CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ CÔNG TÁC CỐ VẤN HỌC TẬP TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC
1.4. Lý luận về quản lý công tác cố vấn học tập theo mô hình PDCA
1.4.6. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý công tác cố vấn học tập tại trường đại học
Theo Nguyễn Thanh Vương (2015) và Lê Huy (2019) trong nghiên cứu về quản lý hoạt động cố vấn học tập cũng đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lý công tác CVHT tại trường ĐH, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, tác giả đưa ra các yếu tố chủ quan và khách quan trọng tâm có mức độ ảnh hưởng đáng quan tâm đến công tác này.
1.4.6.1. Yếu tố chủ quan
Hiện nay, tại các cơ sở đào tạo, đội ngũ CVHT thường là do các giảng viên đảm nhận công tác kiêm nhiệm giữa việc giảng dạy và công tác CVHT. Nên bị chòng chéo nhiều công tác không đảm bảo được hiệu quả như mong muốn. Mặt khác, chính do kiêm nhiệm nên cũng không ít CVHT là những giảng viên trẻ đảm nhận dẫn đến việc hạn chế về kinh nghiệm cũng như chuyên môn.
Công tác CVHT để có thể hoàn thành tốt không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phụ thuộc vào tình cảm, lòng yêu nghề, quý mến SV của CVHT. Việc yêu thích một công việc nào đó sẽ kích thích họ cố gắng hoàn thành tốt, trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực và kỹ năng để đáp ứng được công việc tốt nhất. Tuy nhiên, việc quản lý lớp và các hoạt động của SV không phải đơn giản khi một giảng viên có thể quản lý nhiều lớp với nhiều sinh viên, việc này dẫn đến tốn nhiều thời gian và công sức của CVHT nhưng công tác CVHT thì chỉ có một khoản phụ cấp thêm hàng năm nên dẫn đến việc gây chán nản và khó khăn cho CVHT, việc điều chỉnh, bổ sung các chế độ đãi ngộ cho đội ngũ CVHT sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn.
Đội ngũ cán bộ quản lý của Nhà trường có nhiệm vụ đề ra phương hướng phát triển cho tổ chức, ban hành, điều chỉnh, bổ sung các chính sách, đường lối liên
quan đến các công tác trong Nhà trường, điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo ngoài trình độ chuyên môn phải có tầm nhìn xa và tiếp thu những phát triển của bên ngoài để có thể đưa ra các định hướng phù hợp cho sự phát triển của tổ chức.
Năng lực, phẩm chất của đội ngũ cố vấn học tập cũng có nhiều ảnh hưởng do là giảng viên kiêm nhiệm nên việc tổ chức thực hiện các công tác liên quan đến SV chưa được đào tạo bài bản mà chủ yếu là sự đúc kết trong quá trình làm việc. Vì vậy, quản lý đội ngũ CVHT cần đưa ra những giải pháp khuyến khích, tạo động lực để đội ngũ phát triển. Để có thể cho làm tâm gương cho sinh viên noi theo, bản thân CVHT cũng không ngừng rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ và năng lực bản thân.
1.4.6.2. Yếu tố khách quan
Yếu tố về điều kiện kinh tế - văn hóa – xã hội có tác động mạnh đến sự phát triển của giáo dục quốc gia. Sự gia tăng hay giảm thiểu dân số, tình hình kinh tế không ổn định, xã hội có nhiều biến đổi do dịch bệnh, thiên tai,.. cũng sẽ ảnh hưởng đến việc xác định và thực thi các chính sách trong giáo dục nói chung và chính sách nhân sự của Nhà trường nói riêng. Bên cạnh đó, sự phát triển của cơ chế kinh tế thị trường dẫn đến việc gia đình, các bậc phụ huynh chỉ tập trung cho việc phát triển kinh tế mà dần thiếu đi sự quan tâm đến sự phát triển của con em, việc sống xa gia đình, thiếu sự quan tâm nên không ít sinh viên dễ bị tác động từ bạn bè xung quanh hoặc tiếp xúc với môi trường không lành mạnh. Điều này cũng làm cho công tác CVHT ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Cố vấn học tập là một chức danh trong đào tạo theo học chế tín chỉ ở trường Đại học và hoạt động theo những văn bản đã được ban hành. Tuy nhiên các quyết định, chỉ thị,… của nhà trường cần cụ thể và rõ ràng về mục tiêu, nhiệm vụ, quyền hạn của công tác CVHT như việc có quyền tham gia các buổi họp xét khen thưởng hoặc kỷ luật sinh viên để xác định chắc chắn vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cố vấn học tập. Thông qua đó, cũng là cơ sở để cấp quản lý hoạch định kế hoạch chiến lược và hướng phát triển đội ngũ CVHT tại cơ sở đào tạo.
Sự kết hợp giũa cố vấn học tập và các đơn vị chức năng trong Nhà trường.
Phòng Công tác sinh viên, Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên,…là các đơn vị phụ trách chính các hoạt động giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho SV. Để công tác CVHT mang lại hiệu quả thì CVHT cần phối hợp với các đơn vị trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, được cung cấp các thông tin liên quan đến SV..Từ đó, có thể gắn kết tình cảm giữa CVHT với lớp phụ trách, giúp SV nâng cao kỹ năng, chủ động, giảm tính ù lì, bị động và trở nên nhiệt tình, hăng hái hơn. Ngoài ra, CVHT cần liên kết với các giảng viên bộ môn để theo dõi tình hình SV toàn diện hơn và cũng giúp giảng viên hiểu rõ hơn về tình hình hoặc các trường hợp đặc biệt cần phải quan tâm trong quá trình giảng dạy để hiệu quả hơn.
Đội ngũ CVHT phần lớn là do giảng viên kiêm nhiệm, vừa tham gia công tác giảng dạy chuyên môn vừa phải thực hiện công tác của CVHT đang là một thách thức đối với việc sắp xếp quỹ thời gian hợp lý nhưng chế độ được nhận cũng là phụ cấp, hỗ trợ. Do đó, để có thể mang lại hiệu quả cho công tác cần phải gắn liền với các chính sách hợp lý, để tạo động lực làm việc và phát triển đội ngũ này. Ngoài ra, CVHT cần được tham gia các chuyên đề tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để việc thực hiện công tác có hiệu quả.
Tóm lại, để quản lý hiệu quả công tác cố vấn học tập, nhà quản lý cần phải kết hợp cả các yếu tố chủ quan và khách quan trong quá trình quản lý.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Tại trường Đại học, cố vấn học tập được xác định có vai trò vô cùng quan trọng và có nhiều đóng góp cho tích cực của cơ sở đào tạo. Hiệu quả của đội ngũ CVHT có sự ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công trong học tập và rèn luyện của sinh viên. Cố vấn học tập được xem như là “nhịp cầu” kết nối sự gắn kết giữa Nhà trường và sinh viên. Do đó, các nhà quản lý cần xác định đúng vị trí, nhiệm vụ của đội ngũ CVHT.
Công tác quản lý đội ngũ cố vấn học tập tại trường Đại học cần đảm bảo các nội dung cụ thể như sau:
- Lập kế hoạch về công tác cố vấn học tập;
- Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác cố vấn học tập;
- Chỉ đạo thực hiện công tác cố vấn học tập;
- Kiểm tra, đánh giá công tác cố vấn học tập;
- Cải tiến công tác cố vấn học tập.
Những cơ sở lý luận này làm cơ sở để phân tích thực trạng và đưa ra nguyên nhân thực trạng quản lý công tác cố vấn học tập tại trường Đại học, đồng thời đề xuất giải pháp công tác quản lý đội ngũ cố vấn học tập tại trường Đại học Công Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.