắp xếp ở các khi ra sao để SV có một góc nhìn tổng quát về toàn thời gian học cũng như các môn phải học để không gặp nhiều trong việc đăng ký lựa chọn môn học. Bên cạnh việc giải thích về CTĐT thì việc triển khai và giải thíchh các quy định và quy chế của Bộ Giáo Dục và Nhà trường, nhiệm vụ và quyền hạn của SV khi học tập tại trường cũng cần thực song song khi SV bắt đầu nhập học vào trường và ở đầu mỗi năm học. Những thay đổi trong quy chế hoặc quy định của Nhà trường sẽ ảnh hưởng đến nghĩa vụ và quyền lợi của người học vì trên thực tế, SV sẽ ít quan tâm đến những quy định được thay đổi nếu có qua các năm, vì vậy CVHT cần thường xuyên cập nhật và nhắc nhở SV để kịp thời nắm bắt thông tin. Đối với SV đặc biệt là SV năm nhất, khi những ngày đầu bắt đầu học ở giảng đường đại học sẽ gặp không ít khó khăn, và một trong những khó khăn có thể nhắc đến là việc SV không biết học đại học phải học thế nào cho hiệu quả, ghi chép ra sao khi giảng viên có những phương pháp giảng dạy hoàn

toàn khác so với bậc phổ thông. Do đó, CVHT cần phải hướng dẫn SV xây dựng kế hoạch học tập cho toàn khóa học phù hợp với năng lực của người học, tùy theo các năm học và năng lục học tập của từng SV khác nhau mà CVHT cần hướng dẫn xây dựng kế hoạch học tập khác nhau và phương pháp học tập cũng khác nhau. Nội dung này đòi hỏi CVHT phải đồng hành và theo sát kết quả học tập của SV qua các kỳ để kịp thời định hướng hoặc điều chỉnh cho phù hợp.

Về rèn luyện: Không chỉ dừng lại ở việc học tập, ở giáo dục Đại học như hiện nay, CVHT cũng là người sát sao trong quá trình rèn luyện của SV. Để thực hiện tốt nội dung này, CVHT cần nắm rõ quy định và quy trình của việc đánh giá rèn luyện, sau đó triển khai hướng dẫn cho SV tiến hành thực hiện và chủ trì họp lớp để đánh giá kết quả rèn luyện ở học kỳ đó. Ngoài ra, khi có sinh viên không hài lòng về kết quả, CVHT cần phải hướng dẫn SV thực hiện khiếu nại, điều chỉnh, đánh giá bổ sung theo quy định và tiến độ của Nhà trường. CVHT phối hợp với phòng công tác sinh viên giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tác phong của SV nhằm thực hiện nếp văn hóa của Nhà trường.

Về lĩnh vực nghiên cứu khoa học: thuật ngữ “Nghiên cứu khoa học” đối với SV năm nhất vô cùng mới mẻ, hầu hết SV sẽ không hiểu NCKH là gì và phải làm như thế nào. Ở bậc giáo dục Đại học, SV cần và nên hiểu và tham gia hoạt động NCKH vì sẽ giúp các các bạn SV chủ động trong việc tìm tòi, học hỏi và chinh phục kiến thức. Để làm được hoạt động học thuật, cần các GV đóng vai trò định hướng và cố vấn cho SV tiếp cận đến nghiên cứu. Trước tiên, CVHT hướng dẫn tìm hiểu về phương pháp học Đại học sao cho hiệu quả, sau khi SV có phương pháp và lộ trình học tập rõ ràng và hợp lý, CVHT hướng dẫn phương pháp NCKH và lựa chọn đề tài nghiên cứu sao cho phù hợp. Ở các năm học khác nhau mà CVHT cần định hướng về phạm vi nghiên cứu cũng như đề tài nghiên cứu phù hợp với thời gian và năng lược của SV. Tránh để SV lựa chọn những đề tài quá rộng hoặc kiến thức hiểu biết về thực tiễn của vấn đề chưa sâu dẫn đến việc quá sức với SV hoặc kết quả nghiên cứu không đảm bảo chất lượng về tính học thuật, độ tin cậy trong nghiên cứu. Bên cạnh đó, để có thể nghiên cứu mang lại hiệu quả, nguồn tài liệu tham khảo

đóng vai trò then chốt. Nhưng phần lớn SV không biết các kỹ năng tìm kiếm nguồn tài liệu trong và ngoài nước một cách chính thống, không biết cách khai thác nguồn tài liệu liên quan đến đề tài. Vì vậy, CVHT thường xuyên chia sẻ các nguồn tài liệu, các trang mạng lưu trữ nguồn tài liệu chuyên ngành chính thống đến với SV để có thể khai thác có hiệu quả phục vụ cho công tác nghiên cứu.

Về lĩnh vực hướng nghiệp: Nghề nghiệp không chỉ là công việc để kiếm thu nhập, còn là tương lai của cả đời người. Thế nhưng trên thực tế, khi còn ở bậc phổ thông các bạn học sinh còn xem nhẹ vấn đề này mà lựa chọn ngành học theo sở thích cá nhân, truyền thống gia đình, hoặc theo xu hướng của bạn bè. Chính vì thế, khi vào đại học, sinh viên lựa chọn ngành học mà bản thân cũng không hình dung ra được sau khi tốt nghiệp sẽ làm công việc gì, không có định hướng cụ thể rõ ràng cho nghề nghiệp ở tương lai. Do đó, CVHT cần giải thích cho SV về đặc thù của ngành học, đặc tính công việc, cơ hội nghề nghiệp và tỉ lệ cạnh tranh trong xã hội;

Chia sẻ cho SV biết thêm về xu hướng, yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đòi hỏi SV cần đạt được khi đi xin việc hiện nay; Ngoài ra, CVHT sẽ tư vấn cho SV về các công ty hoặc các vị trí có thể thực tập phù hợp với chuyên ngành đang theo học. Định hướng nghề nghiệp cho SV năm cuối cho phù hợp với tính cách và năng lực của người học.

Về lĩnh vực kết nối phục vụ cộng đồng: Bên cạnh việc học tập và rèn luyện, SV cần phải tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe và trao dồi thêm nhiều kỹ năng mềm hỗ trợ cho việc học tập và công việc sau khi tốt nghiệp. Hàng năm, Nhà trường và các đơn vị Khoa/Viện tổ chức rất nhiều các hoạt động. Tuy nhiên, còn nhiều SV có tính rụt rè, ngại tham gia hoặc chỉ chú tâm vào việc học không muốn tham gia các hoạt động khác. Do vậy, CVHT cần thường xuyên động viên, khuyến khích SV tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động Đoàn – Hội… do Khoa/Trường tổ chức; Ngoài ra, các hoạt động tình nguyện, phục vụ cộng đồng mang nhiều ý nghĩa nhân văn, khích lệ động viên sinh viên tham gia để san sẻ sự yêu thương đến với cộng đồng và xã hội, đồng hành cùng SV để tạo nên các giá trị đẹp trong cuộc sống

sau những giờ học căng thẳng trên lớp. Bên cạnh đó, để SV có thể phát triển toàn diện, ngoài các hoạt động văn – thể - mỹ, các hoạt động tình nguyện, SV có thể thông qua việc giao lưu, tham gia các câu lạc bộ trong và ngoài nhà trường để có thể nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm,…Đối với các hoạt động này, CVHT đóng vai trò kết nối giữa các SV trong và ngoài nhà trường với nhau để tạo sự gắn kết. Không dừng lại ở đó, CVHT còn hỗ trợ SV trong các buổi giao lưu với SV quốc tế, khơi gợi những chủ đề, dẫn dắt, gợi ý cho SV chia sẻ và giao lưu với bạn bè quốc tế để SV có thể tự tin hòa nhập trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay.

Một phần của tài liệu Quản lý công tác cố vấn học tập tại trường đại học công nghệ thành phố hồ chí minh (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)