CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ CÔNG TÁC CỐ VẤN HỌC TẬP TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC
1.2. Các khái niệm liên quan đến đề tài
Khái niệm “Quản lý” đã xuất hiện từ buổi sơ khai và theo đó cùng với sự phát triển của nền tri thức nhân loại cũng như nhu cầu của xã hội mà khái niệm
“quản lý” ngày càng được xây dựng và hoàn thiện hơn. Có nhiều tác giả đưa ra các quan điểm và cách tiếp cận khác nhau về khái niệm về quản lý.
Theo từ điển tiếng Việt: Quản lí được hiểu là “trông coi và giữ gìn theo những yêu cầu nhất định” (Từ điển tiếng Việt, 1998).
Theo Koonts và O’Donnell cho rằng: “Có lẽ không có lĩnh vực hoạt động nào của con người quan trọng hơn là công việc quản lý, bởi vì mọi nhà quản lý ở mọi cấp độ và trong mọi cơ sở đều có một nhiệm vụ cơ bản là thiết kế và duy trì một môi trường mà trong đó các cá nhân làm việc với nhau trong các nhóm có thể hoàn thành các nhiệm vụ và các mục tiêu đã định” (Bùi Minh Hiền, 2006)
Còn theo F. Taylor (1856 – 1915) đã định nghĩa: “Quản lí là cải tạo mối quan hệ giữa người với người, giữa người với máy móc và quản lí là nghệ thuật biết rõ ràng nhất và rẻ nhất, để đạt được hiệu quả” (Templar. Richard, 2012)
Theo Mary Parker Follett cho rằng: “Quản lí là nghệ thuật hoàn thành công việc thông qua người khác (Nguyễn Lộc, 2009)
Theo tác giả Nguyễn Minh Đạo: “Quản lí với sự tác động liên tục có tổ chức, có định hướng của chủ thể (người quản lí, tổ chức quản lí) lên khách thể (đối tượng quản lí) về mặt chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế bằng một hệ thống các luật lệ, các chính sách, các nguyên tắc, các phương pháp và biện pháp cụ thể nhằm tạo ra môi trường và điều kiện cho sự phát triển của đối tượng” (Nguyễn Minh Đạo, 1997).
Còn theo tác giả Trần Kiểm, (2017) “Quản lý là những tác động của chủ thể quản lý trong việc huy động, kết hợp, sử dụng, điều chỉnh, điều phối các nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực) trong và ngoài tổ chức (chủ yếu là nội lực) một cách tối ưu nhằm đạt được mục đích của tổ chức với hiệu quả nhất”.
Sơ đồ 1.1. Các yếu tố quản lý (Trần Kiểm, 2017)
Từ những định nghĩa trên, tuy được tiếp cận và diễn đạt theo nhiều cách nhưng chúng ta có thể hiểu rằng: Quản lý là sự tác động có chủ đích của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý thông qua cơ chế quản lý (phương pháp, công cụ) nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra.
1.2.2. Khái niệm cố vấn học tập
Cố vấn học tập ra đời khi trên thế giới bắt đầu chuyển hình thức đào tạo sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Cụ thể hơn, cố vấn học tập ra đời vào năm 1872 khi trường Đại học Havard, Hoa Kỳ bắt đầu đào tạo học chế tín chỉ. Có khá nhiều tài liệu nghiên cứu về nội dung này và có nhiều quan niệm liên quan đến cố vấn học tập.
Cố vấn học tập ở Úc theo định nghĩa của trường Đại học Victoria là: “Cán bộ của phòng hỗ trợ sinh viên, là những người cung cấp thông tin, tư vấn và giới thiệu, trợ giúp cho sinh viên trong các vấn đề trọng điểm và các quy định bậc đại học có ảnh hưởng đến họ. Theo yêu cầu của sinh viên, cố vấn học tập còn là người đại diện, lắng nghe các vấn đề của sinh viên liên quan đến quá trình học tập, những bất bình và phương pháp rèn luyện” (Roger Gabb, 2007)
Theo Hatch T. (2014) Trong các trường đại học ở nước ngoài, họ thường sử dụng các thuật ngữ như: Academic Advisor, School Counserlor, Consultant dùng để chỉ công việc của người tư vấn. Nhưng trên thực tế, Academic Advisor là thuật ngữ chỉ cán bộ cố vấn học tập, còn School Counselor hay Consultant có phạm vi công việc rộng hơn so với Academic Advisor. Đối với người học khi học tập tại Nhà trường, sẽ có rất nhiều nhu cầu khác nhau. Do đó, cán bộ cố vấn họ phải làm rất nhiều công việc khác nhau như hỗ trợ giải đáp các thắc mắc, khó khăn, tư vấn chương trình đào tạo, định hướng lựa chọn chuyên ngành, định hướng nghề nghiệp, tham vấn tâm lý, sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, các hoạt động ngoại khóa và cả việc tư vấn cách ứng xử trong và ngoài nhà trường.
Cố vấn học tập ở Mỹ được hiểu là: “Nhà tham vấn hoặc một thành viên làm việc trong khoa của trường đại học, người được đào tạo để luôn trợ giúp sinh viên
trong việc cung cấp thông tin về đào tạo để sinh viên có thể thích ứng trong lớp học và đạt được mục tiêu học tập”(Đinh Việt Hải, 2012)
Còn ở Việt Nam Theo tác giả Nguyễn Văn Vân: “Cố vấn học tập là người tư vấn và hỗ trợ sinh viên phát huy tối đa khả năng học tập, lựa chọn học phần để đáp ứng mục tiêu tốt nghiệp và kĩ năng tìm được việc làm thích hợp, theo dõi thành tích học tập của sinh viên nhằm giúp sinh viên điều chỉnh kịp thời hoặc đưa ra một lựa chọn đúng đắn trong quá trình học tập, quản lí, hướng dẫn, chỉ đạo lớp được phân công phụ trách, đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của sinh viên” (Nguyễn Văn Vân, 2009)
Từ các quan niệm trên, theo chúng tôi: Cố vấn học tập là một chức danh do Nhà trường quy định. Cố vấn học tập là người phụ trách quản lý một hay nhiều lớp, sinh viên với các nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên trong vấn đề học tập và rèn luyện tại trường nhằm đảm bảo nghĩa vụ và quyền lợi của sinh viên được thực hiện đầy đủ, giúp cho quá trình cá nhân hóa của sinh viên được diễn ra một cách tốt nhất và nghiêm túc góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo và uy tín của Nhà trường.
1.2.3. Khái niệm quản lý công tác cố vấn học tập
Từ khái niệm quản lý và cố vấn học tập đã được đề cập bên trên thì có thể hiểu quản lý công tác cố vấn học tập là một hoạt động quản lý được thực hiện ở giáo dục bậc đại học, cũng bao gồm các chức năng của quản lý như: lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra nhằm thực hiện mục tiêu là hỗ trợ và tư vấn cho sinh viên trong thời gian học tập tại trường. Do đó, Quản lý công tác cố vấn học tập sẽ bao gồm: quản lý nội dung, kế hoạch cho công tác cố vấn học tập; quản lý thực hiện việc phân công các nhiệm vụ cho CVHT, cần cân đối đầu việc đối với CVHT kiêm nhiệm đang thực hiện 02 nhiệm vụ, và nhiệm vụ chuyên sâu đối với CVHT chuyên trách,…; quản lý công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của CVHT đảm bảo tính khách quan và toàn diện; quản lý công tác cải tiến những hạn chế còn tồn động, đề ra các giải pháp để hướng tới việc phát triển liên tục và bền vững.
Từ đó, theo tác giả: Quản lý công tác cố vấn học tập ở trường đại học là
những tác động có kế hoạch, mục đích rõ ràng đến công tác cố vấn học tập và các đối tượng liên quan nhằm phát huy có hiệu quả các lợi ích đến sinh viên, giúp sinh viên hiểu rõ các nội dung liên quan như quy chế, chương trình đào tạo, kỹ năng, phương pháp học tập,… Từ đó có thể xây dựng kế hoạch học tập cá nhân phù hợp với năng lực và hạn chế những rủi ro trong quá trình học tập, nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín của Nhà trường.